Chuyện ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đang đứng đằng xa nghỉ ngơi, nghe tiếng gọi của người chăm sóc, Tôm - một trong bốn chú voi tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn liền di chuyển vào trong.

Thấy Tôm vui vẻ tiến về phía mình, ông Đỗ Thanh Hải (58 tuổi, nhân viên Xí nghiệp Động vật Thảo Cầm Viên Sài Gòn) khen: “Giỏi lắm Tôm! Chào khách đi con”. Chú voi xòe tai, uốn vòi rồi gật nhẹ đầu. Phần thưởng cho sự ngoan ngoãn ấy là mẩu bánh mì cùng động tác vuốt ve đầy yêu thương.

Chị Thảo nhớ rõ đặc điểm, tính cách của các loài chim do mình chăm sóc.

Chị Thảo nhớ rõ đặc điểm, tính cách của các loài chim do mình chăm sóc.

Đồng hành cùng thú

Ông Hải hay nói vui, chắc mình “mắc nợ” voi nên 40 năm làm nghề, phần lớn thời gian ông được phân công chăm sóc, làm bạn cùng những con vật to lớn nhất sở thú này. Thảo Cầm Viên Sài Gòn hiện nuôi bốn con voi là Bô, Tôm, Ny và Chuông. Ông Hải nhớ rõ tên tuổi, xuất xứ và tính cách từng cá thể. Tổ chăm sóc voi có bốn nhân viên, ông được phân công chăm Tôm. Tôm đến từ Đắk Lắk, nay tầm 38 tuổi, nhanh nhẹn và lành tính. “Vậy mà đến lúc Tôm ốm đau hay trở chứng, tôi phải dỗ như em bé. Khi thì dụ dỗ bằng thức ăn, khi thì nói ngon nói ngọt, nếu nó vẫn chưa nghe lời, mình đành lánh đi, đợi tình hình dịu lại rồi tính tiếp. Cực nhất là lúc voi bệnh, tìm đủ cách mới cho uống thuốc được. Nói chung, phải quan sát kỹ và nương theo con vật thì mới chăm sóc tốt. Bù lại, Tôm rất tình cảm, cứ lấy vòi rà trên đầu, trên tay chân tôi rồi nắm quần áo, kiểu quấn quýt, thương lắm”, ông Hải kể chuyện nghề.

Một ngày của ông Hải bắt đầu vào 6 giờ 30 phút với công việc kiểm tra, vệ sinh chuồng, quan sát tình hình sức khỏe của Tôm rồi chuẩn bị thức ăn gồm cỏ, thân chuối cùng nhiều loại củ quả. Thời gian đầu chăm sóc voi, đứng cạnh con vật nặng tầm 4-5 tấn, vòi đuôi dài ngoằng, ông Hải hơi lo vì sợ không cẩn thận có thể bị thương trong quá trình làm việc. Nhưng tiếp xúc gần mãi thành quen, giờ nhìn vào mắt Tôm, ông biết chú đang vui hay buồn, liệu có cần giúp đỡ gì không. Nhìn Tôm thoải mái đi lại trong khuôn viên rộng lớn, vui vẻ tương tác với khách tham quan Thảo Cầm Viên, ông Hải đứng cạnh vui lây. Mỗi ngày, khi chăm sóc Tôm và làm các phần việc cần thiết, ông trò chuyện không ngừng. Đó là cách tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người với thú. Ngay cả trong đêm tối, chỉ cần nghe vài từ, Tôm cũng nhận ra giọng nói thân quen.

Vừa thấy chị Võ Ngọc Thảo (nhân viên Tổ chim - bò sát - linh trưởng) mở cửa bước vào thăm chuồng, chú vẹt trắng Tino hớn hở vỗ cánh, bắt đầu chuỗi âm thanh ồn ào quen thuộc. Được “mẹ Thảo” gãi cổ, vuốt lưng, Tino nằm im, nhắm nghiền đôi mắt tận hưởng niềm vui. Tino được chị Thảo ấp nở thành công và chăm sóc từ đó đến nay nên hay tìm cách làm nũng để giữ chân người chăm sóc. Công việc lắm khi quá tải do phải chăm cùng lúc hơn 100 cá thể thuộc 25 loài, phân bố tại nhiều khu vực, nhưng chưa lần nào chị Thảo cho phép bản thân sao nhãng với nhiệm vụ được giao. Gần 20 năm gắn bó với các loài chim, chị Thảo buồn vui cùng những “đứa con” của mình. Đứa nào đặc biệt, chị đặt tên riêng để dễ bề quan sát, báo cáo. Mấy con vẹt thương người chăm sóc, có hôm chị còn cách xa chuồng vài chục mét, đã nghe chúng réo vang “Thảo ơi! Thảo ơi!”.

Chị Thảo chia sẻ, lo nhất là khi đi thăm chuồng, phát hiện ra chim bệnh hoặc có dấu hiệu bất thường. Một tay chăm từng con từ khi còn trong trứng, sẽ buồn biết mấy nếu những chú chim ấy không đủ sức khỏe để tiếp tục hành trình sống. “Nghề này cực lắm nhưng gần gũi tụi nhỏ thành thương, khó dứt ra. Mỗi ngày cứ quanh quẩn các phần việc thăm chuồng, vệ sinh, cho ăn, quan sát, lạ thay tôi không thấy chán. Cứ mở cửa vào chuồng là chim vây quanh, gãi lưng cho đứa này thì đứa kia ganh tỵ tranh phần, khác gì chăm trẻ con. Lúc chim bệnh thì việc nhiều không kể hết, tinh thần cũng mỏi mệt, căng thẳng hơn. Nhưng ai chịu khó, nhẫn nại và thương yêu động vật thì luôn tìm đủ lý do ở lại với công việc này”, chị Thảo trải lòng.

Cả xí nghiệp có 41 người, công việc hiện tại cơ bản đã chiếm hết thời gian. Thế nhưng, những người chăm sóc thú chẳng phải thấy khó mà dừng lại. Họ tăng ca, chia thêm việc, làm chuồng dã chiến, tạo môi trường sinh sống phù hợp với từng nhóm cá thể để cưu mang, chăm sóc, đợi ngày tái thả các con vật kém may mắn về với tự nhiên.

Cưu mang, tiếp sức thú hoang

Số động vật Thảo Cầm Viên Sài Gòn hiện đang chăm sóc là 2.234 con. Trong đó, gần 1.800 con là của Thảo Cầm Viên, còn lại là các cá thể do lực lượng chức năng ký gửi và động vật khuyết tật tìm thấy trong khuôn viên vườn thú. Anh Mai Khắc Trung Trực, Giám đốc Xí nghiệp Động vật Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết, từ ngày đơn vị chủ trương đẩy mạnh chức năng bảo tồn, cứu hộ và tái thả động vật hoang dã vào tự nhiên, các đầu việc “chưa tiền lệ” ngày một nhiều.

Hôm rồi, khi tự tay tái thả chú rái cá tên Chít, anh Trực thấy rưng rưng. Cách đó vài tháng, anh nhận Chít từ lực lượng chức năng. Khi ấy con rái cá chưa mở mắt, sức khỏe yếu, nặng tròm trèm 300 gram. Công tác cứu hộ thành công, Chít bắt đầu những ngày tháng được anh Trực chăm sóc, đồng hành tại Thảo Cầm Viên. Cái tên Chít xuất phát từ tiếng kêu quen thuộc của con rái cá vui vẻ này. Rồi đợt kế tiếp, khi đơn vị tiếp nhận hơn 10 con rái cá từ lực lượng chức năng, điều kiện chuồng nuôi chưa đáp ứng kịp, anh Trực cùng cộng sự nhường luôn khoảng sân trước văn phòng làm nhà cho “khách mới”. Động vật được cứu hộ có thời gian tá túc tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn ngắn dài khác nhau, nhưng điểm chung là khi xa, ai cũng nhớ.

Biết là vật vì quý người mà không muốn đi xa, khó hòa nhập vào môi trường tự nhiên, đối với nhóm động vật cứu hộ, anh Trực đặt ra các tiêu chuẩn chăm sóc khác biệt. Anh thường là người tiếp cận, quan sát các cá thể trong giai đoạn đầu, sau đó sẽ tùy trường hợp mà phân chia cho các nhân viên chăm sóc. Khó nhất chẳng phải làm sao chăm các con vật thật tốt mà chính là giai đoạn chuẩn bị thả chúng về với môi trường tự nhiên. “Khi biết ngày xa nhau gần đến, người chăm sóc sẽ phải chủ động tách dần con vật để chúng tập làm quen. Thậm chí chúng tôi còn phải tìm cách làm cho con vật ghét mà quên mình đi trước khi quay về tự nhiên, bắt đầu cuộc sống mới. Đó là quá trình đấu tranh nội tâm vì ai chăm động vật lâu ngày mà không thương, không muốn níu giữ nhưng mục đích của cứu hộ là chăm sóc thật tốt và tạo điều kiện để các cá thể có khả năng sinh tồn khi quay lại môi trường tự nhiên”, anh Trực cho hay.

Với những động vật thuộc nhóm cứu hộ nhưng khuyết tật nặng, cá biệt hoặc không có khả năng tự chăm sóc bản thân nếu tái thả, anh Trực thường đề xuất phương án giữ lại Thảo Cầm Viên để nuôi dưỡng. Các phần việc vì vậy tăng lên theo số động vật tiếp nhận. Áp lực công việc là rất lớn nên mỗi khi tuyển dụng, bên cạnh kiến thức chuyên môn, anh Trực luôn hỏi ứng viên rằng “Anh/chị có yêu động vật không? Có vướng bận gia đình hay không?”. Công việc này đòi hỏi nhiều thời gian và tâm huyết nên nếu chỉ dừng lại ở mức yêu thích động vật, người làm sẽ khó có thể trụ lại lâu dài.

Tuần đầu tiên vào làm, Ngô Thị Trúc Duyên (29 tuổi) cũng cảm thấy hoang mang vì áp lực công việc quá lớn. Duyên xin vào vị trí nhân viên chăm sóc thú vì thích các loài chim, cò và nghĩ rằng, mọi việc cũng đơn giản như ba mẹ nuôi gia cầm ngoài quê. Nhưng không, ngay buổi đầu đi thăm và vệ sinh hai khu chuồng rộng thênh thang, tay chân Duyên bủn rủn vì kiệt sức. Khi ấy, chị muốn xin nghỉ việc. Thế nhưng, nghe mọi người khuyên và dần thấy mến các con vật chung quanh, chị cho bản thân thêm cơ hội. Trải qua giai đoạn làm quen, Duyên được các anh chị đi trước chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn nên bắt đầu làm việc khoa học, hiệu quả hơn. Nhớ lại mình của sáu tháng trước, Duyên vui vẻ nói: “Lúc mới vào, tôi không biết bắt đầu từ đâu, mọi thứ quá mới mẻ, các phần việc thì dày đặc, làm mãi chẳng hết. Nhưng khi đã quen, biết hồng hạc ăn gì, công thích gì, tôi chủ động hơn trong công việc. Học từ người đi trước một phần, tôi đọc thêm kiến thức trên mạng để tìm cách thích nghi. Giờ thì mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều và tôi thấy vui với công việc của mình”.

Có thể bạn quan tâm

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

(GLO)- Ngày 12-5-1970, du kích người Jrai Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay trực thăng khiến hàng chục binh sĩ cấp cao của quân đội Mỹ thiệt mạng. Vậy, xác chiếc trực thăng ấy bây giờ ở đâu?
Còn lại gì sau bão Yagi?

Còn lại gì sau bão Yagi?

Khi cơn bão Yagi quét qua, nhà cửa, đường sá, cầu cống - những gì tưởng chừng kiên cố nhất cũng bị gió bão, mưa lũ cuốn phăng. Xót xa hơn, sự sống - thứ đáng quý nhất cũng bị đánh cắp trong phút chốc.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Chuyện du kích Jrai hạ trực thăng Mỹ

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Du kích Jrai hạ trực thăng chở 2 tướng Mỹ

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng câu chuyện về du kích Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bắn rơi máy bay quân sự Mỹ ngay tại quê hương mình vẫn được nhiều người cao tuổi trong vùng nhắc nhớ và được nhiều tài liệu lịch sử chính thống ghi nhận.

Trở lại Phú Sĩ thu

Trở lại Phú Sĩ thu

Tôi khá có duyên với nước Nhật. Kể cả lần đi này thì tôi đến nước Nhật năm lần, trong đó hai lần đi công tác, một lần nửa công tác, nửa tham quan và hai lần đi theo tua.
Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Do cấu tạo địa chất đặc biệt nên đảo Bé không tích tụ được mạch nước ngầm, người dân trên đảo phải dùng lu, bể... để hứng nước mưa dùng vào sinh hoạt. Hàng trăm năm qua, cộng đồng nhỏ bé hơn 500 người ấy tồn tại giữa biển khơi như một cuộc thi gan cùng tạo hóa.
Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

(GLO)- Dẫu có những quãng ngắt do sóng chập chờn nhưng cuộc điện thoại với người thân trong gia đình mỗi buổi tối là “liều thuốc tinh thần” để cán bộ, chiến sĩ tại các chốt của Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vượt qua khó khăn, lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc.
'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài cuối: Ấm áp dưới tán rừng U Minh Hạ

'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài cuối: Ấm áp dưới tán rừng U Minh Hạ

Tạm gác lại những công việc hàng ngày của mỗi cá nhân, những sinh viên tình nguyện hè của Trường Đại học Tây Đô (Cần Thơ), cùng nhau lên đường về với vùng đất thiêng liêng U Minh Hạ, để cùng ăn, cùng sống và cùng góp sức trẻ thể hiện phong trào “sinh viên 5 tốt”, cống hiến và trưởng thành.