Những 'bố mẹ nuôi' của chúa sơn lâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Làm “bố mẹ nuôi” của chúa sơn lâm, nhân viên ở Thảo cầm viên Sài Gòn không chỉ chăm sóc, vệ sinh, cho ăn mà họ còn nuôi dưỡng chúng bằng tình yêu thương như những đứa con của mình.

Chăm hổ như chăm con

Bất kể trời nắng hay mưa, ngày thường hay lễ, tết, đúng 6 giờ 30 mỗi ngày, ông Nguyễn Văn Hùng (60 tuổi, nhân viên tổ chăm sóc thú dữ Xí nghiệp động vật thuộc Thảo cầm viên Sài Gòn) bắt đầu công việc của mình. Bước vào khu vực chuồng ép (nơi ăn ngủ của hổ vào ban đêm), ông Hùng quan sát từng đứa “con nuôi” là những chú hổ xem có ăn hết khẩu phần ăn tối hôm trước không, có vui vẻ, hoạt bát không…

Nhân viên chuẩn bị thức ăn cho hổ. Ảnh: U.P
Nhân viên chuẩn bị thức ăn cho hổ. Ảnh: U.P

Sau đó, ông Hùng cẩn thận kiểm tra lại cửa nẻo, chốt khóa một cách chắc chắn rồi bắt đầu dọn dẹp sân chơi. Đây là khu vực chuồng bên ngoài chuồng ép, rộng gần 200m2, được ngăn cách bởi cánh cửa sập. Theo đúng quy trình, không bao giờ hổ và người trực tiếp chăm sóc đồng thời ở cùng trong một chuồng. Khi hổ ở chuồng ép thì người chăm sóc dọn dẹp sân chơi và ngược lại. Ở từng khu vực, ông Hùng đều quét dọn sạch sẽ, khử khuẩn, thay nước mới… nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho những đứa “con nuôi” của mình.

Những “cha mẹ nuôi” của hổ tại Thảo cầm viên Sài Gòn. Ảnh: U.P
Những “cha mẹ nuôi” của hổ tại Thảo cầm viên Sài Gòn. Ảnh: U.P

Tầm 8 giờ, những chú hổ đã yên vị ở sân chơi, chào đón du khách đến tham quan. Ở đây, mỗi chú hổ đều được đặt tên như Xám, Mi, Bình, Dương… Cô nàng Mi nằm khoan khoái giữa sân và chơi đùa trong nắng sớm. Lúc này, ông Hùng cũng chăm chú quan sát từng “bạn” hổ, chỉ cần một biểu hiện “hắt hơi, sổ mũi” đều được phát hiện ngay. Ông Hùng nói rằng, quan sát hành vi, biểu hiện của hổ là một những “nghiệp vụ” mà ông Hùng cũng như các nhân viên chăm sóc thú phải thực hiện hàng ngày để kiểm tra sức khỏe của chúng. “Người ngoài nhìn vào sẽ không biết nhưng với chúng tôi, một chút thay đổi cũng đủ để nhận ra ngay. Chúng tôi quan sát chúng từng ngày, từng giờ, chỉ cần một thay đổi nhỏ bên ngoài sẽ xử lý kịp thời” - Ông Hùng nói.

Ông Hùng nhớ lại những ngày đầu được phân về khu chăm sóc hổ, chỉ nghe tiếng gầm gừ, nhìn hàm răng nhọn hoắt của chúng là thót tim. Tuy nhiên chỉ sau thời gian ngắn, được những người đi trước chỉ dạy về từng đặc tính của loài vật này, cộng với việc hổ dần quen hơi nên ông Hùng bớt sợ. Đến giờ ông Hùng và những chú hổ đã trở nên thân thuộc, nên ngay cả khi ông không mặc đồng phục nhân viên chăm sóc thú, các bạn hổ vẫn nhận ra ông.

Ông Hùng còn trở thành “cha nuôi”, chăm bẵm từ khi mới lọt lòng hai bé hổ Bình và Dương. Đôi mắt ánh lên niềm vui khi nhắc đến hai "con nuôi”, ông Hùng nói rằng, hai anh em được sinh ra cùng một thời điểm nên giống nhau về ngoại hình, vóc dáng, vì vậy sẽ rất khó phân biệt. Tuy nhiên, đối với người “cha nuôi” này, chuyện nhận ra đâu là Bình, đâu là Dương một cách dễ dàng. “Ở khuỷu chân trước bên phải của bé Dương có một hoa văn hình mặt trăng lưỡi liềm, đây là dấu hiệu không bao giờ thay đổi được; còn bé Bình thì không có” - Ông Hùng cho biết.

Hai bé hổ Bình và Dương có giấy khai sinh tại Thảo cầm viên. Ảnh: U.P
Hai bé hổ Bình và Dương có giấy khai sinh tại Thảo cầm viên. Ảnh: U.P

Theo những công nhân ở Thảo cầm viên Sài Gòn, để trở thành nhân viên vườn thú, vấn đề bằng cấp hay kinh nghiệm tuy quan trọng nhưng không phải là yêu cầu bắt buộc. Trên thực tế, nhiều nhân viên đến với công việc này xuất phát từ tình yêu động vật, đam mê với nghề. Sau quá trình công tác được tập huấn nghiệp vụ, học hỏi từ những người đi trước và trở thành những người chăm sóc thú dày dạn kinh nghiệm, có kiến thức sâu về thú.

“Đọc” được hổ

Chúng tôi theo chân ông Mai Khắc Trung Trực, Giám đốc Xí nghiệp động vật Thảo cầm viên Sài Gòn đến khu vực chế biến để nhận thức ăn cho hổ. Tại đây, khẩu phần ăn cho hổ đã được chuẩn bị sẵn sàng. Những tảng thịt tươi lớn được nhân viên cắt nhỏ, sau đó cho vào ống hoặc hộp giấy, treo lên cao để tập thói quen săn mồi của hổ.

Ông Trực cho biết, tầm 14 giờ hổ sẽ được cho ăn. Khẩu phần cho mỗi con hổ khoảng 5kg thịt, gồm các loại như gà, trâu, bò, heo... Trong một tuần, hổ sẽ phải nhịn đói một ngày nhằm kích thích đường tiêu hóa và khơi dậy sự thèm ăn.

Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì bởi thuần hóa một loài thú không đơn giản chỉ làm trong ngày một, ngày hai mà thậm chí thời gian có thể tính bằng năm. “Thời gian tôi ở sở thú nhiều hơn ở bên gia đình, tôi coi đây như là ngôi nhà thứ hai của mình. Mỗi lúc rảnh tay, tôi hay ngồi lại để ngắm nghía “đứa con” mình chăm bẵm”.

Chị Nguyễn Phạm Minh Phương, Tổ trưởng tổ thú dữ được coi là “bà vú” của bầy hổ. Hàng ngày, chị quan sát màu lông, da, cơ bắp của chúng để đoán bệnh. Song song với các bữa ăn, hổ còn được bổ sung các loại vitamin A, B, D và E để lông đẹp, cơ bắp săn chắc.

Hiện Thảo cầm viên Sài Gòn đang nuôi dưỡng 8 cá thể hổ, bao gồm hổ Đông Dương, hổ Bengal, hổ Bengal trắng. Với các nhân viên tổ chăm sóc thú dữ, số thú ăn thịt từ tự nhiên về đều giữ bản tính hoang dã, người nuôi phải “đọc” được những cử chỉ, hành động bản năng và trạng thái sức khỏe của nó. Đơn cử với hổ, sư tử, nếu phân của chúng bị nát hoặc quá cứng, có màu khác lạ thì sẽ có vấn đề về đường ruột; dáng đi uể oải, điệu bộ ủ rũ, mệt mỏi; mắt không sắc, mũi có nước hoặc khô quá thì chứng tỏ đang bệnh. Khi đó cần phải tiến hành khám và trị bệnh dứt điểm ngay...

Để chăm sóc thú nuôi thật tốt, ông Trực cho biết, Thảo cầm viên Sài Gòn tuân thủ chặt chẽ các quy trình chăm sóc thú. Cụ thể, đối với những bệnh liên quan đến bệnh truyền nhiễm của thú họ mèo, họ chó, vắc-xin dại, đơn vị tiêm loại tích hợp phòng nhiều loại bệnh trong một mũi tiêm và tiêm hàng năm. Bên cạnh đó cũng kiểm tra ký sinh trùng, xổ giun cho hổ và nhiều loại thú khác. Thức ăn thì lấy từ nhà chế biến và công ty cung cấp có kiểm dịch, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Về quy trình chăm sóc động vật, ông Trực nói rằng, không chỉ hổ mà các loài động vật khác đều phải tuân thủ theo quy trình. Nhân viên chăm sóc mỗi năm đều được tập huấn về an toàn lao động, an toàn sức khỏe cho người chăm sóc và động vật. Đặc biệt là các cách xử lý tình huống khẩn cấp. “Công ty có trang bị đủ bảo hộ lao động cho người lao động, đảm bảo an toàn trong làm việc như quần áo, ủng, khẩu trang đeo khi vào chuồng thú. Ngoài ra chúng tôi có quy trình sát trùng chuồng định kỳ, sát trùng đường đi, khuôn viên trước và sau lễ. Ở cổng bảo vệ cũng có bình sát trùng để sát trùng xe đơn vị, đối tác, đảm bảo không mang mầm bệnh bên ngoài vào Thảo cầm viên” - ông Trực cho biết.

Cũng theo ông Trực, hổ ở Thảo cầm viên thường có tuổi thọ lớn hơn ngoài môi trường tự nhiên. Khi tới giai đoạn già thì ăn ít và sức khỏe kém rồi mất, chứ không bị dịch bệnh.

Theo Uyên Phương (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.