Quyết liệt triển khai các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chiều 2-4, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác quý I và triển khai nhiệm vụ công tác quý II-2024.

Chủ trì hội nghị có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Thị Thanh Lịch, Nguyễn Hữu Quế. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành, đơn vị cùng lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố tại 17 điểm cầu.

Kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa cho biết: Trong quý I-2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nên các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu đều bằng và vượt so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh ước đạt 2,58% (trong đó, khu vực nông-lâm-thủy sản tăng 3,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,83%; khu vực dịch vụ tăng 2,58%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 6,5%). Tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước tính 8.093 tỷ đồng, đạt 23,12% kế hoạch, tăng 9,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tính 35.384 tỷ đồng, đạt 28,77% kế hoạch, tăng 23,31%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 306 triệu USD, đạt 40,8% kế hoạch, tăng 16,35%.

“Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện đến hết ngày 31-3-2024 là 1.953,5 tỷ đồng, đạt 34,7% dự toán Trung ương giao, đạt 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 5.138 tỷ đồng, đạt 11,17% kế hoạch, tăng 3,72% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiến độ sản xuất vụ Đông Xuân đạt kết quả tốt, toàn tỉnh gieo trồng được 80.369,5 ha, đạt 101,1% kế hoạch, bằng 101,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý I, có 240 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 2.470 tỷ đồng, tăng 7,1%”-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm, hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc. Việc thực hiện chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng bảo đảm kịp thời, đầy đủ; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân nghĩa tình đối với người có công với cách mạng được chú trọng. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Với những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ quý I-2024. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ thời gian qua như: kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2024 chậm được phê duyệt; một số dự án xây dựng cơ bản kế hoạch năm 2024 chưa đủ điều kiện phân bổ vốn; hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn nhiều tiềm ẩn; tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí; tội phạm về trật tự xã hội, ma túy còn xảy ra nhiều và tiềm ẩn phức tạp; một số sở, ngành, địa phương, cá nhân chưa thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của UBND tỉnh, công tác phối hợp giải quyết công việc thiếu chặt chẽ…

“Tôi đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu, đánh giá tình hình, nhất là những mặt còn tồn tại, các vấn đề nổi cộm thuộc ngành, địa phương quản lý; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tập trung triển khai trong thời gian tới. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các chỉ tiêu kinh tế-xã hội; thu ngân sách; phân bổ vốn và triển khai các dự án đầu tư công; triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2024; thu hút đầu tư; tai nạn giao thông; vi phạm Luật Lâm nghiệp”-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc và đề ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đề cập đến việc vốn đầu tư công năm 2023 tính đến ngày 31-1-2024 giải ngân chỉ đạt 4.041,7 tỷ đồng (đạt 79,2% kế hoạch, nếu loại trừ hụt thu tiền sử dụng đất thì đạt 80,3%), Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Bá Thạch cho hay: Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá và làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và các chủ đầu tư trong việc giải ngân không đạt kế hoạch. Tổng kế hoạch vốn năm 2024 là 3.833,84 tỷ đồng, tính đến ngày 26-3-2024 mới giải ngân được 196,9 tỷ đồng, đạt 5,1%. Sở sẽ tiếp tục hướng dẫn các chủ đầu tư về thủ tục kéo dài vốn năm 2023 sang năm 2024 theo quy định của Luật Đầu tư công và đôn đốc triển khai các thủ tục đầu tư đối với các dự án chưa giao vốn năm 2024; đôn đốc tiến độ triển khai các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Liên quan đến kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2024, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung cho rằng: Ủy ban nhân dân cấp huyện cần nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 (7 địa phương chưa trình hồ sơ). Các địa phương phải nhanh chóng hoàn thiện kế hoạch sử dụng đất năm 2024 để có cơ sở giao đất, cho thuê đất hay đấu giá đất. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đặng Toàn Thắng cho biết: “Hiện thành phố đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024. Cùng với đó, trong quý II-2024, chúng tôi cũng sẽ tập trung hoàn thiện 11 quy hoạch phân khu để làm cơ sở triển khai các dự án kêu gọi đầu tư”.

Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa đề nghị các địa phương cần có phương án chủ động phòng-chống hạn; rà soát, chuyển đổi cây trồng phù hợp; đề xuất triển khai các dự án trong quy hoạch xây dựng hệ thống thủy lợi để nâng cao tỷ lệ tưới chủ động. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cần tập trung chuẩn bị, đảm bảo các điều kiện cần thiết để triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2024 với diện tích dự kiến khoảng 10.313 ha; tăng cường quản lý, bảo vệ, chăm sóc và giao rừng, phòng-chống cháy rừng, nhất là các địa bàn có nguy cơ cao. “Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu; mở rộng sản xuất theo các tiêu chuẩn, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước; tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả, chất lượng vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nêu rõ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Nêu giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Đoàn Hữu Dũng thông tin: Sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, tham mưu phương án đầu tư xây dựng đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku. Tập trung bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đôn đốc tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh. Cung cấp dữ liệu và phối hợp với các đơn vị liên quan của Cục Đường bộ Việt Nam trong công tác lập Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phối hợp với Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ Giao thông-Vận tải) đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (quốc lộ 19) qua tỉnh Gia Lai.

Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Đoàn Hữu Dũng phát biểu. Ảnh: Đ.T

Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Đoàn Hữu Dũng phát biểu. Ảnh: Đ.T

Sau khi nghe các ý kiến tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện đúng Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Tập trung triển khai các chương trình hành động, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, đối ngoại năm 2024, đặc biệt là 21 chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã đề ra.

“Cần đôn đốc phân bổ vốn, triển khai các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Hoàn chỉnh hồ sơ và xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai quyết liệt công tác thu ngân sách. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Phát triển văn hóa, thể thao gắn với du lịch”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh cũng đề nghị tất cả các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư thực hiện nghiêm quy định của Luật Đầu tư công, các quy định về quản lý vốn đầu tư công, đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí. 4 tổ công tác của UBND tỉnh về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách năm 2024 xây dựng kế hoạch đi kiểm tra thực tế tại các dự án, công trình, các chủ đầu tư gặp khó khăn để kịp thời xử lý. Các cơ quan thường trực của 3 chương trình mục tiêu quốc gia phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc triển khai của các sở, ngành, địa phương liên quan đến chương trình mình phụ trách, kịp thời hướng dẫn, xử lý các vướng mắc.

“Thời gian tới, cần tăng cường giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới; tập trung đấu tranh phòng-chống triệt để các loại tội phạm, nhất là các loại tội phạm mới, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Giảm thiểu tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí. Đẩy mạnh việc triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh đề nghị.

Có thể bạn quan tâm