Siết chặt kỷ cương, nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 12-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18-7-2017 (Nghị định 83) của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy (PCCC). Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.

Dự tại điểm cầu Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Quảng cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Anh
Quảng cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Anh

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: Thời gian qua, tình hình cháy, nổ trên cả nước diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt liên tiếp xảy ra các vụ cháy tại cơ sở kinh doanh karaoke làm hàng chục người thiệt mạng. Những vụ việc nghiêm trọng trên đặt ra yêu cầu cảnh báo tình hình rất khẩn cấp, đòi hỏi phải có tư duy, cách tiếp cận mới về công tác phòng cháy, chữa cháy, ứng phó các sự cố xảy ra để bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản cho người dân.

Có thể khẳng định, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết hiện nay khi mà nền kinh tế-xã hội của nước ta đang trong quá trình phát triển; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhà ở và các công trình cao tầng ngày càng nhiều, hoạt động lao động sản xuất, kinh doanh gia tăng; nhu cầu sử dụng năng lượng, hóa chất lớn nên dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ, sự cố, tai nạn... Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC, kỹ năng xử lý, ứng phó khi có sự cố của người dân chưa cao.

Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật và hoạt động quản lý nhà nước về PCCC-CNCH của nhiều địa phương, đơn vị còn hạn chế. Công tác quy hoạch đô thị, hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập nên công tác chữa cháy, CNCH khi xảy ra sự cố còn gặp nhiều khó khăn. "Hội nghị hôm nay có ý nghĩa thiết thực, cấp thiết, tôi mong muốn sau hội nghị này cần có sự chuyển biến tích cực, thực chất trong công tác PCCC-CNCH trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, phải đưa ra được những phương án phù hợp để công tác lãnh đạo, chỉ đạo được xuyên suốt, toàn diện, tổng thể từ trung ương đến địa phương. Hội nghị cần tập trung đánh giá những kết quả đạt được, đặc biệt là những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc và chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những hạn chế. Trên cơ sở đó, chúng ta rút ra các bài học kinh nghiệm để hoạch định chính sách, pháp luật, phương án tổ chức thực hiện công tác PCCC-CNCH hiệu quả hơn"-Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Công an tại hội nghị, trong 5 năm qua, trên toàn quốc xảy ra 17.204 vụ cháy, nổ, làm 497 người chết, 980 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 7.000 tỷ đồng. Riêng trong 8 tháng của năm 2022, toàn quốc xảy ra 1.146 vụ cháy, nổ, làm 64 người chết và làm 63 người bị thương, ước tính thiệt hại tài sản hơn 500 tỷ đồng.

Cũng trong 5 năm qua, triển khai nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ (CNCH) theo Nghị định 83, lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH đã điều động hơn 235 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ và hơn 30 ngàn lượt phương tiện tham gia tổ chức CNCH đối với 17.938 vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn; trực tiếp cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn cho hàng chục ngàn người và tìm được 3.350 thi thể nạn nhân.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC-CNCH đối với hơn 2,6 triệu lượt cơ sở, phát hiện hơn 1,1 triệu tồn tại, thiếu sót, xử phạt hơn 49 ngàn trường hợp với số tiền 520 tỷ đồng. Ngoài ra, xác định công tác PCCC-CNCH là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của lực lượng Công an, giai đoạn 2017-2022, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã ban hành hàng trăm văn bản, tài liệu nghiệp vụ để hướng dẫn, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH tổ chức thực hiện theo yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ Công an, công tác PCCC-CNCH vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: vai trò, trách nhiệm của một số bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện Nghị định 83 của Chính phủ còn hạn chế khi cả nước chỉ có 43 bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác CNCH còn chưa đầy đủ, bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra về PCCC-CNCH của một số bộ, ngành, địa phương chưa thường xuyên, liên tục và còn nặng tính hình thức. Công tác xây dựng và phát triển lực lượng phòng cháy tại chỗ ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức; công tác đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác PCCC-CNCH còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ·…

Tại Gia Lai, từ tháng 8-2017 đến tháng 3-2022 xảy ra 212 vụ sự cố, tai nạn (theo các tình huống cơ bản quy định tại khoản 1, Điều 5, Nghị định số 83), làm 75 người chết, 27 người bị thương. Cụ thể: sự cố, tai nạn cháy 138 vụ; sự cố, tai nạn nổ 16 vụ; sự cố, tai nạn sập, đổ nhà, công trình 1 vụ; sự cố, tai nạn có người bị mắc kẹt trên cao, dưới sâu, trong thiết bị 12 vụ và sự cố, tai nạn giao thông đường bộ 7 vụ. Tai nạn đuối nước tại sông, suối, thác nước, hồ, ao, giếng nước, hố sâu có nước, bãi tắm là 34 vụ và ngập do lũ lụt, phải di dời 4 vụ.

Diễn tập PCCC tại các đơn vị kinh doanh xăng dầu. Ảnh: Lê Anh
Diễn tập PCCC tại các đơn vị kinh doanh xăng dầu. Ảnh: Lê Anh

Cũng trong 5 năm qua, UBND tỉnh thường xuyên quán triệt các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác CNCH, nhất là thực hiện hiệu quả Nghị định số 83 của Chính phủ; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác PCCC-CNCH phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương. Hàng năm, ban hành kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, phòng-chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự trên địa bàn tỉnh; kế hoạch phòng thủ dân sự về ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu-cụm công nghiệp, khu dân cư…

Thành lập và kiện toàn Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT và TKCN) tỉnh và cấp huyện. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo bố trí ngân sách cho phát triển nguồn lực, xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện, bố trí kinh phí đầu tư thực hiện các dự án trang bị cơ sở vật chất, phương tiện cho lực lượng PCCC. Đối với lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH, UBND tỉnh đã cấp kinh phí trang bị xe chữa cháy và phương tiện chữa cháy, CNCH 96,6 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh hoàn thiện kế hoạch cấp kinh phí, trang bị phương tiện chữa cháy, CNCH, xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH chính quy, tinh nhuệ giai đoạn 2022-2025.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận của đại diện các bộ, ngành và địa phương về ưu điểm và hạn chế, tồn tại trong việc xây dựng hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, trong công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC-CNCH và những đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCC-CNCH. Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm và những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị. Đồng thời, thẳng thắn phê bình nhiều bộ, ngành, địa phương khi không xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị định số 83 của Chính phủ dù đã ban hành cách đây 5 năm.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong thời gian tới, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương cần nhận thức đúng về công tác PCCC-CNCH trong thời kỳ mới. Tập trung hoàn thiện các thể chế, đầu tư đồng bộ trang thiết bị để có thể phòng ngừa cháy, nổ một cách hiệu quả. Kiện toàn lực lượng tham gia PCCC-CNCH tại chỗ.

Ngoài ra, cần phải quán triệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng các kế hoạch chương trình hành động cụ thể, tránh tư tưởng chủ quan. Tiếp tục rà soát hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy trình về PCCC-CNCH phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của đất nước; tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, nhất là kỹ năng phòng-chống cháy, nổ cho người dân; siết chặt kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả, quản lý nhà nước về PCCC-CNCH.

Sau hội nghị này, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tổng kiểm tra, rà soát công tác PCCC, nhất là tại các khu chung cư cao tầng, chợ, các quán karaoke. Xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm liên quan đến cháy, nổ.

                                                                                              LÊ ANH

 

Có thể bạn quan tâm

Chuyện ở chốt 383

Chuyện ở chốt 383

(GLO)- Tuy còn nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng cán bộ, chiến sĩ chốt 383 của Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông) nỗ lực vượt lên để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu vực biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

Công an Gia Lai được Bộ Công an biểu dương

(GLO)- Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong 15 ngày (từ 15 đến 29-12-2024) cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Công an tỉnh Gia Lai vừa vinh dự được Bộ Công an biểu dương.

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

Niềm vui từ chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản”

(GLO)-Chương trình “Xuân Biên phòng-Ấm lòng dân bản” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Gia Lai phối hợp với các đơn vị tổ chức tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ với nhiều hoạt động đầy ý nghĩa đã mang lại niềm vui cho hàng ngàn người dân trên vùng biên giới mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Đại tá Đỗ Hồng Duyên-Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân động viên, giao nhiệm vụ các chiến sĩ ra làm nhiệm vụ tại các Nhà giàn DK1. Q.T

Những chuyến tàu chở tình cảm đất liền đến với lính đảo xa

(GLO)- Sáng ngày đầu năm mới 2025, tại Cảng đoàn 129 (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), 2 tàu vận tải Trường Sa 02 và Trường Sa 21 hú còi bắt đầu hành trình chở hàng hóa, quà Tết đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển, đảo và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.