Một lần đến thác 50

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã từng có dịp đến tham quan nhiều ngọn thác trong và ngoài nước nhưng chưa ngọn thác nào để lại cho tôi cảm giác vừa hồi hộp lo lắng lại vừa phấn khích như thác 50 (Hang Én) trong chuyến đi vào trung tuần tháng 4 năm nay.

Nếu như Khone Phapeng (Lào) là sự hùng vĩ với dòng nước dữ dội chảy ầm ào trên sông Mê Kông, thác Bản Giốc (Cao Bằng) có nhiều tầng bậc trắng xóa thì thác 50 như dải lụa buông xõa giữa khu rừng nguyên sinh mát rượi.

Thác 50 nằm giữa Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng thuộc địa bàn xã Sơn Lang, huyện Kbang. Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng có tổng diện tích 71.900 ha, nằm trên cao nguyên Kon Hà Nừng có độ cao trung bình 800-1.100 m so với mực nước biển, đỉnh cao nhất là Kon Chư Răng 1.452 m.

Khu Bảo tồn Kon Chư Răng nằm giữa trung tâm đa dạng sinh học của 4 tỉnh (Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi) với diện tích rừng giàu và rừng nguyên sinh rất lớn, độ che phủ chiếm đến 98,4%.

Chúng ta có thể đi đến thác 50 bằng nhiều đường, từ TP. Quảng Ngãi lên, từ thị trấn Măng Đen (Kon Tum) xuống hay từ huyện An Lão (Bình Định) lên, từ thị trấn Kbang vào…

Đoàn cán bộ hưu trí Báo Gia Lai tham quan thác 50. Ảnh: T.P

Đoàn cán bộ hưu trí Báo Gia Lai tham quan thác 50. Ảnh: T.P

Có 2 cách đi đến thác. Một là đi bộ, bắt đầu từ Trại Bò nhưng phải có người dẫn đường, thường là các bạn người nước ngoài thích đi bằng đường này theo kiểu trekking. Hai là ngồi xe ôm từ cổng Ban Quản lý Khu Bảo tồn để đến thác. Đây chính là nguyên nhân làm nhóm chúng tôi phải thót tim trên suốt chặng đường dài 17 km. Khoảng nửa đoạn đường thì mặt đường bê tông khá rộng mới được làm vài ba năm nay, cứ mỗi xe máy chở theo 1 người, ngồi sau có thể tận hưởng cảm giác đi trong rừng nguyên sinh là như thế nào.

Đường vắng, nghe tiếng xe và cả tiếng ve kêu râm ran. Rừng già toàn cây to, cao, khép tán, ánh sáng mặt trời chỉ xuyên nhẹ qua kẽ lá. Tầng dưới tán là những lùm bụi thưa thớt, thi thoảng có những nhành cây vươn ra tận lề đường hoặc xòe ngang buộc chúng tôi phải cúi đầu khi xe chạy qua bên dưới.

Qua hết đoạn đường bê tông khá bằng phẳng này, anh xe ôm nhắc tôi ngồi cẩn thận. Dốc cao phải đến 45 độ và dài, lại quanh co, đã vậy, đoạn này tuy được trải bê tông rộng non mét nhưng đã bị lá, đất phủ kín hai bên, phần giữa còn lại bề ngang chỉ khoảng 40-50 cm.

Xe cứ xuống hết dốc này lại về số 1 để trườn lên dốc tiếp theo, hàng trăm khúc cua liên tục, đường lại hẹp, xe sau phải chờ cho xe trước đi xa mới lấy trớn vượt dốc. Thôi thì đoạn này tôi cứ phó mặc cho rủi may, phó mặc cho “tay lái lụa” của anh thanh niên chạy xe ôm vốn là nhân viên của Ban Quản lý Khu Bảo tồn. Anh cho biết: Muốn chạy an toàn trên con đường này thì ngoài tay lái vững, xe máy phải bảo đảm mấy yêu cầu như: lốp xe sau phải là lốp răng cưa, lốp trước luôn thay mới; nhông xe thay bằng nhông số mạnh, nhớt thay liên tục và xăng luôn đầy bình.

Chưa hết. Qua khỏi đoạn đường này, xe dừng lại tập kết ở một bãi đất trống. Chúng tôi tiếp tục đi bộ khoảng hơn 1 km, đường xuống thác hẹp và được tạo thành bậc tam cấp rất dốc, nhiều đoạn phải vịn dây thừng buộc vào các cọc sắt chôn dọc lề đường. Lại dừng nghỉ ở một bãi đất rộng chừng 100 m2. Đây là nơi các đoàn dùng cơm trưa, cơm chiều hoặc cắm lều trại nghỉ lại ban đêm. Tiếp tục vịn dây lần bước xuống, người nào người nấy xuống dốc mà vã mồ hôi, mắt cứ phải nhìn xuống chân để bước cho đúng bậc.

Rồi thì cũng xuống được đến chân thác 50. Một quang cảnh đẹp như trong mơ hiện ra: Dòng nước từ trên độ cao hơn 50 m trải rộng ra rồi đổ xuống, trông như dải lụa mềm trải xuống giữa màu xanh thẳm rừng nguyên sinh. Phía sau dòng nước là một vòm đá lớn, én làm tổ bên trong nên thác còn có tên Hang Én. Dưới hồ nước xanh biếc chân thác là những khối đá lớn nhỏ xếp một cách ngẫu nhiên. Bọt tung trắng xóa. Hơi nước như sương khói mát lạnh. Khung cảnh thật hoang sơ. Đại ngàn xanh thẫm. Tâm trạng sảng khoái, giao hòa với thiên nhiên, khiến ta quên đi những vất vả trên con đường đến thác… Mặc sức tắm mát. Mặc sức hò reo cho thỏa thích giữa không gian khoáng đạt. Thật không từ ngữ nào có thể diễn tả hết được vẻ đẹp, hùng vĩ của thác 50.

Đi và về được đến nơi, quả thật tôi mới trút hết được “cục lo” trong lòng. Thác 50 nằm sâu trong rừng nguyên sinh, đi lại khó khăn. Du khách muốn đến tham quan phải được sự đồng ý của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, ngay cả đội ngũ xe ôm chở du khách đến thác cũng đều là nhân viên của Khu Bảo tồn.

Đường đến thác hẹp, dốc, quá nguy hiểm. Trên suốt chặng đường dài 17 km không có cơ sở y tế, nếu không may xảy ra tai nạn thật khó để chuyển nạn nhân tới bệnh viện. Nên chăng cần tổ chức tập huấn để chính các nhân viên Khu Bảo tồn kiêm tài xế xe ôm sẽ là những tình nguyện viên y tế, đủ khả năng sơ cứu.

Phân nửa đường vào thác bằng bê tông khá rộng, có thể tổ chức chở khách bằng xe điện để giảm bớt quãng đường đi xe máy. Và còn nhiều điều khác nữa đặt ra giữa vấn đề khai thác du lịch và bảo tồn cảnh quan môi trường đối với thác 50-món quà vô giá do thiên nhiên ban tặng.

Có thể bạn quan tâm