Quy hoạch vùng Tây Nguyên phát triển xanh-hài hòa-bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Chiều 30-11, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên đã chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 2 chuyên đề về Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương vùng Tây Nguyên cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát triển vùng theo mô hình “3 cực-3 tiểu vùng-5 hành lang”

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Nhằm tiếp tục hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển vùng Tây Nguyên đề ra tại Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, cụ thể hóa các quy hoạch cấp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong vùng cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch.

“Quy hoạch vùng có ý nghĩa quan trọng, giúp “mở đường”, chủ động kiến tạo phát triển với tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng. Trong đó chú trọng giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; tái tổ chức không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững. Quy hoạch vùng cũng là căn cứ quan trọng để đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, đặc biệt là các dự án lớn, có tính liên vùng”-Bộ trưởng Bộ KH-ĐT khẳng định.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ 2 là bước tiếp theo rất quan trọng và hết sức cần thiết để cơ quan lập quy hoạch tiếp tục lắng nghe ý kiến tham gia từ các bộ, ngành, địa phương cũng như các chuyên gia nhằm sớm hoàn thiện nội dung quy hoạch vùng; tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” phát triển của vùng trong thời gian qua và đề ra mục tiêu, phương án phát triển cũng như giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

“Tôi đề nghị các đồng chí cho ý kiến tập trung 5 nội dung quan trọng gồm: xác định các vấn đề trọng tâm cần phải giải quyết, các khâu đột phá phát triển, cơ cấu lại mô hình tăng trưởng của vùng; định hướng tổ chức không gian phát triển gồm “3 tiểu vùng-3 cực tăng trưởng-5 hành lang kinh tế”; giải pháp về phát triển ngành, lĩnh vực, trọng tâm là kết cấu hạ tầng liên kết vùng, giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; định hướng, giải pháp về phát triển văn hóa-xã hội, giải quyết điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch”-Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đề nghị.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên (bìa trái) trao đổi với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên (bìa trái) trao đổi với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện đơn vị tư vấn lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên trình bày nội dung chính của quy hoạch. Theo đó, với mục tiêu phát triển vùng xanh-hài hòa-bền vững, quy hoạch vùng đã đưa ra 6 nhận diện, đề xuất có tính mới, đột phá. Theo đó, quy hoạch khẳng định quan điểm phải đổi mới tư duy về phát triển vùng, chủ động nắm bắt, tận dụng các cơ hội, tập trung nguồn lực giải quyết các điểm nghẽn, mâu thuẫn, xung đột, cản trở trong phát triển.

Quy hoạch vùng nhấn mạnh yêu cầu phát triển kinh tế nhanh và bền vững dựa trên khai thác các nguồn lực và động lực tăng trưởng mới. Tổ chức không gian vùng được xác lập trên cơ sở tuân thủ các không gian bảo tồn tự nhiên, sinh thái, môi trường; phát triển vùng Tây Nguyên theo mô hình “3 cực-3 tiểu vùng-5 hành lang”. Quy hoạch vùng hướng tới thúc đẩy hình thành các trung tâm kinh tế tổng hợp, chuyên ngành. Quy hoạch vùng hướng tới mục tiêu kết cấu hạ tầng Tây Nguyên được kết nối đồng bộ. Tiếp tục duy trì ổn định các vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài và sinh cảnh; từng bước thay thế nguồn nước ngầm bằng nguồn nước mặt.

Nhiều đề xuất quan trọng

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Lê Anh Tuấn cho rằng: “Địa hình vùng Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, để xuống vùng duyên hải đều phải qua các đường đèo. Hiện quy hoạch đề ra 3 phương thức giao thông là đường bộ, đường hàng không và đường sắt. Trên cơ sở địa hình đồi núi, chúng tôi thống nhất việc phân ra các tiểu vùng, hành lang kinh tế dựa trên cơ sở các tuyến quốc lộ, đường cao tốc. Tôi đề nghị quy hoạch bổ sung thêm 2 tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum và Đà Nẵng-Thạnh Mỹ-Ngọc Hồi-Bờ Y; tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương-Nha Trang. Đồng thời, nâng cấp đường tỉnh 687B thành quốc lộ kết nối từ huyện Ea H’leo (tỉnh Đak Lak) đến thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai); tuyến nối từ cửa khẩu Bu Prăng-Gia Nghĩa-Bảo Lộc-quốc lộ 55 đi Ninh Thuận, Bình Thuận”.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng (thứ 3 từ trái sang) cùng đoàn công tác khảo sát thực tế tại Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh quốc lộ 19). Ảnh: H.D

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng (thứ 3 từ trái sang) cùng đoàn công tác khảo sát thực tế tại Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh quốc lộ 19). Ảnh: H.D

Mô hình “3 cực-3 tiểu vùng-5 hành lang” vùng Tây Nguyên gồm: 3 cực phát triển (TP. Pleiku, TP. Buôn Ma Thuột và TP. Đà Lạt); 3 tiểu vùng: tiểu vùng Bắc Tây Nguyên (tỉnh Kon Tum và Gia Lai), tiểu vùng Trung Tây Nguyên (tỉnh Đak Lak) và tiểu vùng Nam Tây Nguyên (tỉnh Đak Nông và Lâm Đồng); 5 hành lang kinh tế (hành lang kinh tế Đông Tây; hành lang kinh tế Bờ Y-Pleiku-Quy Nhơn và hành lang Mondulkiri-Đak Lak-Phú Yên; hành lang kinh tế dọc cao tốc Buôn Ma Thuột-Khánh Hòa; hành lang kinh tế dọc cao tốc Dầu Giây-Đà Lạt-Nha Trang; hành lang kinh tế Bu Prăng-Gia Nghĩa-Bảo Lộc-Bình Thuận).

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long đưa ra một số đề xuất quan trọng không chỉ với tỉnh mà còn với các tỉnh lân cận và 2 nước láng giềng là Lào, Campuchia. “Đề nghị bổ sung thời gian triển khai xây dựng cao tốc Pleiku-Quy Nhơn trước năm 2030; bổ sung nâng cấp tỉnh lộ 668 đoạn qua địa phận thị xã Ayun Pa kết nối với huyện Ea H’leo thành quốc lộ để tăng cường kết nối giữa 2 địa phương; xây dựng quốc lộ 19E nối Gia Lai-Phú Yên; đầu tư hạ tầng Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Đặc biệt, Gia Lai đề nghị cho xây dựng bệnh viện quốc tế với quy mô 1.000 giường bệnh để đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh cho Nhân dân 13 tỉnh thuộc khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Bên cạnh đó, đề nghị các bộ, ngành có cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến mục đích sử dụng đất để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai dự án. Về rừng, đề nghị Trung ương cho cơ chế về thu hút đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng. Cần có cơ chế đặc thù về giáo dục, đào tạo, tuyển dụng, việc làm cho người dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo phát triển bền vững”-Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đề xuất.

Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S kiến nghị: “Cần bổ sung phương án bảo tồn và phát huy văn hóa vùng Tây Nguyên và cơ chế, chính sách đặc thù để gìn giữ và phát triển bền vững văn hóa Tây Nguyên, nhất là văn hóa cồng chiêng; bổ sung phương án và giải pháp để đầu tư kết nối giao thông nội vùng đảm bảo xuyên suốt, tương xứng với tiềm năng và nhu cầu liên kết nội vùng; hình thành các vùng sản xuất tập trung và các nhà máy chế biến tập trung cho các tiểu vùng và cả vùng Tây Nguyên; quy hoạch lại vùng khai thác bô xít; hình thành trung tâm giao dịch hoa tại TP. Đà Lạt”.

Tham gia ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đak Nông Hồ Văn Mười cho biết: “Theo Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị sẽ ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bô xít, alumin, nhôm… Tỉnh đề nghị cơ quan lập quy hoạch xem xét, bổ sung các giải pháp phát triển ngành công nghiệp khu vực Tây Nguyên cho phù hợp với chủ trương này. Tỉnh cũng đề nghị bổ sung 1 trục hành lang kinh tế động lực vào quy hoạch vùng là quốc lộ 28-tỉnh lộ 686-tỉnh lộ 1-quốc lộ 14C-Cửa khẩu Bu Prăng. Với Tây Nguyên, nguồn nước rất quan trọng, nên tập trung quy hoạch nguồn nước, tạo các hồ chứa để đảm bảo an ninh nguồn nước”.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng (hàng trước, thứ 5 từ phải sang) chụp ảnh cùng lãnh đạo các tỉnh trong vùng Tây Nguyên. Ảnh: Đức Thụy

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng (hàng trước, thứ 5 từ phải sang) chụp ảnh cùng lãnh đạo các tỉnh trong vùng Tây Nguyên. Ảnh: Đức Thụy

Còn Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Đình Thiên-nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam-cho rằng: “Tây Nguyên là vùng gắn với “số phận” quốc gia, nhưng điều kiện phát triển còn quá khó khăn, sống phân tán, kết nối xa, phương thức phát triển chủ yếu là khai thác cái sẵn có chứ chưa tạo ra cái mới. Và rõ ràng không thể tiếp tục phát triển theo phương thức này. Quy hoạch vùng đã nhận diện đúng những định hướng chiến lược cho Tây Nguyên. Tuy nhiên, nên bàn sâu về những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên, từ đó đưa ra giải pháp, định hướng, nhận diện lợi thế phát triển mới trong điều kiện thời đại mới. Nên đột phá, phát triển theo chuỗi, theo ngành tạo chuỗi logistics nông nghiệp, công nghiệp. Nước sẽ là vấn đề gay gắt nhất của Tây Nguyên trong 5 năm tới. Tây Nguyên có thể phải đối mặt với tình trạng sa mạc hóa. Cần phải giữ đất, giữ nước, giữ rừng, giữ cái nôi văn hóa, giữ linh hồn Tây Nguyên. Nên có bộ giải pháp thúc đẩy và phát triển du lịch”.

Sau khi nghe ý kiến của đại diện các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Hội nghị đã nghe nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết từ các địa phương, các chuyên gia. Qua đó, chúng ta đã nhận diện đúng và đầy đủ những thách thức, lợi thế, tiềm năng của vùng, từ đó đề xuất những phương hướng phát triển vùng hợp lý, nhanh, hài hòa. Vùng Tây Nguyên có vai trò chiến lược quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Do vậy, việc lập quy hoạch vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Quy hoạch vùng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, đảm bảo thống nhất với Quy hoạch quốc gia, tạo chính sách và thích ứng”.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đề nghị trong giai đoạn tới, vùng Tây Nguyên tiếp tục bám sát các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, phát triển xanh, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Rà soát, chuyển đổi diện tích rừng không hiệu quả để trồng rừng thay thế phù hợp. Chú trọng bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao sinh kế từ rừng cho người dân. Về công nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản, khai thác bô xít.

Bên cạnh đó, phát triển các trung tâm nông nghiệp lớn, các sản phẩm du lịch đặc thù vùng Tây Nguyên. Ngoài ra, Tây Nguyên cần đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên vùng và với các tiểu khu vực lân cận; phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng số, tạo ra động lực phát triển mới; tập trung phát triển theo mô hình “3 cực-3 tiểu vùng-5 hành lang”; tập trung thu hút đầu tư và phát triển các sản phẩm đặc thù; phát huy các khu kinh tế cửa khẩu gắn với đảm bảo an ninh-quốc phòng... Đơn vị tư vấn tiếp tục tiếp thu những ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện quy hoạch vùng, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Có thể bạn quan tâm

Pleiku xuất hiện mưa vàng giải hạn

Pleiku xuất hiện mưa vàng giải hạn

(GLO)- Sau nhiều ngày nắng nóng kéo dài, khoảng 16 giờ 10 phút ngày 3-5, trên địa bàn TP. Pleiku và các huyện lân cận (tỉnh Gia Lai) đã xuất hiện mưa dông trên diện rộng. Cơn mưa kéo dài hơn 30 phút, được xem là cơn mưa vàng giải cơn khát nắng nóng và nước tưới cho các loại cây trồng.