Làng Việt Nam: Thi Phổ Nhứt từng được mệnh danh 'tiểu Đồng Nai'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Làng tôi cũng giống như bao làng khác ở Việt Nam. Ngày xưa, làng có tên Thi Phổ Nhứt, được mệnh danh là 'tiểu Đồng Nai' vì ruộng làng tôi là nhất đẳng điền, lúa cấy xuống vươn lên xanh ngát một màu. Vụ mùa cũng như vụ chiêm, lúa thu hoạch mỗi sào tính bằng nhiều giạ. Không thua gì lúa Đồng Nai.

Từ lúc mới sinh, tôi đã ở làng mình. Vào lứa tuổi thấy cái gì cũng lạ, cái gì mình cũng tò mò muốn biết, tôi đã biết lội ruộng, biết con đỉa bám chân hút máu mình, biết con cua kẹp tay mình đau điếng...

Và cái biết lớn nhất, là biết bơi trên con sông Thoa chảy qua trước nhà mình. Sông không rộng nhưng nước rất trong. Tôi được thầy tôi (ông cụ thân sinh) tập bơi, vì như ông bảo, trẻ con ở gần sông phải biết bơi để tự bảo vệ mình khỏi đuối nước.

Sông Thoa, con sông gắn với làng quê của nhà thơ Thanh Thảo - tác giả bài viết
Sông Thoa, con sông gắn với làng quê của nhà thơ Thanh Thảo - tác giả bài viết

Tôi đã tập và biết bơi rất nhanh. Không chỉ biết bơi kiểu chó, rồi biết bơi sải, tôi còn biết bơi ếch, bơi đứng, bơi ngửa là những kiểu bơi khó hơn. Năm ấy tôi mới 6 tuổi. Từ con sông nhỏ ở làng mình, khi lớn lên, vào bộ đội rồi đi chiến trường, nhờ biết bơi mà tôi rất tự tin khi cần băng qua sông lớn. Ở chiến trường Nam bộ sông rạch ngang dọc mà không biết bơi thì nguy hiểm lắm.

Làng tôi ngày kháng chiến cũng vắng lặng như nhiều làng khác, vì con trai lớn đều đi vệ quốc đoàn, thầy tôi đi kháng chiến, nên ở nhà chỉ có hai má con tôi. Nhưng trẻ con lứa tôi ở làng thì không thiếu.

Tôi suốt ngày chạy chơi với đám trẻ bạn tôi, trời nắng nóng thì nhảy xuống sông tắm, bơi qua bơi lại sông Thoa, thật đã đời.

Người dân mưu sinh ở sông Thoa
Người dân mưu sinh ở sông Thoa

Từ nhỏ cho đến năm 8 tuổi, tôi chưa bao giờ rời làng mình. Những trò chơi con trẻ, tới bây giờ tôi vẫn nhớ. Nó làm nên ký ức tuổi thơ tôi.

Năm lên 7 tuổi, tôi cũng được đi học lớp 1 ở trường làng, cùng chúng bạn ê a từng con chữ. Được cái tôi biết chữ nhanh. Đọc được sách từ trước khi đi học. Nhưng ở làng tôi thuở ấy, làm gì có sách mà đọc.

Thỉnh thoảng, thầy tôi từ chiến khu về nhà, mang vài quyển sách chính trị, tôi vồ lấy đọc, mà chẳng hiểu gì cả. Nhưng các trò chơi của trẻ con, những con chuồn chuồn con cá con cua, thì tôi biết. Và rất thân quen với chúng.

Năm 1954, lúc tôi 8 tuổi, kháng chiến thắng lợi, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ mừng thắng lợi rất to. Tôi theo thầy tôi ra thị xã Quảng Ngãi, lần đầu tôi mới biết thế nào là một thị xã.

Hồi đó thị xã Quảng Ngãi cũng rất nhỏ thôi, nhưng với tôi là quá lớn. Cũng lần đầu tiên, tôi biết cái bóng đèn điện sáng thế nào. Thật kinh ngạc. Với một đứa trẻ nhà quê, đó được coi là "khai sáng".

Những điều kỳ lạ bên ngoài làng mình, mới biết thì rất thích thú, còn làng quê mình, những cái mình biết thật quá nhỏ bé, nhưng chúng sống rất lâu trong tâm hồn mình, cả đời người chứ không phải vài chục năm.

Vâng, năm lên 8 tuổi, tôi được đi tập kết ra Bắc, rồi từ đó, bao nhiêu sự việc ập đến với đời tôi, nên ngôi làng nhỏ bé của tôi chìm sâu tận đáy lòng. Mình ít nhớ đến nó, mà cũng chẳng biết lúc nào thì được về làng, vì chiến tranh kéo dài quá lâu.

Mưu sinh ở sông Thoa
Mưu sinh ở sông Thoa

Tôi đã xa làng tôi đúng 21 năm. Cả một cuộc chiến tranh. Cuối năm 1970 tôi vào chiến trường Nam bộ, mãi tới hòa bình thống nhất năm 1975 mới có cơ hội về thăm làng quê mình.

Đó là đầu tháng 6 năm 1975, khi tôi theo đoàn nhà văn miền Trung đi từ Sài Gòn qua rất nhiều tỉnh, thành trước khi về Quảng Ngãi. Tôi đã kéo nhà thơ Ngô Thế Oanh về làng tôi. Vẫn là làng Thi Phổ Nhứt đó thôi, mà tôi xa làng đúng 21 năm. Vẫn nhớ đường về. Nhớ cầu Giắt Giây. Nhớ Cầu Đập. Nhớ cả con đường đất nhỏ dẫn xuống nhà mình.

Làng tôi gặp lại sau 21 năm vẫn như không có mấy thay đổi. Chiến tranh không tàn phá nhiều, làng vẫn nghèo như khi tôi rời đi lúc 8 tuổi.

Suốt thập niên 70, rồi thập niên 80, làng tôi vẫn vậy. Những năm thầy má tôi còn tại thế, vợ chồng con cái tôi vẫn thường xuyên về nhà mình, làng mình, nhất là mỗi dịp tết, gia đình tôi ở Quy Nhơn đều về ăn tết với thầy má chúng tôi ở làng quê Thi Phổ.

Dù ở Quy Nhơn thời bao cấp xe đò rất khó mua vé.

Bài thơ Ở quê nhà, tôi viết năm 1982 là đúng với cảnh vật và tâm trạng của tôi hồi đó. Vẫn là những hàng cau tới mùa trổ hoa, nhưng cảm giác như vừa yêu thương vừa xa lạ, và không khí ngôi làng lặng thầm, ban ngày lặng lẽ, ban đêm không có điện chỉ thắp đèn dầu, thì đúng là "sống thầm". Chỉ ký ức về tuổi thơ của mình ở làng thì vẫn sáng tới từng chi tiết nhỏ:

những cây cau đã trổ hoa

yêu thương xa lạ

nơi không khí biến ta thành lặng lẽ

dẫu muốn ồn ào biết ồn ào với ai

con đường mấy mươi năm mòn dần dưới chân người chân trâu chân mưa

đường lầy thụt dẫn về yên tĩnh

ta đã có những con chuồn chuồn con cá con cua

ta đã có nỗi cô đơn ngọt ngào trẻ nhỏ

gần như một bức tường vô hình dựng lên

bao bọc tuổi thơ quê nhà mấy mươi năm xa cách

thỉnh thoảng ta về nhìn ngắm lại

phần đời đầu tiên con đường loang những vết bùn

nơi mùi hoa cau thơm đậm hơn

lúa xanh hơn dòng sông hiền hơn tất cả

hoàng hôn xuống như một người gánh rạ

gánh sắc vàng đang sẫm dần

Đây là bài thơ tôi viết tặng làng mình, thơ đầy yêu thương lặng lẽ, giống như không khí làng tôi.

Chúng ta có thể sống ở làng cả đời, có thể sống chỉ một số năm, nhưng cái tình với làng mình thì trước sao sau vậy, vẫn âm thầm và chung thủy.

Theo Thanh Thảo (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.