Sơn nhân và những cuộc săn "lộc rừng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mỗi chuyến đi rừng của nhóm sơn nhân bắt đầu từ sớm tinh mơ, khi sương muối đang phủ trắng nóc nhà, ứ đọng trong các nụ hoa.

Hành trang của sơn nhân là một chai nước nhỏ, một ống cơm trắng, vài miếng cá khô cùng dao, liềm. Họ luồn rừng tìm kiếm "lộc" thiên nhiên mải miết, bền bỉ xuyên suốt mùa mưa.

1. Những ngày mưa bão dầm dề trên xứ sương mù, chúng tôi tình cờ gặp được những sơn nhân lầm lũi ngồi bó gối ở một góc chợ Đà Lạt bán "chiến lợi phẩm" của rừng. Những củ nấm ngọc cẩu, sâm linh chi, hồng đảng sâm... còn vương đất đỏ, nằm lọt thỏm trong chiếc giỏ cũ kỹ.

 

Nhiều người đã tự mang
Nhiều người đã tự mang "chiến lợi phẩm" của mình kiếm được đi bán rong.

Kơ Să Hai (25 tuổi, Lạc Dương, Lâm Đồng) nở nụ cười nhuộm đặc gió sương trên đôi môi thâm xì, mốc meo chào khách du lịch. Kơ Să Hai làm nghề tìm sâm được ba năm, cũng thuộc hàng có đẳng cấp giới sơn nhân trong vùng. Kơ Să Hai cho biết, nghề tuy vất vả nhưng tự do, được thỏa mãn chí trai trong các cánh rừng và điều quan trọng là kiếm tiền đủ sống qua ngày.

Nhóm thợ đào sâm của Kơ Să Hai là những chàng trai từng kinh qua công việc nương rẫy, bốc vác nên ai cũng vạm vỡ, lực điền, đủ sức khỏe đi xuyên rừng vài ngày.

Thời gian đầu, cứ kiếm được nấm, sâm mang ra tới bìa rừng là cánh lái buôn tranh nhau thu gom bằng hết. Họ trả bao nhiêu các chàng trai cũng gật đầu, lòng vui sướng vì bán được hàng gọn lẹ.

Sau này ra chợ, thấy có vài người bán sâm, Kơ Să Hai hỏi giá thì biết được gấp hai ba lần giá mà nhóm của cậu đã bán ở bìa rừng. Nghĩ tiếc công sức lao động lại giận cánh lái buôn đầu nậu hớt tay trên, Kơ Să Hai bàn với các bạn sẽ mang sâm từ rừng về hẳn chợ ngồi bán. Quả thật, ngay tại chợ, sâm của họ đã được các đại lý tranh nhau mua, với giá cả rất cạnh tranh.

 

"Lộc rừng" sau những ngày lăn lộn đào bới.
"Lộc rừng" sau những ngày lăn lộn đào bới.

Nhìn những củ sâm khá đẹp, lại nhìn bàn tay mốc thếch, cáu bẩn của Kơ Să Hai dễ dàng nhận ra nỗi cực nhọc của những người đi kiếm ăn từ rừng. Kơ Să Hai cười, cho biết: "Em vừa trong rừng về được mấy tiếng, chạy thẳng ra chợ bán hàng xong mới về nhà. Hai ngày rồi chưa tắm rửa nên người dơ lắm".

Trong lúc chờ người đến mua sâm, cậu kể cho chúng tôi nghe rất nhiều chuyện ở rừng. Kơ Să Hai bộc bạch: "Thật ra đây không phải là cái nghề, mà chỉ là công việc kiếm ăn theo thời vụ. Vì sâm, nấm hay các loại thảo dược chỉ phát triển, sinh sôi vào mùa mưa. Loại nào cũng có mùa của nó, nên con người cũng chỉ bám vào mùa mà đi tìm. Hết mùa thì thôi".

Công việc tìm sâm đến với Kơ Să Hai rất tình cờ. Cậu chưa bao giờ nghĩ sẽ có một ngày mình kiếm sống dựa vào những củ sâm của rừng xanh như bây giờ, cho đến thời điểm cà phê rớt giá thê thảm.

Nhà Kơ Să Hai có 5 sào cà phê, nếu như giá ổn định, thì mỗi năm gia đình cũng thu về khoảng 50 triệu đồng, cộng với mấy sào lúa nữa thì cuộc sống tạm no. Khi giá cà phê xuống thấp, thu nhập không đủ trang trải tiền đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, bố mẹ Kơ Să Hai đã phải bỏ rẫy đi làm thuê cho các chủ vựa hoa ở TP. Đà Lạt.

Kơ Să Hai cũng theo mẹ đi làm, mỗi ngày được hơn một trăm ngàn. Tiền kiếm được vừa ráo mồ hôi thì hết nhưng không làm thì "treo miệng" nên quanh năm gia đình bần nông này phải "cày bừa" thêm mới có cái ăn.

Một lần theo bạn đi rừng tìm mật ong, Kơ Să Hai phát hiện ra một bãi đẳng sâm, cậu thích thú đào về cho bố ngâm rượu nhưng vừa ra khỏi rừng  thì lái buôn lao tới hỏi mua. Thấy tiền ham quá, cậu bán luôn và tự nhủ ngày mai sẽ vào rừng hái củ khác bù lại cho bố.

Hôm sau lại có người hỏi mua, Kơ Să Hai không cưỡng nổi sự cám dỗ của đồng tiền nên bán hết. Về kể cho bố nghe, ông ới lên rõ to: "Ngày mai dẫn tao vào rừng tìm nó về bán kiếm tiền". Vậy là hai cha con Kơ Să Hai trở thành sơn nhân.

 

Nấm ngọc cẩu là một trong những vị thuốc được nhiều người săn lùng.
Nấm ngọc cẩu là một trong những vị thuốc được nhiều người săn lùng.

Những chàng trai như Kơ Să Hai không còn xa lạ gì với cánh rừng xanh thâm u, vời vợi phía sau ngôi nhà sàn của mình. Ngày tóc còn để chỏm, cậu thường theo bố mẹ lên rừng đốn củi, hái rau, hái nấm.

Có khi ngủ lại vài ngày trong rừng, ăn đói mặc rách, nếm trải muỗi vắt là chuyện bình thường. Ngày trở thành "thợ săn" sâm, hai cha con Kơ Să Hai như hổ được trở về với rừng, thỏa sức vẫy vùng ở khắp các khu rừng, các thung lũng thăm thẳm, hoang dã của Lạc Dương, Đơn Dương (Lâm Đồng).

Mấy năm về trước ở Lạc Dương, xung quanh những đồi thông còn nhiều nấm ngọc cẩu và nấm linh chi, sau vài năm khai thác du lịch cộng thêm việc nhiều người đi tìm nên đã cạn kiệt. Bây giờ, muốn có sâm lâu năm, quý, bán giá cao phải vào tận rừng Đơn Dương, cách TP. Đà Lạt mấy chục cây số. Khi nào tới Đơn Dương, Kơ Să Hai lại có người bạn Kon Sơ Tuân Ha ở xã Pró đi cùng.

Tuân Ha là "thổ địa" ở Đơn Dương, có cha làm nghề bốc thuốc gia truyền. Vì trong các loại thuốc luôn có những cây thảo dược và sâm nên Tuân Ha thường xuyên phải đi rừng tìm kiếm. 27 tuổi, cậu đã có thâm niên 15 năm lăn xả rừng rú. Với Tuân Ha, những chuyến đi rừng đã trở thành một phần cuộc sống của cậu. Nhờ có người bạn đi rừng tuyệt vời như vậy bố mẹ Kơ Să Hai rất yên tâm khi thả con mình "bay" vào rừng xanh xa tít tắp.

2.Những bất trắc của thiên nhiên luôn bí ẩn và khó lường. Kơ Să Hai kể, đã hơn một lần cậu suýt chết trong rừng. Đó là một ngày mưa của tháng 10 năm 2015. Khi cậu và Tuân Ha đang miệt mài đào một củ đẳng sâm to mọc sâu trong gốc cây cổ thụ thì bất ngờ từ trên ngọn cây con rắn độc nhào xuống vắt ngang cổ, chưa kịp trở tay thì nó đã ngoạm một cái vào vai của Kơ Să Hai.

Quá bất ngờ, hoảng loạng, cậu thét thật to rồi giãy giụa, lăn lóc ra đất. Rất nhanh, Tuân Ha dùng dao hạ thủ rắn để cứu bạn, nhưng trước khi lìa thân, rắn đã kịp để lại hai vết răng sâu hoắm cùng dòng máu độc thâm xì nhanh chóng lan tỏa trên vùng vai của Kơ Să Hai.

Mưa xối xả, gió rít lạnh căm giữa cánh rừng già u ám, mặt Kơ Să Hai tím thâm không còn giọt máu, nằm bất động. Vốn có kiến thức về các loại thuốc thảo dược, Tuân Ha nhanh chóng tìm loại lá cây có sẵn trong rừng, băm nát ra rồi đắp vào vết thương cho bạn. Thật kỳ diệu, loại lá đắp đến đâu là hút máu đến đó, cơ thể Kơ Să Hai dần cử động được.

Sau đó, cả hai dìu nhau ra khỏi rừng tìm đường về nhà. Bố Tuân Ha là một thầy lang có nhiều kinh nghiệm trong việc chữa rắn độc cắn, kết hợp với đắp lá và uống thuốc, chỉ vài ngày sau Kơ Să Hai đã bình phục, da dẻ lại hồng hào và hai tuần thì khỏi hẳn, lại đi rừng bình thường.

Kể đến đó, mặt Kơ Să Hai bỗng rực lên, cậu bảo: "Từ ngày bị rắn cắn được chữa khỏi, tự nhiên em lại "máu" đi rừng hơn, vì đã biết cách chế ngự được một mối nguy thường trực trong rừng".

"Vậy ngoài rắn ra thì còn mối nguy nào nữa?" - Chúng tôi hỏi. Kơ Să Hai trả lời tỉnh bơ: "Bị cây đâm, bị dao chém là chuyện thường". Nói rồi, cậu vén bắp đùi ra, chỉ cho chúng tôi xem một vết sẹo dài cả gang tay, rộng tầm 2cm. Kơ Să Hai cho biết: "Đây là lần em ngã từ trên đỉnh dốc xuống khe suối bị một gốc cây khô đâm vào, máu chảy ướt hết chiếc quần, tràn ra cả đất. Sau đó em tự băng bó, rồi gọi cho bố đến đón về. Do không được khâu vá nên giờ sẹo nó "há miệng" ra vậy đó".

Đó là sẹo to, còn sẹo nhỏ thì chằng chéo trên khắp cơ thể cậu sơn nhân này. Nghề gì cũng có giá của nó, nhưng đã quen thì cảm thấy bình thường. Kơ Să Hai nói như vậy và trên khuôn mặt của cậu, chúng tôi thấy chỉ có niềm vui với những củ sâm vàng rụm, tươi rói còn nguyên mùi nhựa rừng. Nó sẽ là bát gạo, cân thịt và cả những bộ quần áo mới cho bố mẹ, những đứa em của Kơ Să Hai.

 

Cuộc mưu sinh của các sơn nhân với những đặc sản từ rừng.
Cuộc mưu sinh của các sơn nhân với những đặc sản từ rừng.

3.Tại một khu chợ nhỏ gần chân núi Langbiang, chúng tôi nhìn thấy trong đôi mắt thẳm sâu của người đàn bà tên K'Ra Jan, hằn rõ lam lũ, khổ cực. Bà là một trong số ít phụ nữ dấn thân vào chốn rừng thiêng nước độc đào sâm.

Ngày còn trẻ, bà làm rẫy cà phê rồi trồng rau, nuôi bò. Sau khi cưới được chồng, đẻ bốn đứa con thì bỏ hẳn mấy nghề đó để đi buôn hàng thổ cẩm dưới chân Langbiang. Được vài tháng ế ẩm quá, thâm hụt vốn liếng, bà bỏ nghề, gác ước mơ thương nhân.

Theo chân một vài phụ nữ khác, bà vào rừng tìm sâm. Ngày mưa, đường lên núi trơn như đổ mỡ, côn trùng, muỗi vắt bủa vây khắp người. Chị em đi đào sâm phải mặc áo mưa, đeo găng tay, mang ủng, nói chung là bảo hộ đến tận răng nhưng cũng không thấm vào đâu so với sức tấn công mạnh mẽ, dày đặc của muỗi rừng.

K'Ra Jan bảo rằng, cứ quăng mình vào đó, lâu ngày da thịt chai đi rồi cũng "lờn" với chúng. Không được khỏe chân, tinh mắt như cánh thanh niên, bà tần tảo đào bới ở ven bờ rừng, kiếm những củ sâm nhỏ, những tai nấm linh chi bé.

Bà không bán cho bất cứ một lái buôn nào mà tự mình mang ra chợ nhỏ, cạnh con đường dẫn vào khu du lịch Langbiang. Bà cứ ngồi đó, không có khiếu mời chào, ai thích thì hỏi giá rồi được thì mua. Ấy vậy mà ngày nào bà cũng bán hết veo gùi sâm và mấy ký rễ cây thuốc, kiếm được vài trăm ngàn.

Chia tay những sơn nhân trong bóng chiều loang đổ, chúng tôi mua được vài củ sâm do chính bàn tay gân guốc, khô cằn của họ đào bới mang về thành phố làm quà, mà cảm nhận rõ từng hạt mồ hôi mặn chát còn vương đọng trong từng món hàng.

Ngọc Thiện (CSTC)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.