Quyết liệt triển khai các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội ngay từ đầu năm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- 

Đó là chỉ đạo chung của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì Hội nghị sơ kết công tác tháng 1, triển khai nhiệm vụ công tác tháng 2-2024 vào chiều 2-2.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hữu Quế-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tham dự hội nghị còn có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Nhiều kết quả khả quan

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa cho biết: Trong tháng 1-2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp ngay từ những ngày đầu năm nên hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu đều bằng và vượt so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 3.123,9 tỷ đồng, đạt 8,9% kế hoạch và tăng 48,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 14.800 tỷ đồng, đạt 12% kế hoạch, tăng 24,26% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 85 triệu USD, đạt 11,33% kế hoạch, tăng 21,43% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cà phê, cao su tăng cả về lượng và giá trị.

Bên cạnh đó, tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn tháng 1-2024 là 1.035,5 tỷ đồng, đạt 18,4% so với dự toán Trung ương giao, đạt 17,8% so với dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong tháng, toàn tỉnh có 100 doanh nghiệp và 30 đơn vị trực thuộc thành lập mới với tổng vốn đăng ký 950 tỷ đồng, đạt 9,52% kế hoạch, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước...

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng. Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Đặc biệt, lãnh đạo UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn đã tổ chức các đoàn đi thăm và chúc Tết cũng như chỉ đạo triển khai tốt công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ người dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 theo đúng tinh thần Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục chủ động rà soát những khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu nhiệm vụ ngay từ đầu năm. Chỉ đạo tăng cường đi cơ sở, làm việc với địa phương; tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài hay vấn đề mới phát sinh; quyết liệt chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết công việc, rà soát và tập trung giải quyết các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn nhiều tiềm ẩn; tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp xảy ra nhiều (tăng 18 vụ so với cùng kỳ năm 2024); tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí; tội phạm trật tự xã hội, ma túy còn xảy ra nhiều và tiềm ẩn phức tạp…

Một số sở, ngành, địa phương, cá nhân còn thực hiện chưa nghiêm Quy chế làm việc của UBND tỉnh, chưa nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, công tác phối hợp giải quyết công việc thiếu chặt chẽ”-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đề nghị lãnh đạo các sở, ngành cần tập trung thảo luận phân tích, đánh giá kết quả các mặt công tác trong tháng 1. Trong đó, các ngành, lĩnh vực cần đề ra các giải pháp căn cơ, cụ thể để khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong năm 2023 đã được chỉ ra tại các cuộc họp trước ngay từ những tháng đầu năm nhằm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành thông tin về công tác triển khai thực hiện kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 như: Công tác chăm lo Tết cho người dân; tình hình vận tải hành khách, hàng hóa trong dịp Tết; công tác đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc…

Khắc phục vướng mắc, tăng tốc ngày từ đầu năm

Để thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thành kế hoạch triển khai theo quy định.

Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Hiện nay, Sở đang xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như tham khảo các địa phương trong cả nước để tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Dự kiến trong tháng 2, Sở sẽ trình UBND xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh.

Đối với các dự án trọng điểm của tỉnh có thu tiền sử dụng đất (chủ yếu nằm trên địa TP. Pleiku), đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo TP. Pleiku khẩn trương, sớm hoàn thành các quy hoạch phân khu nhằm tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh năm 2023 không đạt kế hoạch đề ra là tình trạng thiếu đất san lấp phục vụ cho các công trình xây dựng trên địa bàn.

Ông Lương Thanh Bình-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường-cho hay: Hiện nay do chưa triển khai được Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, nên Sở đã tham mưu UBND tỉnh và có các văn bản hướng dẫn các địa phương tận dụng từ nguồn cải tạo đất nông nghiệp để giải quyết tạm thời tình trạng thiếu đất san lấp.

Về lâu dài, Sở đang tích cực phối hợp với các huyện tích hợp gần 300 điểm đất san lấp vào phương án thăm dò, khai thác đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, để triển khai được thì cần phải đồng bộ Quy hoạch tỉnh với Quy hoạch sử dụng đất. Do đó, sau khi Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh thì Sở sẽ đôn đốc UBND các huyện khẩn trương lập điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lương Thanh Bình nêu giải pháp khắc phục tình trạng thiếu đất san lấp. Ảnh: Đức Thụy

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lương Thanh Bình nêu giải pháp khắc phục tình trạng thiếu đất san lấp. Ảnh: Đức Thụy

Bên cạnh đó, UBND cấp huyện cần nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 2024 (hiện chỉ có huyện Đak Đoa và Kông Chro trình hồ sơ), dù Sở đã có rất nhiều văn bản đôn đốc. Trường hợp Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 không được phê duyệt thì không có cơ sở để giao đất, cho thuê đất hay đấu giá đất.

Còn ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải-thông tin: Bên cạnh chỉ đạo các đơn vị vận tải tăng tuyến xe để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong dịp Tết, đơn vị đã phối hợp với Cục Quản lý đường bộ III (Bộ Giao thông-Vận tải) và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra những điểm bất cập trong thi công Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đoạn qua tỉnh Gia Lai (quốc lộ 19).

Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Đoàn Hữu Dũng nêu giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết. Ảnh: Đức Thụy

Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Đoàn Hữu Dũng nêu giải pháp đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết. Ảnh: Đức Thụy

“Dù hầu hết các cầu trên tuyến đã cho thông xe kỹ thuật nhưng chưa đảm bảo về an toàn giao thông. Do đó, chúng tôi đã có văn bản làm việc với Cục Quản lý đường bộ III để chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết. Đặc biệt, chúng tôi cũng đã làm việc với các đơn vị liên quan để đảm bảo việc lưu thông tại khu vực đèo An Khê không bị ách tắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, phương tiện đi lại trong dịp Tết”-Giám đốc Sở Giao thông-Vân tải thông tin.

Khẳng định, năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch 5 năm (2021-2025), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế đề nghị: Đối với các vấn đề vướng mắc về mặt chủ trương, nhất là các dự án đầu tư xây dựng cơ bản cần xin ý kiến của HĐND tỉnh thì đề nghị các sở, ngành nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, cho chủ trương triển khai. Sở Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan và các địa phương khác sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh.

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tích cực vào cuộc tham mưu UBND tỉnh, các cấp chính quyền để điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất phù hợp với Quy hoạch tỉnh; đồng thời, khẩn trương chỉ đạo các địa phương hoàn thiện Kế hoạch sử dụng đất 2024 và sớm ban hành trong quý I-2024. Đặc biệt, đề nghị các sở, ngành làm báo cáo những việc tồn đọng, hạn chế, những chỉ tiêu không đạt thời gian qua và đề ra phương hướng, giải pháp khắc phục nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2024.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh: Để phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở; thủ trưởng các ngành, đơn vị; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào các chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện đúng Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp. Thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện từng nhiệm vụ được giao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch chỉ đạo: “Tôi đề nghị là các sở, ngành cùng với hệ thống chính trị tập trung triển khai các giải pháp ngay từ những tháng đầu năm với quyết tâm cao nhất để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024. Trong quá trình triển khai, cần bám sát vào các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, nghị quyết HĐND tỉnh và kế hoạch của UBND tỉnh đã được ban hành. Đồng thời, tập trung triển khai có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, khắc phục những tồn tại, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm”.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ người dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh chúc lãnh đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân trong tỉnh hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; đón một năm mới hạnh phúc và thành công.

Có thể bạn quan tâm