Sĩ quan dự bị Gia Lai trên thao trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 50 học viên lớp sĩ quan dự bị Gia Lai căng mình trong cái nắng trưa oi ả. Sở chỉ huy “địch” trên đỉnh núi Chi Chok như thách thức các hướng bộ đội tấn công chiếm lĩnh cho bằng được. Bài học chiến thuật trung đội bộ binh làm nhiệm vụ đột kích có vẻ khó nhưng ai nấy đều thực hành đúng theo chỉ dẫn của giáo viên, khí thế như một trận đánh thực sự. Những tấm lưng ướt đẫm mồ hôi, làn da sạm nắng càng làm trắng thêm nụ cười rạng rỡ sau vành mũ cứng.
 

 Sĩ quan dự bị Gia Lai trong giờ học chiến thuật. Ảnh: Hồng Vân
Sĩ quan dự bị Gia Lai trong giờ học chiến thuật. Ảnh: Hồng Vân

Phút giải lao dưới bóng cây râm mát, các học viên lại trở về với sự tinh nghịch thường ngày. Đa số mới xuất ngũ đầu năm 2014, một số ít thì từ năm 2012 về trước nên đội hình còn rất trẻ. Hai tháng vào trường đủ để họ thêm gần gũi, thân thiết, kể cả 22 chàng trai người dân tộc thiểu số. Xác định là nguồn cán bộ quân sự nòng cốt ở địa phương, hạt giống đỏ ở buôn làng, ai nấy đều thấy mình đĩnh đạc hơn trước.

Thế Như Toàn ở phường Yên Thế đang là Bí thư Chi đoàn, tâm sự: “Khi đi bộ đội tôi đã đăng ký sĩ quan dự bị nên về được lệnh gọi là lên đường ngay. Háo hức lắm, cứ như ngày nào làm lính mới”. Nặng gánh gia đình phải kể đến Đặng Thạch Đô, Kpa Biớp, người bố ốm nặng, người cha đã mất. Hoàn cảnh thế nhưng các anh đều yên tâm tư tưởng. Khó nhất là môn học chiến thuật bởi đây là huấn luyện để chỉ huy cấp trung đội nhưng trong thực tế các học viên chỉ mới qua cấp phân đội. Nhưng khó càng thêm quyết tâm. Ghi vào bản đăng ký phấn đấu, các anh đều đặt mục tiêu huấn luyện đạt loại giỏi nội dung này. Thầy Chuyên, thầy Dần biết trình độ của mỗi người mà có cách kèm cặp riêng, rất dễ hiểu. Đặc biệt thầy Chuyên với 20 năm trong nghề có thể hướng dẫn học viên người dân tộc thiểu số bằng tiếng Jrai, Bahnar.     

Được địa phương quán triệt trước khi lên đường, vào trường lại tiếp tục nghe cán bộ khung phổ biến nên các học viên đều nắm rất rõ quyền lợi của sĩ quan dự bị theo chế độ hiện hành. Nhận chế độ phụ cấp theo cấp bậc, trợ cấp cho gia đình, hưởng tháng lương thiếu úy sau khi ra trường, nguồn thu này không nhỏ. Chưa kể hàng quý sau này sẽ tiếp tục hưởng phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị DBĐV, được khám-chữa bệnh tại các cơ sở quân y. Có anh bắt đầu tính toán mua xe máy hoặc dùng tiền phát triển kinh tế. Học viên KPu Uih nói rằng, mỗi huyện chỉ được vài người chọn đi tạo nguồn nên thấy vinh dự lắm. Vất vả thế này chứ hơn nữa cũng chịu được.

Người lính bao giờ cũng thế, nếu Tổ quốc cần, các anh đều sẵn sàng tại ngũ. Lăn lộn với thao trường xã Tân Sơn, người lính càng gắn bó với nhân dân trong xã. Ngày nghỉ, lớp tranh thủ lao động giúp dân vệ sinh môi trường, các hộ neo đơn chăm sóc cà phê. Địa phương bố trí cho bộ đội nơi ăn nghỉ chu đáo. Hai hộ dân còn sẵn lòng đón các anh về nhà mình ở. Tình cảm quân dân thắm thiết là động lực để các học viên thêm hăng hái giành kết quả cao trong huấn luyện.

Thiếu tá Nguyễn Anh Đức-Chính trị viên khung quản lý học viên cho biết: Đây là lớp sĩ quan dự bị thứ 6 của Gia Lai được đào tạo bằng ngân sách tỉnh với kinh phí 1,2 tỷ đồng hàng năm. Lớp do Trường Quân sự Quân khu phối hợp với Trường Quân sự tỉnh tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu biên chế sĩ quan dự bị ở cơ sở. Trong thời gian 3 tháng các học viên được nghiên cứu, học tập với hai khối kiến thức cơ bản là khoa học xã hội, nhân văn và kiến thức quân sự. Rất mừng là đầu vào rất tốt với 27 học viên là đảng viên và hầu hết nằm trong diện đăng ký tạo nguồn. Quá trình đào tạo, nhà trường đã gắn các nội dung huấn luyện với thực tiễn ở cơ sở, các nội dung khoa mục huấn luyện đều được tổ chức kiểm tra, đánh giá chặt chẽ đúng quy chế. Cả thầy và trò đều phấn đấu để khóa học có 100% được xét công nhận tốt nghiệp và được Bộ Quốc phòng phong quân hàm Thiếu úy sĩ quan dự bị.

Hồng Vân

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.