Có nói ra hay không về nơi chính tay mình chôn cất 25 cán bộ, chiến sĩ giải phóng hy sinh trong thời kỳ chiến tranh là câu hỏi mà ông luôn phải đấu tranh tư tưởng.
Cuối cùng, ông quyết định phơi bày điều bí mật, cũng chính là chuyện khiến ông day dứt lương tâm bấy lâu. Và những thông tin quý giá mà ông cung cấp đã giúp lực lượng chức năng tìm kiếm và quy tập về nghĩa trang liệt sĩ hài cốt của những người con đất Việt đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước.
Những đêm dài trăn trở
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), với sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước, ông Huỳnh Văn Sỹ trở về với cuộc sống bình thường trên chính mảnh đất mà ông đã một thời đứng ở phía bên kia chiến tuyến. Chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh, mặc cảm với quá khứ, ông luôn cố gắng để trở thành một người công dân tốt. Hơn 70 tuổi nhưng ông Sỹ vẫn phải lăn lộn mưu sinh.
Lúc rảnh rỗi ngồi một mình, những hình ảnh trong quá khứ lại ùa về trong ông. Sự day dứt, nỗi trăn trở trong lòng ông càng trĩu nặng. Ông luôn tự hỏi: Nếu mình nói ra thì có bị chính quyền bắt bớ, tù tội không? Rồi người thân và gia đình sẽ phải đối mặt ra sao trước dư luận xã hội? Lo lắng là vậy, song sự hối hận, day dứt khiến ông Sỹ không thể giữ bí mật lâu hơn được nữa. Bởi ông cho rằng “thêm một ngày là mình thêm tội với Tổ quốc, với các anh hùng liệt sĩ cùng thân nhân của họ”. Và rồi, việc chính tay mình chôn cất 25 cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng đã được ông Sỹ thông tin đến cơ quan chức năng của tỉnh, mà trực tiếp là Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) vào một ngày sau hơn 40 năm nước nhà thống nhất.
Từ câu chuyện của ông Huỳnh Văn Sỹ, việc cung cấp thông tin về nơi an táng liệt sĩ đã lan tỏa rộng khắp trên địa bàn thị xã An Khê nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung. Nhờ những nguồn tin quý giá ấy, từ đầu năm 2018 đến nay, Đội K52 đã quy tập được trên 150 hài cốt liệt sĩ và 1 ngôi mộ tập thể các liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại địa bàn thị xã An Khê để đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.
Tháng 3, trời chuyển mùa, mây trắng vần vũ trên bầu trời cao ráo khô hanh. Mời chúng tôi uống ngụm trà còn ấm nóng, ông Sỹ chia sẻ: Cũng như bao thanh niên địa phương, trước năm 1975, tôi bị bắt đi lính ngụy, rồi cầm súng cho địch. Trong suốt thời gian đó, có lần, tôi được giao nhiệm vụ chôn cất các chiến sĩ quân giải phóng. Với một người lính thì chuyện đánh nhau rồi chết chóc là bình thường nhưng không hiểu sao kể từ hôm đó và suốt quãng thời gian sau này, tôi cứ bị ám ảnh, day dứt. Nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, bởi hình ảnh các anh bộ đội chiến đấu, hy sinh, rồi được mình chôn cất cứ tái hiện như thước phim tự chiếu chậm trước mắt tôi. Có lúc, tôi còn tự mình bật dậy trong dằn vặt, vì khi mình đang được sum vầy bên con cháu thì những người chiến sĩ quân giải phóng anh dũng chiến đấu, hy sinh cho nền độc lập tự do của nước nhà vẫn còn nằm lạnh lẽo dưới lớp đất sâu.
“Là một người bị địch bắt lính và phải đứng bên kia chiến tuyến, ngày ấy, tôi cảm thấy vô cùng day dứt vì sự tàn khốc của chiến tranh và luôn hy vọng một ngày nào đó đất nước sẽ được thống nhất. Vì vậy, khi được giao đi chôn cất những chiến sĩ quân giải phóng hy sinh, tôi đã làm rất cẩn thận, định hình và đánh dấu để sau này nếu có thể sẽ tìm kiếm, cất bốc hài cốt các anh cho thuận lợi”-ông Sỹ bộc bạch.

Kể đến đây, giọng ông Sỹ chùng xuống, chúng tôi thấy trong khóe mắt nhăn nheo của ông đã ngấn đỏ, nước mắt chực tràn mi. Nhấp thêm một ngụm trà, ông cúi mặt xuống rồi lại ngẩng đầu, đưa mắt nhìn về phía xa xa, tiếp tục kể: “Các anh ấy hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, tóc cắt gọn, đẹp trai. Nếu vội vàng mà chôn cất theo kiểu bỏ đống là không được, cũng là có tội. Với suy nghĩ đó, tôi đã cẩn thận đào cái hầm ngang 2 m, sâu 2 m, dài 3 m, rồi tự tay sắp xếp, dùng bọc ni lông quấn thi hài từng anh, không quên cầu nguyện cho hương hồn các anh an lành, siêu thoát… rồi mới lấp đất để các anh yên nghỉ dưới lòng đất mẹ”.
Vỡ òa cảm xúc
Khi thấy có chương trình “Chung tay đi tìm hài cốt liệt sĩ”, một ngày trung tuần tháng 9-2018, ông Sỹ quyết định đến Ban Chỉ huy Quân sự thị xã An Khê để kể lại câu chuyện buồn đã theo ông suốt hơn 40 năm. Ông Sỹ còn tự tay mình viết lại nội dung đã kể để báo cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Đội K52 để họ phối hợp khai quật, tìm kiếm, đưa hài cốt các anh về với đồng đội và gia đình.
Từ thông tin do ông Sỹ cung cấp, đầu tháng 10-2018, Đội K52 đã tiến hành xác minh, khoanh vùng và tổ chức tìm kiếm, khai quật. Tuy nhiên, do thời gian đã quá lâu, địa hình có nhiều thay đổi, công việc tìm kiếm gặp không ít khó khăn. Dẫu vậy, với lòng quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ Đội K52 vẫn kiên trì lật từng tấc đất để tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ. Và đến tuần thứ 3 thì mọi cảm xúc như vỡ òa khi nơi chôn cất 25 liệt sĩ quân giải phóng đã được tìm thấy tại khu vực phường Ngô Mây, thị xã An Khê.
Biết tin, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và người dân địa phương mừng vui tìm đến, động viên bộ đội tìm kiếm, rồi dâng hương hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ông Huỳnh Văn Sỹ cũng có mặt. Ông đứng lặng thinh, không nói câu nào, song trong lòng dường như đã vô cùng thanh thản. Ông thầm khấn: “Các anh đã được trở về với gia đình, với đồng đội rồi. Xin hãy tha lỗi cho mình!”.

Trò chuyện cùng tôi, Thiếu tá Nguyễn Viết Tuân-Trợ lý tác chiến Ban Chỉ huy Quân sự TP. Pleiku-chia sẻ: “Năm 2018, tôi là Phân đội trưởng chuyên trách Đội K52. Sau khi đơn vị nhận được thông tin từ ông Huỳnh Văn Sỹ-người trực tiếp chôn cất số liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh ở địa bàn phường Ngô Mây, chúng tôi được giao nhiệm vụ phối hợp với các ban, ngành chức năng địa phương cùng người cung cấp thông tin xác định địa điểm, tổ chức tìm kiếm, quy tập. Mặc dù thời gian đã qua khá lâu, địa hình thay đổi nhưng nhờ sự chỉ dẫn cụ thể của người trực tiếp chôn cất và sự tích cực tìm kiếm nên sau 3 tuần, tất cả liệt sĩ được ông Huỳnh Văn Sỹ chôn cất ngày trước đã được tìm thấy”.
Trong lòng đất sâu, từng hài cốt liệt sĩ dần hiện ra nguyên vẹn trong niềm xúc động của tất cả mọi người, đặc biệt là ông Huỳnh Văn Sỹ. Tay run run vì xúc động, ông Sỹ thắp nén hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Những giọt nước mắt đã rơi trên gương mặt khắc khổ của người đàn ông ngoài 70 tuổi. Giờ đây, những gánh nặng suy tư, nỗi day dứt trong lòng ông phần nào được giải toả, nguôi ngoai.
Ông đưa tay lau vội nước mắt rồi mỉm cười mãn nguyện khi bản thân đã làm được điều như bao người con đất Việt khác đang chung tay vì sự nghiệp đại đoàn kết, hòa bình và hòa giải dân tộc. Bất kể trước đây đứng ở phía nào, chiến tuyến nào thì nay mọi người đều nhìn về một hướng, cùng hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng một Tổ quốc Việt Nam hòa bình, thống nhất và phát triển.
Đại tá Lê Tuấn Hiền-Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 515 tỉnh-cho biết: Thời gian qua, Ban Chỉ đạo 515 đã kết nối và khai thác có hiệu quả các thông tin từ những người phía bên kia chiến tuyến. Đặc biệt, những người từng tham gia trong quân đội và chính quyền cũ trên địa bàn tỉnh đã cung cấp nhiều thông tin quý giá cho việc tìm kiếm liệt sĩ. Từ những thông tin này, Ban Chỉ đạo 515 của tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo Đội K52 phối hợp tìm kiếm và thu lại kết quả rất khả quan.
Thời gian tới, Đảng ủy-Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục chỉ đạo và triển khai cho các cơ quan, đơn vị, nhất là Đội K52 tích cực tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ để đưa các anh về nơi an nghỉ cuối cùng trong lòng đất mẹ.

Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu