Sau trận đấu với Trung Quốc: Nhiều bài học giá trị cho tuyển Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vẫn chưa giành được điểm nào sau 3 lượt trận đầu tiên vòng loại thứ 3 World Cup 2022, tuyển Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học có giá trị, đặc biệt từ thất bại khá tiếc nuối trước đội Trung Quốc.
Khi đối phương quá hiểu tuyển Việt Nam
Thầy trò HLV Park Hang-seo đã lội ngược dòng bất thành và để thua sít sao với tỷ số 2-3 mặc dù hơn đội Trung Quốc về hầu hết chỉ số, từ dứt điểm (13 cú sút so với 11), kiểm soát bóng (52% so với 48%), chuyền bóng (468 đường chuyền so với 443), phạt góc (4 lần so với 2 của Trung Quốc)... Nhưng tuyển Việt Nam lại thua đối thủ về số bàn thắng.
Bình luận viên (BLV) Vũ Quang Huy chia sẻ: “Bàn thua đầu tiên của tuyển Việt Nam do chúng ta mải mê đi tìm bàn thắng, hàng thủ dâng cao tạo khoảng trống cho đối thủ bứt tốc. Trong bóng đá, dám dâng cao thì phải chấp nhận rủi ro chịu đòn phản công. Đội Trung Quốc có những cầu thủ tốt như Wang Shenchao, Tyias Browning, Wu Xi và nhất là Wu Lei bằng đẳng cấp vượt trội đã giải quyết thế trận rất thành công. Chúng ta kém may mắn nhưng không thể phủ nhận sự thật, đội Trung Quốc đã tìm hiểu quá kỹ về chúng ta và khắc chế được lối đá của đối phương. Tuyển Việt Nam chưa quen chơi áp đặt và ông Park vẫn đang trên con đường tìm kiếm, chọn lựa cách đá phù hợp nhất để đối phó với những nền bóng đá hàng đầu châu lục. Hiện tại, tuyển Việt Nam vẫn chưa sở hữu đủ nhân tố giỏi để chơi áp đặt lên đối phương. Vì thế sẽ rất khó cho ban huấn luyện ở chặng đường sắp tới”.

Hàng thủ tuyển Việt Nam trong đó có Thanh Bình (phải) chưa đủ kinh nghiệm đối đầu với chân sút Wu Lei rất đẳng cấp của Trung Quốc. Ảnh: AFP
Hàng thủ tuyển Việt Nam trong đó có Thanh Bình (phải) chưa đủ kinh nghiệm đối đầu với chân sút Wu Lei rất đẳng cấp của Trung Quốc. Ảnh: AFP
“Không đi sao tạo thành đường”
Còn BLV Ngô Quang Tùng nhấn mạnh rằng thua đội Trung Quốc nhưng tuyển Việt Nam vẫn có những điểm sáng tích cực: “Khi chúng ta dám cầm bóng, dám sử dụng những nhân tố khác biệt - mà cụ thể ở đây là Tấn Tài - nghĩa là dám phá vỡ vỏ bọc an toàn, thì ngay lập tức chúng ta có thành quả. Sự mạnh dạn trong việc dùng người có thể đem đến sai số nhưng không đi sao tạo thành đường. Về các tình huống tích cực khác, tuyển Việt Nam không khai triển bóng một cách lắt nhắt, các vị trí và các tuyến có nhiều thời điểm tạo ra được sự gắn kết và có những pha bóng rất ổn. Một số pha đập nhả, di chuyển rất có chất lượng”.
Tuy nhiên, BLV Quang Tùng cũng chỉ rõ điểm yếu: “Chúng ta chưa có kinh nghiệm và có được thói quen ứng xử với những đội bóng có trình độ tốt hơn. Bàn thua ở trận gặp UAE tại vòng loại thứ 2, trận gặp Úc ở vòng loại thứ 3 và các bàn thua ở trận gặp Trung Quốc đã chứng tỏ nhược điểm lớn là tuyển Việt Nam chưa thực sự tập trung. Lỗi cá nhân là có - ví dụ như Thanh Bình đã sai sót khi kèm người nhưng công bằng mà nói, đó là lỗi của cả hệ thống phòng ngự của tất cả các tuyến. Mọi người thắc mắc tại sao Tiến Dũng bị thay sớm dù anh không chấn thương. Nhưng nên nhớ rằng, Dũng cũng mắc lỗi ở bàn thua đầu tiên và có thể ông Park đã nhạy cảm đưa anh ra ngoài. Ông Park đã nhận lỗi về mình và đó là cách hành xử rất chuyên nghiệp của một HLV tầm cỡ. Vấn đề còn lại là ông Park cùng cộng sự và các cầu thủ hướng đến những trận sắp tới như thế nào”.
Cần phải biết cách làm mới
Tuyển Việt Nam sẽ có vài ngày ít ỏi để chuẩn bị cho trận gặp đội chủ nhà Oman ngày 12.10. Vậy ông Park cần điều chỉnh gì để tuyển Việt Nam không đi lại vết xe đổ như ở trận gặp đội Trung Quốc. BLV Quang Huy nói: “Tôi cho rằng trong điều kiện Trọng Hoàng vắng mặt vì chấn thương thì ông Park nên tạo điều kiện để Hồ Tấn Tài cạnh tranh sòng phẳng với Văn Thanh. Tấn Tài trẻ hơn và có thể hình, sức mạnh, tranh chấp tốt và tiến bộ nhiều trong tham gia tấn công. Văn Thanh sẽ cần làm mới mình hơn nữa.
Tuyến giữa Việt Nam đang cho thấy ổn định với bộ đôi Tuấn Anh - Hoàng Đức và Xuân Trường dự phòng. Văn Đức vẫn đang được tín nhiệm có lẽ ở khả năng bảo đảm kết nối và biết chơi dai dẳng, đan lát mềm mại. Nhưng tôi thật sự vẫn mong muốn ông Park dùng Công Phượng ngay từ đầu. Ở trận gặp đội Trung Quốc, bàn gỡ hòa 2-2 có dấu ấn đậm nét của Phượng khi anh tạo ra pha đập nhả tam giác tuyệt vời với Quang Hải để Quang Hải chuyền cho Tiến Linh ghi bàn. Có một chút tiếc nuối khi Công Phượng vào sân hơi muộn. Phượng rất thích hợp xuyên phá trong những thế trận đối thủ phòng ngự số đông. Ông Park nên sử dụng Phượng ngay từ đầu trận gặp Oman”.
Cũng qua lăng kính của BLV Quang Huy: “Tôi cảm nhận rõ tuyển Việt Nam sau mỗi trận đấu càng trưởng thành hơn, cảm giác cơ hội tiệm cận điểm số ngày càng gần và rõ nét hơn. Chúng ta lần đầu tiên ghi 2 bàn thắng vào lưới tuyển Trung Quốc. Tiến Linh đá trọn 90 phút tốt, có đường nét và đúng là trung phong số 1 của Việt Nam. Chúng ta đã đối mặt với 3 đội bóng mạnh ở châu Á, mỗi đội một vẻ và đều cho ra những bài học khác nhau. Quan trọng là tuyển Việt Nam đang có lộ trình tiến bộ một cách ổn định với bộ khung cũ và những nhân tố mới được gieo cấy đang dần khẳng định mình”.
BLV Quang Tùng đồng quan điểm: “Ông Park nên mạnh dạn làm mới tuyển Việt Nam với những con người ông đang có trong tay. Ở trận đối đầu với đội Oman, cầu thủ Việt Nam cần tính toán để duy trì nhịp điệu cho thật phù hợp, lúc nào cần bung sức, lúc nào cần tiết kiệm sức. Phải biết phân phối sức lực và chọn thời điểm sao cho việc vận hành lối chơi tạo thành một chuỗi khoan - nhặt linh hoạt. Chúng ta chưa thể cải thiện được các vấn đề về thể lực thì phải có sự khôn ngoan trong tranh chấp tình huống và đặc biệt là luôn duy trì được sự tập trung cao suốt hơn 90 phút. Những bài học rút ra từ trận thua đội Trung Quốc cho tuyển Việt Nam những trải nghiệm bổ ích và quý giá. Chúng ta đã bị sốc nhưng đó là cú sốc cần thiết”.
Vực dậy tâm lý cầu thủ
Dưới thời HLV Park Hang-seo, chưa bao giờ tuyển Việt Nam bị chuỗi 3 thất bại liên tiếp như thời điểm này. Sau trận thua đội Trung Quốc, không khí đội lắng xuống và ông Park sẽ phải có liệu pháp tâm lý để vực dậy tinh thần cho học trò. Dự kiến khi có mặt tại Oman ngày 9.10, đội sẽ có buổi tập đầu tiên tại nước bạn vào tối cùng ngày nếu như điều kiện thời tiết đảm bảo.
Theo Nhật Duy - Tiểu Bảo (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cung đường chạy của giải đi qua các thắng cảnh đẹp của Gia Lai. Ảnh: Văn Ngọc

Gia Lai City Trail 2024: Thêm trải nghiệm, tăng sự hấp dẫn

(GLO)-Cuối tuần này, phố núi Pleiku lại sôi động với Giải chạy Gia Lai City Trail 2024-Giấc mơ đại ngàn. Với khoảng 6.800 vận động viên (VĐV) trong và ngoài nước tham dự, lại có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm đi kèm, giải chạy này hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn và để lại ấn tượng đẹp trong lòng mỗi người.

U80 vẫn đam mê chạy bộ

U80 vẫn đam mê chạy bộ

(GLO)- Dù tuổi cao nhưng vợ chồng ông Lê Đình Quốc (SN 1950, tổ 7, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) và bà Lê Thị Thu (SN 1952) vẫn tham gia đều đặn các giải chạy bộ trong và ngoài tỉnh. Sức khỏe và nghị lực của cặp runner U80 này khiến nhiều người thán phục.

Sức sống từ thể thao đô thị

Sức sống từ thể thao đô thị

Giải Pickleball vô địch quốc gia lần thứ nhất sắp khởi tranh có đến hơn 60 câu lạc bộ (CLB) trên toàn quốc tham gia. Qua đó cho thấy tốc độ phát triển như của môn thể thao này dù mới “gia nhập” vào Việt Nam trong khoảng 5 năm gần đây.

Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai: Hơn 17,6 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc

Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai: Hơn 17,6 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc

(GLO)- Ngày 21-9, Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai đã diễn ra tại sân bóng đá trong khuôn viên Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Gia Lai. Giải được tổ chức nhằm phát động quyên góp hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3.
Hào hứng chinh phục cung đường đẹp như mơ của giải chạy “Nâng bước em đến trường”

Hào hứng chinh phục cung đường đẹp như mơ của giải chạy “Nâng bước em đến trường”

(GLO)-

Rạng sáng 15-9, hơn 1.500 chân chạy đã đồng hành trong giải chạy thiện nguyện “Nâng bước em đến trường”. Các runner không chỉ được thỏa sức chinh phục cung đường đẹp như mơ của huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai), mà hơn cả còn chung tay tiếp sức cho các em học sinh vùng khó.