Điều này đang đặt ra thách thức, cũng như mở ra cơ hội cho Gia Lai tái cấu trúc các ngành hàng theo hướng bền vững hơn để giữ vững thị trường xuất khẩu sang châu Âu.

Thách thức và cơ hội
Toàn tỉnh hiện có hơn 106.400 ha cà phê (trong đó diện tích kinh doanh khoảng 94.270 ha, sản lượng khoảng 312.100 tấn); khoảng 83.700 ha cao su (trong đó diện tích kinh doanh 52.767 ha, sản lượng mủ khô khoảng 81.800 tấn)… Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Âu chiếm khoảng 50-60% với mặt hàng chủ lực là cà phê. Do đó, với yêu cầu về chống mất rừng và suy thoái rừng từ Liên minh châu Âu, các doanh nghiệp xuất khẩu của Gia Lai buộc phải tuân thủ các quy định về truy xuất nguồn gốc hợp pháp, đảm bảo không có nguồn nguyên liệu trên đất rừng.
Xuất khẩu sang châu Âu đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành nông sản, đòi hỏi sự nỗ lực với những cam kết sâu rộng và toàn diện trên các vấn đề thể chế, môi trường kinh doanh. Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho biết: Mỗi năm, Vĩnh Hiệp xuất khẩu khoảng 160 ngàn tấn cà phê sang thị trường 58 nước trên thế giới, trong đó thị trường châu Âu chiếm khoảng 60%. Để vào được thị trường châu Âu, Vĩnh Hiệp đã xây dựng mạng lưới sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn thị trường quốc tế, nhất là tuân thủ quy định EUDR. Sản phẩm làm ra bây giờ không còn là bán sản phẩm nữa mà chúng ta đang bán với trách nhiệm, đó là việc nâng cao về chất lượng, môi trường, quản trị. Điều này buộc nông dân phải thay đổi tích cực sang sản xuất có chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động-thực vật, có xuất xứ hàng hóa…

“Hiện nay, Gia Lai đang tăng tốc để phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu trọng điểm, trong đó có sự hỗ trợ của Nhà nước để liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để giữ ổn định vùng nguyên liệu sạch, sản xuất có trách nhiệm và thực hiện đảm bảo các yêu cầu mà các nước nhập khẩu quy định. Đối với thực hiện EUDR, chúng ta đang chạy rất tốc độ, vì vậy rất cần sự chung tay của các sở, ngành. Hiện nay, ở Gia Lai có khoảng 10 địa phương trồng cà phê, nhưng hiện nay mới làm được ở một số huyện. Vì vậy, doanh nghiệp đã đề xuất tỉnh nên tạo điều kiện để có tổ dự án thực hiện vấn đề này”-ông Hiệp cho biết thêm.
Với quy định của EU, những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31-12-2020 sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU. Ông Bùi Đức Hào-Thành viên của Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững-cho biết: “Chỉ vài tháng sau khi EU ban hành quy định này, thì Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành chương trình hành động, xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng và thực hiện các giải pháp đáp ứng với các yêu cầu của EUDR. Các tỉnh cũng đã bắt đầu vào cuộc. Cà phê tại tỉnh Gia Lai nằm rải rác ở các huyện, nằm ở vùng sâu vùng xa thì sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, Gia Lai cũng là tỉnh đầu tiên có tổ công tác ODA, như vậy sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động sắp tới thuận lợi hơn”.
Khi truy xuất nguồn gốc được đảm bảo, cà phê Gia Lai sẽ bước vào phân khúc thị trường cao cấp tại EU, Mỹ, Nhật… và giá trị cà phê sẽ được định giá cao hơn nhiều. Không chỉ giúp duy trì thị trường xuất khẩu sang EU, việc tuân thủ EUDR còn tạo lợi thế cạnh tranh cho Gia Lai tại các thị trường khó tính khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây cũng là cơ sở để ngành nông-lâm sản của tỉnh từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ nông nghiệp xanh toàn cầu.

Nhiều giải pháp sản xuất thích ứng với EUDR
EUDR điều chỉnh 7 nhóm mặt hàng, trong đó Gia Lai có các ngành hàng bị tác động là: cà phê, gỗ và cao su. Sau khi Ủy ban châu Âu đồng ý lùi thời hạn tuân thủ, hạn cuối để các doanh nghiệp lớn tuân thủ EUDR là ngày 30-12-2025; các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là ngày 30-6-2026.
Hiện nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn đã xây dựng nền tảng chuyển đổi số và số hóa toàn bộ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc thông qua việc ứng dụng công nghệ blockchain để minh bạch hóa thông tin; hợp tác với các tổ chức kiểm định để chứng minh nguyên liệu không liên quan đến phá rừng; áp dụng mô hình sản xuất bền vững, giảm thiểu tác động môi trường; tham gia các dự án hỗ trợ của Chính phủ và tổ chức quốc tế để nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn EU.
Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đak Đoa-cho biết: “Triển khai EUDR trên địa bàn huyện không có nhiều vướng mắc, bởi trên địa bàn huyện bà con nông dân sản xuất thuần túy. Quy hoạch sử dụng đất cũng như quy hoạch lâm nghiệp đã có ranh giới một cách rõ ràng. Ngoài ra, việc đo đạc cấp giấy chứng nhận đối với diện tích cây công nghiệp cơ bản ổn định, đây cũng là điều kiện thuận lợi để làm truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện có một số diện tích giáp ranh rừng chưa được đo đạc nên cần rà soát, khoanh vùng kỹ hơn để tạo điều kiện xác định một cách chính xác nhất cho người dân. Hiện nay, huyện đang phối hợp với các doanh nghiệp để định hướng liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp xây dựng mối liên kết sản xuất ngành hàng cà phê bền vững”.

Theo ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, trong đó thị trường châu Âu chiếm khoảng 60%. Hiện nay, cơ bản diện tích cà phê trên đất rừng rất ít, chủ yếu rơi vào một số hộ tiếp giáp rừng. Sở đã đề xuất Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sẽ là đầu mối cùng với các tổ chức quốc tế có những dự án hỗ trợ cho nhóm nông hộ này.
Xác định EUDR là vấn đề cấp bách, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2199/KH-UBND về việc triển khai hành động thích ứng với quy định không gây mất rừng trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu nhằm chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, nhân rộng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn gắn với chế biến tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, lâu dài, kết hợp với các mục tiêu bảo tồn tài nguyên, bảo vệ bền vững các hệ sinh thái rừng tự nhiên và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương; áp dụng các chứng chỉ bền vững đối với các ngành hàng như: cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su. Hỗ trợ chuyển đổi, cải thiện sinh kế cho nông dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, người dân sống ở khu xen kẽ rừng, tiếp giáp rừng, vùng sâu, vùng xa để đáp ứng quy định EUDR.
Kế hoạch tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định EUDR; xây dựng khung hợp tác trong thực hiện EUDR; xây dựng cơ sở dữ liệu cấp tỉnh, huyện về khu vực vùng trồng tạo sản phẩm hàng hóa bị ảnh hưởng bởi quy định EUDR; xây dựng và triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng, có gắn với định vị điểm (Points) và ranh giới số (Polygon) của từng vườn đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR; tăng cường triển khai công tác quản lý bảo vệ rừng, giám sát sự biến động rừng, kiểm kê theo dõi diễn biến rừng, xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ hiện trạng rừng; xây dựng các mô hình chuyển đổi sinh kế bền vững tại các vùng rủi ro…
Trong 4 tháng đầu 2025, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 685,7 triệu USD (đạt 80,67% kế hoạch, tăng 55,84% so cùng kỳ). Trong đó, riêng mặt hàng cà phê đã đạt kim ngạch xuất khẩu 662 triệu USD (tăng 65,5% về giá trị) với sản lượng 122.000 tấn. Mặt hàng này hiện chiếm đến 96,5% trên tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.