Quy hoạch kiến tạo động lực phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển. Đây có thể coi là tiền đề để tạo đột phát trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Nhận diện rõ điểm mạnh, điểm yếu

Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ nhận diện rõ các vấn đề nổi cộm từ góc độ vĩ mô và từ khía cạnh các ngành. Quy hoạch cũng xác định bối cảnh mới và các yêu cầu phát triển đặt ra cho Gia Lai. Sau khi đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, Quy hoạch sẽ đưa ra các vấn đề cần giải quyết.

“Các nội dung tích hợp vào Quy hoạch tỉnh sẽ đưa ra các chiến lược đột phá phát triển thời kỳ 2021-2030. Cụ thể là xác định mục tiêu và quan điểm phát triển tỉnh Gia Lai phù hợp với bối cảnh vùng Tây Nguyên và quốc gia, phù hợp với Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh; xác định các đột phá chiến lược phát triển tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030; phương hướng phát triển các ngành kinh tế-xã hội, hạ tầng xã hội; phân vùng và tổ chức không gian lãnh thổ, đô thị, nông thôn; phương án phân bổ và phân vùng đất đai; phương án bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư và các nhóm giải pháp tổ chức thực hiện”-ông Hòa thông tin.

Tập kết chanh dây về nhà máy chế biến chanh dây Quicornac (Khu CN Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Tập kết chanh dây về nhà máy chế biến chanh dây Quicornac (Khu CN Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy

Gia Lai có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh của vùng Tây Nguyên, là cửa ngõ giao lưu kinh tế-xã hội với các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và với các nước trong khu vực, đặc biệt là Campuchia và Lào. Trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,3%/năm, trong đó, đóng góp của ngành nông nghiệp chiếm khoảng 25,5%. Theo đánh giá, mức đóng góp này là cao hơn so với ngành nông nghiệp của cả nước, song hiệu quả tổng thể của sản xuất nông nghiệp ở Gia Lai vẫn còn thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất chỉ bằng 41% so với cả nước. Đây có thể xem là nhân tố có thể cải thiện để nâng cao mức đóng góp cho tăng trưởng giai đoạn 2021-2030.

Ngành công nghiệp đóng góp khoảng 31,7% vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Nhưng kết quả này chủ yếu vẫn nhờ tăng trưởng ngành sản xuất và phân phối điện, đạt bình quân 9,8%/năm và đóng góp tới 59% cho riêng tăng trưởng ngành công nghiệp. Đóng góp từ ngành dịch vụ đạt 38,86%. Đóng góp của khối ngành khoa học công nghệ còn rất nhỏ với 1% GRDP. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là chủ yếu, chiếm đến 90%. Giao thông kết nối bên ngoài còn hạn chế làm giảm cơ hội tiếp cận các thị trường lớn. Trên địa bàn chưa có cao tốc kết nối các điểm nút đầu ra của nền kinh tế (cảng biển, đường sắt…). Về giao thông nội tỉnh, mật độ đường (km/km2) thấp hơn nhiều so với các vùng trên cả nước dẫn đến hạn chế về năng lực cạnh tranh, kết nối các vùng sản xuất nông nghiệp và địa bàn tiêu thụ, chế biến sản phẩm.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 352 công trình thủy lợi (118 hồ chứa, 194 đập dâng và 40 trạm bơm) với tổng năng lực thiết kế tưới cho 67.411 ha cây trồng các loại (36.844 ha lúa, 30.567 ha rau, màu, cây công nghiệp). Hiệu quả sử dụng các công trình so với năng lực thiết kế bình quân đạt khoảng 70%, một số công trình phát huy đạt và vượt năng lực thiết kế ban đầu. Tuy nhiên, so với diện tích cây trồng cần tưới trên toàn tỉnh, tổng diện tích được tưới chủ động từ các công trình thủy lợi mới đáp ứng được 12,5%.

Những khó khăn, thách thức được chỉ ra trong dự thảo Quy hoạch tỉnh là căn cứ, cơ sở để đưa ra những chủ trương, quyết sách lớn, mang tính căn cơ, vừa có tính khoa học, vừa có tính thực tiễn, ban hành kịp thời, tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, Gia Lai sẽ là một “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”, điểm đến “Sinh thái, khác biệt và độc đáo”, thương hiệu “Vùng đất xanh, giàu bản sắc”.

Tập trung 5 chiến lược đột phá

Dự thảo Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Gia Lai là tỉnh tiên phong trong chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số, kinh tế thị trường hiện đại. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 9,57%/năm; tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt 40%. Về lĩnh vực văn hóa-xã hội, Gia Lai phấn đấu mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 38.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân mỗi năm 1-2%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm khoảng 3%/năm; đạt 30 giường bệnh/vạn dân, 10 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%. Đến năm 2023, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm trên 82%, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt trên 20%.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: “Gia Lai cần phải có quy hoạch tạo đột phá để tạo ra động lực mới cho nền kinh tế. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, kinh tế, văn hóa, xã hội… Khi triển khai phải tập trung, tránh manh mún, phải phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đổi mới công nghệ cao, phát triển công nghệ số. Chuyển đổi năng lượng sạch, năng lượng xanh”.

Gia Lai đặt mục tiêu trở thành hình mẫu về mô hình phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: Phạm Quý

Gia Lai đặt mục tiêu trở thành hình mẫu về mô hình phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: Phạm Quý

Trước đó, tại hội nghị (chuyên đề) ngày 18-3-2022 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức về việc nghe Ban cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo và cho ý kiến về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; nội dung cốt lõi, chiến lược trong lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh: “Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nói rất nhiều là không đánh đổi sự phát triển bằng mọi giá, nhất là đánh đổi môi trường để lấy sự phát triển kinh tế đơn thuần. Vì vậy, tôi đề nghị trong Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần phải có cụm từ “Xây dựng tỉnh Gia Lai phát triển nhanh và bền vững trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường”. Ngoài ra, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt từ 50% trở lên”.

Trên cơ sở thực tế và bám sát chỉ đạo của Trung ương, dự thảo Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra 5 chiến lược đột phá và 5 nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Trong đó, 5 chiến lược đột phá gồm: cơ chế, chính sách; nhân lực; hạ tầng; mạng lưới sinh thái và hình thành các cụm liên kết ngành dựa trên sinh thái; hành lang phát triển và các cực không gian tăng trưởng. 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường xúc tiến đầu tư, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng các nền tảng chuyển đổi nền kinh tế hiện đại, ưu tiên các ngành công nghiệp chế biến, phục vụ phát triển nông nghiệp, hình thành các mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến, tăng cường chất lượng các dịch vụ trung gian để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực trọng điểm; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ cho các lĩnh vực ưu tiên, vùng động lực của tỉnh; trở thành hình mẫu về mô hình phát triển năng lượng tái tạo, bảo tồn và tôn tạo tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng, trở thành một trong những tỉnh đầu tiên có nền kinh tế trung hòa carbon.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Hiện tại, công tác lập Quy hoạch tỉnh đã hoàn thành các dự thảo báo cáo tóm tắt, báo cáo tổng hợp, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, hệ thống bản đồ Quy hoạch tỉnh và báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến bộ, ngành Trung ương và các địa phương liền kề. Trong tháng 3, Sở tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của Quy hoạch tỉnh, trình Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và làm việc với các bộ, ngành, các chuyên gia ở trung ương để tiếp thu, giải trình các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh”.

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.