Mỗi ngày, các phu vàng nhỏ tuổi phải xúc hàng tấn quặng dưới hầm sâu cả trăm mét, hun hút bóng tối. Số may mắn được chủ bãi cho ăn uống đầy đủ, số khác gặp tay cai bặm trợn thì còn phải hứng chịu những trận đòn.
Làm việc dưới hầm sâu 12 tiếng/ngày, nhưng lao động nhí chỉ được trả chừng 4 triệu đồng/tháng với lý do "tuổi nhỏ sức yếu"
Sau nhiều ngày thâm nhập nơi được mệnh danh “thánh địa” vàng Phước Sơn (Quảng Nam), PV Thanh Niên đã tiếp cận nhiều lao động trẻ em và cả những tay chuyên “săn” phu vàng... Qua đó cho thấy rõ hơn về thân phận phu vàng và hé lộ đường dây cung ứng lao động trái phép...
Mỗi ngày, các em nhỏ phải xúc hàng tấn quặng dưới hầm sâu cả trăm mét, hun hút bóng tối. Số may mắn được chủ bãi cho ăn uống đầy đủ, số khác gặp tay cai bặm trợn thì còn phải hứng chịu những trận đòn.
Bãi vàng tại thôn 8, xã Phước Hiệp (H.Phước Sơn) tồn tại hàng chục năm qua, chưa bao giờ khu rừng già này bớt nhộn nhịp bởi phu vàng tứ xứ đổ về. Có dịp tết, cả trăm người ở lại để giữ máy móc. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, bãi vàng này từng là nơi tranh giành "đẫm máu" giữa các băng nhóm làm vàng tự phát. Gần đây, khi chính quyền địa phương cấp phép khai thác cho 2 công ty, 2 công ty khác đang trong giai đoạn thăm dò... thì chuyện đào núi bạt rừng để tìm vàng càng "nhộn nhịp".
Qua thông tin của người dân, giữa tháng 5 vừa qua PV Thanh Niên vào cuộc kiểm chứng chuyện nhiều chủ bãi vàng đang sử dụng lao động trái phép cũng như ép buộc, bóc lột sức lao động của nhiều trẻ em.
Một lán trại giữa rừng, nơi tập trung sinh hoạt của hơn 100 phu vàng. ẢNH: HOÀNG SƠN
Mỗi ngày 12 tiếng “đục hầm”
Vì sao kiểm tra không phát hiện lao động trẻ em ? Về việc lao động trẻ em bị đưa vào bãi vàng làm việc khổ sai, chiều 26.5, trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND H.Phước Sơn, cho hay sau khi xảy ra các vụ việc, UBND huyện đã làm việc với các công ty khai thác vàng, buộc ký cam kết tuyển dụng lao động theo đúng luật, đúng độ tuổi... Khi huyện vào kiểm tra thì không phát hiện trẻ em vì các chủ bãi vàng thường biết trước thông tin nên đã cho nghỉ trước. “Chúng tôi phải tiếp cận được với những trường hợp này mới có thể xử lý. Khi làm việc phải có kế hoạch thì công ty mới phối hợp. Nhưng khi thông báo, công ty biết sẽ đem giấu các lao động trẻ em nên không dễ bắt quả tang”, ông Hà nói.. |
Từ QL14E vào đến bãi vàng khoảng 10 km, nhưng phải mất gần 2 giờ di chuyển trên xe máy “đặc dụng”, chúng tôi mới đến nơi. Giữa trưa, mưa rơi lộp bộp trên những tán lá. Chênh vênh bên vách núi là hàng loạt nhà bạt màu xanh. “Đó là nơi sinh hoạt của cánh phu vàng. Họ được “đầu cánh” (quản lý công nhân - PV) quản rất chặt”, người dẫn đường nói.
Chúng tôi vào một lán ven đường để xin nước uống rồi tìm cách hỏi chuyện các công nhân. Trong lán trại tối tăm, ẩm thấp, khoảng 100 người đang ngủ trưa; hơn 30 người đang tắm gội và một nhóm khác đang ăn cơm với tô canh lõng bõng nước cùng đĩa thịt kho nguội ngắt... Trong số các công nhân làm việc tại hầm lò, có nhiều trẻ em độ tuổi 14 - 15. Có em mang vác nặng nhọc nên lưng gù xuống, đi lom khom. “Sao cơm trưa muộn thế này?”, chúng tôi hỏi. “12 giờ trưa em mới xong ca sáng. Ngày làm 12 tiếng, cứ theo ca mà làm. Ai làm ca sáng thì nghỉ ca chiều. 6 giờ tối lại xuống hầm, làm đến gần 1 giờ sáng thì nghỉ”, Linh (15 tuổi, người dân tộc M’Nông, Quảng Nam) nói.
Không được học hành, nhà nghèo, Linh và đám bạn là Long (15 tuổi), Hoa theo lời một người cùng quê xin làm việc ở bãi vàng được 3 tháng nay. Công việc hằng ngày của các em là chui xuống hầm sâu để đào quặng rồi bốc lên xe kéo. Cứ thế, mỗi ngày các em phải “đục hầm” 12 tiếng. “Công việc đục quặng cực lắm nhưng chủ bãi chỉ trả 4 triệu đồng/tháng, vì nói em còn nhỏ, không khỏe như các anh khác”, Long kể với ánh mắt còn chưa hết sợ hãi: “Những ngày đầu mới xuống hầm, vì chưa quen nên em luôn thấy khó thở, choáng váng. Có hôm quá mệt, em ngủ quên liền bị “đầu cánh” chửi, đánh”.
Những cuộc đào thoát nghẹt thở
Những ngày ở bãi vàng, chúng tôi nghe về nhiều cuộc đào thoát tập thể vì không thể chịu nổi sự giám sát của các “đầu cánh” hung hăng. Người dẫn đường kể, trong bãi vàng ở Phước Hiệp “nổi tiếng” nhất là B., một “đầu cánh” sẵn sàng... “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với phu vàng nếu ai làm trái ý. “Có bữa đang uống rượu, một phu vàng làm phật lòng thì bị B. đạp ngã dúi. Nhưng hắn khéo lắm, đến tối lại vào lán ngon ngọt để phu vàng không bỏ về”. Năm ngoái, do không chịu được “đầu cánh” mà một nhóm phu vàng 20 người quê Nghệ An đã tìm cách bỏ trốn khỏi bãi, chấp nhận bỏ tiền lương. Nhưng vì không biết đường đi, cả nhóm đành phải quay lại làm việc.
Tại “thánh địa” vàng Phước Sơn thường xuyên xảy ra những cuộc đào thoát của lao động “nhí”. Bãi vàng “đi dễ khó về” khét tiếng tại xã Phước Thành từng xảy ra hàng loạt vụ trốn chạy vì không chịu nổi sự quản thúc của “đầu cánh”. Nhiều người ở TT.Khâm Đức còn nhớ như in vụ khoảng 100 thanh thiếu niên người dân tộc Khơ Mú (Nghệ An) tháo chạy khỏi bãi vàng Công ty P.M hồi đầu tháng 4.2014. Ròng rã băng hơn 50 km đường rừng, khi ra đến thị trấn, 100 em này tụ tập gần cơ quan công an để được bảo vệ và hô to: “Anh em ơi, tự do rồi, đói cũng về thôi!”.
Những lao động trẻ em bắt đầu bữa cơm trưa lúc gần 13 giờ cùng ngày
Cùng chịu cảnh lao động khổ sai đến kiệt sức mà vẫn không được nghỉ ngơi, tháng 4.2016, Mông Thị Khất (lúc này 16 tuổi) và Lò Thị Xí (15 tuổi, cùng H.Kỳ Sơn, Nghệ An) đã băng rừng suốt 6 giờ để tới Công an H.Nam Giang kêu cứu. Cả hai sau đó đã được hỗ trợ tiền tàu xe về quê.
Tháng 4.2018, 11 người quê H.Đakrông (Quảng Trị) trốn khỏi bãi vàng của Công ty P.M ở xã Phước Thành. Tuy nhiên, do không biết đường, họ phải cầu cứu người dân. Nhận được thông tin nhiều thanh niên bị cưỡng bức lao động, Bộ đội biên phòng và Công an tỉnh Quảng Nam đã phối hợp Bộ đội biên phòng Quảng Trị giải cứu các nạn nhân. Trình bày với cơ quan chức năng, các nạn nhân khai mỗi ngày họ phải làm việc 2 ca, từ 5 - 11 giờ và 13 - 17 giờ. Nếu làm ca đêm thì bắt đầu từ 17 - 23 giờ và 1 - 5 giờ sáng. Làm việc liên tục không có ngày nghỉ, kể cả khi ốm đau cũng không được “đầu cánh” và bảo vệ cho nghỉ. Trong bãi vàng Công ty P.M, “đầu cánh” chủ yếu là người dân tộc Thái, Khơ Mú từ Nghệ An vào, thường hung hăng, đánh đập công nhân. Trong khi đó, bữa ăn thường chỉ đủ cơm, rất ít thức ăn, lao động dưới hầm sâu nhưng không được trang bị bảo hộ lao động...
Công việc vất vả, ăn uống không đảm bảo, tiền lương cũng không được nhận đủ, còn bị đánh đập nên số công nhân trên xin nghỉ việc nhưng công ty không cho và càng quản lý chặt hơn. Khoảng 12 giờ ngày 12.4.2018, các công nhân nói trên đến công ty xin nghỉ việc lần nữa nhưng bị từ chối, đuổi đánh nên họ phải chạy vào rừng. Bảo vệ bãi phát hiện được đã cùng “đầu cánh” mang dao, gậy, xẻng... truy đuổi. Sau khi trốn thoát khỏi bãi vàng, nhóm thanh niên hé lộ thông tin mỏ vàng này có gần 200 công nhân từ các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị..., trong đó có 3 nữ. Nhiều người có ý định bỏ trốn về nhưng không phải ai cũng may mắn...
Địa phương kêu khó quản hết Trả lời PV Thanh Niên, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhìn nhận thực tế việc các công ty khai thác vàng sử dụng lao động có nhiều bất cập. Bởi các bãi vàng thường ở sâu trong rừng, việc quản lý ra vào của các chủ bãi rất khắt khe. “Có việc sử dụng lao động không đúng luật. Tỉnh đã đề nghị Sở LĐ-TB-XH kiểm tra đột xuất lao động tại các bãi vàng với các nội dung: lao động có hợp đồng không, có đóng bảo hiểm không, có đối tượng trẻ em dưới độ tuổi theo quy định, có trường hợp người nước ngoài mà không được cấp phép”, ông Thanh cho biết. Theo ông Thanh, do đường vào bãi vàng thường độc đạo nên khi có đoàn kiểm tra thì các chủ bãi đã biết để đưa lao động trốn vào các hầm, hang. Ngành chức năng không thể nắm hết, càng khó phát hiện quả tang. Trên thực tế, tại Quảng Nam đã xảy ra những cuộc trốn chạy của các phu vàng do lao động quá cực nhọc. Ông Thanh cho biết, trong cuộc làm việc mới đây với Công ty P.M, giám đốc công ty không thừa nhận có chuyện lao động bỏ trốn. “Nếu phát hiện sai phạm, tỉnh sẽ xử lý chứ không có chuyện bao che", ông Lê Trí Thanh nói thêm. |
(còn tiếp)
Hoàng Sơn (Thanh Niên)