(GLO)- Sau Tết, phần lớn các mặt hàng thực phẩm tươi sống đã nhanh chóng ổn định giá cả trở lại, nguồn cung tương đối dồi dào…
Thịt ế, hải sản đắt hàng
Chợ những ngày đầu năm mới không đắt hàng bằng ngày thường, nhưng theo các tiểu thương, từ ngày mùng 2 trở đi, các mặt hàng hải sản được tiêu thụ khá mạnh. Tại Trung tâm Thương mại Pleiku, các sạp hàng hải sản chưa hoạt động đông đúc nên sức mua tập trung vào một số quầy mở bán sớm. Bà Minh-một tiểu thương cho biết: Hầu như năm nào cũng vậy, chợ đầu năm đắt hàng nhất là tôm, cua, sò, mực. Mấy ngày Tết người đi chợ không như ngày thường, chỉ đông chút buổi sáng và buổi chiều, nhưng được cái người nào cũng mua số lượng nhiều nên hàng bán rất chạy.
Nguồn cung thực phẩm tươi sống dồi dào, giá cả tương đối ổn định. Ảnh: T.N |
“Hàng được nhập từ những vựa hải sản ở Bình Định lên hàng ngày nên rất tươi với lại khách ở đây chủ yếu là khách quen nên khi có hàng ngon là điện thoại họ tới lấy liền. Thường mọi năm, phải cả chục ngày sau Tết, hoạt động chợ búa mới ổn định trở lại nhưng nay người ta đi chợ sớm, hàng ra là hết liền, bình quân mỗi ngày tôi bán khoảng 80 ký các loại”-bà Minh cho biết thêm.
Tương tự, nắm bắt tâm lý tiêu dùng, nhiều tiểu thương bán cá đồng đã nhanh chóng chuyển hướng sang kinh doanh đồ biển. Chị Tâm-một người chuyên bán cá đồng ở chợ Hoa Lư (TP. Pleiku) cho hay: “Vừa Tết xong nên nguồn cá đồng rất khan hiếm, do đó để không bị mất khách, từ mùng 3 mình đã đi chợ lấy ngày và chuyển sang bán cá biển mấy ngày nay”.
Khảo sát giá ở nhiều chợ lớn nhỏ trên địa bàn, có thể thấy giá cả sau Tết tương đối ổn định. Cụ thể: tôm thẻ có giá 150-250 ngàn đồng/kg, cua 200-350 ngàn đồng/kg, mực 180-300 ngàn đồng/kg, cá thu 200-280 ngàn đồng/kg, cá bớp 200-250 ngàn đồng/kg, cá ngừ 150 ngàn đồng/kg, sò 30-50 ngàn đồng/kg… Nhìn chung, hàng dồi dào, giá cả ổn định, chỉ riêng hàng cá đồng có giá tăng cao.
Ngược lại với sức tiêu thụ hải sản, hàng thịt lại rơi vào cảnh ế. Chị Hoa-một người bán thịt ở chợ Phù Đổng (TP. Pleiku) cho biết: Giá thịt heo có giảm so với trước Tết. Ví dụ: thịt nạc giảm từ 100 ngàn đồng xuống còn 90 ngàn đồng, sườn non 115 ngàn đồng giảm còn 110 ngàn đồng, ba chỉ 90 ngàn đồng giảm còn 85 ngàn đồng. “Nhu cầu tiêu dùng thịt tăng rất mạnh mấy ngày trước Tết, sau Tết mua bán ế ẩm là đương nhiên. Ngày thường còn bán được cả tạ thịt nhưng giờ chỉ dám lấy vài chục ký ra chợ bán giữ mối. Phải qua Rằm tháng Giêng may ra sức tiêu thụ mới trở lại như trước”-chị Hoa nói.
Nguồn cung rau củ quả dồi dào
Là chợ đầu mối cung cấp rau củ với số lượng rất lớn, chợ đêm Pleiku là địa điểm kinh doanh gần như xuyên suốt. Tại đây, không khí bán mua đã nhộn nhịp từ tối mùng 2 trở đi. Chị Ba-một người bán sỉ rau củ ở chợ đêm cho biết: Hàng xuất đi các chợ lẻ tuy số lượng không lớn bằng ngày thường nhưng sức mua rau xanh đang nhích dần lên. Khoảng 3 ngày nay, tiểu thương bắt đầu nhập mạnh hàng rau củ.
Theo một vựa rau củ khác ở chợ đêm, hàng không khan hiếm sau Tết là bởi nhu cầu xuất bán cho các tỉnh miền Trung đã giảm đáng kể vì những vùng sản xuất rau bị thiệt hại do mưa lũ trước đó đã cho thu hoạch. Với thời tiết thuận lợi, dự báo khoảng 10 ngày tới hàng sẽ dồi dào hơn, giá cũng sẽ giảm. Hiện tại, cà chua giá 25 ngàn đồng/kg giảm còn 20 ngàn đồng/kg, xà lách 35 ngàn đồng giảm còn 30 ngàn đồng/kg, súp lơ 30 ngàn đồng giảm còn 25 ngàn đồng/kg, cà rốt 20 ngàn đồng giảm còn 18 ngàn đồng/kg, rau cải cúc 7 ngàn đồng giảm còn 5 ngàn đồng/bó, rau muống vẫn giữ giá 7 ngàn đồng/bó… Riêng mặt hàng trái cây, giá vẫn đang neo cao như mấy ngày giáp Tết, gần như chưa có loại nào giảm.
Hầu hết người sản xuất, người bán và người mua đều nhận định thị trường đang diễn biến theo hướng có lợi. Tâm lý tranh thủ bán hàng “chặt chém” ngày Tết không còn, vì hàng hóa ổn định cung-cầu, với lại người dân không còn mua hàng cất trữ dài ngày nên sức mua đã tăng trở lại từ mùng 5 Tết.
Thảo Nguyên