Về nơi “đáng sống” trên cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua 2 đêm lưu trú ở thị trấn Kbang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), anh bạn tôi thốt lên: Nếu nói Kbang là nơi “đáng sống” cũng không có gì là ngoa ngôn.

Chúng tôi gồm những nhà báo nghỉ hưu vừa có chuyến hành hương về nguồn, thăm lại các di tích lịch sử, đồng thời qua những cánh rừng bạt ngàn ngược về thượng nguồn của sông Ba, khám phá thác Kon Lok đẹp mơ màng giữa khu rừng già Kbang yên tĩnh.

1logo.jpg

Cách đây chừng 50 năm, cao nguyên Kon Hà Nừng là vùng núi “khỉ ho cò gáy”, chỉ có những buôn làng người Bahnar sinh sống. Đến năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, nơi vùng lõi của cao nguyên này mới có một số người Kinh theo kháng chiến lập nên “thị trấn Dân Chủ” với vài chục gia đình, phần lớn là người Bình Định, nay thuộc xã Krong, huyện Kbang. Cho đến sau ngày giải phóng (năm 1975), nơi xứ sở rừng thiêng Kon Hà Nừng có một thị trấn khá sầm uất đang trên đà phát triển mà chúng tôi vẫn quen gọi bằng cái tên thân thuộc của một địa danh lịch sử “thị trấn Ka Nak”, là trung tâm của huyện Kbang được thành lập năm 1984.

Vùng đất lịch sử

Trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo, vùng đất Kbang là một trong những địa điểm quan trọng với các di tích thuộc lĩnh vực hậu cần cho phong trào Tây Sơn buổi ban đầu như: Vườn Cam, Vườn Mít, Cánh đồng Cô Hầu… do người phụ nữ dân tộc Bahnar Yă Đố được giao đảm trách việc này.

Có thể nói, khi xưa, đây là vùng miền núi phía Tây của dải đất Bình Định, có nhiều sản vật tự nhiên phong phú, là miền đất phì nhiêu nhưng còn hoang vu chưa được khai phá. Với con mắt và tầm nhìn chiến lược, anh em nhà Tây Sơn đã biết chọn vị trí có tiềm năng và an toàn để mưu đồ dựng nghiệp lớn. Di tích Vườn Mít, Cánh đồng Cô Hầu… sau hơn 250 năm vẫn còn đó như chứng nhân của lịch sử.

Nhìn lại cánh rừng và những “cụ mít” còn lại qua hàng thế kỷ mới hiểu vùng sinh thái phong phú nơi đây. Ngày xưa, tuy còn hoang sơ, nhưng vùng đất phì nhiêu này đã nuôi sống các buôn làng người Bahnar phồn thịnh thế nào!

ve-noi-dang-song-tren-cao-nguyen-dd.jpg
Tác giả trong một lần tham quan rừng nguyên sinh ở huyện Kbang. Ảnh: H.L.V

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tại vùng Bơnâm và Ka Nak đã thành lập khu kháng chiến Bơnâm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy An Khê. Nơi đây được tập trung xây dựng cơ sở cách mạng, là địa bàn dừng chân của các đội công tác nhằm mở rộng hành lang về phía Tây của tỉnh.

Đây cũng là nơi đã sinh ra người anh hùng trong “Đất nước đứng lên” từ buổi đầu chống Pháp, là cánh chim đầu đàn của Tây Nguyên hùng vĩ-Anh hùng Núp. Năm 1954, tỉnh Gia Kon thành lập 8 khu (tương đương cấp huyện), vùng Bơnâm thuộc khu 4. Tỉnh ủy xây dựng nơi này thành chiến khu vững chắc và là vùng căn cứ du kích: “Lấy làng Stơr (xã Nam, nay là xã Tơ Tung) và 2 làng Kon Klung Lớn và Kon Klung Nhỏ (xã Bơnâm, nay là xã Krong) làm nòng cốt”.

Bước sang thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Tỉnh ủy Gia Lai có chủ trương chuyển toàn bộ vùng du kích cũ trong kháng chiến chống Pháp thành căn cứ của tỉnh. Đến năm 1964, Khu căn cứ của tỉnh bao gồm 3 xã: Krong, Kơ Pier, Lơ Pa. Năm 1973, tỉnh thành lập thị trấn Dân Chủ ở cạnh làng Đê Sơlam, xã Krong.

Trong 2 cuộc kháng chiến, vùng Ka Nak (nay là trung tâm thị trấn của huyện Kbang) là địa thế quan trọng án ngữ khu vực phía Bắc An Khê, nơi cửa ngõ tiếp giao giữa đồng bằng Bình Định lên miền Tây Nguyên rộng lớn nên địch lập tiền đồn kiên cố để khống chế phong trào cách mạng. Chính vì vậy, lực lượng địa phương và quân chủ lực của ta đã nhiều lần lên phương án tiêu diệt các đồn bốt của địch trong khu vực, nhất là đồn Ka Nak.

Thời chống Mỹ, địch đã xây dựng tuyến phòng thủ đồn Ka Nak khá vững chắc và liên hoàn, có cả trường huấn luyện biệt kích, khống chế toàn bộ vùng phía Bắc An Khê và khu vực rừng núi Kon Hà Nừng. Để khai thông tuyến hành lang quan trọng từ phía Tây đến vùng phía Đông của tỉnh, bảo vệ vùng căn cứ cách mạng, tháng 3-1965, bộ đội giải phóng Quân khu 5 phối hợp với lực lượng địa phương lên kế hoạch “nhổ cái gai” trước mắt-căn cứ Ka Nak của địch.

Trung đoàn 10 và Tiểu đoàn Đặc công 409 trực tiếp công đồn. Trận đánh lịch sử đêm ngày 7 rạng sáng 8-3 năm ấy tuy không thành công, hy sinh nhiều nhưng cũng để lại bài học sâu sắc về chiến thuật cho quân đội ta khi đối đầu với quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa.

Gần 60 năm qua, chúng tôi có dịp trở lại vùng chiến trường xưa, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận Ka Nak năm xưa. Qua cánh rừng già bạt ngàn cách thị trấn trên 10 km, chúng tôi tìm được nơi ghi dấu chứng tích Trạm Phẫu thuật tiền phương ở khu rừng yên tĩnh bên dòng suối Đak Lốp của Quân Giải phóng trong trận công đồn Ka Nak năm nào. Ở đây, có tấm bia tưởng niệm ghi khắc tên tuổi của 8 liệt sĩ trong trận Ka Nak được chôn cất trong khu vực này.

Trong chốn rừng thâm u nơi đây, người ta đã dành một phần đất nhỏ để xây dựng đài tưởng niệm và một hoa viên khá trang trọng. Có một tấm bia đá khắc bài thơ “Nỗi niềm Ka Nak” của Tiến sĩ-bác sĩ Bùi Thanh Hải, ghi ngày 27-7-2023: “Nơi đây ngày ấy chiến trường/60 năm một chặng đường hiếu thương/Hiểu rằng ác liệt khó lường/Thương hồn lính trẻ vấn vương núi ngàn/…/Đồi thiêng nay nở đầy hoa/Dòng thương Đak Lốp hiền hòa bao quanh/Ru hồn liệt sĩ vô danh/Tây Nguyên-Ka Nak đã thành quê hương”.

Một vùng sinh thái quý giá

Sau ngày thống nhất đất nước, một số đơn vị quân đội chuyển sang làm nhiệm vụ kinh tế. Đoàn 332 thành lập vào cuối năm 1976 và được biệt phái đến cao nguyên Kon Hà Nừng để xây dựng vùng kinh tế lâm nghiệp quốc doanh trung ương.

Cùng với đó, Trung ương đã tuyển mộ hàng ngàn công nhân và người lao động ở các tỉnh phía Bắc bổ sung cho đơn vị làm kinh tế này. Năm 1979, Trung ương quyết định thành lập Liên hiệp Lâm-nông-công nghiệp Kon Hà Nừng trực thuộc Bộ Lâm nghiệp (trên cơ sở bộ khung Đoàn 332) với cả vạn công nhân, người lao động.

2pham-quy.jpg
Thác Kon Lok (xã Đak Krong) đẹp mơ màng giữa khu rừng già yên tĩnh. Ảnh: Phạm Quý

Từ đây, Liên hiệp Kon Hà Nừng đã hợp tác với các đơn vị kinh tế của Liên Xô (cũ) nhằm mục tiêu xây dựng nơi này thành mô hình kinh tế nông-lâm-công nghiệp điển hình. Các chuyên gia Liên Xô bấy giờ khi đến khảo sát vùng cao nguyên Kon Hà Nừng đã đánh giá khá cao về sự phong phú và đa dạng sinh học từ các khu rừng nguyên sinh trong khu vực và có nhiều tiềm năng để phát triển thành khu kinh tế lâm-công nghiệp lớn.

Tuy nhiên, sau đó, khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, sự hợp tác kinh tế này cũng bị dừng lại, Liên hiệp Kon Hà Nừng mất lợi thế và công việc kinh doanh cũng sa sút dần vì thiếu nguồn lực đầu tư.

Những năm 90 của thế kỷ trước, chúng tôi thường ghé thăm Liên hiệp Kon Hà Nừng, nghe Phó Tiến sĩ Nguyễn Vỹ-Phó Tổng Giám đốc kể chuyện về sự giàu có của các khu rừng nguyên sinh nơi đây. Trong đó, anh ấn tượng nhất là đoàn chuyên gia của Hoàng gia Anh sang cao nguyên Kon Hà Nừng để tìm một số loài chim quý hiếm mà từ lâu người ta cho rằng đã tuyệt chủng trên thế giới.

Hiện nay, rừng nguyên sinh trên địa bàn huyện Kbang còn lại khá nhiều và được bảo vệ tốt. Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng được thành lập từ năm 1986 với diện tích 159 km2. Gần 40 năm qua, rừng nơi đây đã phát triển tốt với độ che phủ trên 98%; hệ động-thực vật phong phú, đa dạng được bảo vệ nghiêm ngặt.

Tuy được thành lập muộn hơn (năm 2002), nhưng Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lưu vực đầu nguồn cho 2 dòng sông lớn của Tây Nguyên: sông Ba (chảy qua địa bàn Gia Lai về Đà Rằng, tỉnh Phú Yên) và sông Đak Pne (chảy qua địa bàn tỉnh Kon Tum về Sê San). Với hơn 41 ngàn ha, Kon Ka Kinh là 1 trong 4 vườn quốc gia của Việt Nam có giá trị, đồng thời được công nhận là Vườn Di sản ASEAN.

Năm 2021, niềm vui lớn với Gia Lai nói chung và Kbang nói riêng khi UNESCO công nhận vùng cao nguyên Kon Hà Nừng với diện tích trên 413 ngàn ha là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, bao gồm cả diện tích Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Đặc biệt, các nhà khoa học lâm sinh đánh giá vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng hệ sinh thái còn tương đối nguyên vẹn và có giá trị đa dạng sinh học cao.

Thiên nhiên nơi đây thực sự kỳ thú và đầy hấp dẫn. Qua 2 đêm lưu trú ở thị trấn Kbang với giấc ngủ ngon, yên bình, anh bạn tôi đã thốt lên: Khí hậu nơi đây khá tốt, môi trường trong lành, có lẽ nhờ hệ sinh thái rừng còn đậm đặc. Nếu nói Kbang là nơi “đáng sống” cũng không có gì là ngoa ngôn.

2logo-7722-2933-9071-1045-4546-1474-6395-7637-6043-3883-1898.jpg

Có thể bạn quan tâm

Thượng tá Đậu Văn Huy chỉ huy thực tập phương án chữa cháy tại trụ sở liên cơ quan tỉnh. Ảnh: H.S

Thượng tá Đậu Văn Huy: Cứu người bằng cái tâm

(GLO)- Với hơn 24 năm công tác, Thượng tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) đã tham gia, chỉ đạo thực hiện thành công hàng chục cuộc chữa cháy, cứu nạn và thực tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

(GLO)- Trong ngôi nhà nhỏ ở làng Ia Tum (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có 1 cặp vợ chồng đều trải qua “thời hoa lửa” Trường Sơn huyền thoại. Đó là ông Lê Đức Chinh (SN 1952) và bà Lê Thị Chỉnh (SN 1951). Ông Chinh hiện là Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Đức Cơ.

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

(GLO)- Sau ngày giải phóng, tỉnh Gia Lai nói chung và các vùng căn cứ cách mạng nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với truyền thống anh hùng cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế, bộ mặt nông thôn các xã vùng căn cứ cách mạng đã có bước khởi sắc đáng ghi nhận.

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

(GLO)- Sự hiện hữu của những cây cầu, cống thuộc Dự án LRAMP đã giúp các địa phương trong tỉnh giải quyết một phần “bài toán” về giao thông. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn còn nhiều điểm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang rất cần được tiếp sức từ những “nhịp cầu lòng dân”.

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

(GLO)- Từ năm 2018 đến nay, 87 chiếc cầu, cống thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư đã đem đến sự đổi thay to lớn ở các buôn làng vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

(GLO)- Ngày 12-5-1970, du kích người Jrai Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay trực thăng khiến hàng chục binh sĩ cấp cao của quân đội Mỹ thiệt mạng. Vậy, xác chiếc trực thăng ấy bây giờ ở đâu?
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Chuyện du kích Jrai hạ trực thăng Mỹ

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Du kích Jrai hạ trực thăng chở 2 tướng Mỹ

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng câu chuyện về du kích Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bắn rơi máy bay quân sự Mỹ ngay tại quê hương mình vẫn được nhiều người cao tuổi trong vùng nhắc nhớ và được nhiều tài liệu lịch sử chính thống ghi nhận.

Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

(GLO)- Dẫu có những quãng ngắt do sóng chập chờn nhưng cuộc điện thoại với người thân trong gia đình mỗi buổi tối là “liều thuốc tinh thần” để cán bộ, chiến sĩ tại các chốt của Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vượt qua khó khăn, lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc.
Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ 2: Người cha đặc biệt của trò nghèo

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai- Kỳ 2: Những người cha đặc biệt của trò nghèo

(GLO)- Không chỉ mang tri thức đến với học sinh, nhiều giáo viên còn chăm lo các em từ bữa ăn sáng, suất học bổng đến hỗ trợ sinh kế, xây dựng nhà ở. Mỗi thầy giáo như một người cha đặc biệt, trở thành điểm tựa yêu thương để trò nghèo kiên trì bám lớp, bám trường.