Sôi nổi ngày học “khai xuân”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 19-2, các em học sinh trong toàn tỉnh Gia Lai đã đồng loạt đến lớp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhiều hoạt động “khai xuân” thú vị đã được giáo viên chủ động tổ chức nhằm đem đến không khí vui tươi, sôi nổi cho các em trong ngày đầu tiên trở lại trường.

Ngay từ sáng sớm, tất cả giáo viên của Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương, TP. Pleiku) đã có mặt tại trường, chờ đón trẻ trong tâm trạng vui tươi, phấn khởi. Theo Hiệu trưởng Trần Thị Thủy, trước đó, toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên đã tập trung tổng dọn vệ sinh khuôn viên sân trường, lớp học, dụng cụ nhà bếp, đồ dùng, đồ chơi; đồng thời, xây dựng thực đơn với khẩu phần ăn hợp lý, đảm bảo dinh dưỡng theo mùa để sẵn sàng đón trẻ tựu trường sau 2 tuần nghỉ Tết.

“Ngày 19-2, tỷ lệ trẻ đi học chiếm 85% học sinh toàn trường. Trong buổi học “khai xuân”, nhà trường khuyến khích các cô tổ chức hoạt động vui chơi, trải nghiệm nhằm tạo cho trẻ tâm lý thoải mái, thích nghi trở lại với việc đến trường sau chuỗi ngày nghỉ dài. Năm nay, sau giờ tập thể dục buổi sáng, trẻ về lại từng lớp để tham gia các trò chơi dân gian như: kéo co, tập tầm vông, chèo thuyền, bánh xe thần tốc, bịt mắt bắt dê, vòng quay may mắn… Bé nào cũng chơi rất vui vẻ và hứng khởi”-cô Thủy cho hay.

Trong buổi học “khai xuân”, Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương, TP. Pleiku) tổ chức các trò chơi dân gian nhằm giúp trẻ thích thú với việc trở lại trường. Ảnh: M.T

Trong buổi học “khai xuân”, Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương, TP. Pleiku) tổ chức các trò chơi dân gian nhằm giúp trẻ thích thú với việc trở lại trường. Ảnh: M.T

Vừa hướng dẫn các bé lớp chồi 1 chơi trò tập tầm vông, cô giáo Lê Thị Hoài Linh chia sẻ: Trong ngày đầu tiên đến lớp sau kỳ nghỉ Tết, chúng tôi chủ yếu cho trẻ chơi là chính để trẻ hòa nhập trở lại với môi trường học tập. Đối với trẻ 4-5 tuổi, tôi chọn tổ chức cho trẻ vừa hát vừa chơi trò tập tầm vông. Không chỉ tạo không khí vui vẻ, gắn kết mà trò chơi dân gian này còn giúp các bé phát triển tư duy phán đoán. Sau khi tập thể lớp chơi cùng cô giáo, tôi bắt đầu chia các bé thành từng nhóm nhỏ rồi thành từng cặp đôi để các bé tự chơi với nhau. Trẻ tỏ ra rất thích thú. Buổi chiều, tôi tạo không gian để trẻ được trò chuyện, thỏa thích chia sẻ những kỷ niệm vui trong kỳ nghỉ Tết. Qua đây, tôi mong muốn tạo dựng lại trong các bé niềm yêu thích đến trường; tránh tình trạng khóc nhè, đòi về với ba mẹ như những năm trước.

Phấn khởi sau khi chiến thắng trò chơi bánh xe thần tốc trước đội bạn, bé Dương Lê Trà My (5 tuổi) vui vẻ nói: “Hôm nay đi học, con được gặp lại cô và các bạn. Con còn được vẽ tranh và chơi nhiều trò chơi dân gian nữa nên rất vui”.

Tương tự, một số giáo viên của Trường THCS Nguyễn Du (phường Ia Kring, TP. Pleiku) cũng sáng tạo nhiều nội dung “khai xuân” hấp dẫn, được học sinh nhiệt tình hưởng ứng. Không kiểm tra bài cũ hay bài tập về nhà, buổi học đầu tiên của năm mới Giáp Thìn 2024 của các em học sinh lớp 6/3 bắt đầu bằng những tiếng cười giòn giã. Cô giáo chủ nhiệm Hà Thị Lệ Hiền đi từng bàn, trao tận tay học trò phong bao lì xì may mắn kèm lời nhắn nhủ cố gắng trong thời gian còn lại của năm học.

Học sinh lớp 6/3, Trường THCS Nguyễn Du (phường Ia Kring, TP. Pleiku) vui vẻ nhận sách và phong bao lì xì năm mới từ cô giáo chủ nhiệm. Ảnh: Mộc Trà

Học sinh lớp 6/3, Trường THCS Nguyễn Du (phường Ia Kring, TP. Pleiku) vui vẻ nhận sách và phong bao lì xì năm mới từ cô giáo chủ nhiệm. Ảnh: Mộc Trà

Năm nào cũng vậy, tranh thủ 15 phút sinh hoạt đầu giờ, cô Hiền đều tổ chức gặp mặt đầu năm với tất cả học sinh lớp mình chủ nhiệm. Năm nay, bên cạnh thăm hỏi tình hình của học trò trong những ngày nghỉ Tết, cô Hiền còn tổ chức cho cả lớp tham gia trò chơi có thưởng đầu xuân với tên gọi “Thả thơ Tết”. Theo đó, học sinh được lựa chọn 1 hộp quà bất kỳ có chứa lời thơ chúc Tết còn khuyết và nhiệm vụ của các em là điền từ còn thiếu chính xác để hoàn thiện bài thơ. Em nào trả lời đúng sẽ nhận được phần thưởng là 1 phong bao lì xì đầu xuân từ cô giáo.

Với lợi thế là giáo viên Tin học, trò chơi đầu xuân này được cô Hiền dành thời gian thiết kế sinh động, lồng ghép âm thanh vui nhộn cùng hình ảnh bắt mắt. Cô cũng sử dụng ti vi để trình chiếu nội dung trò chơi trong suốt quá trình diễn ra, giúp học sinh có thể nắm bắt và tham gia một cách dễ dàng. Khi mỗi câu hỏi được mở ra, không khí lớp học lại trở nên sôi nổi với nhiều cánh tay giơ lên để giành phần trả lời. Dù trả lời đúng hay chưa hoàn chỉnh, các em đều nhận được phần thưởng từ cô giáo và cả lớp với 1 phong bao lì xì cùng những tràng vỗ tay động viên.

Ngoài ra, trong 15 phút gặp mặt đầu buổi học, cô Hiền cũng dành thời gian để lắng nghe học sinh chia sẻ về những trải nghiệm thú vị của bản thân trong kỳ nghỉ Tết; lì xì năm mới cho cả lớp và không quên chúc các trò có một học kỳ II thành công. Đặc biệt, cô Hiền còn đặt mua bộ sách kỹ năng sống và tỉ mẩn ghi từng lời gửi gắm yêu thương, ký tên vào sách để tặng cho tất cả học sinh.

Những món quà dễ thương được cô Hà Thị Lệ Hiền-giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (phường Ia Kring, TP. Pleiku) chuẩn bị để tặng học sinh trong buổi học "khai xuân". Ảnh: Mộc Trà

Những món quà dễ thương được cô Hà Thị Lệ Hiền-giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (phường Ia Kring, TP. Pleiku) chuẩn bị để tặng học sinh trong buổi học "khai xuân". Ảnh: Mộc Trà

“Sách là kho tàng tri thức vô giá. Do đó, thông qua việc tặng sách, tôi muốn khuyến khích học trò đọc sách nhiều hơn để làm giàu tri thức cho bản thân, tích lũy được những kỹ năng sống cần thiết và có thể trở thành những người có ích cho xã hội. Tùy theo mỗi năm, tôi sẽ lựa chọn 1 hình thức “khai xuân” khác nhau, song mục tiêu hướng đến vẫn là giúp học sinh có được tâm thế vui tươi, phấn khởi để khởi động trở lại việc học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán”-cô Hiền thông tin thêm.

Đón nhận món quà đầu năm từ cô giáo chủ nhiệm, em Chu Ngọc Phúc An bày tỏ: “Mặc dù đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết dài song em không hề cảm thấy uể oải mà vô cùng hứng thú. Cô giáo chủ nhiệm đã giúp chúng em có thật nhiều năng lượng để khởi động buổi học đầu tiên trong năm con rồng. Em rất vui, xúc động khi được cô tặng sách và phong bao mừng tuổi đầu năm. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để đạt được kết quả cao trong năm học này”.

Một số cơ sở giáo dục khác trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức “khai xuân” bằng việc hưởng ứng Tết trồng cây, trang trí góc xanh nơi hành lang, lớp học nhằm hình thành ý thức trồng cây xanh, bảo vệ môi trường sinh thái trong mỗi học sinh. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên các trường cũng không quên lồng ghép công tác ôn tập kiến thức cũ cho học sinh; đặc biệt, không quên lưu ý các em tránh xa tâm lý “xả hơi” mà phải nhanh chóng bắt nhịp ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để có thể đạt được kết quả học tập tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm

"Bữa sáng yêu thương" do Đoàn phường Cheo Reo triển khai đã giúp các em học sinh nghèo thêm yêu trường, mến lớp, đi học chuyên cần. Ảnh: V.C

Mang "Bữa sáng yêu thương" đến với học sinh nghèo

(GLO)- Những “Bữa sáng yêu thương” do tuổi trẻ phường Cheo Reo (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) triển khai tại 2 điểm lẻ của Trường Mầm non Hoa Hồng đã và đang lan tỏa tình yêu thương, giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, tiếp tục gắn bó với trường lớp.

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều trường học có cổng ra vào nằm cạnh đường quốc lộ và tỉnh lộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần triển khai các giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh.

Cô giáo Huỳnh Thị Cẩm Hồng: Kiên trì "ươm mầm" tri thức ở vùng khó

Cô giáo Huỳnh Thị Cẩm Hồng: Kiên trì "ươm mầm" tri thức ở vùng khó

(GLO)- Suốt 7 năm công tác tại điểm trường làng Châu (Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến, xã Chư Krêy, huyện Kông Chro), cô Huỳnh Thị Cẩm Hồng luôn vượt khó kiên trì bám lớp. Càng thương học trò, cô càng quyết tâm "ươm mầm" tri thức, giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn.

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.