Làng Việt Nam: Làng cát Bình Dương và 'Vườn Mẹ'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam có một ngôi làng đặc biệt. Sau này gọi là xã nhưng với tôi, gọi là làng nghe thân thiết hơn. Đó là làng cát trắng Bình Dương, trong và sau chiến tranh chống Mỹ đã 3 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng.

Tôi có may mắn, trong mùa hè năm 1983 được cùng các nhà văn ở Hội Nhà văn Việt Nam đi thực tế ở địa bàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng hồi đó.

Chuyến đi thực tế trải dài và rộng ở nhiều huyện trong tỉnh, nhưng vẫn có những điểm nhấn mà các nhà văn nhất thiết phải đến để thấy nhân dân mình đã sống, chiến đấu, hy sinh và quyết sống còn như thế nào.

Làng Bình Dương của huyện Thăng Bình chính là một trong mấy điểm nhấn ấy mà chúng tôi đã được đến. Chuyến đi thực tế do nhà văn Nguyên Ngọc lúc ấy là Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam đứng ra tổ chức, được sự ủng hộ hết mình của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Cây dương thần, một biểu tượng của sự gan dạ và sức sống mãnh liệt của người dân xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) trong chiến tranh
Cây dương thần, một biểu tượng của sự gan dạ và sức sống mãnh liệt của người dân xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) trong chiến tranh

Nhóm nhà văn chúng tôi gồm nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn Đoàn Giỏi, nhà thơ Anh Thơ, nhà văn Thái Bá Lợi, nhà phê bình - lý luận Từ Sơn và nhà văn Trung Trung Đỉnh đã được về Bình Dương trong mùa hè nắng nung cát cháy đó.

Bao nhiêu năm đã qua rồi, mà ký ức về Bình Dương vẫn còn khá nguyên vẹn trong tôi. Đó là một ký ức vừa nặng trĩu, vừa dữ dội, lại vừa chói sáng, cứ như chúng tôi đang đi về một vùng đất hoàn toàn khác lạ, dù vùng cát trắng Bình Dương vẫn thân gần với những người đã từng qua chiến tranh, từng đi kháng chiến như chúng tôi.

Nhớ những buổi trưa hè cả nhóm chúng tôi đi bộ từ thôn này sang thôn khác trong làng, tìm đến các nhà dân, các gia đình có người từng đi du kích để thăm và hỏi chuyện. Những chuyện hồi chiến tranh do người Bình Dương kể một cách thật thà khiến chúng tôi như choáng váng. Vì ít ai dám nghĩ một làng vùng cát trắng nghèo khổ lại phải chịu đựng sự hủy diệt kinh khủng đến như thế.

Điều lạ lùng nhất, là trong đau thương, người Bình Dương vẫn đứng vững, du kích vẫn chiến đấu, những người mẹ người chị vẫn bảo bọc và tiếp sức cho chồng con mình. Rồi những hy sinh vẫn ập đến hàng ngày.

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại tỉnh Quảng Nam
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại tỉnh Quảng Nam

Tôi đã từng, sau chiến tranh, vào tháng 3.1976, tới vùng quê Sơn Mỹ của Quảng Ngãi, ở hằng tháng với bà con mới từ các vùng ấp chiến lược hay lẩn lút trong những "vùng oanh kích tự do" trở về. Bao nhiêu là khổ cực, vất vả. Ký ức chiến tranh, ký ức về cuộc thảm sát 504 người dân Sơn Mỹ tháng 3 năm 1968 cứ trở về bất cứ lúc nào.

Trong trường ca Trẻ con ở Sơn Mỹ, tôi viết sau đó một năm, có đoạn về những người du kích Sơn Mỹ, mà tôi thấy trùng hợp với những người du kích ở Bình Dương:

trải qua rét buốt lửa nồng

gia tài còn vẹn tấm lòng ấy thôi

những người mọc thẳng giữa đời

như rừng dương chắn ngang trời cát bay

những người bền tựa rễ cây

luồn trong đất đá cánh tay trụi trần

họ dò tới những mạch ngầm bí mật

đã nuôi được xương rồng trên trảng cát

với xương rồng, họ tìm cách nở hoa

Vâng, sau tất cả những hy sinh mất mát đau thương, thì cốt lõi vẫn là "với xương rồng, họ tìm cách nở hoa". Phải nở hoa bằng bất cứ giá nào. Họ đã đi tới ngày chiến thắng, ngày Hòa bình - Thống nhất bằng chính lời thề ấy.

Bây giờ, sau tất cả mọi điều, thì dự án "Vườn Mẹ" mà anh Phan Đức Nhạn, một người con Bình Dương, một người có cha là Chủ tịch huyện Thăng Bình thời kháng chiến chống Pháp, có mẹ là liệt sĩ và là bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có 4 người hy sinh trong chiến tranh, đã quyết theo đuổi dự án này từ nhiều năm nay.

Anh Phan Đức Nhạn thuyết minh cho tôi nghe, rằng thì nơi ấy, nơi đã hai lần được phong anh hùng trong chiến tranh, một lần sau chiến tranh, sẽ có bao nhiêu trái quả ngọt lành, bao nhiêu rau xanh mướt mát từ bàn tay mẹ, mà mỗi luống hành, cọng rau, quả bí, trái bầu…sẽ mang nặng lòng biết ơn với Mẹ, được chưng cất từ lòng Mẹ, cùng bao vất vả lo toan của mỗi người dân Bình Dương hôm nay.

"Vườn Mẹ", còn một ý tưởng nào yêu thương hơn, còn lòng biết ơn nào sâu nặng hơn khi những đứa con hợp sức vun xới ngay trên mảnh đất Bình Dương đau thương và anh hùng này một khu vườn. Không phải là "vườn thượng uyển", mà là "Vườn Mẹ" với rau quả, với xương rồng nở hoa, với những bờ dương ngăn chắn cát, với những hồ chứa nước cho mùa khô, với tất cả những gì mà mẹ chúng ta, những bà mẹ anh hùng đã dày công vun xới ngay từ những tháng ngày khốc liệt nhất trong chiến tranh.

Đó như một bảo tàng của lòng biết ơn, lại như một quyển sách xanh mà mọi người có thể lật giở từng trang để không bao giờ lãng quên quá khứ, không bao giờ nguôi nhớ những người mẹ đã hy sinh tất cả, đã nếm trải quá nhiều đau thương mất mát.

Như những cây xương rồng trên cát, người Bình Dương đã quyết "nở hoa", đã quyết sống. Đó là một ý chí sống mà không kẻ thù nào hiểu được, dập xóa được.

Và tôi tin, dự án "Vườn Mẹ" sẽ thành hiện thực trong một ngày không xa nữa. Ngày ấy, tất cả chúng ta sẽ cùng có mặt trên vùng cát cháy nay đã bật sáng những nụ chồi xanh tươi của cuộc sống, sẽ vươn cao lên những hàng dương của lòng biết ơn và ý chí quyết sống.

Phải quyết sống còn để có được hạnh phúc, đó là Bình Dương. Đó là Sơn Mỹ. Đó là Việt Nam. Có một bài thơ tôi viết tháng 3.1976 ở Sơn Mỹ, mà tôi muốn kính tặng cho Sơn Mỹ và Bình Dương, hai ngôi làng đau thương và anh hùng:

NGHĨA LÝ Ở TÚP LỀU TRỤ BÁM

Cây cần vọt múc nắng trưa

mát êm lòng giếng lá dừa nghiêng qua

bóng dừa năm ấy rất xa

tôi nghe trong cát bỗng nhòa tiếng ai!

…nền nhà lăn lóc vỏ chai

trống hoang cái gió búi gai xương rồng

ngó về đồng ráng mênh mông

ai ăn đọt ráng giữ lòng trước sau

những đời những lớp đất sâu

nào chua nào mặn biết đâu đáy cùng

mà lòng giếng cứ nước trong

khơi khơi cát trắng xương rồng đỏ hoa

con về cơn gió thoảng qua

ở bao nhiêu bão mái nhà mẹ đây

trước nhà vẫn mấy luống khoai

giếng trong múc hết lại đầy, con ơi

hồn nhiên mắt mẹ ngấn cười

túp lều chật gió khôn nguôi đêm ngày

cúi đầu khi bước vào đây

những người chưa sống một giây cúi đầu

áo mẹ rách tóc ngả màu

cho con nghĩa lý trời cao nắng dài

bữa thường ăn mắm ăn khoai

bàn chân lỳ cát, bờ vai chai đòn

mẹ phần con cả nước non

vào phên cửa hẹp mất còn những ai

giếng sâu thì nối dây dài

mẹ nối con với ngày mai đang thành

nghĩa từ vách đất mái tranh

đứng qua bom lửa biết mình thực hư

nghĩa từ một rá khoai khô

mẹ giành nuôi những cơn mơ suốt đời

những cơn mơ vốn ít lời

mẹ trao ngấn sáng giọt cười cho con

Theo Thanh Thảo (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Tự hào là mảnh đất “phên dậu” của đất nước, nơi có các di tích lịch sử oai hùng như: Pháo đài Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị cùng các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) trỗi mình sau cuộc chiến biên giới 1979, trở thành điểm đến của du khách muôn phương.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

…Từ Nam Sudan, đất nước vẫn còn non trẻ và đầy rẫy bất ổn này, chúng tôi thấy những gam màu ảm đạm: màu vàng của sa mạc, màu nâu của bùn đất, màu đen của những khẩu súng và đặc biệt là hình ảnh vô cùng đáng thương của những đứa trẻ chăn bò.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.