Quản lý, sử dụng trang-thiết bị giáo dục ở Gia Lai hiệu quả thấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua khảo sát, đoàn giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Gia Lai cho rằng: Một số đơn vị trường học trong tỉnh chưa làm tốt công tác quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trang-thiết bị giáo dục. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học.
Trang-thiết bị đắt tiền “đắp chiếu” 
Đoàn giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh vừa có đợt khảo sát thực tế tại các trường học về việc phân bổ, sử dụng kinh phí sửa chữa, đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang-thiết bị giáo dục trong giai đoạn 2017-2020. Qua khảo sát thực tế cho thấy, một số trường học quản lý, sử dụng trang-thiết bị giáo dục chưa hiệu quả.
Trong giai đoạn 2017-2020, Trường Tiểu học Hà Ra số 1 (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) được đầu tư 2 bảng tương tác thông tin cùng các phụ kiện và 1 phòng máy vi tính trị giá hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, phòng máy vi tính trị giá hơn 400 triệu đồng “đắp chiếu” từ năm 2020 đến nay vì thiếu giáo viên dạy môn Tin học. Lo ngại dàn máy tính bị hỏng, Ban Giám hiệu cử giáo viên khởi động dàn máy vi tính 2 lần/tuần rồi tắt máy, khóa phòng. Trong 1 căn phòng bỏ không có gắn 1 bảng tương tác thông minh phủ đầy bụi treo trên một góc tường, các thành viên đoàn giám sát được đại diện Ban Giám hiệu nhà trường cho biết đã ngưng sử dụng chừng 1 năm. Ở 1 căn phòng khác, chiếc bảng tương tác thông minh còn hoạt động được nhưng quá trình khởi động lâu, liên tục bị lỗi. Mấy chục cái móc bấm trả lời câu hỏi và tai nghe bluetooth vẫn đóng nguyên trong hộp, chưa có dấu hiệu được sử dụng.
Bảng tương tác thông minh của Trường Tiểu học Hà Ra số 1 (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) không sử dụng được trong thời gian dài. Ảnh: Hoành Sơn
Bảng tương tác thông minh của Trường Tiểu học Hà Ra số 1 (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) không sử dụng được trong thời gian dài. Ảnh: Hoành Sơn
Tại Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh), phòng máy vi tính đang có học sinh. Tuy nhiên, theo quan sát của đoàn giám sát, phần nửa số máy vi tính này bị hỏng hóc hoặc bị lỗi ứng dụng. Bảng tương tác thông minh được xếp một góc, phủ bụi. Một hộp đựng móc bấm trả lời câu hỏi dù bụi bám bên ngoài nhưng bên trong sạch sẽ, mới tinh. Theo lý giải của nhà trường thì do đang xây dựng thêm phòng học nên bảng tương tác thông minh được cất tạm vào đấy.
Tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Păh, phòng máy vi tính cũng hoạt động cầm chừng. Trong khi đó, tại Trường Tiểu học xã Ia Nhin (huyện Chư Păh), phòng máy vi tính đã ngưng hoạt động nhiều năm nay. Thầy Đỗ Duy Hải-giáo viên dạy môn Tin học của trường-bộc bạch: “Dàn máy được trang bị cho nhà trường mười mấy năm rồi. Trước sử dụng khá tốt. Sau cứ hỏng dần nhưng không có thiết bị thay thế vì máy móc đời quá cũ. Đến nay thì hỏng hết rồi, tôi phải dạy học sinh bằng laptop cá nhân của mình, chủ yếu là lý thuyết chứ thực hành rất ít. Nhà trường đang kiến nghị cấp trên đầu tư cho 1 dàn máy vi tính mới để việc dạy ở trường được tốt hơn”.
Tại Trường THCS Trần Quốc Tuấn (huyện Đak Pơ), bảng tương tác thông minh cũng đang tạm thời “đắp chiếu”. Ông Nguyễn Minh Cảnh-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đak Pơ-thông tin: Nhà trường có báo cáo lại là bảng tương tác thông minh đã bị hỏng và đang tìm người sửa. Nhưng vì ở Gia Lai không có thợ chuyên sửa loại thiết bị này nên nhà trường đang liên hệ ở tỉnh khác.
Kiểm tra, nhắc nhở các trường
Trong quá trình khảo sát thực tế, các thành viên đoàn giám sát bày tỏ sự không đồng tình với cách quản lý, sử dụng trang-thiết bị giáo dục của một số đơn vị trường học. Làm việc với UBND huyện Chư Păh, ông Vũ Tiến Anh-Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, thành viên đoàn giám sát-nhấn mạnh: “Kết quả giám sát cho thấy, một số trường được đầu tư trang-thiết bị hiện đại phục vụ việc dạy và học nhưng sử dụng không hiệu quả. Vì thế, ngoài việc kiểm tra thì huyện cần tuyên truyền, biểu dương lãnh đạo những trường thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng hoặc dám mạnh dạn từ chối tiếp nhận trang-thiết bị, phần mềm phục vụ giáo dục mà không đáp ứng cho công tác dạy và học trên thực tế. Từ đó, nhân rộng ra để các trường trên địa bàn huyện làm tốt hơn nữa công tác quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trang-thiết bị giáo dục được đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dạy và học”.
Còn tại buổi làm việc với UBND huyện Mang Yang, ông Nguyễn Trung Kiên-Phó Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh-cho rằng: “Qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy một số hạng mục huyện Mang Yang đầu tư cho các trường không phát huy hiệu quả. Đơn cử, Trường Mẫu giáo Kon Thụp (xã Kon Thụp) có 1 cây đàn organ còn mới. Ở Trường Tiểu học Hà Ra số 1 đã đầu tư 1 phòng máy vi tính mới nhưng không sử dụng vì thiếu giáo viên. Do đó, giai đoạn tới, huyện cần xem xét kỹ càng là có nên đầu tư cơ sở vật chất hay mua sắm trang-thiết bị giáo dục cho các trường như trên hay không để tránh lãng phí”.
Qua khảo sát thực tế của đoàn giám sát HĐND tỉnh, nhiều trường học chưa quản lý hiệu quả cơ sở vật chất, trang-thiết bị giáo dục. Ảnh: Hoành Sơn
Qua khảo sát thực tế của đoàn giám sát HĐND tỉnh, nhiều trường học chưa quản lý hiệu quả cơ sở vật chất, trang-thiết bị giáo dục. Ảnh: Hoành Sơn
Nói về công tác đầu tư, quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trang-thiết bị giáo dục trên địa bàn, ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-cho biết: Trước khi đầu tư, chúng tôi giao các phòng, ban kiểm tra trực tiếp kỹ lưỡng rồi mới tham mưu giúp huyện. Ngoài ra, chúng tôi cũng xét trên tình hình thực tế, nhất là các xã chuẩn bị về đích nông thôn mới để có sự đầu tư cho các trường nhằm hoàn thành tiêu chí giáo dục. Đối với việc Trường Tiểu học Hà Ra số 1 được đầu tư phòng máy vi tính nhưng không sử dụng, chúng tôi sẽ chỉ đạo kiểm tra, kịp thời có biện pháp xử lý.
Tại các buổi làm việc với địa phương trong đợt giám sát, ông Nguyễn Đình Phương-Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đề nghị UBND huyện Mang Yang, Chư Păh cần thanh-kiểm tra, rà soát các trường học trên địa bàn, nhanh chóng khắc phục sai sót trong việc quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trang-thiết bị giáo dục đã được các cấp chính quyền đầu tư trước đó. Mặt khác, ông Phương cũng cho rằng, thời gian tới, các địa phương cần xây dựng kế hoạch mua sắm, đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị giáo dục hiện đại cho các trường trong những giai đoạn tiếp theo để đảm bảo đáp ứng được theo chương trình dạy học mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

(GLO)- Sáng 25-11, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai phối hợp với tổ chức AIP Foundation, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phát động dự án “Đến trường an toàn”, năm học 2024-2025 tại các Trường Tiểu học: Phan Chu Trinh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi (huyện Phú Thiện).