Mưu sinh trên những cánh rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Rong ruổi làm việc dưới tán rừng

Vừa kết thúc hợp đồng chăm sóc, trồng dặm cho Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định), bà Nguyễn Thị Thơm-Trưởng nhóm trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp (thôn Thượng An 2) đã thỏa thuận với Công ty MDF Vinafor Gia Lai nhận cuốc cỏ, làm bồn, trồng dặm cho gần 40 ha keo trên địa bàn xã Thành An, thị xã An Khê.

Bà Thơm kể: Bà gắn bó với việc trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp đã 15 năm. Hiện bà làm trưởng nhóm của 15-20 người lao động. Nhiều chủ rừng, công ty lâm nghiệp thường nhờ bà tìm nhân công. Dựa trên khối lượng công việc, bà bố trí, sắp xếp người làm một cách phù hợp.

nghe-khai-thac-cay-lam-nghiep-tuy-vat-va-nhung-mang-lai-thu-nhap-on-dinh-cho-nhieu-nguoi-dan-tai-xa-song-an-thi-xa-an-khe-anh-ngoc-minh.jpg
Nghề khai thác cây lâm nghiệp tuy vất vả nhưng mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người dân tại xã Song An, thị xã An Khê. Ảnh: N.M

Theo bà Thơm, trước đây, người dân trồng rừng để cây tự lớn. Những năm gần đây, cây lâm nghiệp được chăm sóc như cây ăn quả, cũng cần làm bồn, bón phân, trồng dặm, tỉa cành. Cùng với đó, nhiều rừng keo, bạch đàn trồng lệch nhau về thời gian nên có việc làm quanh năm.

“Từ tháng 1 đến tháng 4, nhóm nhận chăm sóc, bón phân. Từ tháng 5 đến hết tháng 12, chúng tôi rong ruổi khắp các cánh rừng đào hố trồng cây”-bà Thơm chia sẻ.

Nhà cách chỗ làm gần 30 km, bà Thơm cũng như các thành viên trong nhóm đi về trong ngày. Để tiện cho công việc, mọi người chuẩn bị cơm, nước từ sáng rồi mang theo, ăn trưa ngay tại nơi làm. Nếu đi làm xa hơn, nhóm thuê nhà dân ở lại 5-7 ngày hoặc đến khi nào xong việc mới về.

“Cuối năm ngoái, chúng tôi nhận trồng keo cho một số chủ rừng ở xã Kon Thụp, huyện Mang Yang. Cuốn theo công việc, đến khi trồng xong cũng mất gần cả tháng trời mới về nhà. Tội nhất là những chị em có con nhỏ, phải nhờ chồng, bố mẹ bên nội, bên ngoại trông giúp”-bà Thơm kể.

Tiếp lời bà Thơm, chị Trần Thị Nữ (thôn Thượng An 2) bộc bạch: “Ở nông thôn, để kiếm công việc ổn định, thu nhập cao là rất khó. Trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp vốn đã vất vả lại càng vất vả hơn lúc nắng nóng, mưa dầm. Nhưng bù lại, chúng tôi có thu nhập ổn định 200-300 ngàn đồng/ngày. Khoản tiền này giúp chúng tôi chi tiêu, trang trải cuộc sống”.

Gia đình ông Dương Hồng Minh (thôn Thượng An 2) trồng 5 ha keo và bạch đàn. Ông sắm máy cắt cỏ phục vụ sản xuất. Tranh thủ lúc nông nhàn, ông nhận cắt cỏ thuê cho bà con trong vùng để kiếm thêm thu nhập. Nhờ uy tín, ông nhận nhiều việc, dần dần thạo nghề.

Gần 60 tuổi đời và hơn 20 năm theo nghề phát dọn cỏ thuê, ông Dương rong ruổi khắp các cánh rừng. Thời điểm này, ông nhận phát dọn cỏ thuê cho Công ty TNHH Lâm nghiệp Krông Pa (xã Krong, huyện Kbang). Với diện tích 10 ha, ông Minh phát khoảng 20 ngày.

tron-65-tuoi-ong-pham-ky-thon-an-thuong-1-xa-song-an-thi-xa-an-khe-van-nhoc-nhan-muu-sinh-tren-rung-canh-rung-anh-ngoc-minh.jpg
Tròn 65 tuổi, ông Phạm Kỳ (thôn An Thượng 1, xã Song An, thị xã An Khê) vẫn nhọc nhằn mưu sinh trên những cánh rừng. Ảnh: N.M

Ông Nguyễn Hữu Phú-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Thượng An 2: “Thôn có 162 hộ. Ngoài sản xuất lúa, các hộ đều trồng keo, bạch đàn. Nhà ít thì 3-5 ha, nhiều thì mấy chục héc ta. Những lúc nông nhàn, người dân đi làm thuê trồng, chăm sóc, khai thác cây lâm nghiệp để tăng thu nhập. Nhờ đó mà đời sống bà con khá hơn”.

Theo ông Minh, tiền công dao động trong khoảng 1-1,3 triệu đồng/ha, không tính chi phí xăng, nhớt, dụng cụ lao động.

Ông chia sẻ: Nghề phát cỏ nguy cơ tai nạn rất cao. Vì máy cắt có lưỡi hái sắc bén, tốc độ quay cực lớn, khi văng trúng người, vết thương sẽ rất nặng. Do đó, trước khi sử dụng phải kiểm tra, nếu lưỡi cắt có dấu hiệu bị hỏng, rạn nứt thì phải thay ngay, đồng thời vặn ốc vít thật chặt. Trong khi phát cỏ phải đi giày, mặc quần áo bảo hộ lao động, đeo găng tay, mắt kính an toàn.

“Phát cỏ thường trong rừng sâu, núi cao, ngoài nâng cao kỹ năng điều khiển, sửa chữa máy cắt cỏ, tôi phải tự trang bị cho mình kiến thức sơ cứu vết thương, phòng khi không may xảy ra sự cố”-ông Minh cho hay.

Nhọc nhằn mưu sinh

Cây keo, bạch đàn chủ yếu trồng xa khu dân cư, trên những triền núi, đồi cao nên những người làm nghề khai thác, cưa cây, bóc vỏ và vận chuyển rất vất vả. Ngay từ sáng sớm, anh Võ Văn Công (thôn Thượng An 2) cùng 9 người trong nhóm chạy xe máy ngược lên núi cao, phía sau chở máy móc, dụng cụ lao động, xăng nhớt, xoong nồi, thức ăn, cơm và võng. Vượt qua nhiều khúc cua, dốc cao, đường trơn trượt, nhóm của anh Công mới đến điểm khai thác.

Trong lúc mọi người tìm chỗ nghỉ ngơi, sắp xếp đồ đạc, anh Võ Văn Quý (cùng thôn) nghe ngóng hướng gió, ngắm thế cây, rồi lấy máy cưa cắt phăng phăng. Tiếng máy rền vang, phá tan không gian tĩnh lặng, từng cây keo dài chục mét đổ xuống ầm ầm. Kế đến, anh Quý cắt cây thành từng đoạn khoảng 3 m để mọi người bóc vỏ.

Kéo chiếc mũ vải đội trên đầu lau mồ hôi, anh Quý chiêm nghiệm: Cắt cây là công đoạn nguy hiểm nhất. Trong nhóm chỉ có anh đảm nhận việc này. Hơn 6 năm làm nghề, không ít lần anh bị cây va phải làm tím chân, bầm tay, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

anh-vo-van-quy-thoan-thoat-cua-cay-keo-thanh-tung-doan-de-moi-nguoi-trong-boc-vo-cho-thuan-tien-anh-ngoc-minh.jpg
Anh Võ Văn Quý thoăn thoắt cưa cây keo thành từng đoạn để mọi người bóc vỏ cho thuận tiện. Ảnh: Ngọc Minh

“Cách đây 5 năm, tôi cắt cây trên núi cao ở khu vực làng Pốt, xã Song An. Do tính toán khoảng cách không chuẩn và bất ngờ có cơn gió mạnh thổi qua đã đẩy cây đổ ngược về phía tôi. Bị ngọn cây đập vào người, tôi choáng váng, hoa mắt, nằm gục tại chỗ. Mọi người chạy đến khiêng tôi đi cấp cứu. Sau tai nạn, tôi phải nằm viện, an dưỡng gần chục ngày. Sức khỏe ổn định, tôi mới đi làm trở lại”-anh Quý kể lại chuyện cũ.

Cách chỗ anh Quý cắt cây khá xa, các thành viên khác gom cây thành đống rồi cặm cụi bóc vỏ. Thoăn thoắt tách bóc từng mảng vỏ keo để lộ phần gỗ trắng tinh, ông Phạm Kỳ (thôn An Thượng 1) giãi bày: Trong nhóm, ông nhiều tuổi nhất và làm nghề lâu nhất. Khu vực trồng keo thường ở xa, xe tải không thể vào đến nơi, buộc mọi người phải vác bộ vượt qua những con dốc cao, suối sâu nguy hiểm, đến nơi tập kết hàng cây số.

Đặc thù công việc như vậy nên nghề khai thác gỗ keo, bạch đàn đòi hỏi người có sức khỏe, chịu khó, chịu khổ. “Đi làm vui, lại có tiền. Tôi cố gắng theo, đến khi không làm được mới thôi”-ông Kỳ nói.

Công việc của những “phu keo” kéo dài từ sáng sớm đến tận trưa. Trở về nơi nghỉ tạm, họ lúi húi nhóm lửa nấu nồi canh nóng và ăn vội miếng cơm, nghỉ ngơi chốc lát rồi lại tiếp tục ra rừng làm việc. Chiều muộn, mọi người cùng nhau khuân vác gỗ chất lên xe tải chở đi cung ứng cho cơ sở sản xuất.

Đứng ra nhận thầu thu hoạch gỗ keo thuê hơn 6 năm nay, anh Công thông tin: Trên địa bàn xã có nhiều nhóm thu hoạch gỗ keo thuê. Mỗi nhóm có khoảng 8-12 người, chủ yếu là nam giới. Hiện tiền công khai thác khoảng 220-260 ngàn đồng/tấn với các công đoạn: cưa cắt, bóc vỏ, khuân vác lên xe.

Mỗi ngày, nhóm khai thác hơn 20 tấn, chia ra người bóc vỏ, khuân vác 300 ngàn đồng/người/ngày, công cắt 500-700 ngàn đồng/người/ngày. “Mọi người dùng tiền công để trang trải cuộc sống, tái đầu tư sản xuất, cuộc sống cũng đỡ khó khăn hơn”-anh Công chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 4: 'Địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá'

Khi ấy, có lúc nguy nan, đồng chí Phó Chính ủy Trung đoàn 812, Đại tá Nguyễn Văn Tý động viên chúng tôi: Bọn địch đánh núi Dinh thành vôi, các đồng chí sẽ thành tượng đá. Dù sống hay chết, chúng ta đều là những anh hùng của dân tộc này!.., ông Nguyễn Công Binh nhớ lại.

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa

Về Đất Tổ nghe chuyện cây nghìn năm tuổi - Bài 2: Những đại lão mộc bên dòng sông Bứa

Đứng sừng sững bên dòng sông Bứa (đoạn qua Khu 4, xã Quang Húc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), cây thị cổ được công nhận cây di sản Việt Nam có tuổi đời ước tính hơn 1.100 năm vẫn xanh tươi, tỏa bóng mát. Hàng năm, “cụ” thị vẫn ra hoa trái lan tỏa mùi hương nồng nàn.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Mai Thanh Minh trong một cuộc giao lưu tại Di tích quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt

Có một nhà tù “độc nhất vô nhị” trên thế giới Kỳ III - Những tù nhân thiếu nhi tự mổ bụng phản đối kẻ thù

Ở Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt, đáng sợ nhất đối với các tù nhân nhỏ tuổi là cái rét kinh người trong khi chỉ có manh áo mỏng che thân. Kẻ thù cũng biết điều đó, và chúng đã dùng thủ đoạn cực kỳ dã man là dội nước vào những người tù nhỏ bé, yếu ớt trong đêm khuya giá lạnh.