Quan tâm trợ giúp pháp lý cho người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Gia Lai đã thực hiện tốt Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Tuy nhiên, công tác này hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trước tình hình đó, Trung tâm sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức có liên quan để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã chủ động tham mưu, đề xuất Sở Tư pháp, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL ban hành các văn bản, kế hoạch thực hiện hoạt động trợ giúp phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội của địa phương. Nhờ đó, hoạt động TGPL tiếp tục triển khai và duy trì hiệu quả, các hình thức truyền thông pháp luật, trợ giúp ở cơ sở, tham gia tố tụng tại cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều chuyển biến.

   Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh truyền thông pháp luật cho người dân xã Ia Chía, huyện Ia Grai. Ảnh: R'Ô HOK
Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh truyền thông pháp luật cho người dân xã Ia Chía, huyện Ia Grai. Ảnh: R'Ô HOK


Một trong những nhiệm vụ mà Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh quan tâm là nâng cao chất lượng truyền thông, phổ biến pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng, tham gia tố tụng, tư vấn, đại diện ngoài tố tụng cho người dân. Đặc biệt là đối tượng thuộc diện TGPL như: người có công với cách mạng, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, nạn nhân của bạo hành gia đình…

Bên cạnh đó, để giúp người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận pháp luật, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động TGPL về tận cơ sở như: truyền thông pháp luật tại cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, thường xuyên cung cấp và niêm yết đầy đủ bảng thông tin về TGPL, biểu mẫu, các tài liệu, hộp tin, tờ thông tin cũng như địa chỉ liên lạc của Trung tâm, chi nhánh TGPL ở các địa phương, cơ quan tiến hành tố tụng, UBND các cấp, cơ sở tạm giam, tạm giữ để thực hiện việc bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Đồng thời, bố trí cán bộ có trình độ năng lực chuyên môn phù hợp để cung cấp dịch vụ pháp lý tốt nhất cho người TGPL. Nhờ đó, các vụ việc TGPL được thụ lý và giải quyết đúng trình tự, thủ tục quy định, chất lượng được đảm bảo. Quá trình thực hiện TGPL không phát sinh khiếu nại, khiếu kiện, người dân được thực hiện đầy đủ các quyền lợi, hài lòng về chất lượng và thực hiện vụ việc của mình.

Ông Klưnh-Trưởng thôn Đê Kôn (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) cho hay: Làng có 53 hộ với 265 khẩu, 100% là người Bahnar. Trước đây, do nhận thức chưa cao nên trong làng thường xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, phá rừng làm rẫy, tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Được cán bộ Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, giải thích các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nên tình trạng phá rừng làm rẫy, tảo hôn, hôn nhân cận huyết được hạn chế và kéo giảm. Bên cạnh đó, những vấn đề bà con quan tâm, các vướng mắc về quyền lợi được các cán bộ tư vấn, giải đáp rõ ràng. Nhờ đó, ý thức của bà con có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh trật tự ổn định.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã thụ lý 531 vụ việc với 531 người được TGPL. Trong đó, tham gia tố tụng 183 vụ việc, tư vấn pháp luật 10 vụ việc. Các vụ việc đã thụ lý chủ yếu thuộc lĩnh vực pháp luật về hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình. Riêng lĩnh vực TGPL pháp luật hình sự, đơn vị đã tham gia tố tụng 175 vụ việc; pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình 17 vụ việc; pháp luật hành chính 1 vụ việc.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Đình Quánh-Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh-cho biết: Thời gian qua, Trung tâm nhận được sự hỗ trợ và tạo điều kiện về chuyên môn của Cục TGPL, Sở Tư pháp và chính quyền các cấp trong thực hiện công tác TGPL. Tuy nhiên, công tác này hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trước tiên, Gia Lai là tỉnh miền núi, địa bàn đi lại khó khăn, nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống có phong tục tập quán, văn hóa sinh hoạt, ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt là nhận thức của người được TGPL còn một số hạn chế, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, viên chức của Trung tâm không được hưởng phụ cấp công vụ, phương tiện, trang-thiết bị phục vụ cho hoạt động TGPL còn thiếu.

“Thời gian tới, Trung tâm sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức có liên quan để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL. Phối hợp với Thanh tra tỉnh để thực hiện TGPL trong khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính. Cùng với đó, thường xuyên chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL để thực hiện công tác có hiệu quả”-ông Quánh nhấn mạnh.

 

R'Ô HOK

 

Có thể bạn quan tâm

Vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai: Tạm giữ khẩn cấp giám đốc, hoãn xuất cảnh 7 người

Vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai: Tạm giữ khẩn cấp giám đốc, hoãn xuất cảnh 7 người

Đó là thông tin mới nhất liên quan vụ nổ lò hơi ở huyện Vĩnh Cửu làm 6 người chết, 5 người bị thương được thượng tá Nguyễn Mạnh Toàn, Phó GĐ Công an tỉnh Đồng Nai thông tin tại hội nghị giao ban kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Đồng Nai vào sáng 4-5.
Phan Quốc Việt khai gì trong vụ móc nối với Công ty AIC?

Phan Quốc Việt khai gì trong vụ móc nối với Công ty AIC?

Khi biết Công ty AIC đồng ý cho Công ty Gene Việt liên danh gói thầu giai đoạn 1 dự án thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, Phan Quốc Việt liền chỉ đạo giao lại Cty Việt Á đứng tên liên danh và thực hiện các thủ tục thay vì thấy công ty này chưa đủ năng lực.