Quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động (CVĐ) góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tập trung giảm nghèo nhanh và bền vững, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Để cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy về mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã triển khai sâu rộng các phong trào, CVĐ. Trong đó, CVĐ “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho rằng: Cuộc vận động đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều gia đình đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để từng bước vươn lên thoát nghèo; nhiều làng thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội... Năm 2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phát hành và cấp phát 11.828 sổ tay tuyên truyền thực hiện CVĐ đến cán bộ, đảng viên và cán bộ làm công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh. 20 nội dung tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ và thay đổi cách làm trong sổ tay được biên soạn bằng 3 thứ tiếng: Việt, Jrai và Bahnar.

 Mô hình trồng cà phê gây quỹ ở làng Dơk Rơng (xã Glar, huyện Đak Đoa). Ảnh: Anh Huy
Mô hình trồng cà phê gây quỹ ở làng Dơk Rơng (xã Glar, huyện Đak Đoa). Ảnh: Anh Huy


Nói về việc triển khai thực hiện CVĐ tại địa phương, bà Nguyễn Thị Thu Nhi-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kbang-cho hay: “Việc xây dựng và nhân rộng mô hình CVĐ đã được cấp ủy Đảng chỉ đạo, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp phối hợp thực hiện đạt hiệu quả. Huyện duy trì các mô hình như: nuôi heo đen, nuôi bò sinh sản, nuôi dê sinh sản, trồng chanh dây... góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, từ khi triển khai thực hiện CVĐ đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 4.176 mô hình với 25.414 hộ dân tộc thiểu số tham gia và cùng với nhiều chương trình an sinh khác; qua đó góp phần giúp hơn 10.000 hộ vươn lên thoát nghèo.

Tăng sự gắn kết trong cộng đồng

Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên, ngành chức năng và các địa phương tổ chức lồng ghép các nội dung của CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”; tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trọng tâm của CVĐ là tuyên truyền, vận động nhân dân, cụ thể hóa 5 nội dung của CVĐ với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Qua CVĐ đã phát huy được sức mạnh, sự sáng tạo và tinh thần tự nguyện của nhân dân trong việc tích cực hiến đất, đóng góp tiền của, vật tư, công lao động để làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng.

Chia sẻ về mô hình trồng cà phê gây quỹ ở làng Dơk Rơng, bà Lai-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Glar (huyện Đak Đoa) cho biết: Năm 2019, mô hình trồng cà phê gây quỹ được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn làm điểm để nhân rộng với diện tích 1,6 ha. Việc chăm sóc, thu hoạch được chia đều ra các tổ. Số tiền thu được từ bán cà phê, sau khi trừ các khoản chi phí sẽ sung vào quỹ chung của làng để làm đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng, giúp đỡ hộ nghèo. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng tại 4/9 thôn, làng trong xã.

Đề cập thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho hay: Từ năm 2015 đến nay, Mặt trận các cấp đã phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp, hỗ trợ trên 328,609 tỷ đồng và hiến 132.963 m2 đất, đóng góp 47.338 ngày công lao động làm nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, làm đường giao thông nông thôn... Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” và thực hiện Tháng cao điểm “Vì người nghèo”, từ năm 2016  đến nay, Mặt trận các cấp đã vận động được gần 32 tỷ đồng và Quỹ “Vì người nghèo” đã hỗ trợ xây mới 591 căn nhà “Đại đoàn kết”, sửa chữa 184 nhà, giúp hộ nghèo phát triển sản xuất.

“Thời gian tới, MTTQ tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức phối hợp với các tổ chức thành viên; tiếp tục duy trì các mô hình, các nội dung phần việc đã được phân công, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các mô hình, các phong trào thi đua yêu nước. Đồng thời, củng cố và nâng cao chất lượng của ban công tác Mặt trận ở khu dân cư; bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu công tác Mặt trận”-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh.

ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng 16-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết, tặng quà nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và các gia đình có công trên địa bàn TP. Pleiku.

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Theo phương án đề xuất, Bộ Tài chính sẽ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính. Bộ Nội vụ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ. Bộ Xây dựng giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng...