Đinh Plih: Tự hào “vốn liếng” văn hóa Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Ý nghĩa của công việc không phải chỉ nằm ở chỗ tiền bạc mà còn ở nhu cầu về tinh thần, biểu hiện của giá trị, một vốn liếng để tự hào”. Câu nói này thật đúng đối với ông Đinh Plih (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). Với ông, hạnh phúc đơn giản là bản thân được sống trọn với đam mê.

Bằng suy nghĩ giản đơn ấy, người đàn ông Bahnar này đã xin nghỉ việc, tình nguyện ra sống tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (thuộc Khu du lịch Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) theo lời mời của Ban Quản lý Làng. Gần 6 năm qua, ông đã có nhiều đóng góp vào việc quảng bá bản sắc văn hóa của người Bahnar với du khách gần xa.

Cán bộ xã cũng là nghệ nhân

Chúng tôi gặp ông Đinh Plih tại Hội xuân văn hóa-thể thao các dân tộc mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 và Liên hoan văn hóa cồng chiêng lần thứ IV do UBND xã Tơ Tung tổ chức vào đầu tháng 2 vừa qua. Trong vai trò cố vấn, ông tháp tùng đội cồng chiêng làng Leng tham gia diễn tấu cồng chiêng.

Trong trang phục truyền thống của đồng bào Bahnar, ông Plih để lộ thân hình vạm vỡ, khỏe khoắn, làn da rám nắng. Nếu không nghe giới thiệu trước, khó có thể tin rằng người đàn ông đang đứng trước mặt mình sắp bước qua tuổi ngũ tuần.

Nhanh thoăn thoắt, ông Plih sắp xếp đội hình, căn dặn mọi người trong đội những chi tiết cần lưu ý trong lúc trình diễn. Và rồi ông bắt nhịp cho cả đội tấu lên bài chiêng vang vọng khắp núi rừng.

Chia sẻ về đam mê văn hóa truyền thống, ông Plih kể: Từ nhỏ, ông đã bị cuốn hút bởi tiếng cồng, tiếng chiêng mỗi mùa lễ hội, được nghe người già kể khan, nghe mẹ hát ru. Ông cũng lớn lên bên khung cửi của bà, của mẹ, chứng kiến những chiếc váy, áo, khố hoàn thiện dần dưới đôi bàn tay khéo léo. Những âm thanh, hình ảnh đẹp đẽ, thân thương ấy đã ngấm vào máu thịt, vào tâm trí ông.

ong-dinh-plih-xa-to-tung-huyen-kbang-sap-xep-bo-cong-chieng-va-cac-vat-dung-san-sang-dem-theo-khi-di-trinh-dien-quang-ba-van-hoa-dan-toc-bahnar-anh-ngoc-minh.jpg
Ông Đinh Plih sắp xếp bộ cồng chiêng và các vật dụng sẵn sàng đem theo khi đi trình diễn, quảng bá văn hóa dân tộc Bahnar. Ảnh: N.M

Khi trưởng thành, ông tích cực tham gia các hoạt động văn hóa-xã hội của địa phương và được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Leng. Trên cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tơ Tung từ năm 2010 đến 2019, ông Plih càng hiểu hơn những giá trị văn hóa truyền thống trong công cuộc xây dựng đời sống mới và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Từng ngày chứng kiến sự thờ ơ của một bộ phận giới trẻ với bản sắc văn hóa dân tộc trước sự vận động xã hội và xu hướng mới, sự vắng bóng của những nghệ nhân gạo cội, ông Plih không khỏi trăn trở, nghĩ suy, thậm chí đau lòng. Nhằm tạo sân chơi bổ ích, khơi gợi tình yêu văn hóa dân tộc cho thiếu nhi, năm 2012, ông đến từng nhà vận động phụ huynh có con trong độ tuổi tham gia đội cồng chiêng “nhí” làng Leng.

Thế nhưng, dù gia đình đã đồng ý, nhiều em lại không mấy mặn mà học đánh chiêng. Ông lại dành thời gian gặp gỡ, kiên trì thuyết phục từng thành viên rồi trực tiếp cầm tay chỉ bảo từng chút. Ông cũng tìm kiếm, tạo cơ hội cho cả đội đi giao lưu, tham gia lễ hội nhiều hơn.

“Càng gắn bó với cồng chiêng, các cháu càng yêu hơn nét đẹp nghệ thuật, nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Đội cồng chiêng “nhí” bây giờ tập hợp được hơn 40 thành viên”-ông Plih tự hào chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tiến-Chuyên viên Ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam: “Từ cuối năm 2019 đến giữa năm 2024, ông Đinh Plih làm nhóm trưởng hướng dẫn, tổ chức các thành viên phối hợp nhịp nhàng, các hoạt động văn hóa diễn ra khá tốt. Riêng ông Plih, không chỉ trình diễn cồng chiêng, biết chơi một số nhạc cụ truyền thống mà còn am hiểu và giới thiệu văn hóa của người Bahnar rất hay, rất hấp dẫn. Ông còn có nhiều ý tưởng xây dựng cảnh quan khu vực làng sinh động, bắt mắt hơn, được du khách đánh giá cao”.

Làng Leng có gần 90% dân số là người Bahnar, đời sống phần đa còn khó khăn. Xác định công cuộc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống phải gắn với phát triển kinh tế, cuối năm 2014, ông Plih cùng các già làng quyết định mua 1 con bò từ số tiền tiết kiệm của đội cồng chiêng người lớn (nhờ giải thưởng tại các sự kiện văn hóa), sau đó giao cho hộ nghèo nhất làng nuôi rẽ.

Đến nay, hơn 40 lượt hộ dân tham gia mô hình này và cuộc sống đã có nhiều cải thiện. Hàng năm, làng bán bớt bò lấy tiền chi phí cho hoạt động, mua sắm nhạc cụ.

Sẵn trống, chiêng, ông Plih lại tiếp tục vận động chị em thành lập đội cồng chiêng nữ. Đây là đội cồng chiêng nữ đầu tiên trên đất Kbang. Từ đây, mô hình lan tỏa và nhân rộng ra các làng đồng bào dân tộc thiểu số khác. Đến nay, huyện Kbang đã có 8 đội cồng chiêng nữ.

ong-dinh-plih-dung-dau-o-xa-to-tung-huyen-kbang-luyen-tap-cong-chieng-cung-nhom-cong-dong-dan-toc-bahnar-dang-hoat-dong-quang-ba-van-hoa-tai-lang-van-hoa-du-lich-cac-dan-toc-viet-nam-anh-siu-ngoc.jpg
Ông Đinh Plih (đứng đầu, ở xã Tơ Tung, huyện Kbang) luyện tập cồng chiêng cùng Nhóm cộng đồng dân tộc Bahnar đang hoạt động, quảng bá văn hóa tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Siu Ngọc

Trên cơ sở đội cồng chiêng làng Leng, cuối tháng 5-2023, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với huyện Kbang ra mắt Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ làng Leng với 47 thành viên. Đây là câu lạc bộ điểm triển khai thực hiện Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh.

Bà Đinh Thị Khóp-Chủ nhiệm Câu lạc bộ-bộc bạch: “Từ khi tham gia đội cồng chiêng, tôi cũng như nhiều chị em trong làng được đi biểu diễn cồng chiêng tại một số sự kiện văn hóa-văn nghệ do xã, huyện, tỉnh tổ chức. Không chỉ được thỏa mãn đam mê, chúng tôi còn được gặp gỡ, chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay trong cuộc sống và sản xuất, góp phần giữ vẻ đẹp của cồng chiêng”.

Một lần tình cờ nghe được thông tin Ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đang tìm người dân bản địa ra sinh sống, quảng bá văn hóa dân tộc mình, ông Plih đã liên hệ với đơn vị tổ chức và vận động nghệ nhân, người dân làng Leng tham gia.

Giai đoạn 2015-2019, dù lắm công, nhiều việc nhưng ông Plih vẫn sắp xếp thời gian, công việc, một năm đôi lần tự bỏ kinh phí ra Bắc để hỗ trợ nhóm cộng đồng dân tộc Bahnar đang hoạt động, quảng bá văn hóa tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Được Đảng ủy xã Tơ Tung đồng ý, vợ con đồng tình, ủng hộ, cuối năm 2019, ông Plih xin nghỉ việc, tình nguyện ra Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam trực tiếp tham gia trong vai trò một nghệ nhân thực thụ.

Quảng bá văn hoá Bahnar

Hành trang ông Plih mang theo ra thủ đô là bộ cồng chiêng cổ của gia đình, một số vật dụng, trang phục thổ cẩm cùng niềm hân hoan được giới thiệu hình ảnh, con người quê hương Anh hùng Núp nói riêng cũng như quảng bá tinh hoa văn hóa người Bahnar nói chung tới du khách trong và ngoài nước.

“Nhóm của chúng tôi có 8 người. Hàng ngày, công việc bắt đầu lúc 8 giờ và kết thúc lúc 17 giờ; làm việc từ thứ ba đến chủ nhật. Trong thời gian làm việc, chúng tôi mặc trang phục truyền thống, ai vào việc nấy như ngồi dệt vải, đan lát, tạc tượng, diễn tấu cồng chiêng, giới thiệu bản sắc văn hóa cho du khách đến tham quan, trải nghiệm. Nếu đoàn khách, lớp học, cá nhân có nhu cầu học tiếng Bahnar, thưởng thức ẩm thực truyền thống thì báo trước, nhóm sẽ chuẩn bị”-ông Plih kể.

Hoạt động tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam chưa được bao lâu thì dịch Covid-19 bùng phát. Vắng khách du lịch, một ngày làm việc của nhóm như kéo dài đằng đẵng trong se sắt giá rét mùa đông. Ngoài sợ mọi người mắc bệnh, ông còn lo trong thời gian đóng cửa không có khách du lịch sẽ chẳng còn nguồn thu tăng thêm từ bán đồ lưu niệm.

ong-dinh-plih-xa-to-tung-huyen-kbang-bieu-dien-tiet-muc-hat-dan-ca-phuc-vu-khach-du-lich-anh-siu-ngoc.jpg
Ông Đinh Plih (xã Tơ Tung, huyện Kbang) biểu diễn tiết mục hát dân ca phục vụ khách du lịch. Ảnh: Siu Ngọc

Giải bài toán thiếu thực phẩm, ông vận động các thành viên trong nhóm tận dụng khoảng đất phía sau khu nhà rông trồng rau màu, nuôi gà, nuôi chim bồ câu để cải thiện bữa ăn. Hàng ngày, ông trò chuyện, động viên anh em trong nhóm để mọi người vơi đi nỗi nhớ nhà, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Những lúc nhớ quê, thương vợ, thương con, ông khỏa lấp bằng công việc, bằng cách tập trung trang trí, tạo bối cảnh không gian làng Bahnar hoàn thiện hơn.

Ông Plih bảo, Nhà nước chỉ xây dựng mô hình, còn trang trí chi tiết, mình phải tự làm để không gian văn hóa sinh động, mang bản sắc đặc trưng của dân tộc Bahnar. Vậy nên, ông làm cổng làng truyền thống bằng tranh, tre, nứa, lá. Trước nhà rông, ông bố trí cây nêu.

Để du khách bốn phương hiểu hơn về văn hóa của đồng bào Bahnar, ông còn tự tay tạc những bức tượng gỗ với đủ hình thù, sắc thái hạnh phúc, vui buồn, cảnh giã gạo, địu con, một số con vật... đặt ở góc sân vườn; trưng bày nhạc cụ truyền thống như đàn goong, t’rưng, k’lông pút, cồng chiêng, váy áo, khố thổ cẩm, gùi, quả bầu khô… trong khuôn viên nhà rông.

“Khi tái hiện lễ cúng bến nước, lễ thổi tai, ăn mừng lúa mới, ăn mừng nhà rông mới... chúng tôi trưng bày lộng lẫy hơn, rõ nét hơn. Cùng với đó, chế biến các món ăn truyền thống như cơm lam, gà nướng, rượu cần, trình diễn cồng chiêng, xoang, tạo không gian văn hóa phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, chụp hình check-in hoặc thu thập tư liệu nghiên cứu”-ông Plih giải thích.

Gần 6 năm gắn bó với ngôi làng Bahnar trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, ông Plih cũng như các thành viên trong nhóm đã có nhiều đóng góp cho hoạt động quảng bá văn hóa dân tộc mình. Nhóm cộng đồng dân tộc Bahnar được Trưởng ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam tặng giấy khen vì có nhiều đóng góp trong hoạt động hàng ngày tại Làng giai đoạn 2015-2020.

Xa gia đình thời gian khá dài, ông Plih muốn được nghỉ ngơi, đồng thời tạo cơ hội cho người khác. Vì vậy, ông bàn giao công việc cho bà Siu Thị Bích Ngọc (làng Bờ Ngăl, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang).

Bà Ngọc chia sẻ: “Tôi tham gia hoạt động tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam từ năm 2023 đến nay. Trên cơ sở tổ chức, hướng dẫn của ông Plih, nhóm đoàn kết hoạt động hiệu quả. Khi tôi tiếp nhận nhiệm vụ, mọi công việc đã thành nền nếp nên không có gì khó khăn, vướng mắc. Tôi hy vọng sau khi nghỉ ngơi một thời gian, ông Plih sẽ quay lại dẫn dắt nhóm hoạt động hiệu quả hơn”.

*

Trời ngả về chiều, tạm biệt làng Leng, tôi nhớ mãi lời ông Plih: “Làng Leng có hơn 70 hộ với gần 500 khẩu thì khoảng 80% người biết đánh cồng chiêng. Ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của bà con ngày càng tốt hơn, tôi vui lắm”. Chúng tôi hiểu rằng, với người đàn ông Bahnar này, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc sẽ không dừng lại.

22logo-7722-2933-9071-1045-4546-1474-6395-7637-6043-3883-1898-1923.jpg

Có thể bạn quan tâm

Phụ nữ làng Groi phát huy nghề dệt thổ cẩm

Phụ nữ làng Groi phát huy nghề dệt thổ cẩm

(GLO)- Gần 2 năm đi vào hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Dệt thổ cẩm làng Groi (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) đã trở thành mái nhà chung cho những phụ nữ yêu thích nghề dệt. Thông qua các buổi sinh hoạt, chị em có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và chung tay gìn giữ, phát huy nghề dệt truyền thống.

Lễ cúng bến nước. Ảnh: M.H

Bến nước buôn Pông

(GLO)- Bến nước, dòng sông cũng như tập tục của bà con Jrai đã trở nên quen thuộc với tôi trong thời gian dài công tác tại ngôi trường bên bờ sông Ba.

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

(GLO)- Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là yêu cầu mang tính sống còn của đất nước trước vận hội phát triển mới. Trong đó, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã để xây dựng mô hình chính quyền 2 cấp đang được dư luận hết sức quan tâm.

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Thần Bạch Mã (hay còn gọi là Thái giám Bạch Mã, Bạch Mã Thái giám) là vị thần có ảnh hưởng lớn trong đời sống tín ngưỡng dân gian ở vùng Tây Sơn Thượng đạo. Hiện nay, một số đình tại thị xã An Khê còn duy trì việc thờ cúng và gìn giữ sắc phong vua ban cho vị thần này.

Nâng tầm nghề dệt thổ cẩm ở Chư Pưh

Nâng tầm nghề dệt thổ cẩm ở Chư Pưh

(GLO)- Nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị-xã hội, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Jrai ở huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đang có cơ hội để nâng tầm phát triển và khẳng định giá trị trong đời sống hiện đại.

Lễ cúng Yă Pum bên bờ sông Ayun

Lễ cúng Yă Pum bên bờ sông Ayun

(GLO)- Sau một thời gian dài gián đoạn, UBND xã Ia Peng (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) vừa phục dựng lễ cúng Yă Pum của người Jrai tại thôn Sô Ma Hang A. Đây là hoạt động tâm linh với ý nghĩa xua đuổi tà ma, cầu bình an, sức khỏe cho dân làng.

Vua Lửa: Huyền thoại và hiện thực

Vua Lửa: Huyền thoại và hiện thực

(GLO)- Chuyện về các Pơtao Apui (Vua Lửa) sở hữu gươm thần có quyền năng hô mưa gọi gió không chỉ là huyền thoại mà gắn với dòng chảy văn hóa, lịch sử của người Jrai ở thung lũng Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) suốt nhiều thế kỷ qua.

Những người thầm lặng chăm lo việc làng

Những người thầm lặng chăm lo việc làng

(GLO)- Không chế độ phụ cấp, bổng lộc nhưng nhiều năm qua, các cụ từ, bà vãi trong đội hậu cần, ban nghi lễ tại các đình, miếu trên địa bàn thị xã An Khê vẫn thầm lặng, miệt mài với công việc. Sự tự nguyện ấy xuất phát từ tâm huyết dành cho văn hóa, di sản của cha ông.

Lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần: Di sản đặc biệt

Lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần: Di sản đặc biệt

(GLO)- Trên đời có thực sự tồn tại những con người có quyền năng hô mưa gọi gió? Chính hiện thực và truyền thuyết hư ảo đan cài vào nhau khiến lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui ở thung lũng Ayun Hạ trở thành một hiện tượng đặc biệt, hấp dẫn bởi sự linh thiêng, huyền bí.