Tổng thống Macron phá vỡ im lặng giữa bế tắc chính trị Pháp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi các đảng chính thống hợp lực để tạo thành đa số vững chắc trong Quốc hội Pháp.

Đây là phát biểu công khai đầu tiên của ông kể từ cuộc bầu cử ngày 7/7, khiến quốc hội nước này rơi vào bế tắc.

Cuộc bầu cử quốc hội đẩy nước Pháp vào giai đoạn bất định, khi 3 nhóm chính trị có chủ trương khác nhau và không có con đường rõ ràng nào để thành lập chính phủ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: Reuters)

Trong lá thư gửi các tờ báo trong khu vực, ông Macron kêu gọi các đảng chính thống mang "giá trị cộng hòa" thành lập liên minh cầm quyền và ông hy vọng sẽ chọn được thủ tướng từ liên minh này.

“Hãy hy vọng các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta thể hiện ý thức, sự hài hòa và bình tĩnh, vì lợi ích của các bạn và của đất nước. Dựa trên những nguyên tắc này, tôi sẽ quyết định việc bổ nhiệm thủ tướng", Tổng thống Macron viết.

Mặt trận Bình dân mới (NFP), một liên minh được tập hợp vội vã giữa đảng cánh tả Pháp Không khuất phục (France Unbowed) và các đảng: Xã hội, Xanh và Cộng sản, bất ngờ giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử ngày 7/7, nhưng không chiếm đa số tuyệt đối.

Phe trung dung của Tổng thống Macron đứng thứ hai và đảng Tập hợp quốc gia (RN) cực hữu đứng thứ ba.

Theo thông lệ, ông Macron sẽ kêu gọi nhóm lớn nhất trong nghị viện, trong trường hợp này là khối cánh tả, thành lập chính phủ. Tuy nhiên, không quy định nào trong hiến pháp bắt buộc ông phải làm như vậy.

Ông Macron không kêu gọi rõ ràng cần loại trừ RN hoặc France Unbowed khỏi liên minh cầm quyền, nhưng việc ông nói đến "các giá trị cộng hòa" thường được hiểu là loại trừ các đảng cực tả hoặc cực hữu.

Một số nghị sĩ lập pháp của France Unbowed phản ứng với lá thư của ông Macron, rằng ông nên chấp nhận lựa chọn của liên minh cánh tả cho vị trí thủ tướng, sau khi liên minh này đã đồng ý với một lựa chọn và sẵn sàng thành lập chính phủ.

“Điều tốt nhất mà ông ấy có thể làm cho đất nước trong giai đoạn này là cho phép nhóm giành được nhiều ghế nhất, Mặt trận Bình dân mới, nắm quyền điều hành. Bất kỳ âm mưu nào khác sẽ thực sự gây rắc rối và nguy hiểm cho nền dân chủ”, Eric Coquerel, nghị sĩ của France Unbowed, nói trên truyền hình LCI.

Các thị trường tài chính, Ủy ban châu Âu và những đối tác khu vực đồng euro của Pháp đều đang theo dõi chặt chẽ xem tình trạng bế tắc chính trị ở Pháp sẽ được giải quyết như thế nào.

Các lựa chọn bao gồm một liên minh rộng rãi, một chính phủ thiểu số hoặc một chính phủ kỹ trị do một người không liên quan đến chính trị lãnh đạo, sẽ tìm cách thông qua luật tại Quốc hội Pháp trong từng trường hợp cụ thể.

Nhưng bất kỳ chính phủ nào - thuộc cánh tả, trung dung hoặc liên minh rộng hơn - đều có thể nhanh chóng bị lật đổ bởi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm từ phe đối lập nếu không nhận được sự ủng hộ cần thiết.

Lãnh đạo RN Jordan Bardella cho rằng ông Macron là nguyên nhân gây ra tình trạng tê liệt chính trị.

Ngày 10/7, người dẫn dắt lâu năm của RN, bà Marine Le pen, nói rằng việc một chính trị gia cánh tả cứng rắn kêu gọi tuần hành tới văn phòng thủ tướng không khác gì vụ làm loạn Điện Capitol ngày 6/1/2021 mà những người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra.

Trước đó, nghị sĩ Adrien Quatennens của France Unbowed cáo buộc Tổng thống Macron muốn "đánh cắp" chiến thắng của phe cánh tả sau khi ông yêu cầu Thủ tướng Gabriel Attal tiếp tục vị trí hiện tại. Quatennens đã kêu gọi "một cuộc tuần hành lớn của quần chúng" ở Matignon (dinh thủ tướng Pháp).

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (bìa phải) và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại cuộc họp báo chung. Ảnh: Bernama

Thủ tướng Malaysia bổ nhiệm cựu Thủ tướng Thái Lan làm cố vấn không chính thức vào năm 2025

(GLO)- Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại TP. Putrajaya (Malaysia), Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thông báo đã bổ nhiệm ông Thaksin Shinawatra làm cố vấn không chính thức vào năm 2025 khi Malaysia đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.