Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Do cấu tạo địa chất đặc biệt nên đảo Bé không tích tụ được mạch nước ngầm, người dân trên đảo phải dùng lu, bể... để hứng nước mưa dùng vào sinh hoạt. Hàng trăm năm qua, cộng đồng nhỏ bé hơn 500 người ấy tồn tại giữa biển khơi như một cuộc thi gan cùng tạo hóa.
Du khách thích thú bơi lặn giữa làn nước biển trong xanh ở đảo Bé. Ảnh: N.N

Du khách thích thú bơi lặn giữa làn nước biển trong xanh ở đảo Bé. Ảnh: N.N

An Bình nhưng không bình an

Nằm cách đảo Lớn (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) chừng 3 hải lý (gần 6km) về phía tây bắc, đảo Bé (hay còn gọi là đảo An Bình) có diện tích chừng 0,69km2, dân số khoảng 100 hộ với 500 nhân khẩu sinh sống. Người dân đảo Bé sống chủ yếu bằng nghề trồng hành, tỏi, đánh bắt hải sản.

Năm 2004, đảo Bé được tách ra thành một xã riêng. Thấm thía với sự khắc nghiệt của thiên nhiên suốt mấy trăm năm qua nên người dân đảo Bé đồng lòng đặt tên xã là “An Bình”, với mong ước được bình an. Tuy nhiên, sự khắc nghiệt vẫn còn đó.

Do cấu tạo địa chất đặc biệt nên đảo Bé không tích tụ được mạch nước ngầm, nên người dân trên đảo chỉ biết sống nhờ vào nước trời. Tất cả các mái nhà trên đảo đều biến thành nơi hứng nước mưa dẫn vào các lu, bể... Vào những năm đại hạn, cư dân đảo Bé phải sang đảo Lớn mua từng can nước về dùng.

Đến đảo Bé, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt mọi người là những chiếc lu khổng lồ. Nhà nhà đều có chiếc lu trước nhà để dự trữ nước mưa, hoặc nước ngọt được mua từ đảo Lớn về. Cộng đồng nhỏ bé ấy tồn tại trên hòn đảo nhỏ như một cuộc thi gan với tạo hóa.

Theo các bậc cao niên trên đảo Bé, thì từ gần 200 năm trước, có 4 người ở đảo Lớn qua đây khai khẩn đất hoang, giờ thành 4 tộc họ lớn trên đảo. Người dân đảo Bé đã lập một miếu để thờ 4 vị tiền hiền này.

Để “giải khát” cho cư dân đảo Bé, chính quyền huyện Lý Sơn và cả tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần thuê các đoàn địa chất ra khoan thăm dò, tìm nguồn nước ngọt cho đảo nhưng đều bất thành. Một số nhà địa chất nói thẳng là giờ có xăm nát đảo Bé thì cũng không tìm ra nước ngọt!

Người dân truyền tai nhau lời của các nhà thăm dò địa chất. Đó là đảo Bé thời khai thiên lập địa đã bị vỡ và tách rời ra khỏi đảo Lớn. Chính đảo Bé được “vỡ ra” từ đảo Lớn nên trong lòng của nó bị rỗng, bao nhiêu nước mưa đổ xuống đều trôi tuột ra biển, không đọng lại giọt nào!

Những chiếc lu đựng nước trên đảo Bé. Ảnh: N.N

Những chiếc lu đựng nước trên đảo Bé. Ảnh: N.N

Những giọt nước cuối cùng

Trước tình hình đó, năm 2008 chính quyền đã phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để xây một bể chứa nước có thể chứa hàng trăm khối, nhưng người dân vẫn “khát”.

Theo lời một cư dân trên đảo là ông Nguyễn Đại 52 tuổi, năm 2010 là năm đại hạn của đảo, suốt nhiều tháng không có một giọt mưa, tất cả các lu, bể chứa nước ngọt trên đảo đều cạn kiệt, chính quyền xã An Bình (tức đảo Bé) buộc phải xuất “kho nước dự trữ” cấp cho mỗi nhà 1,5 m3. Dù dùng hết sức tiết kiệm, song chỉ trong vòng 3 ngày, cơn khát trở lại như cũ. Huyện Lý Sơn khi đó phải xuất hàng chục triệu đồng tiền quỹ phòng chống thiên tai để mua nước ngọt “cấp cứu” đảo Bé.

Trước khi nhận số nước “cấp cứu”, người dân đảo Bé cũng đã mót vét những giọt nước cuối cùng trong từng bể chứa. Chưa thấy ở đâu mà nước ngọt trở thành một thứ xa xỉ như ở đảo Bé này. Đã từng trải qua nhiều mùa hạn hán, song ông Đại vẫn không thể hiểu vì sao, năm đó thời tiết lại khắc nghiệt đến vậy.

“Hồi đó, nhiều người quan niệm rằng, thước đo của sự giàu nghèo trên đảo, chính là quy mô từng bể nước của mỗi gia đình. Nhà giàu thì mới xây bể lớn để hứng nước trời, nhà nghèo thì xây bể bé. Quả thực năm đó (2010), bất luận giàu hay nghèo, bể to hay bể nhỏ, tất cả đều ngửa cổ kêu trời”, ông Đại kể.

Nguồn nước trời chủ yếu dùng để nấu nướng. Còn tắm rửa thì ra biển nhúng nước rồi về nhà đứng trong cái thau xối lại ít gáo nước ngọt cho trôi đi muối mặn để bớt ngứa ngáy. Nước trong chiếc thau đó được sử dụng để tưới cây sau vườn nhà.

Trẻ con phải đứng tắm trong thau để tận dụng nước. Ảnh: Phạm Đương (chụp năm 2010)

Trẻ con phải đứng tắm trong thau để tận dụng nước. Ảnh: Phạm Đương (chụp năm 2010)

Giải cơn “khát”

Năm 2012, Công ty Công nghiệp tàu thủy Doosan Vina (có nhà máy tại Khu Kinh tế Dung Quất) đã tặng cho đảo Bé một nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt trị giá trên 20 tỷ đồng, công suất 200 m3/ngày. Tuy nhiên, thực tế nhà máy này cũng chỉ cung cấp được khoảng 30 - 40 m3 nước ngọt/ngày.

Đến tháng 3/2020, ba xã của huyện Lý Sơn là An Hải, An Vĩnh và An Bình bị xóa tên, Lý Sơn chỉ còn một đơn vị hành chính cấp huyện. Vì không còn xã An Bình nữa nên huyện Lý Sơn giao nhà máy nước cho Đội Quản lý trật tự xây dựng - Đô thị và môi trường trực tiếp quản lý, điều hành hơn 4 năm qua. Vì hoạt động trong môi trường nước biển, lại không được tu bổ, sửa chữa thường xuyên nên hai tổ máy của nhà máy này bị xuống cấp, hư hỏng. Đến tháng 9/2023, nhà máy chính thức ngừng hoạt động. Dân đảo Bé lại quay về thời kỳ hứng nước mưa tích trữ và mua nước ngọt từ đảo Lớn sang với giá từ 180 - 250 ngàn đồng/m3.

Bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, từ ngày nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt đi vào hoạt động đã cung cấp được phần nào nhu cầu sử dụng nước ngọt cho người dân trên đảo. Tuy nhiên nhà máy thường xuyên bị trục trặc, việc cung cấp nước hay bị gián đoạn, nhất là vào mùa khô, người dân phải mua nước từ đảo Lớn sang với giá rất cao. Sắp tới, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm phương án cung cấp nước, không chỉ phục vụ cho hơn 100 hộ dân đảo Bé, mà còn đáp ứng nhu cầu của hàng ngàn khách du lịch thăm đảo.

Mới đây, huyện Lý Sơn đã trích kinh phí địa phương, phối hợp với Công ty Doosan Vina sửa lại số máy móc bị hỏng hóc. Đến nay, nhà máy nước đã hoạt động trở lại, dù nguồn nước ngọt không dồi dào nhưng cũng tạm đủ để người dân sinh hoạt hàng ngày. Bà Nguyễn Thị Bông, cư dân của đảo cho biết, mỗi nhân khẩu được cung cấp 2 m3/tháng với giá hỗ trợ là 8.500 đồng/m3. Do điều kiện khắc nghiệt, nhu cầu sử dụng và phục vụ khách du lịch cao, nhà máy chỉ đáp ứng một phần nên nếu ai dùng vượt quá số quy định ấy thì phải chịu giá nước rất cao, khoảng 50.000 đồng/m3.

“Hiện nhà nào cũng vẫn tích trữ nguồn nước mưa trong lu. Bởi, nhà máy hay bị hư hỏng, có lúc ngừng hoạt động cả tháng trời”, bà Bông nói.

Dù khát nước, nhưng lượng du khách ra đảo Bé ngày càng đông, người dân đảo Bé cũng thạo dần với việc làm du lịch. Khu vực quanh bãi tắm, những chòi bằng lá dừa đơn sơ để che nắng được dựng lên. Dân đảo cho thuê áo phao, kính lặn biển, dịch vụ tắm nước ngọt... Dưới những ghềnh đá, nhiều người tận dụng làm nơi phục vụ du khách nghỉ ngơi và thưởng thức các món hải sản do tự mình nướng lấy. Chỉ có điều một phần không nhỏ doanh thu từ du lịch được bà con dùng để sang đảo bên… mua nước!

Theo Nguyễn Ngọc (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Sau những gian hàng lồng đèn ồn ào, tấp nập mùa Trung thu là bao năm thao thức thầm lặng của các nghệ nhân, miệt mài, tỉ mỉ với từng công đoạn để thế hệ nào cũng có ký ức đẹp về những đêm trăng vàng với chiếc lồng đèn truyền thống rực rỡ trên tay.
Hồn quê từ những làng nghề - Bài cuối: Ký ức tấm lụa Hạ nuôi người khoa bảng

Hồn quê từ những làng nghề - Bài cuối: Ký ức tấm lụa Hạ nuôi người khoa bảng

Làng khoa bảng Đông Thái (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) từng là mảnh đất nổi tiếng với nghề dệt lụa, sản sinh ra nhiều anh tài nức tiếng thiên hạ. Qua sự chuyển mình của thời gian, nghề dệt lụa đã đi vào dĩ vãng, nhưng con người nơi đây vẫn rong ruổi với “nghề” nuôi người học.
Những quyết sách trên hành trình thế kỷ - Kỳ 2: Chinh phục năng lượng từ… đất trời

Những quyết sách trên hành trình thế kỷ - Kỳ 2: Chinh phục năng lượng từ… đất trời

Thủy lợi Ea Kao, Krông Búk hạ hay Thủy điện Dray H’linh và nhiều công trình trên đường hành tiến chinh phục năng lượng là dấu ấn sinh động của tinh thần dám nghĩ, dám làm; là niềm tự hào về sự chung sức đồng lòng, sáng tạo; sự vĩ đại, phi thường dùng sức người để trị thủy, thu gió, gom nắng.
“Lá lành đùm lá rách”

“Lá lành đùm lá rách”

Các phần quà được đóng gói cẩn thận đã và đang được người dân trên địa bàn tỉnh gửi ra đồng bào các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng của bão lũ. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ai nấy đều mong muốn chia sẻ, cùng đồng bào miền Bắc vượt qua những khó khăn, đau thương.
Di sản của một vị tướng

Di sản của một vị tướng

Hôm qua 12-9-2024, chuyến xe đưa Thiếu tướng Lê Phi Long đi và không về. Chuyến xe đó từng có trong hình dung thấp thỏm của các con ông từ 60 năm trước. Khi ấy, Đại tá Lê Trung Dũng (con trai tướng Long) còn là một đứa trẻ...
Đêm không ngủ ở Làng Nủ

Đêm không ngủ ở Làng Nủ

1 giờ 40 phút ngày 13-9, Hoàng Văn Quyển gọi giật đánh thức tôi dậy. Ngoài trời đang mưa rất to. "Mình di chuyển sang nhà bố em thôi anh. Đang nguy hiểm lắm" - Quyển đưa chiếc áo mưa, rồi cùng vợ và tôi mang theo những thứ cần thiết rồi rời khỏi nhà.
'Đê' mắm giữ bờ

'Đê' mắm giữ bờ

Tháng 7, tháng 8 âm lịch là thời điểm trái mắm già rụng, người dân Cà Mau thường lượm về trồng, sử dụng lưới mành và cọc để giữ trái không bị cuốn trôi. Sau khoảng một năm, cây mắm bắt đầu phát huy hiệu quả trong việc giữ đất.
Thầy tôi

Thầy tôi

Tôi vẫn nhớ như in lời thầy Linh “Phải chấm dấu chấm trên chữ I”, và cố giữ lấy sự ngay thẳng tâm hồn. Cái dấu chấm ấy ngày nay ít còn ai viết, nhưng giọng thầy Linh của tôi vẫn mãi là lời dặn ân cần.