(GLO)- Bài học và khả năng vận dụng bài học thành công trong Cách mạng tháng Tám là phương thức hữu hiệu để Đảng ta, nhân dân ta tiếp tục vượt qua thách thức, nhất là thách thức do đại dịch Covid-19 đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Và đây cũng là phần việc quan trọng góp phần bảo đảm cho sự thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Năm 2020, nước ta có nhiều sự kiện trọng đại: kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, 45 năm giải phóng miền Nam-thống nhất đất nước. Đây cũng là năm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phấn đấu kết thúc thắng lợi các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020; tiến hành các công việc chuẩn bị cần thiết để tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tìm kiếm cách thức để vượt qua thách thức, tiếp tục thực hiện kế hoạch đã đề ra, trước hết là trọng trách của Đảng, Nhà nước, sau nữa cũng là mong mỏi và nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam. Vì thế, trong thời khắc đối diện với những thách thức mang tính thành-bại của mọi công việc, thậm chí là thách thức có tính sống còn của dân tộc, những bài học lịch sử luôn có giá trị gợi mở, giúp chúng ta xác định quyết sách và hành động hợp lý, hợp lẽ, hợp thời. Cũng vì lẽ đó, trong thời điểm này, ôn lại bài học về tầm nhìn, quyết sách hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta trong Cách mạng tháng Tám, lập nên chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa vẫn hết sức hữu ích.
Đồng chí Phạm Minh Chính-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác Đại hội Đảng. Ảnh: Đức Thụy |
1.Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời được xem là mốc son lịch sử trọng đại trong tiến trình cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Bài học lớn rút ra từ sự kiện này, phân tích từ góc độ ra quyết sách và triển khai thực hiện các quyết sách, không thể không nói tầm nhìn và quá trình tổ chức “Quốc dân Đại hội Tân Trào” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta.
Trong bối cảnh tiền khởi nghĩa, sau những bước chuẩn bị cần thiết mang tầm chiến lược “dùng sức ta, giải phóng cho ta”, trong “Thư gửi đồng bào toàn quốc”, tháng 10-1944, khi nhìn thấy sự sụp đổ không cưỡng của phát xít Đức-Nhật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ ngay đến việc triệu tập đại hội đại biểu toàn quốc. Bởi theo Người: “... chúng ta trước phải có một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta. Mà cơ cấu ấy thì phải do một cuộc toàn quốc đại biểu đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”.
Với tầm nhìn sáng suốt, với tinh thần khẩn trương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt đúng mạch thời cuộc, chỉ ra một cách đúng đắn tình hình và nhiệm vụ cấp bách của cách mạng nước ta lúc này. Và, trên thực tế, Quốc dân Đại hội Tân Trào đã diễn ra vào ngày 16-8-1945 (3 ngày trước thời điểm Tổng khởi nghĩa). Tuy chỉ có hơn 60 đại biểu, song Đại hội đã tiêu biểu cho toàn thể đồng bào Việt Nam, bao gồm: các đại biểu Bắc, Trung, Nam; kiều bào ở nước ngoài; các đảng phái chính trị; các đoàn thể cứu quốc; các dân tộc, các tôn giáo. Đại hội đã nhất trí thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn để khi giành được chính quyền, Chính phủ lâm thời thực thi. Đại hội cũng đã cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, về sau được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban đã lãnh đạo, chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa thành công, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và xây dựng chính quyền ở tất cả các cấp. Với hệ thống chính quyền hoàn chỉnh (từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã), khi quân Đồng minh vào nước ta, chính quyền nhân dân là chủ thể chính trị duy nhất có thẩm quyền quan hệ đối ngoại. Vào thời điểm đó, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch đã có tư cách là người đại diện hợp pháp và chân chính duy nhất của nước Việt Nam đứng ra lãnh đạo, quản lý đất nước, giao thiệp với quân Đồng minh trong việc giải giáp quân Nhật và có đối sách thích hợp với các đảng phái khác.
Rõ ràng, quyết sách và cách làm trong tiến trình tổ chức Đại hội Quốc dân Tân Trào chứa đựng nội dung, hình thức phản ánh ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong thời điểm có thể tạo ra bước ngoặt của lịch sử dân tộc; đây cũng là hình thức tổ chức, cách thức hành động hợp lý, hợp lẽ, hợp thời góp phần tạo cơ sở chính trị-xã hội cho sự xác lập chế độ chính trị hợp hiến, hợp pháp về sau (tháng 1-1946)-chính thể dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á.
2. Rồi đây, lịch sử nhân loại sẽ còn nói nhiều về năm 2020: Đại dịch Covid-19 và cách xử lý của các quốc gia toàn thế giới. Trong đó, bài học kinh nghiệm về xác định và tổ chức thực hiện quyết sách để đẩy lùi và kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam.
Trên thực tế, Việt Nam đã chuẩn bị ứng phó với sự bùng phát của dịch Covid-19 vài tuần trước khi ghi nhận những trường hợp mắc bệnh đầu tiên, ngay cả khi Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thời điểm đó tuyên bố “chưa có bằng chứng rõ ràng” bệnh lây nhiễm từ người sang người. Với ý thức “chống dịch như chống giặc”, ngày 1-2-2020, Việt Nam công bố dịch khi mới chỉ ghi nhận 6 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và quyết định dừng tất cả các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đến cuối tháng 3-2020, ngừng nhập cảnh đối với tất cả những người nước ngoài; tất cả các trường học trên cả nước được yêu cầu đóng cửa...
Thay vì chỉ dựa vào ngành Y tế và công nghệ để ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2 bùng phát, bộ máy an ninh quốc gia của Việt Nam đã áp dụng một hệ thống giám sát công cộng rộng khắp, với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội được trang bị đầy đủ và được nhân dân kính trọng. Các cán bộ phụ trách an ninh xuất hiện trên mọi con đường, đến mọi khu phố, xóm làng. Quân đội cũng nhanh chóng triển khai lực lượng cùng các thiết bị và vật tư tham gia cuộc chiến chống vi rút SARS-CoV-2.
Như vậy, với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân, toàn quân, công tác phòng-chống dịch trong giai đoạn đầu cơ bản đã đạt kết quả tốt. Thành công bước đầu này đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tất nhiên, không chỉ có giải pháp hợp lý trong chống dịch, Đảng và Chính phủ đã có những chính sách kịp thời để từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn; các hoạt động của đời sống kinh tế-xã hội đang được khôi phục; tình hình kinh tế-xã hội đã có những chuyển biến tích cực; công tác chuẩn bị để tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cơ bản đảm bảo tiến độ.
Tuy nhiên, đúng như Bộ Chính trị đã nhận định: Dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các mặt của đời sống kinh tế-xã hội còn tiếp tục kéo dài, chưa thể đánh giá hết. Vì vậy, với tình hình như hiện nay, chúng ta vừa phải tập trung ưu tiên phòng-chống dịch, đồng thời cần có các chính sách, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ để sớm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội.
PGS-TS. HỒ TẤN SÁNG