Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Ngày 12-5-1970, du kích người Jrai Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay trực thăng khiến hàng chục binh sĩ cấp cao của quân đội Mỹ thiệt mạng. Vậy, xác chiếc trực thăng ấy bây giờ ở đâu?

Hơn nửa thế kỷ nay, dường như không có tài liệu nào nhắc đến câu hỏi trên. Cho tới tháng 7-2021, chúng tôi đọc được một bài viết trên một tờ báo thông tin rằng, xác chiếc máy bay đó đang được trưng bày tại khuôn viên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai. Chi tiết này sau đó cũng được đưa vào sách “Lịch sử Đảng bộ xã Ia Hrung (1945-2020)”, xuất bản cuối năm 2023.

Đầu năm 2024, khi đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh liên hệ công tác, chúng tôi đã tận mắt thấy xác một chiếc trực thăng vẫn còn khá nguyên vẹn trong khuôn viên đơn vị. Phía trước đầu hiện vật, ở vị trí sát nền xi măng của bệ đặt chiếc trực thăng có tấm bảng màu đỏ, dòng chữ màu vàng ghi: “Xác máy bay trực thăng UH-1A của Mỹ đ/c Glỡ cùng tổ du kích xã B6, huyện 4 (nay là xã Ia Hrung-H. Ia Grai) bắn rơi vào chiều ngày 12/5/1970 tiêu diệt 2 tên tướng Mỹ là Jondinla và Adam”.

Xác máy bay được trưng bày tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh từng được cho là do du kích Huyện 4 bắn rơi. Ảnh: N.Q.T

Xác máy bay được trưng bày tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh từng được cho là do du kích Huyện 4 bắn rơi. Ảnh: N.Q.T

Sau nhiều năm “tắm nắng gội mưa”, dù máy móc, cánh quạt chính và nhiều bộ phận liên quan không còn, một tấm kính trước buồng lái bị vỡ, nhưng chiếc máy bay vẫn đủ cả khung sườn, càng hạ cánh, ghế ngồi phi công...

Theo những người có trách nhiệm tại bộ phận quản lý hiện vật, xác máy bay này chưa từng được sơn lại. Chúng tôi nhận thấy nhiều dòng chữ tiếng Anh vẫn còn có thể đọc được một cách dễ dàng. Khách tham quan nếu nhìn kỹ sẽ thấy ở phần đuôi máy bay có dãy số 16753 bằng sơn trắng.

Đến đầu tháng 8-2024, khi chúng tôi đến lần thứ hai, mọi thứ đều không có gì thay đổi, trừ tấm bảng chú thích. Nội dung văn bản trước kia đã được rút ngắn lại còn: “Xác máy máy trực thăng UH-1A của Mỹ do du kích Huyện 4 bắn rơi”. Huyện (khu) 4 trong chiến tranh chống Mỹ chính là vùng đất thuộc các huyện: Chư Păh, Ia Grai, Chư Prông và Đức Cơ ngày nay.

Trả lời Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch về nguồn gốc xác chiếc máy bay trực thăng được trưng bày nhiều năm nay tại khuôn viên đơn vị như đã nêu trên, Công văn số 4179/BCH-CT, ngày 14-8-2024 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sau khi nêu lý do, cho biết: “Một số tư liệu liên quan đến hiện vật xác máy bay UHIA chưa được kiểm chứng đầy đủ. Vì vậy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chưa xác minh được nội dung này”.

Như vậy, thông tin về xác trực thăng quân sự Mỹ được trưng bày tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhiều năm qua chưa chính xác, hiện vật không có hồ sơ. Việc cho rằng chiếc máy bay này do “du kích Huyện 4 bắn rơi” mà không nêu rõ thời gian, địa điểm là không thuyết phục, không có cơ sở khoa học. Được biết nhiều năm trước, xác chiếc máy bay trên được đưa từ Bảo tàng tỉnh về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Liên hệ với ông Hồ Xuân Toản-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ (Bảo tàng tỉnh), chúng tôi được cung cấp một văn bản có chữ ký và con dấu của Bảo tàng tỉnh (bà Mai Thị Cúc, Giám đốc) và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Đại tá Nguyễn Hữu Vương, Phó Chủ nhiệm Phòng Chính trị).

Theo Biên bản số 02/BB-BT ngày 19-10-2012, vào thời điểm đó, Bảo tàng tỉnh đã bàn giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh 9 hiện vật, trong đó có xác chiếc máy bay trực thăng đã nêu trên. Văn bản không cho biết kèm theo các hiện vật có hồ sơ liên quan hay không. Thông tin về tình trạng thực tế, kích thước, chất liệu, nguồn gốc hiện vật cũng không được văn bản này ghi nhận.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, bà Mai Thị Cúc-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh-nói: Lâu quá rồi, không còn nhớ gốc gác xác chiếc máy bay đó nữa. Bà Cúc giới thiệu cho người viết bài này một cán bộ hưu trí từng nhiều năm làm việc tại đây với hy vọng “may ra có thể biết”. Còn ông Nguyễn Vui-nguyên Trưởng phòng Hành chính (Bảo tàng tỉnh) thì cho hay: Khi về làm việc tại Bảo tàng tỉnh (năm 2002), ông đã thấy có hiện vật này để ở sân sau của đơn vị, khi đó còn là một cơ sở tạm bợ bên đường Quang Trung, TP. Pleiku.

Nhận thấy việc tìm kiếm nguồn gốc xác chiếc trực thăng đã nêu từ 2 đơn vị liên quan không cho kết quả như mong đợi, đầu năm 2024, chúng tôi trở về xã Ia Hrung-quê hương của du kích Puih Glớ.

Chúng tôi gặp ông Ksor Hyiu/Hiếu (SN 1946/1948), người làng Me (cũ), từng là bạn du kích với Puih Glớ từ năm 1968. Ông được kết nạp vào Đảng năm 1974, sau đó, có thời gian đi bộ đội huyện rồi trở về tham gia lực lượng du kích địa phương. Kết thúc chiến tranh, ông làm cán bộ xã cho đến khi về hưu.

Ông Hiếu khẳng định, dù bản thân không trực tiếp tham dự sự kiện nhưng cũng như hàng trăm người dân trong làng khi đó, đều biết chiếc trực thăng ấy đã bị bắn cháy.

Các nhân chứng Puih Binh (bìa trái) và Ksor Hiếu. Ảnh: N.Q.T

Các nhân chứng Puih Binh (bìa trái) và Ksor Hiếu. Ảnh: N.Q.T

Chúng tôi cũng tìm gặp ông Puih Binh (SN 1940), tham gia du kích từ năm 1960, được kết nạp vào Đảng năm 1968, hiện ở làng Maih. Cả trước và sau năm 1975, ông đều đảm đương nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền xã, cho đến khi nghỉ chế độ. Ông Binh cho biết: Thời chống Mỹ, ông từng chỉ huy lực lượng du kích xã B6 nên biết rõ chiếc máy bay ấy đã bị cháy, không thể còn nguyên vẹn được.

Theo giới thiệu của ông Binh, chúng tôi qua làng Grit (cũ) gặp ông Puih Minh (SN 1952), là em trai ông Binh. Ông Minh (mới mất tháng 7-2024, N.V) chính là 1 trong 3 người thuộc tổ du kích đã bắn hạ chiếc trực thăng Mỹ năm 1970 trên quê hương mình. Trả lời câu hỏi về chiếc máy bay trực thăng, ông Minh khẳng định: Nó cháy hết rồi. Đám đất chỗ nó cháy, nhiều năm sau cỏ không mọc được. Cái gì chưa cháy, ngày hôm sau có máy bay Mỹ khác đến câu (cẩu) về Pleiku hết…

Để hiểu thêm về số phận của xác chiếc trực thăng bị du kích Jrai làng Maih bắn hạ năm 1970, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm thông tin liên quan từ phía Mỹ. Thật bất ngờ, các tài liệu lưu trữ đáng tin cậy cho biết một cách chắc chắn rằng đó là chiếc trực thăng UH-1H (không phải UH-1A) có số đuôi (tail number) 68-1642 (không phải 16753). Chúng tôi cũng tìm thấy “giấy báo tử” của 10 quân nhân Mỹ thiệt mạng trên chiếc máy bay ấy, trong đó có tướng John Albert Broadus Dillard Jr. Theo tài liệu, nguyên nhân dẫn đến cái chết của nhóm binh sĩ này là do hỏa lực từ mặt đất của đối phương khiến máy bay bị rơi và bốc cháy (crashed and burned).

Tại Cơ quan Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia Hoa Kỳ (The U.S. National Archives and Records Administration), thông tin về vụ việc nêu trên được thể hiện khá đầy đủ và chi tiết. Theo đó, chiếc trực thăng còn khá mới này đã được xác nhận là không còn tồn tại (Aircraft Loss/Crash Not at Sea-Mất máy bay/Tai nạn không phải trên biển).

Như vậy, bước đầu chúng tôi cho rằng: Xác máy bay hiện đang trưng bày tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh không liên quan đến chiếc trực thăng đã bị du kích Puih Glớ và các đồng đội của ông ở làng Maih bắn hạ năm 1970. Số đuôi (ký hiệu gắn với mỗi máy bay) thuộc về 2 chiếc trực thăng khác nhau. Giống như ý kiến của nhiều nhân chứng sống tại địa phương, các tài liệu từ quân đội Mỹ cũng xác nhận chiếc máy bay của họ hạ ngày 12-5-1970 tại khu vực xã Ia Hrung ngày nay đã cháy, không còn tồn tại.

Có thể bạn quan tâm

Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ 1: Hệ lụy khi ma túy xâm nhập vùng biên

Giữ sạch “vùng xanh” nơi biên giới - Kỳ 1: Hệ lụy khi ma túy xâm nhập vùng biên

(GLO)- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Gia Lai về việc chuyển hóa địa bàn, xây dựng “xã biên giới sạch về ma túy”, Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương quyết liệt vào cuộc.
Nguyễn Hữu Hiếu: Gương thanh niên Cảnh sát Giao thông tiêu biểu toàn quốc

E-magazineNguyễn Hữu Hiếu: Gương thanh niên Cảnh sát Giao thông tiêu biểu toàn quốc

(GLO)- Hơn 10 năm khoác trên mình sắc phục CSGT, Đại úy Nguyễn Hữu Hiếu-Phó Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 3, Bí thư Chi Đoàn Phòng CSGT không chỉ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, hết lòng phục vụ người dân mà còn có tấm lòng nhân văn cao đẹp, trách nhiệm với cộng đồng.

Những viên ngọc quý của làng

Những viên ngọc quý của làng

(GLO)- Bằng uy tín và tài năng, đội ngũ già làng, trưởng thôn, nghệ nhân, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã có công rất lớn trong việc bài trừ hủ tục, gìn giữ bản sắc văn hóa và phát huy các giá trị di sản. Họ thực sự là những viên ngọc quý và được dân làng tôn trọng.
Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ cuối: Giữ vững sứ mệnh phát triển kinh tế trên Tây Nguyên

Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ cuối: Giữ vững sứ mệnh phát triển kinh tế trên Tây Nguyên

(GLO)- Vai trò, vị trí của cây cao su trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Tây Nguyên là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để cây cao su giữ vững sứ mệnh của mình trong xu thế phát triển nền kinh tế xanh, tuần hoàn hiện nay thì cần có những giải pháp phù hợp.
Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 2: Đánh thức “mỏ vàng” trên đất Tây Nguyên

Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 2: Đánh thức “mỏ vàng” trên đất Tây Nguyên

(GLO)- Để có cuộc sống ấm no như hôm nay, những thế hệ đi trước đã không tiếc mồ hôi, công sức để biến vùng đất hoang hóa thành những vườn cây cao su xanh tốt. Không những thế, họ quyết tâm vỡ đất, lập làng, đánh thức “mỏ vàng” trên đất Tây Nguyên.
Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

Ấm no theo những vườn cao su Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

(GLO)- Cây cao su có mặt trên đất Tây Nguyên từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, cây cao su mới được trồng với diện tích lớn. Dù trải qua nhiều thăng trầm về giá cả nhưng cao su vẫn là cây trồng chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo trên cao nguyên.