Làng Việt Nam: Làng Nhị Quý gửi gắm ân tình xuyên ký ức tháng năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nói ngay, tôi chỉ ở làng Nhị Quý khoảng 6 tháng, nhưng những kỷ niệm ở làng trồng nhãn này thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) thì tôi nhớ mãi.

Đó là vào khoảng tháng 9 năm 1972, tôi cùng đoàn công tác binh vận xuống chiến trường Mỹ Tho. Sau khi qua Đồng Tháp Mười, vượt kênh Nguyễn Văn Tiếp, chúng tôi đã tới địa bàn Ấp Bắc.

Tối hôm đó, phải vượt qua lộ Bốn để sang địa bàn xã Nhị Quý. Đây là chặng cuối khó khăn nguy hiểm, phải có giao liên nhiều kinh nghiệm dẫn đường. Giao liên dẫn đoàn chúng tôi tên là "Bé Bảy". Không biết đó là tên thật hay mật danh, nhưng chúng tôi phải nhớ để khi có gì xảy ra, mật hiệu này sẽ là cầu nối liên lạc.

Cuộc sống người dân miền quê ở Tiền Giang ngày nay

Cuộc sống người dân miền quê ở Tiền Giang ngày nay

Vượt lộ Bốn phải chọn thời điểm không có xe tuần tiễu của địch, giao liên phải đi trước trải ni lông để đoàn công tác bôn tập trên ni lông, sau đó giao liên cuốn ni lông, không để lại bất cứ dấu vết nào.

Lần đầu tôi gặp làng Nhị Quý là gặp những cây nhãn. Nhưng đó chưa phải là địa hình có thể trụ bám. Địa hình là những vuông vườn bỏ hoang, dân đã tản cư hay bị dồn vào các ấp chiến lược. Chúng tôi nhận một vườn hoang, cây mọc um tùm, giăng võng hay trải ni lông nằm ngủ.

Nhị Quý là ngôi làng sát lộ Bốn, là vùng ven, vùng tranh chấp ác liệt. Những ngôi nhà có bà con trụ bám cũng khá thưa thớt. Nhưng đó là những "điểm sáng" mà đoàn công tác chúng tôi phải dựa vào để hoạt động.

Sông Mỹ Tho, Tiền Giang

Sông Mỹ Tho, Tiền Giang

Những ngày đêm đầu tiên ở địa hình, chúng tôi đã bắt mối với chi bộ, với đội du kích Nhị Quý. Anh Sáu Như, xã đội trưởng, là "mối ruột" của tôi, nơi tôi thường xuyên gặp gỡ, được vợ chồng anh Sáu cho ăn cơm, nhiều đêm ngủ lại nhà anh chị. Đi chiến trường mà có "mối" như thế là quá ổn.

Từ đó, tôi làm quen thân thiết với anh em du kích trong làng, quen với những gia đình trụ bám, và được anh Sáu Như nhiều đêm dẫn vào ấp chiến lược gặp bà con đang bị dồn vô ấp.

Làng Nhị Quý trở nên thân thiết với tôi như vậy. Rất nhiều đêm, tôi đi với anh Minh, một cán bộ binh vận Nhị Quý, hai anh em lội bưng lội ruộng tới từng nhà bà con trụ bám, vừa nhận thông tin từ bà con, vừa được bà con cho ăn cơm và uống rượu. Thật vui mà thật ấm áp. Những tình cảm chân thành của bà con Nhị Quý cứ nhẹ nhàng như thế mà thấm vào tôi, một anh chàng lính mới làm báo nhưng quyết chí làm thơ.

Du khách tham quan kênh rạch huyện Cai Lậy, Tiền Giang

Du khách tham quan kênh rạch huyện Cai Lậy, Tiền Giang

Và đúng là tất cả những điều tôi nhận được từ đồng đội, từ người dân làng Nhị Quý, bây giờ ta hay nói một cách văn vẻ là "trải nghiệm". Đó là tài sản của tôi để sau hòa bình lập lại, khi về Trại sáng tác Quân khu 5, tôi đã viết được bản trường ca đầu tiên của mình: Những người đi tới biển.

như cây trâm trụ giữa ngã ba làng

những đìa Sấu bưng Heo gò Me sông Cũ

đã mọc rễ vào trí nhớ

mỗi khi ông Chín xòe bàn tay

thấy hiện dọc ngang miền quê kênh rạch

thấy lóe dưới nếp khăn đầu rìu đôi mắt xếch

và tấm lưng trần người mở đất năm xưa.

(Những người đi tới biển)

Những đoạn thơ tôi viết trong trường ca về làng Nhị Quý, về dân làng Nhị Quý, về những đồng đội của tôi bám trụ trong địa hình làng Nhị Quý, là những đoạn thơ mà tôi tâm đắc nhất:

giờ đang mùa sạ lúa

anh Sáu ngồi bứt rứt bàn tay

đám ruộng của nhà bỏ hóa mấy năm nay

mình chị Sáu ngược xuôi nuôi bầy trẻ

dứt đợt pháo lại lầm lũi ra đồng

tránh thằng ấp trưởng như tránh điều xui gở

lách qua đường bờ có gài lựu đạn

lo áo cho con lo gạo cho chồng

đêm giật mình nghe súng nổ ngoài bưng

lo các anh về đụng tụi bảo an phục kích

nhiều lúc chị đưa vào địa hình nắm cơm

lặng lẽ nhìn mấy anh em ngồi ăn

rồi kể thêm tin tức khu dồn ngoài đó

giọng chị đều đều nho nhỏ

và chúng tôi và địa hình cùng nhỏ lại

tôi, một người đến sau, tôi chỉ được ăn nắm cơm ấy đôi lần

nên chị Sáu thương tôi như thương thằng em út

người ta bảo chim trời không gieo không gặt

nhưng chúng tôi nào có phải chim trời

dẫu đến trăm lần thay chốn đổi nơi

nắm cơm ấy suốt đời nuôi ta sống.

(trích Gương mặt địa hình - trường ca Những người đi tới biển)

Làng Nhị Quý đã thành làng tôi, vì tôi đã thành đứa con út, đứa em út của dân làng. Những địa hình là vườn bỏ hoang, những cây nhãn là đặc sản của làng, những bờ mương con rạch có tên và không tên đã trở nên thân thiết với tôi. Những tình cảm ấy trong chiến tranh thật không sao quên được.

Tác giả nhớ mãi ký ức về những bờ mương con rạch, vườn nhãn... ở làng Nhị Quý

Tác giả nhớ mãi ký ức về những bờ mương con rạch, vườn nhãn... ở làng Nhị Quý

Nhớ những đêm trong địa hình, khi mấy anh em ngồi xúm lại quanh ngọn đèn vặn nhỏ, bạn tôi là Tám Hùng cất lên câu vọng cổ: Ai qua lộ Bốn về chốn Ba Dừa/Nhớ chăng tàu chuối đong đưa/Đượm tình quê mẹ những giờ tiến công/Mảnh đất quê hương bom cày đạn xé/Tôi về đây nghe...

Thì tất cả chúng tôi lặng phắc, nghe như nuốt từng câu ca, từng gửi gắm ân tình của làng Nhị Quý với những đứa con đã nhận nơi này là quê hương.

Những năm tháng ở chiến trường đã cho tôi lòng biết ơn nhân dân mình. Và tôi giữ lòng biết ơn ấy như tài sản vô giá suốt đời. Làng Nhị Quý với tôi đã hơn một ngôi làng. Đó là tài sản của đời tôi.

Theo Thanh Thảo (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.