Điện Biên Phủ: Vang mãi bản hùng ca

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đã 65 năm trôi qua kể từ ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Trên mảnh đất bom cày đạn xới năm xưa, các thế hệ người dân Điện Biên đã và đang chung tay viết tiếp bản hùng ca dựng xây cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.
Ký ức hào hùng của những người lính Điện Biên
Đến giờ,  ký ức về “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn” (thơ Tố Hữu) vẫn còn in đậm trong tâm trí người cựu binh Đinh Hổ (hiện sinh sống tại tổ 5, phường Ia Kring, TP. Pleiku). Ông Hổ nay đã 95 tuổi, sức khỏe kém nhưng khi trò chuyện cùng chúng tôi, ông vẫn lấy cuốn tiểu sử của mình ra đọc đi đọc lại từng trang như để nhớ về ngày tháng lịch sử hào hùng của trận đánh mà cả thế giới phải nghiêng mình thán phục. Nơi đó, thời điểm đó, chính ông là người dùng bộ đàm thông tin cho đơn vị việc tướng De Castries cùng Bộ Tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã bị bắt sống, chứng kiến quân ta diễu hành reo hò chiến thắng, âm thanh vang dội một vùng.
Đôi bàn tay run run, đôi mắt sáng lên niềm tự hào, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa kể, ông quê huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định), tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vào những ngày đầu tháng 3-1954, trước khi các trận đánh mở màn. Với cương vị là Tiểu đội phó Tiểu đội Pháo binh (Đại đoàn 351), ông có nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc cho chiến dịch, truyền đạt mệnh lệnh, ý kiến chỉ đạo chiến đấu từ Bộ Chỉ huy quân ta đến trận địa pháo binh được thông suốt, đảm bảo mạch máu thông tin liên lạc khu vực gần chảo lửa Mường Thanh, nơi máy bay địch liên tục ném bom, bắn phá ác liệt nhất. “Nhiều nơi bị địch ném bom đứt đường dây, lợi dụng thời điểm địch ngưng ném bom, tôi và đồng đội nhảy ngay xuống những hố bom sâu còn vương mùi thuốc nổ để nối lại. Có lúc phải gạt nước mắt bò qua nơi đồng đội vừa hy sinh để đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt”-ông Hổ hồi tưởng.  
Cựu chiến binh về thăm căn cứ Mường Phăng. Ảnh: Lê Hòa
Cựu chiến binh về thăm căn cứ Mường Phăng. Ảnh: Lê Hòa
Tự hào là chiến sĩ Điện Biên tham gia chiến dịch ngay từ những ngày đầu tháng 3 cho đến ngày kết thúc chiến dịch bằng chiến thắng vang dội ngày 7-5-1954, cựu chiến binh Nguyễn Chinh (90 tuổi, trú tại phường Ia Kring, TP. Pleiku) nhớ mãi về một thời kỳ hoa lửa đầy tự hào. Người chiến sĩ làm nhiệm vụ lái xe pháo cao xạ thuộc Trung đoàn Pháo cao xạ 367 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại, khi Bộ Chỉ huy mặt trận thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, đơn vị ông chấp hành mệnh lệnh kéo pháo ra. “Kéo pháo vào chiến dịch đã khó, kéo pháo ra lại càng khó khăn hơn. Đồi núi chập chùng, phải ngụy trang kỹ đề phòng địch phát hiện, ngay cả tiếng “hò dô ta” cũng được thực hiện đồng bộ với âm thanh vừa phải để tạo sức mạnh tổng hợp nhưng vẫn bảo đảm an toàn bí mật, giữ thế bất ngờ của chiến dịch”-ông Chinh kể.
Là chiến sĩ lái xe kéo pháo, ông Chinh không khỏi rùng mình khi nhớ lại từng chặng đường vượt qua phải đánh đổi bằng rất nhiều xương máu, sức lực của các chiến sĩ để đưa pháo ra khỏi trận địa đến vị trí tập kết đúng thời gian quy định. “Hình ảnh tôi nhớ nhất, đó là Anh hùng Tô Vĩnh Diện đã hy sinh thân mình chèn bánh xe để khẩu pháo không lăn xuống vực. Dù gian nan vất vả, nhưng tinh thần ai cũng lên cao, niềm tin vào chiến thắng không có gì cản được bước chân những người chiến sĩ. Lớp trước ngã xuống, lớp sau lại tiến lên, không quản ngại hy sinh. Cứ thế, 56 ngày đêm trôi qua trong khói lửa bom đạn, chúng ta đã làm nên chiến thắng diệu kỳ trước quân đội thực dân hùng mạnh cả về lực lượng lẫn trang bị vũ khí hiện đại”-ông Chinh tự hào nói.
Những ngày tháng 5 lịch sử, từng dòng người nối nhau đổ về mảnh đất Điện Biên anh hùng. Trong số họ có không ít những chiến sĩ Điện Biên năm xưa trở lại nơi này với những tấm huân-huy chương đỏ thắm đeo trước ngực như một niềm tự hào về một thời “đầu nung lửa sắt”. Họ lặng đi khi gặp lại chiến trường xưa nơi máu của mình và đồng đội đã một thời nhuốm đỏ. “Máu của chúng tôi đã thấm đẫm những cung đường đưa pháo vào trận địa cho những ngày quyết chiến cuối cùng”-ông Phạm Đức Cư (bản Ten B, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) lặng người nhớ lại.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Cư là tham mưu tác chiến ở Tiểu đoàn 394, Trung đoàn Pháo cao xạ 367. Ông Cư nhớ lại: Tháng 12-1953, 2 tiểu đoàn pháo cao xạ của Trung đoàn 367 ở Tuyên Quang nhận được lệnh kéo pháo lên Tây Bắc phục vụ chiến dịch với 2 nhiệm vụ chính là tiếp cận, bảo vệ các sư đoàn bộ binh tấn công vào các cứ điểm của địch và bắn hạ máy bay địch. 17 ngày đêm băng núi, ngủ rừng, 2 tiểu đoàn mới lên đến xã Nà Nhạn (huyện Điện Biên). Tại đây, mỗi tiểu đoàn pháo cao xạ tiếp nhận 12 khẩu pháo 37 mm và 12 khẩu 12,7 mm (mỗi khẩu pháo 37 mm nặng 2,4 tấn, cần 80-100 người kéo ở địa hình dốc) và nhận lệnh tháo rời xe pháo, kéo pháo vào lòng chảo Điện Biên.
“Sau 9 ngày đêm liên tục, chỉ bằng sức người, chúng tôi đã đưa pháo vào áp sát đồi Độc Lập. Lúc này, vì phương châm tác chiến thay đổi nhằm đảm bảo cho chiến dịch thắng lợi, giảm thiểu thương vong, đơn vị được lệnh kéo pháo ra. Hành trình kéo pháo vào đã khó, kéo pháo ra còn khó gấp bội. Đã có những hy sinh trên hành trình đưa pháo ngược trở ra… Sau gần 1 tháng gian nan, vất vả, chiều tối 13-3-1954, các tiểu đoàn pháo cao xạ đồng loạt nhận lệnh khai hỏa vào cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập… 3 ngày sau, quân ta đã chiếm được phân khu 1 của địch ở phía Bắc, gồm: Him Lam, đồi Độc Lập và Bản Kéo... Thế trận pháo cao xạ kết hợp từ Bắc xuống Nam, hình thành thế gọng kìm ôm lấy lòng chảo Điện Biên. Đến ngày 7-5-1954, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm De Castries, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng!”-ông Cư tự hào kể.
Cuộc sống mới trên chiến trường xưa
Với quyết tâm biến Điện Biên Phủ trở thành “pháo đài bất khả xâm phạm”, cuối năm 1953, thực dân Pháp đã xây dựng 4 trại tập trung, dồn tất cả người dân trong vùng lòng chảo Mường Thanh lại. Mục đích của địch là cách ly người dân với bộ đội ta, đồng thời biến người dân thành bia đỡ đạn nếu bộ đội ta đánh chiếm cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong đó, trại tập trung Noong Nhai (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) có hơn 3.000 người, đa phần là người dân tộc Thái ở các xã Sam Mứn, Thanh An, Noong Hẹt, Thanh Xương. Ngày 13-3-1954, bộ đội ta nổ súng đánh chiếm cứ điểm Him Lam và liên tiếp tiêu diệt các cứ điểm khác làm thu hẹp phạm vi kiểm soát của quân Pháp. Trong lúc nước sôi lửa bỏng, nhằm gây áp lực với quân đội ta, lúc 14 giờ ngày 25-4-1954, thực dân Pháp đã cho máy bay điên cuồng dội bom xuống trại tập trung Noong Nhai. Trận ném bom diễn ra chừng 30 phút đã làm 444 người dân vô tội tử vong, trong đó hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Nhiều gia đình không một ai sống sót…
Đoàn cán bộ, viên chức Báo Gia Lai thăm Di tích Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: NHẬT CƯỜNG
Đoàn cán bộ, viên chức Báo Gia Lai thăm Di tích Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: Nhật Cường
Năm tháng qua đi, người dân Noong Nhai đã hàn gắn những vết thương chiến tranh, vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Ông Lò Văn Chung-Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xương-cho biết: Hiện nay, bản Noong Nhai 1 có 86 hộ, 348 khẩu. Bà con đã vượt qua đau thương, mất mát, quyết tâm vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Từ chỗ có gần 100% hộ nghèo, đến nay bản không còn hộ nghèo; bình quân thu nhập đạt 30 triệu đồng/người/năm. Noong Nhai nói riêng và Thanh Xương nói chung đang từng bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều người dân Noong Nhai đã trở thành nông dân sản xuất giỏi, doanh nhân làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Gần 20 năm nay, bản Noong Nhai 1 luôn giữ vững danh hiệu bản văn hóa tiêu biểu, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 85%.
Năm 1952, khi vừa tròn 20 tuổi, ông Đỗ Xuân Nhã (hiện là Bí thư tổ dân phố 8, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ) rời miền quê Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 176, Đại đoàn 316. Đây là Đại đoàn lưu động đóng quân ở Tây Bắc và hành quân ứng viện cho chiến trường Điện Biên Phủ khi cuộc chiến giữa quân ta và thực dân Pháp đi vào giai đoạn cam go nhất. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, năm 1958, ông xuất ngũ. Là thương binh hạng 4/4, sức khỏe có phần sa sút, ông vẫn quyết tâm đưa gia đình từ Hải Dương lên Nông trường Điện Biên lập nghiệp. “Đất này đã thấm máu của tôi và những đồng đội anh hùng ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Tôi là người may mắn được trở về, sao không vì mảnh đất này mà cống hiến thêm lần nữa?”-ông Nhã nói. Ông Nhã năm nay đã 87 tuổi, có 60 năm tuổi Đảng, được Nhà nước tặng thưởng rất nhiều huân-huy chương ghi nhận sự đóng góp cho vùng đất Điện Biên. Và không chỉ ông Nhã mà sau ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, biết bao thanh niên từ nhiều miền quê đã “bén duyên” ở lại đất này để xây dựng công trình đại thủy nông Nậm Rốm, biến cánh đồng Mường Thanh bom đạn ngày nào thành những ruộng lúa xanh ngắt bốn mùa...
65 năm là một hành trình dài để người dân Điện Biên không chỉ khôi phục vết thương chiến tranh mà còn xây dựng cuộc sống mới. Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay đã vươn lên trở thành địa phương có kinh tế khá với tốc độ tăng trưởng bình quân 14%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 3.800 USD; thu ngân sách trên địa bàn năm 2018 đạt 292,9 tỷ đồng; hệ thống giao thông phát triển nhanh, các công trình văn hóa, thể thao, hệ thống công sở, trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại được đầu tư xây dựng; 100% dân số được dùng điện... Tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng, là nơi tạo nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, những thế hệ người Điện Biên hôm nay luôn đoàn kết một lòng, chung tay vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp...
NHÓM P.V

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp xanh khi đầu đã bạc

Khởi nghiệp xanh khi đầu đã bạc

Từ vùng đất hoang hoá, kém màu mỡ, vợ chồng cụ bà 73 tuổi đã phủ màu xanh cho đất, và thu tiền tỷ từ việc khai thác tiềm năng loài tre bốn mùa. Diện tích tre bốn mùa của gia đình bà trở thành đặc sản “độc nhất vô nhị” ở tỉnh Đắk Nông.

Làng Việt Nam: Thi Phổ Nhứt từng được mệnh danh 'tiểu Đồng Nai'

Làng Việt Nam: Thi Phổ Nhứt từng được mệnh danh 'tiểu Đồng Nai'

Làng tôi cũng giống như bao làng khác ở Việt Nam. Ngày xưa, làng có tên Thi Phổ Nhứt, được mệnh danh là 'tiểu Đồng Nai' vì ruộng làng tôi là nhất đẳng điền, lúa cấy xuống vươn lên xanh ngát một màu. Vụ mùa cũng như vụ chiêm, lúa thu hoạch mỗi sào tính bằng nhiều giạ. Không thua gì lúa Đồng Nai.

Những bến đò thương nhớ Sài Gòn - TP.HCM

Những bến đò thương nhớ Sài Gòn - TP.HCM

Không phải chỉ miền Tây Nam bộ mới là vùng sông nước, Sài Gòn - TP.HCM là thành phố dọc ngang kênh rạch, là nơi từng dày đặc những bến đò. Cùng với sự hình thành và phát triển đô thị, những chuyến đò ngang, đò dọc đã trở thành phần không thể tách rời với tầng lớp thị dân.

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

(GLO)- Sau ngày giải phóng, tỉnh Gia Lai nói chung và các vùng căn cứ cách mạng nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với truyền thống anh hùng cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế, bộ mặt nông thôn các xã vùng căn cứ cách mạng đã có bước khởi sắc đáng ghi nhận.

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

(GLO)- Sự hiện hữu của những cây cầu, cống thuộc Dự án LRAMP đã giúp các địa phương trong tỉnh giải quyết một phần “bài toán” về giao thông. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn còn nhiều điểm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang rất cần được tiếp sức từ những “nhịp cầu lòng dân”.

Nỗi ám ảnh khôn nguôi ở Làng Nủ

Nỗi ám ảnh khôn nguôi ở Làng Nủ

Cuối tuần, các em học sinh học nội trú lại trở về thôn Làng Nủ và nỗi nhớ bạn càng thêm quay quắt. Cậu học sinh Ma Trường Quyền vẫn mơ thấy người bạn thân, nhưng khi tỉnh dậy lại buồn vì bạn đã mất rồi.
Tìm lại tên cho đồng đội

Tìm lại tên cho đồng đội

Dưới cái nắng oi bức cuối mùa hạ, 3 người cựu chiến binh Sư đoàn 308 vẫn miệt mài đi từng hàng mộ chí tít tắp ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (NTLS Đường 9) để tìm kiếm thông tin về liệt sĩ. Thỉnh thoảng họ dừng lại ở một phần mộ nào đó và trò chuyện với nhau rất lâu.
Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

(GLO)- Từ năm 2018 đến nay, 87 chiếc cầu, cống thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư đã đem đến sự đổi thay to lớn ở các buôn làng vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

(GLO)- Ngày 12-5-1970, du kích người Jrai Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay trực thăng khiến hàng chục binh sĩ cấp cao của quân đội Mỹ thiệt mạng. Vậy, xác chiếc trực thăng ấy bây giờ ở đâu?
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Chuyện du kích Jrai hạ trực thăng Mỹ

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Du kích Jrai hạ trực thăng chở 2 tướng Mỹ

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng câu chuyện về du kích Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bắn rơi máy bay quân sự Mỹ ngay tại quê hương mình vẫn được nhiều người cao tuổi trong vùng nhắc nhớ và được nhiều tài liệu lịch sử chính thống ghi nhận.