Ký ức... lụt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm nay miền Bắc gặp đại họa bởi cơn cuồng phong mang tên Yagi tàn phá và gây ngập lụt nhiều tỉnh, thành phố.

Chiều ngày 9/9, nghe thông báo nước lũ đã lên gần mức báo động 3 và cầu Long Biên đã bị cấm toàn bộ người và phương tiện qua lại, tôi lững thững đi lên cây cầu hơn trăm năm tuổi và nhìn dòng sông Hồng mênh mông, nước chảy cuồn cuộn, cuốn theo không biết bao nhiêu rác rưởi của tự nhiên và rác do con người thải ra.

Nhìn và ngẫm, lũ năm nay chưa là gì so với lũ năm 1971. Khi đứng trên cầu Long Biên, kỷ niệm mà tôi không thể nào quên được về những trận lũ lụt ngày xưa bỗng ùa về.

1. Trung tuần tháng 8/1971, khi ấy tôi đang học lớp 9, đã chứng kiến những trận mưa dai dẳng kéo dài cả chục ngày, nước sông các tỉnh phía Bắc dâng cao khủng khiếp. Nước sông Hồng tại khu vực Hà Nội đã vượt báo động III đến 2,8m. Đứng trên đê Yên Phụ, thấy nước đã lên mấp mé con chạch trên mặt đê - nghĩa là có thể thò chân xuống rửa được. Còn trên cầu Long Biên, nước đã gần như xăm xắp mặt cầu.

Trong trận lũ năm 1971, ngành giao thông đã điều cả một đoàn tàu chở đầy đá hộc để ém trên cầu Long Biên vì sợ trôi cầu. Ảnh tư liệu TTXVN.

Trong trận lũ năm 1971, ngành giao thông đã điều cả một đoàn tàu chở đầy đá hộc để ém trên cầu Long Biên vì sợ trôi cầu. Ảnh tư liệu TTXVN.

Sợ cầu trôi, người ta đã phải dùng cả đoàn tàu hỏa dài hàng chục toa, trên đó chất đầy đá hộc để làm cầu tăng thêm sức nặng. Còn trên đoạn đê từ Nhật Tân lên giáp Chèm, hàng đoàn xe lội nước của bộ đội cũng chất đầy đá hộc đứng trên đê. Đám học sinh lớp 9 chúng tôi được huy động lên mặt đê để canh gác, cứ 20m có một đứa. Chúng tôi cứ đứng trên đấy và lâu lâu dòm xuống chân đê xem có chỗ nào rỉ nước không. Đứng suốt từ sáng đến trưa thì được bồi dưỡng một cái bánh mì 225 gram. Ngày ấy được ăn cả một cái bánh mì là sung sướng lắm rồi!

Cho đến bây giờ, khi hàng chục năm trôi qua, cứ nhắc tới bánh mì mùa lụt ấy, tôi lại như ngửi thấy mùi thơm của chiếc bánh. Rồi, liên tiếp những tin vỡ đê ở Hà Tây, Hà Bắc, Hải Hưng, Vĩnh Phú... dồn dập báo về. Chấn động nhất là vỡ đê Cống Thôn ở huyện Gia Lâm (Hà Nội)... Để hàn đê Cống Thôn, người ta phải đưa các sà lan chở đá đến và đánh chìm tại chỗ... Rồi lại được biết rằng, bộ đội phải dùng máy bay trực thăng đi thả bánh mì cứu đói cho dân.

Sau này, một số tài liệu viết rằng đây là cơn lũ lớn nhất trong vòng hơn 250 năm qua ở miền Bắc, gây nhiều tổn thất về người vượt quá sức tưởng tượng. Trận lũ năm 1971 được liệt kê trong danh sách các trận lụt lớn nhất thế kỷ XX của Cơ quan Quản trị hải dương và khí tượng Mỹ. Lũ năm 1971 đứng thứ hai sau trận lụt năm 1931 ở sông Dương Tử, Trung Quốc. Tác động của trận lũ khiến 13 tỉnh, thành phố phía Bắc vỡ đê lớn. Ngày 19/8/1971, nước lũ tràn vỡ các đê ở hạ lưu sông Lô, sông Đà và tả ngạn sông Hồng thuộc huyện Vĩnh Tường, đê bối Thanh Trì phía hữu ngạn sông Hồng.

Đến ngày 20/8, đê Lâm Thao bị vỡ. Sang ngày 21/8, đến lượt đê Vĩnh Lại và đê Cao Xá vỡ. Các tỉnh có đê bị vỡ trong trận lụt lịch sử này đã huy động lực lượng, tổ chức hàn lại hệ thống đê điều. Việc hàn khẩu sử dụng đến 10.000 m3 đá hộc, 1,4 triệu bao tải đay, 34.000 rọ thép và đặc biệt đã phải đánh đắm 19 sà lan (riêng cho đê Nhất Trai). Việc vỡ đê đã gây ngập lụt diện rộng trên khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Lúc ấy, chỉ tính riêng 4 tỉnh Hải Hưng, Hà Bắc, Vĩnh Phú và Hà Tây, trận lụt này đã làm 1.062 xã của 94 huyện với 2,9 triệu hộ gia đình bị ngập lụt nặng, bằng hơn 40% tổng số hộ gia đình.

Theo thời giá năm 1971, tổng thiệt hại phần tài sản nhà nước thuộc Trung ương quản lý là khoảng 44.225.000 đồng, trong đó: về nhà cửa, kho tàng bị ngập và trôi là 120.361 cái; về công nghiệp, khoảng 3.670.000 đồng; về nông nghiệp, khoảng 1.140.100 đồng; về công trình thủy lợi, khoảng 8.884.200 đồng, về giao thông bưu điện khoảng 10.025.000 đồng và nhiều thiệt hại khác...

Ngày ấy, nhà tôi ở bên bờ sông Đáy, đoạn giáp chùa Hương. Nước lũ tràn về làm dòng sông vốn chỉ rộng hơn 100m, phình lên đến nửa km. Bãi Nhãn ở phía trên kia sông, thuộc xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức bị ngập bằng; còn bên xã Hồng Quang nhà tôi, nước tràn lên đến gần sân chùa thôn Bài Lâm.

Lũ cuốn trôi nhà cửa, nhân dân Hoài Đức, Hà Tây (cũ, nay là Hà Nội) làm lán tạm ở trên đê. Ảnh: Trung tâm lưu trữ quốc gia III.

Lũ cuốn trôi nhà cửa, nhân dân Hoài Đức, Hà Tây (cũ, nay là Hà Nội) làm lán tạm ở trên đê. Ảnh: Trung tâm lưu trữ quốc gia III.

Nghe tin vỡ hồ cá Cầu Dậu, hồ cá Quan Sơn ở gần thị trấn Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức, chúng tôi bơi qua sông đi úp cá. Dòng sông mênh mông, nước chảy cuồn cuộn là thế, nhưng chúng tôi chẳng biết sợ là gì... Với cái nơm buộc trên lưng và một đoạn dây thừng nhỏ buộc quanh bụng để xâu cá, chúng tôi đi ngược lên phía trên làng khoảng hơn 1 km rồi bơi sang.

Sở dĩ tôi dám liều như vậy là vì năm tôi học lớp 7, có một đơn vị đặc công nước về làng huấn luyện tân binh. Các chú bộ đội đặc công dạy chúng tôi cách bơi vượt sông khi nước lũ, dạy chúng tôi cách nổi trên mặt nước mà chỉ hở mỗi 2 lỗ mũi, thậm chí ngậm ống sậy để thở. Khi bơi vượt sông, các chú dạy chúng tôi rằng, phải bơi từ từ, thong thả và chỉ được bơi nhái. Khi bơi tuyệt đối không được ngoái đầu nhìn trở lại bờ. Cứ bơi bình tĩnh, khi nào mệt thì thả trôi... Bơi sang bên kia, chúng tôi đi úp cá rồi lại bơi về. Mọi việc cứ đơn giản như không.

2. Một trận lụt nữa mà tôi cũng không thể nào quên là năm 1983. Xin nói thêm rằng, trước khi Nhà máy thủy điện Hòa Bình đi vào hoạt động từ năm 1986 thì năm nào sông Hồng cũng có lũ và ở Hà Nội, báo động lũ cấp 2, cấp 3 là chuyện rất bình thường. Các khu dân cư ở Hàm Tử Quan, Chương Dương Độ, rồi các khu ven sông như An Dương, Phúc Xá, Nhật Tân... có năm nào dân không phải chạy lụt đâu!

Nhân dân ở Gia Lâm (Hà Nội), Hải Dương, Hưng Yên khắc phục khó khăn do lũ làm sạt lở đê. Ảnh: Trung tâm lưu trữ quốc gia III.

Nhân dân ở Gia Lâm (Hà Nội), Hải Dương, Hưng Yên khắc phục khó khăn do lũ làm sạt lở đê. Ảnh: Trung tâm lưu trữ quốc gia III.

Tháng 9/1983, nước lụt to khoảng báo động 3. Tôi là phóng viên Phòng Thời sự Báo CAND, quân của anh Hữu Ước, khi đó là Phó trưởng phòng. Nhà anh Ước ở một khu tập thể tại Hàm Tử Quan. Nước lên nhanh, nhà bị ngập, thế là anh bảo tôi về giúp kê đồ đạc lên cao.

Nhà anh ở chỗ ngập sâu, muốn vào, có đoạn phải bơi. Bơi vào được trong nhà, kê dọn đồ đạc lên cao rồi lại bơi ra. Xong việc, hai anh em đạp xe về chợ Trần Quý Cáp và vào quán... ăn thịt chó. Ăn xong, sờ đến tiền thì cả hai đều không mang. Thế là tôi rút... thẻ nhà báo bọc kỹ trong túi nilon đưa cho ông chủ quán và bảo: “Anh cho em gửi cái thẻ ở đây. Lát nữa em quay lại gửi tiền”. Ông chủ quán nhìn tôi như thằng “trên giời” và hỏi: “Sao quần áo chú ướt lướt thướt thế này?”. Tôi bảo: “Em vừa đi chống lụt ở ngoài sông Hồng về”. Ông ta bảo: “Thôi cứ về đi, khi nào có tiền thì mang ra đây trả, chứ tôi giữ thẻ nhà báo của các chú làm gì”.

Sau này tôi cũng được chứng kiến vài lần nước lên ở sông Hồng, nhưng từ khi Nhà máy thủy điện Hòa Bình đi vào vận hành thì nước sông Hồng chỉ có 1-2 năm lên trên mức báo động 3.

Nước sông Hồng bây giờ cũng không còn đỏ quạch phù sa nữa mà nhiều khi, ngay cả mùa lũ, nước cũng vẫn trong. Dòng sông không có nước lũ nom thật là... buồn tẻ, thiếu sức sống.

Trận lụt ở các tỉnh phía Bắc năm nay đã gây thiệt hại khủng khiếp. Nhưng, nếu như không có Nhà máy thủy điện Sơn La, Nhà máy thủy điện Hòa Bình cắt bớt lũ thì chắc chắn trận lụt năm nay còn lớn hơn rất nhiều so với trận lụt năm 1971 và chưa biết điều gì sẽ xảy ra đối với Thủ đô Hà Nội. Mùa bão lũ năm Giáp Thìn 2024 có lẽ đã qua đỉnh điểm và mong sao cuộc sống, sản xuất sớm trở lại bình thường.

Theo Nguyễn Như Phong (CANDO)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.