Trên hòn đảo tiền tiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hòn đảo ấy án ngữ phía biển đông, nơi vọng gác tiền tiêu trong thời chống Mỹ trong những năm tháng gian nan và oai hùng. Bây giờ hòn đảo ấy đã yên bình giữa rì rào sóng vỗ, trở thành đảo ngọc giữa biển trời xanh ngắt.

Sống giữa trập trùng sóng

Hoàng hôn đổ xuống Cồn Cỏ (Quảng Trị) một màu ráng vàng rực rỡ, trời xanh trong và sóng biển rì rào khiến cuộc sống thường nhật trên đảo bình yên đến lạ. Nơi mà ít người biết rằng hơn 66 năm trước, đây cũng là một trong những chiến trường đánh phá trọng điểm của quân địch.

Cổng chào trên đảo Cồn Cỏ
Cổng chào trên đảo Cồn Cỏ

Nhắc đến đảo Cồn Cỏ, người ta không thể quên được quá khứ anh dũng trong những năm chống Mỹ xâm lược. Bao nhiêu bom đạn, chất độc hóa học của máy bay, tàu chiến Mỹ đã ném xuống hòn đảo nhỏ bé này. Cách đây hơn 65 năm, khi Vĩ tuyến 17 chia đôi đất nước, Cồn Cỏ trở thành vọng gác tiền tiêu của miền Bắc XHCN, hậu phương vững chắc của tiền tuyến lớn miền Nam. Đế quốc Mỹ đã tập trung không quân và hải quân bao vây đánh phá, dội hàng nghìn tấn bom đạn các loại xuống đảo hòng san bằng và hủy diệt đảo Cồn Cỏ. Suốt gần 1.500 ngày đêm, quân và dân Cồn Cỏ đã sống và chiến đấu dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Với gần 1.000 trận đánh lớn nhỏ, bộ đội Cồn Cỏ đã bắn rơi 48 máy bay, bắn chìm 17 tàu chiến Mỹ.

Dấu tích những năm tháng gian nan và oai hùng của Cồn Cỏ vẫn còn đây. Đó là hệ thống hào giao thông dài 28 cây số, trận địa pháo, địa đạo Bến Nghè, giếng nước của bộ đội ta và hai trạm xá dã chiến ở trong lòng đất. Với những chiến công to lớn đó, Cồn Cỏ vinh dự hai lần được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 2 Huân chương Độc lập và hàng trăm phần thưởng cao quý khác cùng những thư khen của Bác Hồ.

Đầu tháng 8/2024, Đảng bộ, quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba
Đầu tháng 8/2024, Đảng bộ, quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba

Mấy mươi năm từ khi chiến tranh kết thúc, giữa trong xanh biển trời, Cồn Cỏ hiện lên như một hòn ngọc màu xanh lam hiên ngang giữa biển trời. Hơn thế, trong ký ức của những người đã từng chiến đấu để bảo vệ hòn đảo này, Cồn Cỏ luôn là vọng gác tiền tiêu, là con mắt của đất liền. Mỗi công trình, mỗi ngôi nhà, bến đá... đều là những câu chuyện cảm động của một thời gian khổ nhưng rất đỗi tự hào. Giữ được đảo là cả một quá trình gian khó, nhưng xây dựng đảo ngày càng phát triển hơn cũng là không ít nỗ lực. Cồn Cỏ là một trong 12 huyện đảo của cả nước, nhưng huyện đảo này nhỏ bé hơn về diện tích, ít ỏi hơn về dân cư, khốn khó hơn về kinh tế, eo hẹp hơn về chi phí đầu tư. Nhưng chẳng vì thế mà người dân nơi này lại ít hơn sự nỗ lực.

Giữa trập trùng sóng gió khơi xa, cách đây hơn 20 năm khởi đầu của quá trình dân sự hóa đảo, vào năm 2022 có 43 thanh niên xung phong từ các xã Vĩnh Quang, Vĩnh Giang và Vĩnh Thạch (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) lên tàu ra đảo xây dựng đảo Thanh niên Cồn Cỏ. Những con người ấy giữa đá và sóng nước, giữa cây rừng và mặt trời đã từng ngày một dựng xây cho đảo. Cùng với bộ đội Biên phòng, những người dân đầu tiên của đảo đã đưa vật liệu xây dựng lên bờ, rồi đưa lên xe công nông vận chuyển đến công trình xây dựng với khó khăn trăm bề. Tivi không có, không có sóng di động, điện thoại cố định thì phải gọi qua tổng đài quân sự. Nỗi khó khăn về nước ngọt sinh hoạt cũng là điều không dễ khắc phục. Từ 43 thanh niên ngày ấy, đảo đã dần dần mang thêm nhiều sức sống. Có rất nhiều người vẫn còn ở lại đảo cho đến tận bây giờ như anh Trịnh Việt Cường, hay anh Hiền, chị Ái, chị Quyệt...

Trong số gần 20 nữ thanh niên xung phong ngày đầu, giờ trên đảo chỉ còn chừng 7 chị em, và có 19 hộ gia đình đã sinh sống tại đảo từ những ngày đầu như thế. Cùng với thời gian, một khu làng mới được xây dựng vào năm 2014. Thêm 10 gia đình với 34 nhân khẩu được UBND tỉnh Quảng Trị ký quyết định phê duyệt đưa ra định cư lâu dài tại đảo vào năm 2017. Như loài cây đã bám rễ với đất đảo này, họ đã chứng kiến sự đổi thay từng ngày của hòn đảo, họ không muốn về nữa, dù nhiều người cũng đã có nhà ở trong đất liền.

Hòn đảo yên bình giữa rì rào sóng vỗ, trở thành đảo ngọc giữa biển trời xanh ngắt
Hòn đảo yên bình giữa rì rào sóng vỗ, trở thành đảo ngọc giữa biển trời xanh ngắt

Trong ký ức về đảo, những người như anh Cường, anh Hiền, chị Ái, chị Quyệt đều nhớ về ngày đầu ra đảo với đầy rẫy những gian nan. Xây nhà, gây dựng cuộc sống mới, họ tăng gia sản xuất bằng trồng rau, nuôi gà, lợn… Đảo Cồn Cỏ đã được bồi đắp sức sống từ chính bàn tay, khối óc của nhiều thế hệ người dân trên đảo, trong đó có sự đóng góp không ít của các thế hệ thanh niên xung phong thời kỳ đầu. Và khi đã quen, cuộc sống đã trở nên bình yên hơn với sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền các cấp. Mỗi hộ được giao khuôn viên đất với diện tích 200 mét vuông, bao gồm nhà ở và sân vườn cùng toàn bộ cơ sở hạ tầng kèm theo như đường nội bộ khu dân cư, hệ thống cấp điện, nước theo tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, các hộ dân khi tham gia di cư ra đảo cũng được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian đầu như hỗ trợ bằng tiền 12 tháng lương. Các hộ dân còn được hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như được tư vấn, hỗ trợ xây dựng một số mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện đặc thù của huyện đảo Cồn Cỏ. Được hỗ trợ giống vật nuôi đối với các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản; được vay vốn không tín chấp để phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn đóng mới tàu, nâng cấp tàu để khai thác hải sản xa bờ. Đồng thời, các hộ di dân cũng được hưởng đầy đủ các chính sách về BHYT, hưởng các chính sách của Trung ương và của tỉnh về phát triển thủy sản, an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển kinh tế như đang áp dụng với hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Hòn đảo phía bình minh

Trên đảo Cồn Cỏ bây giờ, một cuộc sống mới đã định hình và bắt đầu phát triển. Những cư dân đầu tiên của đảo, ngoài những công việc cơ bản như hành chính, họ cũng tăng gia sản xuất bằng việc chăn nuôi gia súc gia cầm như gà, vịt, dê... để cải thiện đời sống. Cứ thế, nhiều thêm những thế hệ cư dân đến đảo. Nhiều thế hệ thanh niên xung phong đã bám trụ đảo, làm hồi sinh nơi tiền tiêu Tổ quốc cũng đã tạo điều kiện đi học, về trở thành cán bộ như anh Thánh, chị Duyên, anh Nghĩa, anh Hiển, anh Long. Nhiều người cũng nỗ lực với công tác mặt trận, cán bộ Huyện ủy, Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ…

Nhiều người như chị Ái, chị Quyệt còn mở hàng quán phục vụ người dân và du khách trên đảo. Ngày qua ngày, họ đã từng bước xây dựng đảo sạch đẹp, khang trang. Những ngôi nhà mới được dựng lên, từng hàng cây được trồng thẳng tắp, được chăm chút từng ngày. Những đứa trẻ lần lượt ra đời, níu chân họ gắn bó với hòn đảo nhỏ này. Sau hơn 20 năm, ngoài trường mẫu giáo Hoa Phong Ba, thì lớp tiểu học đầu tiên được khai giảng trên đảo trong năm học 2023 - 2024 đã giúp người dân thỏa nguyện mong ước yên tâm bám đảo, bám biển.

Chị Ái, chị Quyệt là những thế hệ thanh niên xung phong đầu tiên ra đảo, giờ là công nhân môi trường, giữ gìn sự đẹp xanh cho đảo.
Chị Ái, chị Quyệt là những thế hệ thanh niên xung phong đầu tiên ra đảo, giờ là công nhân môi trường, giữ gìn sự đẹp xanh cho đảo.

Năm 2017, đảo đã được cấp điện 24/24 giờ cho các nhu cầu trên đảo và lắp đặt thêm 2 tổ máy với công suất 1.000kVA. Qua đó, tạo bước chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội và nhất là du lịch, cũng như thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và lập dự án du lịch với số vốn hàng nghìn tỷ đồng. Bây giờ, trên hòn đảo này nhộn nhịp khách du lịch qua lại. Hơn 400 nhân khẩu trên đảo hằng ngày với công việc hành chính, cùng với đó là làm dịch vụ du lịch mang lại nguồn thu nhập khá đáng kể. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm. Có hai hãng tàu luân phiên chở hàng trăm du khách và hàng hóa ra đảo Cồn Cỏ, sáng hôm trước đi, sáng hôm sau tàu về lại bờ.

Nhiều mô hình chăn nuôi mới như nuôi cua đá được cư dân trên đảo phát triển. Năm 2004, sau khi huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập, để bảo tồn cua đá đã bị cấm săn bắt và khai thác dưới mọi hình thức. Khi nguồn cung ngoài tự nhiên không được đáp ứng, người dân huyện đảo Cồn Cỏ đã mạnh dạn đưa giống cua đá về nuôi, bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Năm 2016, lãnh đạo huyện đảo Cồn Cỏ tổ chức cho người dân ra Lý Sơn tham quan mô hình nuôi cua đá thương phẩm như gia đình chị Hoàng Thị Lam (35 tuổi). Nhiều cư dân trên đảo đã học tập và nuôi cua đá mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Hiện tại, giá bán ra cho mỗi ký cua đá thành phẩm dao động ở mức trên dưới 1 triệu đồng. Với sản phẩm cua đá độc đáo, trở thành mặt hàng đặc trưng của đảo.

Cua đá mang lại hiệu quả kinh tế ổn định với giá bán dao động ở mức trên dưới 1 triệu đồng
Cua đá mang lại hiệu quả kinh tế ổn định với giá bán dao động ở mức trên dưới 1 triệu đồng

Ông Trịnh Việt Cường, Phó chánh Văn phòng Huyện ủy Cồn Cỏ chia sẻ, với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, năm 2024, Cồn Cỏ phấn đấu thu hút khoảng 9.500-10.000 lượt khách du lịch. Doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt khoảng 15 tỷ đồng. Thời gian qua, để tiếp tục triển khai thực hiện hoạt động du lịch đến với Cồn Cỏ, UBND huyện đảo Cồn Cỏ đã chủ động bố trí kinh phí để xây dựng Nhà truyền thống (giai đoạn 2); cải tạo, nâng cấp Bến Nghè và các điểm tham quan du lịch; phục dựng Đài quan sát Thái Văn A; trang trí đèn Led khu vực cột cờ và các tuyến đường trung tâm tạo thêm điểm nhấn phục vụ khách tham quan, chụp ảnh. Hoàn thiện Khu trung tâm TDTT đa chức năng huyện đảo Cồn Cỏ.

Với số vốn gần 1.500 tỷ đồng, nhiều công trình thiết yếu được đầu tư như cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, kè chống xói lở bảo vệ đảo, hệ thống điện, nước, giao thông, tàu cao tốc. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tạo điều kiện và khuyến khích các hộ gia đình đầu tư, sửa chữa, trang bị thêm cơ sở vật chất nâng cao chất lượng các dịch vụ như: đầu tư xe điện, sửa chữa nhà nghỉ, homestay, nâng cấp nhà hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Với nhiều nỗ lực, đầu tháng 8/2024, Đảng bộ, quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Kiên cường dưới mưa bom kẻ thù trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cồn Cỏ hôm nay đang vươn mình, dần trở thành vùng động lực phát triển du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây. Bây giờ, khi hoàng hôn buông xuống, hòn đảo lung linh ánh điện như ngàn sao tỏa sáng giữa biển đêm. Ở đó, nhiều thế hệ cư dân của đảo và du khách tận hưởng cuộc sống nhẹ nhàng, bình yên đáng mơ ước.

Theo Tiêu Dao - Kim Nga (CANDO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.