Tổng thống Macron dự lễ duyệt binh kỷ niệm ngày quốc khánh Pháp. Ảnh: Getty Images |
Điểm nhấn của Ngày Quốc khánh là sự xuất hiện của ngọn lửa Olympic ở thủ đô Paris. Hành trình xuyên qua thành phố của ngọn đuốc được bắt đầu từ cuộc diễu hành quân sự.
Băng qua những công trình vĩ đại ở tả ngạn sông Sein như tòa nhà Quốc hội, Nhà thờ Đức Bà, Thượng viện và Đại học Sorbonne, ngọn đuốc được đưa đến Gare du Nord trước khi trở về trung tâm Paris, thắp sáng Tòa Thị chính thành phố vào lúc 11h đêm, cùng thời điểm với màn bắn pháo hoa truyền thống ngày 14/7 tại tháp Eiffel.
Quốc khánh Pháp diễn ra trong bối cảnh chính trường nước này đang trải qua giai đoạn khủng hoảng chưa từng có.
Sau quyết định giải thể Quốc hội của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cuộc bầu cử lập pháp sớm đã được tiến hành tại nước này với những diễn biến bất ngờ, dẫn đến việc không có đảng phái nào chiếm được đa số ghế tại Quốc hội mới để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ.
Cho đến nay, đã hai tuần kể từ khi kết thúc bầu cử, các bên vẫn đang bận đàm phán để tìm ra gương mặt có thể đảm nhiệm vai trò thủ tướng, đủ khả năng kết nối các phe phái chính trị trong chính phủ đồng thuận để điều hành đất nước.
Không chỉ đau đầu với nỗi lo chính trường, nước Pháp còn bận rộn với công tác chuẩn bị cho Olympic mùa hè 2024 diễn ra chưa đầy hai tuần sau ngày Quốc khánh.
Quảng trường Concorde và đại lộ Champs-Elysées, nơi theo truyền thống sẽ là khán đài và chứng kiến màn diễu binh của các lực lượng vũ trang Pháp vào dịp quốc khánh, giờ được sử dụng làm điểm thi đấu cho một số môn thể thao. Do đó buổi lễ diễu binh hằng năm vào ngày 14/7 đã phải chuyển sang đại lộ Foch, nối liền Khải Hoàn Môn với cửa ngõ Dauphine.
Cũng vì sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này nên các khu vực xung quanh tháp Eiffel được sử dụng làm địa điểm thi đấu, khiến hàng trăm nghìn người dân thủ đô và khách du lịch không còn chỗ để ngắm nhìn pháo hoa đêm quốc khánh.
Trong bài phát biểu với quân nhân Pháp trước thềm Quốc khánh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố: “Chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine… và thực hiện nghĩa vụ của mình mà không tìm cách leo thang và không rơi vào tình trạng chiến tranh với Nga”.
Hồi tháng 2, Pháp đã ký hiệp ước an ninh với Ukraine. Thỏa thuận bao gồm cam kết viện trợ của Pháp lên tới 3 tỷ Euro cho năm 2024, sau 2,1 tỷ Euro vào năm 2023 và 1,7 tỷ Euro vào năm 2022.
Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, hiệp ước có hiệu lực trong 10 năm, bao gồm các cam kết chính xác từ phía Pháp, bao gồm cả các cam kết tài chính.
Hiệp ước tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực pháo binh. Thỏa thuận này cũng giúp mở đường cho việc Ukraine hội nhập vào Liên minh châu Âu (EU) và NATO trong tương lai.