Người Gia Lai “bất đắc dĩ”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dường như với con người miệt sông nước, cuộc đời cũng như một dòng trôi. Nước đưa đẩy tới đâu, thuyền lênh đênh tới đó, cứ vậy mà thuận theo, chấp nhận, chẳng cưỡng cầu.

1logo.jpg

Vậy nên, khi ông Trần Văn Hào bàn với vợ chuyện rời quê hương Cần Thơ lên Gia Lai lập nghiệp vì một lý do bất đắc dĩ, bà Nguyễn Thị Kim Hằng không bàn lui một câu. Họ có mặt tại Pleiku vào tháng 7-2018.

Hoàn cảnh của ông Trần Văn Hào và bà Nguyễn Thị Kim Hằng khi phải chọn lập nghiệp xứ khác ở cái tuổi ngoài 60 khiến tôi liên tưởng đến tuyển tập ký, truyện ngắn có tên “Người Sài Gòn bất đắc dĩ” của nhà văn Võ Đắc Danh. Tác phẩm viết về nỗi lòng, ký ức ruộng đồng sông nước của một người Cà Mau trót gắn bó với Sài Gòn theo cách không mong đợi, để rồi “phải lòng” đất ấy.

nguoi-gia-lai-bat-dac-di-dd.jpg
Vợ chồng ông bà Trần Văn Hào-Nguyễn Thị Kim Hằng. Ảnh: P.D

Rời Tây Đô lên xứ núi

Mỗi sáng, chiếc xe bán bột chiên nép bên hông Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) luôn được học sinh vây quanh khiến vợ chồng ông Hào không lúc nào ngơi tay. Buổi chiều, họ đẩy xe xuống bán cách đó một đoạn, gần cuối chân dốc Phan Đình Phùng, cũng rất đắt hàng.

Đây là món ăn đường phố phổ biến ở TP. Hồ Chí Minh nhưng tại Gia Lai chỉ vài người bán. Bột xay từ gạo ngâm sẵn, để cho lắng lại, nêm gia vị vừa ăn rồi hấp lên, xắt thành miếng nhỏ. Khi có khách mua, bột được chiên áp chảo, sau đó đập vào 1 quả trứng, ít hành lá. Dĩa bột chiên hấp dẫn còn nhờ ít rau cải, đu đủ ngâm, rau răm, thêm chút xì dầu pha giấm kèm tương ớt. Theo bí quyết riêng được cha là một Hoa kiều truyền lại, bà Hằng biết cách làm cho lớp ngoài miếng bột chiên giòn ngậy mà bên trong vẫn mềm thơm.

Hỏi vì sao lại lên Gia Lai lập nghiệp ở tuổi này, ông Hào chỉ nói qua loa: “Dạ tại tui có việc riêng chớ không thì đâu có lên đây”. Người Nam Bộ là vậy, tiếng “dạ” luôn ở đầu câu dù người đối diện có lớn tuổi hơn mình hay không. Đó là sự trọng thị, khiêm nhường đúng cốt cách người miền trong. Hèn chi, ông bà nhận được nhiều thương mến, ủng hộ.

2pduyen.jpg
Món bột chiên sở trường giúp vợ chồng ông Hào mưu sinh ở Gia Lai. Ảnh: P.D

Khi đã có được một cuộc trò chuyện đủ gần gũi, chúng tôi mới biết lý do ông bà có mặt tại đây suốt 6 năm qua. Ông Hào kể: Ông bà có 5 người con trai. Người con đầu là Trần Hoàng Huấn (SN 1982) lấy vợ quê Bình Định rồi lên Gia Lai làm ăn sinh sống. Vợ bán rau củ ở chợ đêm, chồng có nghề sửa ô tô.

“Rồi không hiểu sao nó dính vô bài bạc, ẩu đả, bị phạt 30 tháng tù. Vợ con cũng bỏ nó luôn”-ông Hào nói. Khi Công an gọi về địa phương thông báo, không phải bà Hằng mà chính ông Hào là người bàn việc rời xứ Tây Đô lên Gia Lai làm ăn, mua bán để có điều kiện thăm nuôi con thường xuyên. Ông đứt ruột khi nghĩ tới cảnh lâu lâu mới lặn lội lên thăm con được một lần. “Con nó có thể bỏ mình, chớ mình sao bỏ nó được”-người cha hết lòng vì con thoáng chút trầm ngâm.

Nước mắt chảy xuôi. Trái tim người cha, người mẹ là vậy, song cảnh ngộ như ông bà thì hiếm gặp. Phải rời bỏ quê xứ chưa bao giờ là chuyện dễ dàng với bất cứ ai, dù với bất kỳ lý do gì. Vậy mà, họ nhanh chóng gói vào lòng nỗi muộn phiền con cái mang tới, rồi cũng thống nhất rất nhanh chuyện gác lại việc bán hủ tíu, bột chiên ở gần chợ Cái Răng để thu xếp đồ đạc lên Gia Lai.

Bà Hằng bày tỏ: “Cũng lo lắm chớ. Nhưng may là mình có nghề buôn bán. Lên đây làm ăn, sẵn thăm con, một công hai chuyện”. Hơn nữa, ở Cần Thơ cũng chỉ 2 ông bà ra vào sớm tối vì con cái mỗi người một phương. Chưa kể căn nhà cha mẹ để lại, nơi ông bà đang ở cũng bị người em gái âm thầm chuyển nhượng lúc nào không hay.

Đằng nào cũng đã tứ cố vô thân thì một chuyến phiêu lưu nữa có là gì? Bắt xe lên tới Gia Lai, ban đầu, họ ở tạm nhà người quen, sau đó nhờ một người bán vé số chỉ giùm nên thuê được căn phòng trọ nhỏ ở hẻm 30 Trần Quý Cáp (TP. Pleiku). Mỗi tháng, chi phí thuê nhà và điện nước khoảng hơn 1 triệu đồng. Bất đắc dĩ, họ trở thành người Gia Lai. Khi biết cha mẹ phải vì mình mà tha phương, người con trai nhòa nước mắt.

Từ Trại tạm giam T20 (Công an tỉnh), anh Huấn được chuyển sang Trại giam Đăk Tân (huyện M’Đrăk, tỉnh Đắk Lắk). Cũng may, xe bột chiên từ chỗ chỉ bán được vài mươi ngàn đồng mỗi ngày dần trở nên đắt khách, giúp vợ chồng già có đủ chi phí trang trải cuộc sống và đều đặn thăm nuôi, gửi thêm thức ăn cho con.

Mới 2 giờ sáng, ông bà đã dậy hấp bột, chuẩn bị nguyên liệu, đồ đạc để đẩy xe ra bán. Có mấy ai vì biết hoàn cảnh của ông bà mà ghé ủng hộ. Đơn giản họ đến vì món ăn ngon, lạ miệng mà chỉ 20.000 đồng/phần, chủ quán vô cùng thân thiện, gần gũi. Lũ trẻ càng thích chí vì trên xe bột chiên, ông bà luôn treo sẵn bịch kẹo, chúng có thể xin bao nhiêu viên tùy ý.

“Mấy đứa nhỏ như con cháu trong nhà thôi mà, đứa nào cũng thương”-bà Hằng nở nụ cười đôn hậu.

Nương lại với đất lành

Tưởng rằng khi anh Huấn mãn hạn tù và trở về với nghề sửa ô tô ở Bình Dương cách đây 3 năm, vợ chồng ông Hào cũng quay lại quê hương. Vậy nhưng, họ quyết định ở lại Pleiku vì đã lỡ quyến luyến, mến cảnh mến người.

“Khí hậu Gia Lai mát mẻ, dễ chịu. Con người cũng dễ chịu. Sài Gòn thì bon chen lắm, tiền thuê nhà cũng cao. Ở Cần Thơ thì đâu còn nhà, có quay về cũng mướn nhà ở, mua bán thôi. Mình còn sức, còn làm chứ không muốn sống phụ thuộc con cái. Chi bằng ở lại đây”-bà Hằng trải lòng.

33.jpg
Ảnh: P.D

Gia Lai là đất của dân lập nghiệp tứ xứ nên phần nhiều con người đối đãi với nhau bằng sự chân tình, cởi mở. May mắn là ông bà đã trải qua đại dịch Covid-19 một cách an toàn, không quá khó khăn nhờ nghĩa cử của các nhà hảo tâm dành cho cư dân xóm trọ.

Món bột chiên lạ miệng cũng được “truyền thông” hùng hậu nhờ nhiều TikToker, Facebooker tới thưởng thức, giới thiệu rộng rãi. Trang Facebook “Review Gia Lai” đăng clip kèm nội dung: “2 bác ở xa lên lập nghiệp, thương lắm mọi người ơi… Mọi người nhớ ghé ủng hộ nha”. Trang “Đi cà phê hong?” cũng dành lời thương mến: “Quán này nhiều bạn nhắc đến rồi nhưng giờ mình mới có thời gian ghé thưởng thức (…). Bột chiên ở đây ăn khá ổn áp. Cô chú cực kỳ thân thiện và dễ mến lắm mọi người, mỗi người mua về đều được cô chú tặng một viên kẹo sữa làm quà”.

Nói là bất đắc dĩ nhưng thật ra một phần đời của bà Hằng đã gắn với vùng đất này, như một duyên phận kỳ lạ. Chúng tôi bất ngờ khi biết bà được sinh ra và lớn lên ngay tại Pleiku. Cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, ông ngoại của bà quê Cần Thơ nhưng lập nghiệp tại đây, sở hữu một hãng nước mắm.

Cha bà là Hoa kiều, rất giỏi trong việc mua bán, làm bánh nên mở tiệm ở Pleiku bán các món bánh truyền thống của người Hoa như: bánh mặt trăng, bánh hẹ, bánh lá liễu…

Bà Hằng thừa hưởng sự khéo léo này nhờ cha chỉ dạy. “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972, gia đình bà lo sợ chiến sự nên chạy về Cần Thơ, để rồi người phụ nữ chân chất ấy không thể nghĩ rằng mình sẽ còn quay lại nơi này.

Bấy giờ còn là một cô bé, chỉ biết học hành nhưng bà Hằng vẫn nhớ rõ gia đình sống trên đường Phan Đình Phùng, gần Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku hiện nay. “Ngày đó, xung quanh đây toàn đồi núi, đất đỏ, đâu có hiện đại, sầm uất như bây giờ”-bà Hằng ngỡ ngàng vì Pleiku khác xa so với hình ảnh trong ký ức của bà cách đó gần nửa thế kỷ. Rồi cũng thật tình cờ, nơi “khởi nghiệp” với xe bột chiên của vợ chồng bà ở tuổi U70 cũng nằm trên con đường xưa, rất gần với nơi sống cũ.

Vừa nhanh tay chiên bột cho khách, ông Hào vừa vui vẻ trò chuyện: “Mình lên đây, ăn gạo Gia Lai nên để bảng “Bột chiên Gia Lai” luôn, chớ không để là bột chiên Sài Gòn”. Còn bà Hằng chia sẻ về “bí quyết” bán hàng: “Làm ngon mà rẻ, không ham lời nhiều thì mới bán chạy được”.

Nặng gánh mưu sinh nhưng với bản tính rộng rãi, phóng khoáng của người Nam Bộ, gặp mấy cháu học sinh quên mang tiền, ông sẵn sàng khoát tay: “Thôi con đi đi, bữa nào ghé đưa cũng được”.

Tiếp chuyện chúng tôi trong căn phòng trọ chật hẹp, ông bà cho hay cũng có lúc không tránh khỏi nỗi tủi phận. Mấy năm nay, họ không về thăm quê, cũng là từng ấy thời gian gia đình chưa có dịp đoàn viên do các con mỗi đứa một phương, người ở Phú Yên, người lại Bình Dương, Trà Vinh, Kiên Giang... Người con đầu thi thoảng ghé lên thăm cha mẹ, còn phần lớn các “cuộc gặp” giữa ông bà và con cái đều qua video call.

“Rồi cô chú tính ở đây tới khi nào?”. “Không chừng ở luôn. Tui ước có đủ sức làm để mua được miếng đất nho nhỏ, làm cái chòi của riêng mình, không phải ở thuê”-ông Hào tâm sự. Từng ấy thời gian xa quê, không biết ông bà có nguôi nhớ từng hàng dừa nước nghiêng bóng xuống con rạch sau nhà, nhớ cảnh thuyền bè xuôi ngược, nhớ câu ca về miền “gạo trắng nước trong…”? Nhưng dù sao, nơi này họ cũng đã tìm thấy một chỗ trú náu bình yên. Như con thuyền trôi mãi rồi tìm được vùng nước êm để mà neo lại, ngơi nghỉ.

*

Câu chuyện của ông Hào bà Hằng khiến tôi miên man nghĩ về 2 từ thân phận. Thân phận một con người, một vùng đất mà sự gắn bó như là sắp đặt. Thôi thì chọn làm điểm tựa, dù là bất đắc dĩ.

2logo-7722-2933-9071-1045-4546-1474-6395-7637-6043-3883-1898.jpg

Có thể bạn quan tâm

Thượng tá Đậu Văn Huy chỉ huy thực tập phương án chữa cháy tại trụ sở liên cơ quan tỉnh. Ảnh: H.S

Thượng tá Đậu Văn Huy: Cứu người bằng cái tâm

(GLO)- Với hơn 24 năm công tác, Thượng tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) đã tham gia, chỉ đạo thực hiện thành công hàng chục cuộc chữa cháy, cứu nạn và thực tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

(GLO)- Sau ngày giải phóng, tỉnh Gia Lai nói chung và các vùng căn cứ cách mạng nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với truyền thống anh hùng cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế, bộ mặt nông thôn các xã vùng căn cứ cách mạng đã có bước khởi sắc đáng ghi nhận.

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

(GLO)- Sự hiện hữu của những cây cầu, cống thuộc Dự án LRAMP đã giúp các địa phương trong tỉnh giải quyết một phần “bài toán” về giao thông. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn còn nhiều điểm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang rất cần được tiếp sức từ những “nhịp cầu lòng dân”.

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

(GLO)- Từ năm 2018 đến nay, 87 chiếc cầu, cống thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư đã đem đến sự đổi thay to lớn ở các buôn làng vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

(GLO)- Ngày 12-5-1970, du kích người Jrai Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay trực thăng khiến hàng chục binh sĩ cấp cao của quân đội Mỹ thiệt mạng. Vậy, xác chiếc trực thăng ấy bây giờ ở đâu?
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Chuyện du kích Jrai hạ trực thăng Mỹ

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Du kích Jrai hạ trực thăng chở 2 tướng Mỹ

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng câu chuyện về du kích Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bắn rơi máy bay quân sự Mỹ ngay tại quê hương mình vẫn được nhiều người cao tuổi trong vùng nhắc nhớ và được nhiều tài liệu lịch sử chính thống ghi nhận.

Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ cuối: Trở về nối nhịp yêu thương

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai - Kỳ cuối: Trở về nối nhịp yêu thương

(GLO)- Hành trình thắp sáng ước mơ tri thức cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) có sự tham gia của không ít thầy-cô giáo từng lớn lên từ làng. Ý thức mạnh mẽ về giá trị của việc học, họ quyết tâm quay trở về nơi mình bắt đầu để chung tay dìu dắt và lan tỏa tình yêu con chữ.
Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ 2: Người cha đặc biệt của trò nghèo

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai- Kỳ 2: Những người cha đặc biệt của trò nghèo

(GLO)- Không chỉ mang tri thức đến với học sinh, nhiều giáo viên còn chăm lo các em từ bữa ăn sáng, suất học bổng đến hỗ trợ sinh kế, xây dựng nhà ở. Mỗi thầy giáo như một người cha đặc biệt, trở thành điểm tựa yêu thương để trò nghèo kiên trì bám lớp, bám trường.