Puih H’Anen làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Vượt qua khó khăn, vợ chồng chị Puih H’Anen (làng Blang 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã nỗ lực vươn lên làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp và tạo việc làm ổn định cho hàng chục người dân trong làng.

Năm 2008, chị H’Anen lập gia đình và được bố mẹ cho 1 ha đất làm vốn. Do chưa có tiền đầu tư sản xuất nên vợ chồng chị chủ yếu đi làm thuê kiếm sống. Nhờ cần cù lao động, tích góp chắt chiu, cuộc sống dần vơi bớt khó khăn. Năm 2010, vợ chồng chị thế chấp mảnh đất cho ngân hàng để vay 50 triệu đồng đầu tư trồng 500 cây cà phê. Ngoài ra, gia đình còn nuôi thêm khoảng chục con heo thịt, 3 con bò và đàn gà để “lấy ngắn nuôi dài”.

Năm 2018, chị H’Anen tiếp tục vay 100 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT để mua thêm đất trồng cà phê và một số loại cây khác. Hiện gia đình chị sở hữu 5 ha cà phê trồng xen với 50 cây sầu riêng, 6 sào chanh dây, 30 con heo, 8 con bò và đàn gà chừng trăm con.

“Bên cạnh việc chú trọng trồng trọt theo phương thức hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm thì việc đa canh là cách làm kinh tế an toàn vì không phải lúc nào năng suất hay giá cả của các loại cây trồng cũng ổn định”-chị cho biết.

Chị Puih H’Anen (bìa trái) mơ ước xây dựng được thương hiệu cà phê riêng cho mình. Ảnh: H.D

Chị Puih H’Anen (bìa trái) mơ ước xây dựng được thương hiệu cà phê riêng cho mình. Ảnh: H.D

Ngoài làm nông nghiệp, anh Siu ALúi (chồng chị H’Anen) còn nhận xây dựng nhà cho bà con trong làng và vùng lân cận. Bên cạnh đó, vợ chồng chị còn mở xưởng hàn cửa sắt, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 người lao động.

Ngoài ra, 8 người khác cũng “nhận lương tháng” để chăm sóc vườn cây cho gia đình chị H’Anen. Những người làm cố định cho gia đình chị có mức thu nhập trung bình khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Là người làm công cho vợ chồng chị H’Anen hơn 10 năm qua, anh Ksor Hmáo (cùng làng) tâm sự: “Hồi trước, vợ chồng tôi không có nghề nghiệp gì, chỉ làm thuê làm mướn kiếm ăn qua ngày. Từ khi gia đình H’Anen mở rộng diện tích cà phê, vợ chồng tôi từ người làm công theo vụ đã có việc làm thường xuyên, nhận lương hàng tháng. Vợ tôi lặt chồi, tỉa cành, hái cà phê, hái chanh dây. Còn tôi thì làm thợ hàn. Thu nhập trung bình của 2 vợ chồng mỗi tháng khoảng hơn 12 triệu đồng”.

Nhận xét về chị H’Anen, bà Puih H’Ani-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Dêr-cho biết: “Chị H’Anen rất chăm chỉ, không ngại khổ và có tinh thần vươn lên mạnh mẽ. Không chỉ vậy, chị còn có trách nhiệm với cộng đồng khi tạo việc làm ổn định cho nhiều người dân trong làng, giúp họ từng bước thoát khỏi đói nghèo. Hễ ai gặp khó khăn, thiếu tiền mua cây-con giống hay phân bón, chị đều cho vay không tính lãi suất.

Chị cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn nông nghiệp do xã tổ chức để tiếp cận khoa học kỹ thuật, áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2019, chị được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi. Sự nỗ lực vươn lên cùng với những thành công của chị chính là tấm gương để những hội viên xung quanh học tập, cố gắng vươn lên”.

Nhiều người dân trong làng Blang 1 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đã có thu nhập ổn định nhờ làm thợ tại xưởng cửa sắt của gia đình chị Puih H'Anen. Ảnh: Hà Duy

Nhiều người dân trong làng Blang 1 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đã có thu nhập ổn định nhờ làm thợ tại xưởng cửa sắt của gia đình chị Puih H'Anen. Ảnh: Hà Duy

Vụ vừa rồi, cà phê được giá nên gia đình chị H’Anen thu được khoảng 700 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn thu được 100 triệu đồng từ vườn chanh dây, sầu riêng... Sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu về khoảng 600 triệu đồng/năm.

“Cuộc sống hiện tại của gia đình tôi khá ổn định và hạnh phúc. Nhưng mơ ước lớn nhất của tôi chính là có thể xây dựng được thương hiệu cà phê riêng cho mình. Gia Lai là vùng trồng cà phê rộng lớn, cũng đã có nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng được trong và ngoài nước biết tới. Tôi biết, để xây dựng được một thương hiệu cà phê sẽ rất khó khăn và tốn nhiều thời gian, tâm sức. Tuy nhiên, tôi vẫn đang nghiên cứu và học hỏi để biến ước mơ thành hiện thực”-chị H’Anen chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

Trồng cây mắc ca: Đa lợi ích

Trồng cây mắc ca: Đa lợi ích

(GLO)- Tính đến ngày 14-8, toàn tỉnh Gia Lai mới trồng được trên 2.550 ha rừng (gần 2.050 ha rừng tập trung và hơn 500 ha cây phân tán), đạt 24,7% kế hoạch. Con số thống kê đó nói lên sự chậm trễ trong công tác chỉ đạo trồng rừng của các cấp chính quyền.
Phú Thiện trao “cần câu” cho hộ nghèo

Phú Thiện trao “cần câu” cho hộ nghèo

(GLO)- Triển khai thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong năm 2023, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã hỗ trợ 53 con bò sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo.