Theo nhà nghiên cứu về lịch sử Sài Gòn - TP.HCM Trần Hữu Phúc Tiến: "Đò nghĩa là ghe thuyền chở khách. Bến đò từ xa xưa là nơi vận chuyển và đón nhận người, vật và hàng hóa qua sông hoặc đi tiếp nơi khác. Con đò ngày xưa phần lớn là chèo tay. Từ đầu thế kỷ 20, người Pháp mang vào những chiếc phà tự hành, đặt ở những bến lớn. Hiện tại, hầu hết các bến đò đều đã có phà nhỏ, có thể chở 20 - 30 xe máy hoặc hơn".
"Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò"
Đò/phà Thủ Thiêm luôn duy trì ảnh hưởng lớn trong suốt quá trình phát triển của Sài Gòn và TP.HCM, từng là phương tiện giao thông quan trọng nhất kết nối hai bờ sông Bến Nghé, từ đó tỏa đi tiếp về hướng đông Sài Gòn. Bao nhiêu phận người, bao nhiêu chuyện đời, bao nhiêu hàng hóa gắn kết với con đò Thủ Thiêm suốt mấy trăm năm lịch sử của thành phố. Vì thế, nơi đây đọng trong ký ức nhiều người.
Chú Nguyễn Văn Cường (57 tuổi, nhà ở đường Đỗ Xuân Hợp, TP.Thủ Đức) nói như hoài vọng: "Mới hơn 10 năm trước tôi vẫn còn theo phà qua sông mỗi ngày để sang Q.1, về Thủ Đức. Tất cả thay đổi nhanh quá! Giờ nhiều khi đi trên cầu Ba Son mới, nhìn xuống dòng sông đó, nơi bây giờ là bến tàu cao tốc Bạch Đằng thấy nhớ cái phà hồi xưa lắm".
Có khá nhiều tư liệu nói về bến đò Thủ Thiêm: "Phía cuối đường Catinat (nay là Đồng Khởi - NV), nơi bến đò qua Thủ Thiêm, có Thủy các (chòi ngồi chơi của vua ở trên sông), lại có Lương tạ (tức nhà tắm của vua) trên bè tre nổi. Người ta gọi đây là Bến Ngự (tiếng Miên là Compong-luông) tức bến nhà vua" (Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận - Trương Vĩnh Ký).
Từ Bến Ngự của khởi thủy Sài Gòn và các bến nhỏ, bến đò này đã hình thành quy mô hơn thời vua Tự Đức. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí phác lại thời kỳ này bằng một bến đò có đông đảo thương thuyền mua bán tấp nập. Một thế kỷ sau, người Pháp bắt đầu xây dựng nên bến đò Thủ Thiêm và đưa vào bản đồ Sài Gòn cho đến hôm nay.
Cùng với hai chiếc phà "hột vịt" tải trọng 20 tấn của chính quyền, các chuyến đò ngang chèo tay của người dân Thủ Thiêm cũng hoạt động hết tần suất để phục vụ khách sang sông suốt trăm năm. Bến đò này nổi tiếng đến mức khi nhắc về Sài Gòn - Gia Định, người dân thành phố thuộc nằm lòng câu thơ tả thực của nhà giáo Bùi Văn Bảo: "Bến xe lục tỉnh, con đò Thủ Thiêm" như một trong những biểu tượng của thành phố.
Chị Trần Xuân Ngọc (cư dân chung cư Flora Anh Đào, Thủ Đức) chia sẻ: "Tôi có gần 20 năm từ khi lớn lên để qua lại bờ đông và tây bằng phà Thủ Thiêm. Nay được chạy xe vô hầm, đi qua nhiều cây cầu lớn, cao ốc ngút trời và đại lộ thênh thang, tôi vẫn không sao quên được bến phà năm cũ...".
Những chuyến đò tâm linh
Không chỉ có Thủ Thiêm, TP.HCM còn nhiều bến đò khắc sâu dấu ấn trong văn hóa và sự phát triển của thành phố. Từ vài thế kỷ trước, bến Bình Đông (Q.8, nằm trên kênh Tàu Hủ) đã là nơi ghe thuyền từ khắp miền lục tỉnh đổ về trao đổi, mua bán hàng hóa với Sài Gòn, Chợ Lớn tạo nên nét văn hóa "trên bến dưới thuyền" đặc sắc. Và nếu những chuyến đò dọc nườm nượp đến bến Bình Đông mua bán thì những chuyến đò ngang sang đình Bình Đông tìm sự bình an lại lặng lẽ hơn. Tương truyền đình Bình Đông được vua Tự Đức sắc phong từ năm 1853. Đây cũng là nơi được cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng chọn làm nơi hoạt động cách mạng bí mật.
Đình Bình Đông được xây dựng trên cù lao Bà Tàng (P.7, Q.8), xung quanh kênh rạch chằng chịt và chỉ có đò ngang làm phương tiện hành hương của thập phương bá tánh. Những chuyến đò chèo tay, êm đềm khua nước chở bà con đến nơi linh thiêng. Năm 2017, cầu được xây, đò ngang lùi vào dĩ vãng. "Ngồi đò để tới đình mang lại cảm giác rất thú vị và phần nào thể hiện cái tâm của mình với tiền nhân", chị Nguyễn Quỳnh Như, nhà gần cầu Bà Tàng chia sẻ.
Một bến đò văn hóa khác giữ vai trò cầu nối cho bá tánh đến với sự thành kính tâm linh là bến đò Miếu Nổi qua sông Vàm Thuật để ra miếu Phù Châu (còn gọi là miếu Nổi, tại P.5, Q.Gò Vấp). Miếu Phù Châu là công trình tâm linh từ hơn 200 năm trước, là điểm hành hương nổi tiếng, là nơi nương tựa tinh thần cho nhiều người dân phố thị.
Gọi là bến nhưng thực ra chỉ là một mô đất sát mé sông. Khách hành hương phải gửi xe ở ngoài rồi luồn lách trong con hẻm rất hẹp băng qua công trường xây dựng ngổn ngang để lên đò. Cuộc hành hương của bá tánh bắt đầu từ 7 giờ 30 đến 17 giờ mỗi ngày với giá 15.000 đồng/người cho hai lượt đi về.
Tài công Nguyễn Phi Hùng, 64 tuổi, cho biết dòng họ của ông lái đò ở bến Miếu Nổi này đã mấy đời. Thời thanh niên với nghề chèo đò, ông nuôi cả gia đình. Hiện tại, gia đình ông có 7 chiếc đò, 3 tài công (thu nhập khoảng 15 triệu đồng/người/tháng). Do tuổi cao sức yếu, việc chạy đò do con trai ông là Nguyễn Phi Trường quản lý. "Nghề lái đò coi vậy mà vui vì bá tánh ra miếu hành hương nên ai cũng dễ thương và từ tâm, có người ra nhiều lần riết rồi thành bạn bè luôn", ông Hùng kể. (còn tiếp)
Di chỉ ngàn năm
Nằm cuối một con hẻm nhỏ xíu ở P.Long Bình, TP.Thủ Đức, bến đò Bến Gỗ đưa khách ra chùa Phước Long (chùa Bà Châu Đốc 3) khá linh thiêng trên cù lao Ba Xang (Ba Xê). Ít ai biết bến đò nhỏ này nằm trong khu vực thuộc di tích Bến Đò - di chỉ khảo cổ vài ngàn năm trước. Tại đây, từ năm 1977 đã khai quật được 710 hiện vật đá, 120 bi gốm và hàng vạn mảnh gốm thuộc giai đoạn cuối của sơ kỳ thời đại đồng thau khoảng 3.500 năm trước.
Một ngày tháng 9.2024, chúng tôi trở lại bến đò này. Từng một thời tấp nập, nay bến đò Bến Gỗ đã hoang phế, các biển báo gỉ sét, và lục bình cùng rác thải tấp vào dọc đường xuống bến… Năm ngoái, sau tai nạn chìm đò chở khách từ chùa Phước Long về hướng bến đò Xưa (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) làm một thai phụ đuối nước thì bến đò này cũng ngưng hoạt động.
Theo Lam Yên (TNO)