Lực lượng tiên phong
Từ khi Đề án 06 đi vào cuộc sống đến nay, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Công an ngày đêm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để hỗ trợ cấp căn cước công dân, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; làm sạch dữ liệu thông tin dân cư, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” khi kết nối, chia sẻ.
Năm 2024, lực lượng Công an toàn tỉnh làm sạch dữ liệu 1.702.559 thông tin dân cư; cập nhật thông tin lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với 41.740 hội viên Hội Người cao tuổi, 56.344 hội viên Hội Nông dân, 7.149 hội viên Hội Cựu chiến binh, 514 hội viên Hội Chữ thập đỏ, 362.010 thông tin người lao động, 129.343 tờ khai với 186.256 phương tiện giao thông, 234.752 đối tượng an sinh xã hội…
Đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) làm thủ tục cấp hộ chiếu, bà Ngụy Thị Minh Tâm (tổ 2, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) phấn khởi cho biết: “Tôi được cán bộ hướng dẫn quét mã QR để đăng nhập vào trang web của Cổng dịch vụ công quốc gia làm thủ tục. Cán bộ Công an giải thích rất dễ hiểu. Tôi chỉ cần thao tác, đăng nhập đúng quy trình, chừng nửa tiếng đồng hồ là mọi thủ tục đã xong, rất thuận lợi”.

Còn tại Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 6.876/6.906 trường hợp đăng ký thủ tục hành chính trực tuyến trên Cổng dịch vụ công (chiếm 99,57%) đối với 7 thủ tục đăng ký xe (đăng ký mới; đăng ký chuyển đến; cấp đổi, cấp lại đăng ký, biển số xe; sang tên, thu hồi, đăng ký tạm) và thủ tục cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.
Trong đó, thực hiện 37/37 hồ sơ đăng ký xe toàn trình; số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực giao thông cơ giới đường bộ. Trung tá Nguyễn Thanh Hải-Đội trưởng Đội Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Phòng Cảnh sát Giao thông) cho biết: “Quá trình thực hiện Đề án 06 trong lĩnh vực đăng ký, quản lý phương tiện giao thông, chúng tôi luôn được lãnh đạo đơn vị quán triệt phải phục vụ người dân nhanh chóng, kịp thời; đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống dữ liệu, thực hiện đúng quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.
Hệ thống cơ sở dữ liệu giúp chúng tôi dễ dàng lưu trữ, quản lý và tra cứu hồ sơ; giảm thời gian, công sức tìm kiếm; tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho người dân”.
Vẫn còn khó khăn, bất cập
Đề án 06 đã từng bước khẳng định giá trị khi mang lại cho người dân, doanh nghiệp những tiện ích trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, việc triển khai Đề án 06 hiện đang gặp một số khó khăn, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư, nâng cấp kịp thời, thiếu tính đồng bộ. Nhiều cơ quan, đơn vị còn sử dụng các dòng máy tính cũ, hiệu suất thấp, xử lý công việc chậm. Một số khu vực, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn thiếu thiết bị và kết nối internet ổn định, ảnh hưởng đến việc triển khai dịch vụ công trực tuyến… Mặt khác, việc thiếu hụt cán bộ có kỹ năng về công nghệ thông tin cũng là một bài toán nan giải.
Ghi nhận tại Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hiện nay, mặc dù đã tích hợp và vận hành 801.395/827.836 thửa đất, đạt 96,81% so với số thửa đối soát đạt yêu cầu; nhưng việc số hóa dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ cơ bản mới đạt 69,8% (801.395/1.477.548 thửa phải rà soát), do đó ảnh hưởng đến tiến độ trả kết quả cho người dân. Nguyên nhân là do dữ liệu đất đai hồ sơ thu thập nhiều, nhiều loại giấy tờ, dữ liệu đo đạc, cần xác minh, tra cứu thủ công; số hóa dữ liệu hộ tịch giai đoạn 4 (từ năm 1976 đến 1999) nhiều loại giấy tờ, tài liệu đã cũ, khó scan; số lượng người lao động cần thu thập dữ liệu lớn...
Chưa quen với việc sử dụng công nghệ số, tâm lý ngại thay đổi, nhiều người dân gặp khó khăn trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Do đó, tỷ lệ sử dụng các tiện ích do Đề án 06 chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Trung tá Huỳnh Thị Thu Phượng-Đội trưởng Đội Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (Phòng Quản lý xuất nhập cảnh) chia sẻ: “Do trình độ công nghệ thông tin của công dân không đồng đều, chúng tôi bố trí cán bộ để hướng dẫn công dân các thao tác nộp hồ sơ trên dịch vụ công trực tuyến.
Tuy nhiên, một số công dân chưa đăng ký thuê bao điện thoại chính chủ nên không đủ điều kiện để nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, hệ thống dịch vụ công trực tuyến bước đầu đi vào vận hành chưa ổn định, đôi lúc còn bị lỗi. Việc xử lý hồ sơ thời gian gần đây thường xuyên không tra cứu được căn cước công dân, không có dữ liệu tờ khai... gây khó khăn trong quá trình xử lý hồ sơ cấp hộ chiếu cho công dân”.
Toàn tỉnh hiện có 68% người dân sử dụng internet, 67,26% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh. Tuy nhiên, mới chỉ 58% dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử (VNeID). Điều này xuất phát từ việc một số người dân chưa hiểu rõ lợi ích của VNeID, chưa nhận thức rõ đây là nền tảng quan trọng của Đề án 06.
Nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số chưa có tài khoản ngân hàng, chưa có điện thoại thông minh, nơi cư trú xa trung tâm nên khả năng tiếp cận, sử dụng các tiện ích số vẫn còn hạn chế. Mặt khác, một số người dân còn có tâm lý lo ngại vấn đề công tác bảo mật thông tin khi tham gia các dịch vụ công trực tuyến.

Phấn đấu về đích các chỉ tiêu đề án
Thượng tá Ksor H’Bơ Khắp-Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh-thông tin: “Cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh vẫn đang tích cực, nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của Đề án 06 với phương châm 7 rõ: rõ mục tiêu, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả. Các cơ quan, ban ngành đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân để nâng cao tỷ lệ sử dụng tài khoản VNeID.
Hiện nay, 100% cơ quan hành chính nhà nước có mạng nội bộ và kết nối internet. Mạng lưới cáp quang, 3G, 4G kết nối, phủ sóng đến trung tâm 1.472/1.576 thôn, làng, tổ dân phố. Toàn tỉnh hiện có 77 cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin được bố trí tại 43 cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo vận hành hệ thống khi kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 1.392 cán bộ sử dụng hệ thống một cửa điện tử khai thác cơ sở dữ liệu. Năm 2024, toàn tỉnh có 583 học viên được đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ thông tin; hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức tham gia tập huấn về an ninh, an toàn mạng. Ngoài ra, có 1.600 tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 5.000 thành viên.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, gấp rút xử lý các điểm nghẽn; bố trí nguồn ngân sách; tập trung xây dựng và hệ thống hóa hạ tầng viễn thông, cơ yếu; tăng cường hướng dẫn kiểm tra, tổ chức đào tạo huấn luyện chuyên sâu về an ninh mạng đối với địa phương; thực hiện công tác điều tra cơ bản đặc thù vùng miền để áp dụng triển khai Đề án 06 cho phù hợp, hiệu quả, tránh rập khuôn, không phù hợp; phấn đấu đạt chỉ tiêu phát triển Chính phủ số đến năm 2025 đạt tỷ lệ 100% dịch vụ công trực tuyến theo quy định của pháp luật được thực hiện toàn trình”.
Toàn tỉnh hiện có 740 thiết bị mạng, 5.848 máy tính và 4.213 máy in. Để bảo đảm an ninh an toàn dữ liệu trong quá trình khai thác dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với VNPT Gia Lai và các đơn vị liên quan khắc phục các lỗ hổng bảo mật; phối hợp kiểm tra, đánh giá an ninh mạng, an toàn thông tin của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh để đảm bảo đủ điều kiện kết nối, khai thác.
Công an tỉnh phối hợp các đơn vị, địa phương rà soát, lập danh sách 1.392 tài khoản đăng ký khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng; không để lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân, bí mật nhà nước; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm về an toàn thông tin mạng. Thành lập và triển khai các nhiệm vụ của Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin tỉnh, đảm bảo kịp thời xử lý, ứng cứu các sự cố mất an toàn an ninh mạng.
Mặc dù còn một số khó khăn, bất cập về thủ tục pháp lý, nguồn lực, kinh phí để đầu tư, mua sắm trang-thiết bị, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và vấn đề bảo mật, bảo đảm an ninh an toàn hệ thống dữ liệu, nhưng để theo kịp kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với nỗ lực không ngừng của hệ thống chính trị, Đề án 06 hy vọng sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận, sử dụng các tiện ích của các dịch vụ công thiết yếu, liên thông. Qua đó góp phần xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, đẩy nhanh chuyển đổi số của chính quyền và các lĩnh vực của đời sống xã hội.
