Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ vùng sâu: Hoạt động thiết thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh Gia Lai luôn chú trọng đến công tác phổ biến, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên, phụ nữ ở cơ sở, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn dân cư. 
Đến với phụ nữ vùng khó
Nhiều năm trước, ở các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số ít khi được tiếp cận với các hình thức tuyên truyền, tư vấn pháp luật. Nguyên nhân là do đường sá xa xôi, dân cư sống không tập trung; trình độ dân trí còn hạn chế; các cơ sở Hội thiếu các hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp… Do vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội chú trọng xây dựng một số mô hình vận động, giáo dục sát với nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ. Hội cũng phối hợp với các ban ngành, đoàn thể duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình: tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý về hôn nhân gia đình; truyền thông về vấn đề “tín dụng đen” và hướng dẫn tiếp cận các nguồn vốn; truyền thông pháp luật về phòng-chống bạo lực gia đình; các phương pháp nhận diện và giải pháp phòng ngừa “tín dụng đen”; truyền thông pháp luật liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng-chống xâm hại tình dục trẻ em… Các câu lạc bộ, chi hội duy trì sinh hoạt theo chuyên đề đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn dân cư trong hội viên, phụ nữ.
  Phụ nữ  tham gia  thảo luận, đóng góp ý kiến tại buổi tuyên truyền ở xã Pờ Tó, (huyện Ia Pa). Ảnh: H.P
Phụ nữ tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến tại buổi tuyên truyền ở xã Pờ Tó, (huyện Ia Pa). Ảnh: H.P
Buổi tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý được Hội LHPN tỉnh tổ chức gần đây nhất là tại xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) vào ngày 17-7. Tại đây, các hội viên, phụ nữ được tư vấn nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực hôn nhân gia đình. Chị Đoàn Thị Hòe (thôn 3) chia sẻ: “Đến với buổi tư vấn hôm nay, chúng tôi mong muốn có kiến thức để chăm lo cho gia đình tốt hơn. Đây là cơ hội để chị em có thêm kỹ năng giáo dục con cái, tạo dựng sự đầm ấm trong gia đình vì cuộc sống bình đẳng, tiến bộ”.  
Tại buổi tư vấn, chị em còn tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về hôn nhân gia đình, phòng ngừa “tín dụng đen”… Chia sẻ về vấn đề này, bà Lương Thị Hảo Yến-Chủ tịch Hội LHPN xã Pờ Tó-cho hay: “Xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nên nhận thức, hiểu biết về Luật Hôn nhân và Gia đình còn hạn chế. Vì vậy, buổi truyền thông hôm nay rất ý nghĩa, là dịp tốt để chị em nâng cao nhận thức và sau đó chính họ sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực đưa kiến thức về hôn nhân gia đình đi vào cuộc sống”. 
Phong phú hoạt động tuyên truyền
Bà Vũ Thị Bích Ngọc-Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-cho biết: Thực hiện Hướng dẫn số 217/HD-BCH ngày 25-1-2018 của Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”, công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn pháp luật cho phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số luôn được các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh quan tâm, coi trọng. Hàng năm, Hội đã xây dựng chương trình hành động, chỉ đạo các cấp Hội đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, vận động thông qua các buổi sinh hoạt, hội thảo, nói chuyện chuyên đề nhằm vận động hội viên, phụ nữ chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương; vận động cán bộ Hội tích cực tham gia tìm hiểu, nâng cao kiến thức pháp luật, thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật.
Một trong những hoạt động nổi bật của các cấp Hội thời gian qua là triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” năm 2019 tổ chức từ ngày 15-7 đến 15-8. Hội LHPN tỉnh đã chọn 13 huyện, thị xã, thành phố gồm: Pleiku, Ayun Pa, An Khê, Đak Đoa, Ia Grai, Kbang, Kông Chro, Chư Sê, Chư Pưh, Ia Pa, Phú Thiện, Đak Pơ, Chư Pah để triển khai đề án. Theo đó, Hội đã tổ chức khảo sát kiến thức, kỹ năng của cán bộ Hội và nhận thức của người dân tại các địa phương trên về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng-chống bạo lực gia đình, quy chế dân chủ ở cơ sở; in ấn và phát hành hàng ngàn tờ rơi, sổ tay tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng-chống bạo lực gia đình; phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh và Phòng Tư pháp các địa phương thực hiện tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý tại nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Hội còn tổ chức hàng chục lớp tập huấn về Luật Phòng-chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới; kỹ năng truyền thông, tư vấn pháp luật và giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, xây dựng và phản biện xã hội cho hàng trăm cán bộ và hội viên phụ nữ ở cơ sở. Hoạt động này đã trang bị cho đội ngũ cán bộ các chi hội, tổ phụ nữ những kỹ năng cần thiết trong tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức shark Thủy) là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup - một doanh nghiệp trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm.