Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Chia sẻ rủi ro với người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) đã kịp thời giảm mức đóng bằng 0% trong thời gian 1 năm và một số chính sách hỗ trợ khác.
Chính sách nhân văn
Theo ông Lê Quốc Khánh-Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh, với gói hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, ngành BHXH tỉnh ta thực hiện 3 chính sách liên quan trực tiếp cho doanh nghiệp và người lao động gồm: giảm mức đóng Quỹ BHTNLĐ-BNN; tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng thực hiện một số chính sách hỗ trợ thiết thực khác như: hỗ trợ người lao động tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động, ngừng việc, nghỉ việc không lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn, trả lương ngừng việc cho người lao động; chi hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Mục đích của chính sách giảm mức đóng vào Quỹ BHTNLĐ-BNN trong 12 tháng (từ ngày 1-7-2021 đến 30-6-2022) là giúp doanh nghiệp có thêm kinh phí hỗ trợ công tác phòng-chống dịch Covid-19 cho người lao động. Điều kiện là người sử dụng lao động đang tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người công tác trong lực lượng vũ trang…).
Phó Giám đốc BHXH tỉnh nhấn mạnh: “Trong thời gian 12 tháng, người sử dụng lao động vẫn phải thực hiện đăng ký tham gia và đóng Quỹ BHTNLĐ-BNN theo quy định pháp luật, nhưng áp dụng mức đóng bằng 0 đồng. Mọi chế độ đối với người bị TNLĐ-BNN trong thời gian này vẫn phải bảo đảm. Cơ quan BHXH có trách nhiệm giảm mức đóng vào Quỹ BHTNLĐ-BNN từ 0,5% xuống 0% và gửi thông báo cho doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính. Đến nay, ngành BHXH đã hoàn tất các thủ tục, gửi thông báo về số tiền có được do giảm mức đóng vào Quỹ BHTNLĐ-BNN đến các đơn vị sử dụng lao động để hỗ trợ cho người lao động trong tỉnh. Hiện đã có 1.995 doanh nghiệp với 38.097 người lao động được hỗ trợ điều chỉnh giảm đóng vào Quỹ BHTNLĐ-BNN với số tiền trên 11,5 tỷ đồng”.
 Công ty TNHH sản xuất thương mại Gia Khang tham gia đầy đủ Quỹ BHTNLĐ-BNN cho người lao động. Ảnh: Đinh Yến
Công ty TNHH sản xuất thương mại Gia Khang tham gia đầy đủ Quỹ BHTNLĐ-BNN cho người lao động. Ảnh: Đinh Yến
Trong đó, TP. Pleiku có số doanh nghiệp và người lao động được hỗ trợ giảm mức đóng Quỹ BHTNLĐ-BNN lớn nhất tỉnh với 1.273 doanh nghiệp, hơn 30.000 người lao động được hỗ trợ; tổng số tiền hỗ trợ trên 9,3 tỷ đồng. Chính sách này giúp các doanh nghiệp có thêm phương án, điều kiện chủ động khắc phục khó khăn, hỗ trợ người lao động phòng-chống dịch Covid-19.
Là đơn vị có 843 lao động được hỗ trợ giảm mức đóng Quỹ BHTNLĐ-BNN với tổng số trên 468 triệu đồng trong thời gian 1 năm, ông Phan Ngọc Thạch-Trưởng ban Quản lý dự án Công ty Điện lực Gia Lai-cho biết: “Chính sách này giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện ổn định sản xuất, quan tâm đến người lao động”.
Hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro
Theo quy định, hàng năm, Quỹ BHTNLĐ-BNN dành tối đa 10% nguồn thu để hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN. Các hoạt động hỗ trợ bao gồm: khám-chữa bệnh nghề nghiệp; phục hồi chức năng lao động; điều tra lại các vụ TNLĐ-BNN theo yêu cầu của cơ quan BHXH; huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho người tham gia bảo hiểm TNLĐ-BNN.
Ông Nguyễn Hữu Tùng-Phó Trưởng phòng Lao động-Việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) thông tin: “Việc dành tối đa 10% nguồn thu để hỗ trợ cho hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ-BNN là 1 trong 3 nội dung chi mới từ Quỹ BHTNLĐ-BNN theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động. Mức chi được ấn định hàng năm trên tổng số thu, không phụ thuộc vào nhu cầu phát sinh của đơn vị mà được ấn định tối đa bằng một con số cụ thể và được xác định như chi thường xuyên của đơn vị”.
Trước đây, các nội dung của Quỹ BHTNLĐ-BNN nằm trong Luật BHXH. Tuy nhiên, chỉ thực hiện những chế độ trợ cấp TNLĐ-BNN sau khi người lao động đã điều trị ổn định thương tật; còn việc chi trả các chế độ trợ cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình, trợ cấp phục vụ, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật hầu như rất ít. Đồng thời, lúc trước, chưa có cơ chế tái đầu tư để phòng ngừa TNLĐ-BNN... nên chưa hỗ trợ hiệu quả trong việc chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp khi xảy ra TNLĐ. Chính vì vậy, không ít doanh nghiệp “né” đóng bảo hiểm cho người lao động và bản thân người lao động cũng không mặn mà với việc tham gia Quỹ BHTNLĐ-BNN.
Tiết mục dự thi của công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông tại Hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi năm 2020. Ảnh: Đinh Yến
Tiết mục dự thi của công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông tại Hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi năm 2020. Ảnh: Đinh Yến
Cũng theo ông Tùng, từ ngày 1-7-2016, những nội dung về TNLĐ-BNN được thực hiện theo Luật An toàn vệ sinh lao động. Trong đó, các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động xây dựng Quỹ BHTNLĐ-BNN để chi cho những trường hợp: trợ cấp TNLĐ-BNN hàng tháng; trợ cấp phục vụ người bị TNLĐ-BNN hàng tháng; chi trợ cấp TNLĐ-BNN 1 lần (gồm trợ cấp 1 lần khi bị TNLĐ-BNN; trợ cấp 1 lần khi tử vong do TNLĐ-BNN); cấp tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình cho người bị TNLĐ-BNN; đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng TNLĐ-BNN hàng tháng.
Ngoài ra, Luật còn bổ sung các khoản chi hỗ trợ như: chi phí giám định thương tật, bệnh tật; chi phí giám định y khoa đối với trường hợp người lao động chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và kết quả khám giám định đủ điều kiện để hưởng BHXH; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người bị TNLĐ-BNN khi trở lại làm việc.
Cách đây hơn 1 năm, ông Đinh Xuân Phổ-nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Ia Grai bị tai nạn lao động mất 43% sức khỏe. Ông tham gia đóng Quỹ BHTNLĐ-BNN nên được hỗ trợ mọi chi phí điều trị và giám định thương tật để hưởng chế độ về hưu sớm. Ông Phổ nói: “Tôi đang được hưởng tiền trợ cấp trên 1,5 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, tôi giảm bớt khó khăn trong cuộc sống hàng ngày”.   
Nói về chính sách bảo hiểm nhân văn này, bà Đào Thị Ngọc Mai-Giám đốc Công ty TNHH sản xuất-thương mại Gia Khang-cho biết: Công ty có gần 100 nhân viên, người lao động đang làm việc ở các bộ phận sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu. 100% người lao động của Công ty đều tham gia đầy đủ các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tham gia đóng 1% Quỹ BHTNLĐ-BNN theo Luật An toàn vệ sinh lao động. Đối với những lao động bị tai nạn, doanh nghiệp làm hồ sơ đề nghị BHXH giải quyết hưởng trợ cấp 1 lần, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN.
“Tham gia Quỹ BHTNLĐ-BNN giúp người bị TNLĐ bớt được phần nào gánh nặng trong cuộc sống. Hơn nữa, Quỹ quy định rõ ràng các chế độ, quyền lợi được hưởng, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp khi không may có lao động bị TNLĐ, mắc BNN”-bà Mai cho hay.      
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Chuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

E-magazineChuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

(GLO)- Nằm ở cuối đường Bùi Dự (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), Trạm cứu hộ chó, mèo Gia Lai có diện tích khá rộng rãi. Đây là mái ấm của những chú chó, mèo bị bỏ rơi hay may mắn thoát ra từ lò mổ hoặc bị thương do xe tông được “biệt đội” cứu hộ đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng.

 Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

(GLO)- Thời gian qua, phường Thống Nhất (TP. Pleiku) đã tập trung phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, người dân đã chủ động phát triển sản xuất, chăn nuôi giúp tăng thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm dần qua các năm.

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

(GLO)- Nhìn những bằng khen, giấy khen treo trên tường nhà, ít ai ngờ rằng, ông Kpă Dõ-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Lê Ngol (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) từng một thời chìm trong lầm lỗi. Nhờ được cảm hóa và giúp đỡ, ông đã mạnh mẽ “đứng dậy” làm lại cuộc đời.

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Tổ chức ASIF tại Việt Nam và các đơn vị tài trợ đã triển khai có hiệu quả Dự án “Giếng sạch trao buôn” giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nước sạch để sử dụng.

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

(GLO)- Ngày 12-11, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) cho huyện Krông Pa và huyện Chư Pưh thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG.