Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ năm 2018 đến nay, 87 chiếc cầu, cống thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư đã đem đến sự đổi thay to lớn ở các buôn làng vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai.

Nhiều chiếc cầu bằng bê tông vững chắc được xây dựng ở vùng khó khăn nhất tỉnh từ Dự án LRAMP đã hiện thực hóa niềm mong mỏi từ bao đời nay của đồng bào Bahnar, Jrai nơi đây.

Bà con không còn thấp thỏm, bất an khi mỗi lần phải đi trên những cây cầu tạm bợ; các địa phương cũng xóa bỏ được thế cô lập về giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

“Đánh thức” vùng khó

Chiếc xe công nông chở những bao lúa no đầy chầm chậm vượt dốc lên cây cầu bê tông vững chắc bắc qua con suối lớn, bỏ lại phía sau là mênh mông ruộng lúa vàng ươm đang vào mùa gặt.

Vui mừng với điều kiện giao thông thuận lợi này, ông Siu Plô (làng A Mơng, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) tươi cười cho hay: Cánh đồng rộng lớn bên kia cầu có diện tích khoảng 100 ha lúa nước và gần 400 ha cà phê, bời lời, mì, cây ăn quả là nơi sản xuất của người dân các làng: Kép 1, Kép 2, A Mơng, Al, Phung, Ia Lôk (xã Ia Mơ Nông), làng Mrông Yố, Bluk Blui (xã Ia Ka, huyện Chư Păh).

“Từ ngày có cầu mới, người dân đi lại thuận tiện, việc vận chuyển nông sản, phân bón đến khu sản xuất cũng đỡ vất vả. Đời sống bà con ngày càng được cải thiện”-ông Plô trò chuyện.

“Nhịp cầu nối những bờ vui” đã tạo điều kiện cho người dân đi lại, sản xuất, vận chuyển hàng hóa nông sản thuận lợi. Ảnh: M.P

“Nhịp cầu nối những bờ vui” đã tạo điều kiện cho người dân đi lại, sản xuất, vận chuyển hàng hóa nông sản thuận lợi. Ảnh: M.P

Nhớ lại cảm giác vừa đi vừa run những lúc qua cầu cũ trước đây, ông Plô kể: Cầu cũ như chiếc răng sắp rụng. Trước đây, mỗi lần đi trên cầu, ai cũng lo sợ. Đã có nhiều trường hợp người dân đi xe máy chở nông sản bị rơi xuống suối, suýt mất mạng. Chưa hết, cầu cũ nằm ở vị trí khá thấp nên mỗi lần mưa lớn là bị ngập sâu. Dòng nước chảy xiết, người dân đi làm về thường phải đứng chờ hàng tiếng đồng hồ.

Từ năm 2018, khi chiếc cầu làng A Mơng hoàn thành vững chãi bắc qua suối thay thế cây cầu cũ rệu rã, xuống cấp nghiêm trọng, người dân ở đây mới thở phào nhẹ nhõm.

Đối với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, sự hiện hữu của cây cầu dân sinh nối đôi bờ chính là nỗi mong chờ lớn nhất. Nhiều “cây cầu dành cho người nghèo” đã xóa đi bao khó khăn, trắc trở về giao thông, giúp đồng bào Jrai, Bahnar có thêm động lực vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no.

Chính vì vậy, sau hơn 4 năm đưa vào sử dụng, cầu Ia Rmok bắc qua sông Ba nối liền 4 xã đặc biệt khó khăn phía Đông của huyện Krông Pa gồm: Krông Năng, Ia Hdreh, Ia Rmok, Chư Drăng với thị trấn Phú Túc đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp đời sống của người dân được nâng lên, nông thôn ngày càng thêm khởi sắc.

Giống như nhiều hộ dân khác, cuộc sống gia đình ông Ksor Thuynh (buôn Ia Klon, xã Ia Rmok) trước đây vô cùng chật vật chỉ vì giao thương cách trở. Mặc dù gia đình có nhiều đất sản xuất nhưng đường sá đi lại khó khăn, nông sản làm ra nếu không bị thương lái ép giá thì chi phí vận chuyển cũng đội lên rất cao. Từ khi có cây cầu kết nối, mọi chuyện đã khác. Ông Thuynh nêu dẫn chứng thực tế: Vụ mùa mới đây, với 2 ha mì và 4 sào lúa vừa được mùa, được giá nên ông thu về hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.

Cây cầu bê tông vững chãi thay thế cầu cũ tạm bợ, bà con xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah) vui mừng, phấn khởi. Ảnh: M.P

Cây cầu bê tông vững chãi thay thế cầu cũ tạm bợ, bà con xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah) vui mừng, phấn khởi. Ảnh: M.P

“Giao thông thuận lợi nên không còn tình trạng nông sản làm ra bị ép giá hoặc không bán được như trước nữa. Người dân trong buôn cũng mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, sử dụng cây-con giống có năng suất, chất lượng cao, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên thu nhập tăng rõ rệt”-ông Thuynh vui mừng nói.

Theo bà Võ Thúy Vân-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rmok: Cùng với hệ thống giao thông kết nối, cầu Ia Rmok đưa vào sử dụng trong niềm vui khôn xiết của người dân ở khu vực này. Đây là cầu dân sinh quy mô nhất cả nước thuộc Dự án LRAMP được xây dựng tại địa bàn các xã đặc biệt khó khăn trong cả nước. Cầu có chiều dài hơn 330 m, rộng 3,5 m, với kinh phí đầu tư hơn 34 tỷ đồng. Càng ý nghĩa hơn khi có khoảng 98,6% dân số tại các xã này là đồng bào Jrai. Từ khi cây cầu được đưa vào sử dụng, hàng ngày, bà con không còn phải đi trên cầu gỗ tạm bợ nguy hiểm, thường bị chia cắt vào mùa mưa lũ.

“Giao thông kết nối đã hỗ trợ địa phương mở rộng giao thương, phát triển thương mại-dịch vụ. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của người dân nên đời sống của bà con từng bước được nâng lên. Việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã cũng một phần nhờ tác động của cây cầu LRAMP ở vùng khó này. Cụ thể, năm 2022, toàn xã có 333 hộ nghèo nhưng đến cuối năm 2023 giảm còn 233 hộ. Năm nay, qua kết quả rà soát sơ bộ thì hiện xã chỉ còn 142 hộ nghèo (chiếm hơn 10,5%). Dự kiến năm 2024, xã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2028”-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rmok thông tin.

Trong khi đó, nhấn mạnh về ý nghĩa của dự án hỗ trợ xây cầu tại địa phương, ông Nguyễn Văn Hiệu-Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông-cho biết: “Cầu dân sinh làng Amơng có ý nghĩa thiết thực, kết nối giữa các khu vực dân cư với vùng sản xuất, nguyên liệu, giúp đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa.

Dự án cầu LRAMP đã hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông khu vực nông thôn, không những tạo thuận lợi cho người dân đi lại mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đảm bảo an toàn giao thông tại vùng khó trên địa bàn”.

Kết nối, tạo động lực phát triển

Hơn 4 năm qua, từ khi có cây cầu bắc qua suối Đak Pơ Pho, anh Đinh Văn Song (thôn 3, xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro) cũng như 70 hộ có đất sản xuất ở bên kia suối không còn phải vất vả vượt dòng nước chảy xiết đến rẫy mỗi ngày.

Anh Song chia sẻ: “Giờ xe ô tô chở hàng hóa, nông sản có thể chạy bon bon trên cầu, dễ dàng kết nối khu dân cư với nơi sản xuất, đến tận nương rẫy. Việc trồng trọt thuận lợi hơn rất nhiều, thương lái không còn lý do để ép giá nông sản. Cây cầu tiếp thêm động lực để bà con vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Cầu Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro) đã kết nối khu dân cư với khu sản xuất, nương rẫy, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Ảnh: M.P

Cầu Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro) đã kết nối khu dân cư với khu sản xuất, nương rẫy, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Ảnh: M.P

Cũng trong năm 2020, cầu dân sinh làng đồng bào dân tộc thiểu số Hrach Kôn (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro) thuộc Dự án LRAMP cũng được bàn giao, đưa vào sử dụng. Ông Khương Đình Huy-Chủ tịch UBND xã-thông tin: Làng Hrach Kôn có 45 hộ, phần đất sản xuất của người dân trên 153 ha ở phía bên kia cầu. Cứ vào mùa mưa, làng thường xuyên bị cô lập bởi dòng suối chia cắt. Nhiều lúc, các cháu học sinh không thể đến trường.

“Công trình đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn của địa phương, đồng thời tạo liên kết giữa các vùng, tạo động lực cho khu vực vùng sâu, vùng xa phát triển”-Chủ tịch UBND xã Chư Krêy phấn khởi nói.

Chia sẻ niềm vui này với người dân, ông Lý Duyên Lộc-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kông Chro-khẳng định: Trong 2 năm (2019-2020), trên địa bàn huyện đã có 6 cây cầu dân sinh thuộc Dự án LRAMP hoàn thành và đưa vào sử dụng với kinh phí hơn 14,3 tỷ đồng.

“Các cây cầu này đã góp phần giải quyết tình trạng cô lập vào mùa mưa lũ, làm thay đổi diện mạo giao thông ở các vùng đặc biệt khó khăn. Những nhịp cầu nối bờ vui giúp người dân vùng khó thuận tiện trong việc đi lại, từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”-ông Lộc nhấn mạnh.

Còn tại huyện Chư Păh, Dự án LRAMP đã đầu tư xây dựng 5 cây cầu, 6 cống với kinh phí gần 15 tỷ đồng. Theo ông Phạm Minh Phụng-Phó Chủ tịch UBND huyện: “Các công trình thuộc Dự án LRAMP không những rút ngắn khoảng cách địa lý giữa các thôn, làng vùng sâu, vùng xa với vùng kinh tế-xã hội phát triển mà còn giảm gánh nặng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng mới các cầu dân sinh vốn đã xuống cấp, hư hỏng nặng”.

Tại huyện Krông Pa, cầu Ia Rmok đã rút ngắn quãng đường từ hơn 10 km xuống còn gần 2 km, kết nối các xã phía Đông sông Ba như: Ia Rmok, Ia Hdreh, Krông Năng với quốc lộ 25 và đường Trường Sơn Đông, tạo điều kiện phát triển giao thương, tiếp cận với các dịch vụ về y tế, giáo dục.

Cùng với cầu Ia Rmok, Dự án LRAMP còn đầu tư làm 4 cây cầu dân sinh khác như: cầu Blúk (xã Phú Cần); cầu Chư Tê, Ơi Kia 1, Ơi Kia 2 (xã Ia Rsai) và 1 cống hộp ở xã Ia Mlah với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Đây đều là những công trình nằm trên tuyến giao thông quan trọng nối trung tâm các xã với các buôn làng vùng khó, qua đó giải quyết được nhu cầu cấp bách trong vấn đề đi lại, trao đổi hàng hóa.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-nhấn mạnh: “Từ nhiều năm nay, việc lồng ghép các nguồn lực của trung ương, tỉnh, trong đó có nguồn Dự án LRAMP huyện ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, góp phần gia tăng tính kết nối, thúc đẩy giao thương, hạn chế việc thương lái ép giá nông sản, tạo động lực cho các thôn, làng vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế. Giao thông kết nối, giao thương phát triển giúp đời sống bà con từng bước cải thiện”.

Có thể bạn quan tâm

Người dân làng Kon Ktonh chuẩn bị vật lễ trước khi thực hiện các phần nghi lễ Tết ăn con dúi của cộng đồng làng. Ảnh: M.N

Tết ăn con dúi ở Kon Pne

(GLO)- Khi những ruộng lúa bắt đầu trổ đòng, rẫy mì lên xanh mởn thì cũng là lúc đồng bào Bahnar ở xã Kon Pne (huyện Kbang) tất bật chuẩn bị Tết ăn con dúi để cầu Yàng phù hộ cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

(GLO)- Sau ngày giải phóng, tỉnh Gia Lai nói chung và các vùng căn cứ cách mạng nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với truyền thống anh hùng cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế, bộ mặt nông thôn các xã vùng căn cứ cách mạng đã có bước khởi sắc đáng ghi nhận.

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

(GLO)- Sự hiện hữu của những cây cầu, cống thuộc Dự án LRAMP đã giúp các địa phương trong tỉnh giải quyết một phần “bài toán” về giao thông. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn còn nhiều điểm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang rất cần được tiếp sức từ những “nhịp cầu lòng dân”.

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

(GLO)- Ngày 12-5-1970, du kích người Jrai Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay trực thăng khiến hàng chục binh sĩ cấp cao của quân đội Mỹ thiệt mạng. Vậy, xác chiếc trực thăng ấy bây giờ ở đâu?
Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ cuối: Trở về nối nhịp yêu thương

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai - Kỳ cuối: Trở về nối nhịp yêu thương

(GLO)- Hành trình thắp sáng ước mơ tri thức cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) có sự tham gia của không ít thầy-cô giáo từng lớn lên từ làng. Ý thức mạnh mẽ về giá trị của việc học, họ quyết tâm quay trở về nơi mình bắt đầu để chung tay dìu dắt và lan tỏa tình yêu con chữ.
Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ 2: Người cha đặc biệt của trò nghèo

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai- Kỳ 2: Những người cha đặc biệt của trò nghèo

(GLO)- Không chỉ mang tri thức đến với học sinh, nhiều giáo viên còn chăm lo các em từ bữa ăn sáng, suất học bổng đến hỗ trợ sinh kế, xây dựng nhà ở. Mỗi thầy giáo như một người cha đặc biệt, trở thành điểm tựa yêu thương để trò nghèo kiên trì bám lớp, bám trường.