Sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường: Cần đổi mới và thực chất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường là hoạt động thiết thực nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy học. Song để hoạt động này phát huy hiệu quả, các trường cần đổi mới và đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt.
Cụm sinh hoạt chuyên môn số 8 gồm các trường: THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku), THPT A Sanh, THPT Phạm Văn Đồng, THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) vừa tổ chức sinh hoạt chuyên môn lần thứ 2 trong năm học 2020-2021. Đợt sinh hoạt này được tổ chức tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng với các môn: Ngữ văn, Địa lý, Anh văn, Lịch sử.
Nói về hiệu quả của sinh hoạt chuyên môn cụm, cô Đỗ Thị Minh Thư-Tổ trưởng tổ Ngữ văn (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) chia sẻ: “Đây là dịp để các trường trao đổi, học hỏi nhau về chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy. Đợt này, cùng với việc triển khai tập huấn các mô đun của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi đã mạnh dạn áp dụng một vài phương pháp dạy học mới vào bài dạy và thu được kết quả khả quan”. Cô Võ Thị Anh-Tổ trưởng tổ Ngữ văn (Trường THPT Phạm Văn Đồng) cũng đồng quan điểm: “Qua tham dự và phân tích 1 giờ thao giảng trong sinh hoạt chuyên môn cụm, tôi cùng đồng nghiệp rút ra được nhiều kinh nghiệm bổ ích, thiết thực hơn nhiều so với việc chỉ tập huấn lý thuyết đơn thuần”.
Từ năm học 2014-2015, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai sinh hoạt chuyên môn cụm cho các trường THPT trên toàn tỉnh. Từ sinh hoạt chuyên môn nội bộ trong từng trường, nay mở rộng thành nhiều trường cùng tập trung trao đổi thảo luận các vấn đề về công tác chuyên môn; từ đó chia sẻ, học tập lẫn nhau nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn. Các hình thức sinh hoạt cơ bản là: dự giờ thao giảng, tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi, kinh nghiệm chống điểm liệt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, làm đề cương chung, liên kết tạo ngân hàng đề…
Qua một quá trình liên tục tích lũy, các trường trong mỗi cụm chuyên môn đã xây dựng cho mình được những bộ đề cương ôn thi quốc gia chất lượng, ngân hàng đề cũng dày dặn lên từng năm, kinh nghiệm tổ chức các hoạt động học tập, kinh nghiệm ôn thi cho học sinh trong các kỳ thi cũng được bổ sung liên tục.
Một tiết thao giảng trong đợt sinh hoạt chuyên môn cụm trường số 8. Ảnh: Hoàng Nguyên
Một tiết thao giảng trong đợt sinh hoạt chuyên môn cụm trường số 8. Ảnh: Hoàng Nguyên

Tuy vậy, qua thực tế cho thấy, hình thức sinh hoạt chuyên môn cụm có nguy cơ trở thành hình thức, đi vào lối mòn. Mặc dù luân phiên địa điểm sinh hoạt, song cách thức triển khai chưa có nhiều thay đổi, thậm chí lặp đi lặp lại. Do áp lực đồng nghiệp ở nhiều trường về dự, giáo viên dạy thường chọn các lớp khá giỏi để thao giảng nên các hoạt động dạy-học còn mang tính biểu diễn là chính. Tổ chức các hình thức ngoại khóa cần sự tham gia của học sinh nhiều trường trong cụm lại nảy sinh thêm vấn đề kinh phí ăn uống, di chuyển… Theo đó, nảy sinh tâm lý làm để đối phó hoặc sinh hoạt chuyên môn cụm chủ yếu là dịp để gặp gỡ, giao lưu là chính, chuyên môn trở thành thứ yếu, thiếu sự đầu tư thực sự dẫn đến chất lượng sinh hoạt không còn được như thời gian đầu triển khai.

Vấn đề đặt ra hiện nay là việc sinh hoạt chuyên môn cụm có cần duy trì nữa hay không và duy trì như thế nào để phát huy hiệu quả. Đây cũng là vấn đề khiến nhiều giáo viên trăn trở. Cô Lê Thị Hồng Sáu-Tổ trưởng tổ Ngữ văn (Trường THPT Phan Bội Châu) cho rằng: “Cần đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt chuyên môn cụm, không chỉ dự giờ thao giảng, tổ chức hội thảo, mà có thể mở rộng giao lưu văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao để thắt chặt tình đoàn kết, tạo thêm niềm vui trong công tác, trong học tập cho các thầy-cô giáo và các em học sinh. Đồng thời, cần chọn những nội dung cụ thể, thiết thực để sinh hoạt nhằm thúc đẩy hoạt động sinh hoạt chuyên môn đi vào chiều sâu”.  
Cũng theo cô Lê Thị Hồng Sáu, có thể giao cho mỗi cụm trường một chủ đề sinh hoạt trong năm học. Việc sinh hoạt chuyên môn cụm cũng không cần tổ chức quá nhiều lần trong một năm, mà mỗi năm, 1 trường trong cụm sẽ đóng vai trò chủ nhà làm địa điểm tổ chức các sinh hoạt chung. Hoạt động nào đã sinh hoạt cụm rồi thì cắt giảm ở trường để giảm tải cho giáo viên. Mỗi thầy cô cũng cần phát huy hơn nữa tinh thần nhiệt tình, lòng yêu nghề, trách nhiệm với công việc thì sinh hoạt chuyên môn cụm mới trở thành một hoạt động hiệu quả thực sự, là một giải pháp nâng cao chất lượng chuyên môn.  
HOÀNG NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Dù đã về hưu nhưng bà Siu H’Prưng vẫn lưu giữ bằng khen do Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng như một kỷ vật trong quãng đời làm nhà giáo. Ảnh: Vũ Chi

Nhà giáo về hưu: Vẫn một tình yêu da diết với nghề

(GLO)- Dù đã về hưu nhưng tình cảm với trường lớp, với học trò vẫn mãi trong tim các thầy, cô giáo. Lắng nghe chuyện nghề của các nhà giáo đã về hưu tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) giúp ta hiểu thêm về những hy sinh thầm lặng của các thầy cô với sự nghiệp “trồng người”.