Làng Việt Nam: Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Đó là câu thơ tự bạch rất chân thành của Tế Hanh, định danh và định vị ngôi làng của mình.

Làng Đông Yên, tổng Bình Dương (nay là làng Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) là làng quê nhà thơ Tế Hanh. Làng làm nghề chài lưới, nhưng lại "cách biển nửa ngày sông".

Đây là sông Trà Bồng, chảy qua trước nhà Tế Hanh, con sông mà sau này khi tập kết ra Hà Nội, ông đã viết bài thơ nổi tiếng Nhớ con sông quê hương. Người làng Tế Hanh làm nghề đánh cá, buổi sáng họ xuống thuyền chạy dọc sông Trà Bồng ra biển. "Nước bao vây cách biển nửa ngày sông" là như vậy.

Sông Trà Bồng (Quảng Ngãi)

Sông Trà Bồng (Quảng Ngãi)

Bài thơ Quê hương, Tế Hanh viết từ năm 1939, dâng trào niềm yêu thương về làng quê "ăn sóng nói gió" nhưng rất mực lành hiền của mình. Ngày viết bài thơ cảm động về làng mình ấy, Tế Hanh mới tròn 18 tuổi. Ít ai nghĩ một chàng trai mới 18 tuổi lại có những tình cảm sâu sắc với làng quê mình như vậy.

Tôi đã hơn một lần về thăm làng Đông Yên của Tế Hanh. Làng ven sông, không giàu không nghèo mà rất bình yên. Có lẽ, cái vốn lớn nhất của ngôi làng này là dòng sông Trà Bồng quanh năm đầy ắp nước, xanh rười rượi và trôi chảy êm đềm.

Có lần, vào năm 1997, tôi và đoàn làm phim "chân dung Tế Hanh" do nhà thơ Nguyễn Thụy Kha làm đạo diễn, đưa nhà thơ Tế Hanh về làng Đông Yên của ông để ghi lại những hình ảnh nhà thơ Tế Hanh với ngôi nhà cũ, với dòng sông còn cũ hơn.

Sông Trà Bồng trước nhà tưởng niệm nhà thơ Tế Hanh

Sông Trà Bồng trước nhà tưởng niệm nhà thơ Tế Hanh

Đoàn chúng tôi đã đi thuyền trên sông Trà Bồng đoạn qua trước nhà Tế Hanh, đã ghi lại hình ảnh dòng sông với những con chim bói cá, với ánh mặt trời lấp lánh vào buổi sáng. Sinh bên một dòng sông, Tế Hanh là nhà thơ của sông nước, mỗi âm thanh từ dòng sông đều dội vào thơ ông một cách hồn nhiên: "Khi bờ tre vang động tiếng chim kêu/Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy..." (Nhớ con sông quê hương).

Những ai từng sống bên một dòng sông đều cảm nhận sự thanh thản mình nhận được từ nước sông, từ bờ tre, từ những buổi sớm mai hay lúc chiều tà. Sông ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hưởng tốt đến đời người. Huống chi, làng Đông Yên không chỉ có sông mà còn có Đền thờ Thần Nam Hải, tức thờ cá Voi từ biển trôi dạt vào bờ.

Ngư dân vùng biển Bình Sơn, Quảng Ngãi

Ngư dân vùng biển Bình Sơn, Quảng Ngãi

Tôi đã được dự một lễ tế cúng Thần Nam Hải, người Đông Yên có đội hát Bả trạo, vừa hát vừa múa rất nhịp nhàng khi trên tay mỗi người có một bơi chèo. Tôi cũng được dự một bữa rượu rất nhẹ nhàng của bà con làng Đông Yên, có một bác ngư dân đánh cá biển ứng tác những bài thơ lục bát rất có ý nghĩa về làng quê mình. Đông Yên không chỉ biết đi đánh cá, họ còn biết chơi văn nghệ và làm thơ.

Là nhà thơ hết sức nhạy cảm, Tế Hanh vừa thu nhận được ân huệ từ dòng sông chảy qua làng mình, vừa có được tài thơ từ truyền thống thơ dân dã của bà con đánh cá:

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng

Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ. (Quê hương)

Làng biển và những người dân biển, đó là tình yêu thương và niềm tự hào của một nhà thơ Quảng Ngãi.

Tàu thuyền đánh bắt hải sản ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Tàu thuyền đánh bắt hải sản ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Khi nhắc tới chữ "làng", dù là làng biển hay làng núi, trong lòng người Việt chúng ta lại dậy lên bao tình cảm. Đừng bao giờ để mất tên làng, để mất những ký ức của bao thế hệ về ngôi làng Việt.

Bây giờ, người ta rất hờ hững, rất dễ dãi mỗi khi đổi tên làng nhập tên xã, vì tận thẳm sâu, họ không có trong tâm hồn mình cái tên làng mà chính họ được sinh ra. Văn học nghệ thuật giúp những người hay chóng quên ấy nhớ lại chính ngôi làng của mình, dòng sông chảy qua trước nhà mình, những tháng năm mình đã lớn lên nơi làng quê thân thuộc.

Ngót một trăm năm trước, bài thơ Quê hương của Tế Hanh chào đời, cho tới bây giờ, và trong mai sau, bài thơ ấy vẫn nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quên ngôi làng nhỏ bé của mình:

QUÊ HƯƠNG

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.

Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...

Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ

Khắp dân làng tấp nập đón ghe về

"Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe"

Những con cá tươi ngon thân bạc trắng

Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng,

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi

Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,

Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!

1939

Bài thơ Tế Hanh kết bằng một khổ thơ đánh động vào nơi sâu thẳm của chúng ta: Đừng bao giờ quên làng quê của chính mình! "Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!". Cái mùi ấy, không phải nước hoa, chỉ nồng mặn thôi, mà sao tôi (hay chúng ta) nhớ quá.

Xã Bình Dương - một miền quê hiền hòa ven sông Trà Bồng thơ mộng. Đây là nơi có lịch sử văn hóa lâu đời. Năm 2023, người dân tưng bừng phấn khởi đón nhận hai bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, trong đó có Lăng Vạn Đông Yên.

Với đường bờ biển dài khoảng 54 km, Huyện Bình Sơn có hai cửa biển lớn là Sa Cần và Sa Kỳ. Con sông Trà Bồng bắt nguồn từ vùng núi phía tây của huyện Trà Bồng, chảy qua huyện Bình Sơn. Dòng sông đã vượt bao ghềnh thác, xuôi về hạ lưu rồi đổ ra cửa biển Sa Cần.

Khi chảy qua địa phận xã Bình Dương, dòng sông dừng lại rẽ nhánh, uốn lượn mềm mại một vòng bao quanh vùng đất cù lao trước khi hợp lưu tiến ra biển lớn. Vì thế mà nhà thơ Tế Hanh có viết: "Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới/Nước bao vây cách biển nữa ngày sông".

Cho đến ngày nay, làng chài Đông Yên không chỉ lưu giữ các giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc mà còn gắn với nhiều tín ngưỡng dân gian của cư dân vùng biển như tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na, Tứ vị Thánh Nương, Thủy Long thần nữ, Ngũ hành thượng giới, Thần Nam Hải (Cá Voi tục danh Cá Ông)…

Tín ngưỡng thờ Cá Ông là một trong những tín ngưỡng quan trọng, tiêu biểu, đặc trưng và phổ biến nhất của Lăng Vạn Đông Yên. Đây là nơi hội tụ các giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật thẩm mỹ được dân làng lưu giữ qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử.

Nguồn: UBND huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi

Theo Thanh Thảo (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Do cấu tạo địa chất đặc biệt nên đảo Bé không tích tụ được mạch nước ngầm, người dân trên đảo phải dùng lu, bể... để hứng nước mưa dùng vào sinh hoạt. Hàng trăm năm qua, cộng đồng nhỏ bé hơn 500 người ấy tồn tại giữa biển khơi như một cuộc thi gan cùng tạo hóa.
Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

(GLO)- Dẫu có những quãng ngắt do sóng chập chờn nhưng cuộc điện thoại với người thân trong gia đình mỗi buổi tối là “liều thuốc tinh thần” để cán bộ, chiến sĩ tại các chốt của Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vượt qua khó khăn, lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc.
'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài cuối: Ấm áp dưới tán rừng U Minh Hạ

'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài cuối: Ấm áp dưới tán rừng U Minh Hạ

Tạm gác lại những công việc hàng ngày của mỗi cá nhân, những sinh viên tình nguyện hè của Trường Đại học Tây Đô (Cần Thơ), cùng nhau lên đường về với vùng đất thiêng liêng U Minh Hạ, để cùng ăn, cùng sống và cùng góp sức trẻ thể hiện phong trào “sinh viên 5 tốt”, cống hiến và trưởng thành.
Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Sau những gian hàng lồng đèn ồn ào, tấp nập mùa Trung thu là bao năm thao thức thầm lặng của các nghệ nhân, miệt mài, tỉ mỉ với từng công đoạn để thế hệ nào cũng có ký ức đẹp về những đêm trăng vàng với chiếc lồng đèn truyền thống rực rỡ trên tay.
Hồn quê từ những làng nghề - Bài cuối: Ký ức tấm lụa Hạ nuôi người khoa bảng

Hồn quê từ những làng nghề - Bài cuối: Ký ức tấm lụa Hạ nuôi người khoa bảng

Làng khoa bảng Đông Thái (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) từng là mảnh đất nổi tiếng với nghề dệt lụa, sản sinh ra nhiều anh tài nức tiếng thiên hạ. Qua sự chuyển mình của thời gian, nghề dệt lụa đã đi vào dĩ vãng, nhưng con người nơi đây vẫn rong ruổi với “nghề” nuôi người học.
Giữ bình yên cho Chư Yang Sin

Giữ bình yên cho Chư Yang Sin

Không chỉ có hàng trăm loài động, thực vật (trong đó có nhiều loài đặc hữu, hàng chục loại có tên trong sách đỏ Việt Nam), rừng ở Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin còn là đầu nguồn của dòng Sêrêpốk. Tuy nhiên, việc gìn giữ tài nguyên rừng quý giá nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn, áp lực.
“Lá lành đùm lá rách”

“Lá lành đùm lá rách”

Các phần quà được đóng gói cẩn thận đã và đang được người dân trên địa bàn tỉnh gửi ra đồng bào các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng của bão lũ. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ai nấy đều mong muốn chia sẻ, cùng đồng bào miền Bắc vượt qua những khó khăn, đau thương.
Di sản của một vị tướng

Di sản của một vị tướng

Hôm qua 12-9-2024, chuyến xe đưa Thiếu tướng Lê Phi Long đi và không về. Chuyến xe đó từng có trong hình dung thấp thỏm của các con ông từ 60 năm trước. Khi ấy, Đại tá Lê Trung Dũng (con trai tướng Long) còn là một đứa trẻ...
Đêm không ngủ ở Làng Nủ

Đêm không ngủ ở Làng Nủ

1 giờ 40 phút ngày 13-9, Hoàng Văn Quyển gọi giật đánh thức tôi dậy. Ngoài trời đang mưa rất to. "Mình di chuyển sang nhà bố em thôi anh. Đang nguy hiểm lắm" - Quyển đưa chiếc áo mưa, rồi cùng vợ và tôi mang theo những thứ cần thiết rồi rời khỏi nhà.
'Đê' mắm giữ bờ

'Đê' mắm giữ bờ

Tháng 7, tháng 8 âm lịch là thời điểm trái mắm già rụng, người dân Cà Mau thường lượm về trồng, sử dụng lưới mành và cọc để giữ trái không bị cuốn trôi. Sau khoảng một năm, cây mắm bắt đầu phát huy hiệu quả trong việc giữ đất.