Chiến thắng Điện Biên Phủ-Trang sử vàng hào hùng của dân tộc Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, phát huy cao độ truyền thống yêu nước, ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do, tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc miền xuôi và miền ngược, tạo nên sức mạnh to lớn, sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc.
Công tác tiếp tế hậu cần, bảo đảm cho mặt trận.
Công tác tiếp tế hậu cần, bảo đảm cho mặt trận.
Tây Bắc và tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
Tây Bắc - vùng đất ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, là nơi cư trú của hơn 30 dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tây Bắc là địa bàn chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh. Trải qua các thời kỳ lịch sử, đặc biệt từ khi có Đảng tiên phong lãnh đạo, truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân Tây Bắc luôn được giữ vững và ngày càng phát huy mạnh mẽ. 
Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống pháp, đồng bào Tây Bắc nhanh chóng giác ngộ, hăng hái tăng gia lao động sản xuất, làm ra nhiều lúa gạo, khoai sắn, tích cực ủng hộ sức người, sức của cho kháng chiến và vận động con em mình vào bộ đội, tham gia dân công, thanh niên xung phong, chuyển lương, tải đạn phục vụ chiến đấu... Nhờ sự che chở, cưu mang, bảo vệ của đồng bào, nhiều thành viên trong các đội công tác đã thoát khỏi sự truy tìm, khủng bố của địch; xây dựng được nhiều cơ sở chính trị trong quần chúng làm nòng cốt để thực hiện chủ trương kháng chiến của Đảng ở vùng Tây Bắc. 
Được sự giúp đỡ của đồng bào ở các tỉnh Tây Bắc trong các chiến dịch Hoà Bình (1951) và Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953) và nhiều trận chiến đấu khác trên chiến trường Tây Bắc, bộ đội ta liên tục giành thắng lợi, làm cho bộ máy chỉ huy Pháp ở Bắc Bộ phải thường xuyên bị động, đối phó và thay đổi kế hoạch chiếm đóng. Đồng bào luôn coi bộ đội như con em mình và đã làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ bộ đội chủ động đánh địch giải phóng quê hương. Đó là nguồn cổ vũ động viên lớn lao, một yếu tố để làm nên sức mạnh chính trị, tinh thần cho bộ đội trước những thử thách ác liệt ở chiến trường Tây Bắc. 
Thấy rõ tầm quan trọng của Tây Bắc, thực dân Pháp quyết tâm xây dựng, củng cố lực lượng tại Điện Biên Phủ. Đây là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng núi Tây Bắc, có chiều dài khoảng 20km, rộng từ 6-8km; cách Hà Nội khoảng 200km, cách Luang Prabang (Lào) khoảng 190km theo đường chim bay. Theo đánh giá của tướng H.Navarre và các nhà quân sự Pháp - Mỹ thì “Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương và cả miền Đông Nam Á, nằm trên trục giao thông nối liền các miền biên giới của Lào, Thái Lan, Miến Điện (Myanmar) và Trung Quốc”. "Điện Biên Phủ là một cánh đồng rộng lớn nhất, đông dân và giàu có nhất vùng Tây Bắc". Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp có thể bảo vệ được Lào, rồi từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất ở Tây Bắc trong những năm 1952-1953 và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của ta.
Đánh giá Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất ở Đông Dương, nên sau khi đánh chiếm Điện Biên Phủ vào ngày 20-11-1953, quân Pháp không ngừng tăng thêm binh lực, vũ khí, trang thiết bị quân sự, xây thêm nhiều công sự, đồn lũy và các loại vật tư khác. Được sự giúp đỡ của Mỹ về cố vấn, trang bị kỹ thuật, kinh tế, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. Tính đến tháng 3-1954, tại Điện Biên Phủ đã có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội máy bay thường trực (14 chiếc). Sau này, trong quá trình chiến dịch, quân Pháp tăng viện thêm 4 tiểu đoàn, 2 đại đội lính dù, tổng cộng có 17 tiểu đoàn, phần lớn đều là lính tinh nhuệ. Ngoài ra, còn có các quân chủng pháo binh, công binh, thiết giáp, phân đội hỏa pháo. Tổng số quân tăng lên hơn 16.000 người và 300 máy bay vận tải tiếp tế, có sự chi viện của không quân Mỹ.
Về phía ta, việc quân Pháp nhảy dù tái chiếm Điện Biên Phủ không làm đảo lộn kế hoạch tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954 của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên các hướng đã được xác định, khối chủ lực vẫn mở các cuộc tiến công đúng như kế hoạch gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại và bị động đối phó. Tại Hội nghị phổ biến nhiệm vụ quân sự và kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 diễn ra cùng thời điểm quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng, “địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là để che chở cho Lai Châu và Thượng Lào bị uy hiếp. Như vậy là bị động phân tán lực lượng để đối phó với ta. Vô luận rồi đây, địch tình thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta”.
Các đòn tiến công chiến lược quan trọng của ta trong Đông Xuân 1953-1954 đã buộc khối cơ động của địch phải phân tán đối phó trên nhiều hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Việt Nam thực hiện trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.
Đóng góp sức người sức của của đồng bào các dân tộc Tây Bắc 
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Tây Bắc đã có những đóng góp đáng kể vào chiến công chung của cả dân tộc ngay trên quê hương mình. Sự đóng góp của đồng bào các dân tộc Tây Bắc với chiến dịch Điện Biên Phủ là hình ảnh đẹp, trong sáng của tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc miền xuôi và miền ngược, tạo nên sức mạnh to lớn, sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc.
Trong chiến dịch Điện Biên phủ, chuẩn bị chiến trường là một hoạt động đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của chiến dịch mà trước hết là khai thông và mở nhiều tuyến đường để cơ động lực lượng, phương tiện chiến đấu, tiếp tế hậu cần, bảo đảm cho mặt trận. 
Tuyến tập kết hậu cần kỹ thuật của chiến dịch Điện Biên Phủ ở xa vùng tự do Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, xa chiến khu Việt Bắc và đồng bào Bắc Bộ từ 500 km đến 700 km. Lên Tây Bắc, Điện Biên Phủ lúc này chỉ có hai con đường: Đường số 41 và Đường số 13. Đó là hai tuyến đường chính dẫn ra mặt trận. Trên hai tuyến ấy đã in dấu tinh thần lao động quên mình của đồng bào Tây Bắc cùng với bộ đội Trung đoàn công binh 151 và hàng nghìn thanh niên xung phong. 
Đồng bào, bộ đội, thanh niên xung phong đã xẻ núi, làm cầu, kè ngầm, phát tuyến trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Tây Bắc - mưa dài, nắng gắt và sự kiểm soát, bắn phá liên tục của các loại máy bay địch. Những cái tên như đèo Lũng Lô, đèo Puốc, Pha Đin, đèo Mèo... là chuỗi thử thách đối với các lực lượng tham gia chiến dịch mà tiên phong là lực lượng làm đường mở tuyến. Tại những nơi này, đồng bào và các lực lượng làm đường đã phải lao động vô cùng vất vả, vật lộn với bao khó khăn thiếu thốn, không kể ngày đêm, nổ mìn, xẻ núi, vận chuyển hàng vạn mét khối đất đá, khẩn trương làm hàng nghìn cầu cống bằng những vật liệu khai thác tại chỗ và sự đóng góp của nhân dân dọc tuyến đường đi qua để thông tuyến kịp thời, đưa xe pháo vào mặt trận đúng kế hoạch. Cùng với đó, bất cứ nơi nào có đường đi qua, đồng bào đều tự nguyện đóng góp tre, gỗ, nứa để chống lầy, chống sụt; làm cầu cống lán trại và các kho trung chuyển hậu cần, kỹ thuật phục vụ cho chiến dịch. 
Không thể không nhắc đến một mạng lưới đường đặc biệt, đó là những con đường nhỏ chạy giữa điệp trùng rừng núi, những "con đường đồng bào", "đường nhân dân". Có thể hình dung trên khắp miền Tây Bắc mạng đường này như chùm rễ cây, tất cả đều hướng về Điện Biên Phủ. Mạng đường độc đáo ấy tạo nên tuyến vận chuyển có hiệu qủa rất lớn bởi nó luồn dưới tán lá rừng điệp trùng, cơ động qua các loại địa hình phức tạp, tránh được sự kiểm soát của không quân địch, lại rất phù hợp với các phương tiện vận tải thô sơ và đôi chân trần của người nông dân Việt Nam. 
Công tác hậu cần là một trong những khó khăn lớn nhất mà ngay từ khi quyết định mở chiến dịch, Trung ương Đảng và Chính phủ đã xác định: "Điện Biên Phủ là nơi xa hậu phương lớn. Để tiến hành chiến dịch, khó khăn lớn nhất của chúng ta là vấn đề cung cấp". 
Khoảng cách từ hậu phương đến tiền tuyến rất lớn, tất cả mọi con đường đều phải vượt qua địa hình rừng núi, phương thức vận chuyển chủ yếu bằng sức người, với phương tiện rất thô sơ và luôn bị không quân địch tìm mọi cách đánh phá ngăn chặn. Vậy nhưng, lửa đạn, gian khổ không ngăn được bước tiến của các đoàn dân công, các đoàn vận tải ngày đêm vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược đến Điện Biên Phủ cho bộ đội đánh giặc. Những đôi bồ trên vai các anh chị dân công, những chiếc gùi hàng của đồng bào Việt Bắc, Tây Bắc, ngựa thồ, xe đạp... vẫn ngày, đêm nối nhau chuyển hàng ra hoả tuyến. 
Đồng bào các dân tộc Tây Bắc vừa là những người tham gia chuyển hàng, vừa là những giao liên thành thạo, luôn có mặt và đi đầu trong các đoàn người ra mặt trận. Họ năng nổ, hăng hái giúp đỡ, chia sẻ những nỗi gian lao vất vả, tận tình với những người anh em ở các miền xa đến tham gia chiến dịch. Trên các con đường nhỏ từ Việt Bắc sang, từ Khu 3, Khu 4 lên, nơi các con đường đi qua, mỗi bản làng của bà con Tây Bắc đều biến thành binh trạm, thành điểm dừng chân, thành các hội điểm giao lưu văn hoá giữa các dân tộc, giữa các vùng miền. 
Đồng bào các dân tộc sống dọc sông Đà, sông Nậm Na - các chi lưu của đầu nguồn sông Mã và các sông suối đã có sự đóng góp cho thắng lợi của chiến dịch theo cách riêng của mình. Trên tuyến đường thuỷ này nhiều bà con đã hiến những con thuyền, những chiếc bè vốn là tài sản duy nhất, là phương tiện, là nguồn sống của gia đình mà không ngại ngần tính toán. Và những kinh nghiệm lướt ghềnh, vượt thác của chính chủ nhân những phương tiện ấy đã góp phần không nhỏ để đưa hàng vạn tấn lương thực, đạn dược, vũ khí vượt qua mọi trắc trở, cập bến an toàn. 
Cùng với việc tích cực vận chuyển từ hậu phương lên, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh khai thác hậu cần tại chỗ. Và đồng bào Tây Bắc đã làm tốt nhiệm vụ này thông qua việc nỗ lực tăng gia sản xuất, đóng góp hàng triệu tấn gạo, thịt, rau cho chiến dịch. Bên cạnh đó, nhân dân Tây Bắc còn chăm lo cho bộ đội từ cái kim sợi chỉ, viên thuốc chữa bệnh và gửi hàng vạn bức thư cổ vũ thăm hỏi chiến sĩ… 
Sự đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc đã góp phần làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. 
Quyết chiến, quyết thắng
Ngày 06-12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh Trần Đình, nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng, Lê Liêm - Chủ nhiệm Chính trị, Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm Cung cấp. Với quyết tâm cao nhất, ta đã dồn hết sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều tầng lớp nhân dân hăng hái lên đường tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ: công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ… 
Đầu tháng 3-1954, thời gian chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với phương châm “đánh chắc, tiến chắc” đã hoàn thành. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có tất cả 49 cứ điểm, được chia làm 3 phân khu. Trên chiến trường, ta mở ba đợt tiến công vào Điện Biên Phủ. Đợt 1 của chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn ngày 13-3-1954, với trận tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam thuộc vòng ngoài Phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Đợt 2 diễn ra ngày 30-3-1954, đánh vào phân khu trung tâm. Đợt 3 chiến dịch diễn ra ngày 01-5 và kết thúc ngày 07-5-1954, đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm chiến đấu, hy sinh, gian khổ, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ tự lực cánh sinh, đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đi vào lịch sử của dân tộc ta như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc.
Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định sức mạnh to lớn của nhân dân Việt Nam. Có thể nói, thực dân pháp và can thiệp Mỹ đã hoàn toàn bất ngờ trước sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, trước việc “Việt Minh” có đủ lương thực và vũ khí để chiến đấu liên tục trong suốt gần hai tháng trên địa bàn hiểm trở, xa hậu cứ trước việc xuất hiện của trọng pháo trên trận địa đỉnh núi…
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn Hội nghị cùng ký Hiệp định Geneva chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược (1945-1954) ở Đông Dương, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng. Hiệp định Geneva đã tạo được cục diện mới, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý rất quan trọng để dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Thanh Huyền (TCCSĐT)

Có thể bạn quan tâm

Họp phiên giải trình giữa hai kỳ họp HĐND TP. Pleiku năm 2024

Họp phiên giải trình giữa hai kỳ họp HĐND TP. Pleiku năm 2024

(GLO)- Chiều 26-3, Thường trực HĐND TP. Pleiku tổ chức phiên giải trình giữa 2 kỳ họp HĐND để làm rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư công nguồn ngân sách trung ương và công tác chuẩn bị đầu tư của một số dự án trọng điểm, chậm tiến độ trên địa bàn thành phố.
Thành phố Pleiku: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết thủ tục hành chính

Thành phố Pleiku: Vẫn còn tình trạng trễ hẹn khi giải quyết thủ tục hành chính

(GLO)-

Ngày 22-3, đoàn giám sát do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai Trương Văn Đạt làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP. Pleiku về việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021-2025.