Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con cần lựa chọn giống chất lượng, rõ nguồn gốc để đảm bảo hiệu quả lâu dài.
Nhộn nhịp mùa bán cây giống
Tại các huyện trồng cà phê trọng điểm như Chư Păh, Đak Đoa, Chư Sê, Chư Prông và TP. Pleiku, các vườn ươm bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm xuất bán cây giống. Sau nhiều năm giá cà phê tăng cao và giữ ổn định, nhu cầu tái canh và mở rộng diện tích ngày càng lớn. Không chỉ người dân trong tỉnh, mà cả thương lái từ Kon Tum, Lào, Campuchia cũng tìm đến đặt mua giống ngay từ đầu vụ ươm.
Ông Nguyễn Thế Minh-Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh)-cho biết: Toàn bộ 400 ngàn cây giống dù chưa đến thời kỳ xuất bán nhưng đã được thương lái, người dân đặt mua hết.
“Là đơn vị có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực ươm cây giống, nhất là giống cây cà phê nên được nông dân trong và ngoài tỉnh tin tưởng, tìm đến đặt hàng. Toàn bộ hạt giống đều cung cấp từ Viện Eakmat Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) với hóa đơn, chứng từ rõ ràng.
Hiện toàn bộ số cà phê giống này (chủ yếu TRS1, TRS4, TRS9) đang sinh trưởng, phát triển tốt, đã được 3 cặp lá và dự kiến sẽ xuất vườn khi đạt 5 cặp lá. Dù nhu cầu tăng cao, giá hạt giống và vật tư đầu vào cũng tăng, nhưng Hợp tác xã đang bán với giá 5-6 ngàn đồng/cây, bằng và cao hơn năm ngoái 1-2 ngàn đồng/cây tùy theo vùng, khu vực”-Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa cho hay.

Tương tự, vườn ươm của Cơ sở cây giống Anh Phúc (thôn 2, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) cũng khá nhộn nhịp nhân công làm cỏ, chăm sóc, bốc cây giống xuất bán. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, năm nay, cơ sở này đã ươm hơn 100 ngàn cây giống cà phê, tăng gấp đôi năm ngoái.
Theo anh Trần Văn Phúc-Chủ cơ sở: Tuy lượng người mua những ngày qua chưa nhiều, chủ yếu là người dân mua về để trồng dặm nhưng anh không quá lo ngại về đầu ra vì phần lớn đã được người dân, thương lái đặt hàng từ đầu vụ ươm.

Gia Lai hiện có khoảng 106 ngàn ha cà phê, trong đó, diện tích đang trong giai đoạn kinh doanh hơn 94 ngàn ha, năng suất bình quân đạt 33,1 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 312 ngàn tấn.
Những năm gần đây, cây cà phê có sự đóng góp quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh khi đã hình thành vùng nguyên liệu tập trung tại các huyện như Đak Đoa, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Mang Yang, Đức Cơ, Chư Sê, Chư Pưh và TP. Pleiku.
Tuy nhiên, với việc giá cà phê tăng cao và giữ ổn định trong vài năm trở lại đây, người dân bắt đầu tập trung đầu tư chăm sóc, tái canh cũng như mở rộng diện tích trồng mới. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mà bài học nhãn tiền từ một số loại cây trồng như hồ tiêu, chanh dây đã từng mang lại.
Siết chặt quản lý chất lượng cây giống
Bên cạnh khuyến cáo người dân không ồ ạt chuyển sang trồng cà phê trên những diện tích đất không phù hợp, thiếu nước tưới, ngành nông nghiệp các địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền người dân sử dụng giống chất lượng vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Đặc biệt, khuyến cáo bà con sử dụng nguồn giống sản xuất, buôn bán tại các vườn ươm trên địa bàn tỉnh được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh.
Ngành nông nghiệp các địa phương thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra toàn bộ cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn. Từ đó, kịp thời ngăn chặn các loại giống không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ, nhãn mác… ngay từ vườn ươm, tránh để người dân trồng giống không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại về tài sản, thời gian, công sức.
Theo ông Phan Văn Phương-Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình (huyện Đak Đoa), cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương với khoảng 1.400 ha (trong đó, người dân xâm canh tại các địa phương lân cận chiếm hơn một nửa diện tích).
Những năm trở lại đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên nhận thức của bà con ngày càng được nâng cao, nhất là trong việc chọn giống cây trồng đảm bảo chất lượng, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Bên cạnh chọn mua giống ở các cơ sở uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhiều hộ còn tự mua hạt giống chất lượng về tự ươm để đảm bảo chuẩn nguồn cũng như thích nghi tốt với điều kiện khí hậu.
Cùng với đó, xã cũng làm tốt công tác phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn.

Còn ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đak Đoa-thông tin: Năm 2025, huyện dự kiến tái canh 300 ha cà phê. Ngoài việc kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống, huyện cũng phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ người dân mua cây giống chất lượng cao với giá ưu đãi.
Cụ thể, Nestlé Việt Nam đã hỗ trợ người dân mua 300 ngàn cây giống được Bộ Nông nghiệp và Môi trường công nhận, thấp hơn giá thị trường 1 ngàn đồng/cây và được hỗ trợ thêm 100 đồng/cây chi phí vận chuyển.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường-cho biết: 2 năm trở lại đây, giá cà phê nhân trên thị trường liên tục tăng cao nên các vườn ươm cũng “sống khỏe”. Riêng năm 2024, toàn tỉnh đã tái canh, ghép cải tạo hơn 1.840 ha, đạt khoảng 76% so với kế hoạch ban đầu là 2.400 ha. Có 4 địa phương đạt và vượt kế hoạch tái canh gồm: Mang Yang, Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ.
Nguyên nhân một số địa phương không đạt kế hoạch là do thời tiết ngày càng khó lường do tác động bởi biến đổi khí hậu, đất bị suy thoái do lạm dụng quá nhiều phân bón, thuốc hóa học…

“Theo kế hoạch, năm 2025, toàn tỉnh tiếp tục tái canh khoảng 2.400 ha cà phê. Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Môi trường thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tái canh và ghép cải tạo sử dụng những giống cà phê mới, năng suất chất lượng cao, kháng sâu bệnh và chịu hạn.
Đồng thời, khuyến cáo nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng khác ít sử dụng nước tưới. Nhân rộng các mô hình trồng cà phê thâm canh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, Organic… Huy động các nguồn lực hỗ trợ nông dân tái canh, ghép cải tạo gắn với xây dựng thương hiệu cà phê Gia Lai.
Đặc biệt, tăng cường kiểm tra chất lượng cây giống, kiên quyết xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất, nhân giống cà phê không đảm bảo chất lượng, không đủ điều kiện, không để người dân sử dụng giống cà phê kém chất lượng”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường nêu giải pháp.