Gia Lai: Chủ động ứng phó với mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, thời gian tới, trên địa bàn tỉnh vẫn có mưa cục bộ ở một số khu vực, tiềm ẩn nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất và lũ quét.

Cẩn trọng khi qua các ngầm tràn trong mùa mưa lũ

Ông Nguyễn Văn Huấn-Trưởng phòng Dự báo Khí tượng-Thủy văn (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên) cho biết: Trong 7 ngày qua, tại khu vực Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng có lượng mưa dao động từ 200-300 mm, riêng tại Gia Lai lượng mưa từ 100-200 mm. Hiện nay, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới nên từ ngày 20 đến 23-9 trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục có mưa cục bộ một số khu vực. Độ ẩm trong đất đã bão hòa nên tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất đối với những khu vực sườn dốc. Ngoài ra, đối với các ngầm tràn nước lũ vẫn có thể xảy ra khi có mưa lớn cục bộ nên người dân cần cảnh giác khi qua các ngầm tràn.

Ông Nguyễn Văn Huấn-Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên) theo dõi về tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh.. Ảnh: Lê Nam

Ông Nguyễn Văn Huấn-Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên) theo dõi về tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh.. Ảnh: Lê Nam

Qua rà soát, toàn tỉnh hiện có gần 100 ngầm tràn qua các sông, suối. Khi mưa lớn những khu vực thấp trũng, ngầm tràn hay bị ngập nước tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro cho người dân. Ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ-cho biết: Trên địa bàn huyện có 3 khu vực trũng thấp thường bị ngập lụt khi có mưa lớn gồm: đoạn cống bắc qua suối Ia Kriêng (xã Ia Pnôn), suối Đôi (xã Ia Dom) và ngầm tràn đi qua suối Ia Pnôn (xã Ia Nan). Do đó, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT cùng với các cơ quan liên quan, UBND các xã chủ động triển khai công tác phòng, chống lụt bão. Trong đó, tập trung khắc phục tồn tại trong công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi. Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao về ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... Triển khai lực lượng canh gác ở các ngầm tràn, đường giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết để ngăn không cho người dân đi qua nhằm đảm bảo an toàn. Đồng thời, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố xảy ra.

Ngầm tràn xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa bão.. Ảnh CTV

Ngầm tràn xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa bão.. Ảnh CTV

Tương tự, UBND huyện Ia Pa đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống thiên tai, trong đó, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về ảnh hưởng của mưa lớn, tình hình xả lũ của đập thủy điện An Khê-Ka Nát, thuỷ điện Đăk Pi Hao và công trình thủy lợi Ayun Hạ để chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó. Ông Nguyễn Minh Phương-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: Trong những ngày qua, địa phương cũng đã bố trí lực lượng ứng trực, theo dõi ở các vùng trũng, vùng ven sông, suối và vùng có nguy cơ bị lũ cô lập, ngầm tràn, vùng dễ xảy ra sạt lở đất để chủ động ứng phó. Ngoài ra, cảnh báo cho nhân dân sản xuất ven sông suối đề phòng lũ về, không được bơi lội qua sông, suối, các ngầm tràn bị ngập nước để tránh bị lũ cuốn trôi.

Đập tràn Từ tỉnh lộ 666 đi Bi Giông và Bi Gia (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) bị sạt lở do mưa bão. Ảnh: Hồng Thương

Đập tràn Từ tỉnh lộ 666 đi Bi Giông và Bi Gia (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) bị sạt lở do mưa bão. Ảnh: Hồng Thương

Theo ông Nguyễn Quốc Việt-Chủ tịch UBND xã Pờ Tó: qua rà soát, trên địa bàn xã có có 5 ngầm tràn dễ bị ngập lụt và sạt lở, gồm: Đập tràn suối Bà Đa thuộc tỉnh lộ 666 đoạn đi qua thôn Bi Giông; ngầm tràn thôn Bi Giông đi khu sản xuất; ngầm tràn thôn Bi Gia đi vào khu sản xuất; ngầm tràn thôn Bi Giông đi thôn Bi Gia; ngầm tràn thôn 2 đoạn đi qua thao trường Ban Chỉ huy Quân sự huyện. “Cứ mỗi khi có mưa lớn, xã đều có biển cảnh báo và cử lực lượng trực tại các ngầm tràn để kịp thời cảnh báo đến người dân. Tuy nhiên, xã rất mong các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp đối với đập tràn suối Bà Đa để đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông, nhất là vào các đợt mưa bão”-Chủ tịch UBND xã Pờ Tó thông tin.

Còn ông Trần Văn Đấu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-cho hay: Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thường xuyên theo dõi các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết trên địa bàn để hướng dẫn các xã, thị trấn chủ động ứng phó kịp thời khi xuất hiện mưa lớn hay gió mạnh. Đồng thời, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã cấp cho các xã, thị trấn mỗi địa phương 10 áo phao, 10 phao cứu sinh để phòng ngừa khi có sự cố xảy ra.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã cấp hỗ trợ cho các xã, thị trấn mỗi địa phương 10 áo phao, 10 phao cứu sinh. Ảnh: Lê Nam

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã cấp hỗ trợ cho các xã, thị trấn mỗi địa phương 10 áo phao, 10 phao cứu sinh. Ảnh: Lê Nam

Chủ động ứng phó với thiên tai

Trưởng phòng Dự báo Khí tượng-Thủy văn (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên) thông tin thêm: Từ nay đến cuối năm còn 1-3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, trong đó nhiều khả năng có 1-2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung. Khi những cơn bão ảnh hưởng đến khu vực miền Trung thì các địa phương phía Đông và Đông Nam và trung tâm của tỉnh Gia Lai sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11 trên địa bàn tỉnh nhiều khả năng sẽ xảy ra mưa lớn, dồn dập, mỗi đợt mưa từ 1-3 ngày, với lượng mưa có thể từ 100-200 mm. Ngoài ra, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực ở phía Đông, Đông Nam tỉnh.

“Mùa mưa năm nay có thể kết thúc muộn hơn so với trung bình nhiều năm, trong đó tình hình thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều hơn. Do đó, chúng tôi kiến nghị các Sở, ngành, địa phương cần thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết để có những cảnh báo sớm cho người dân phòng, tránh nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Đồng thời, các ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở đất; chỉ đạo các chủ hồ đập thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm túc quy chế vận hành liên hồ chứa, điều tiết vận hành hợp lý nguồn nước để vừa cắt giảm lũ và đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất. Đối với người dân, cần thường xuyên cập nhật thông tin về thời tiết để triển khai thu hoạch vụ mùa đảm bảo, tránh thiệt hại do thiên tai gây ra”-Trưởng phòng Dự báo Khí tượng-Thủy văn nhấn mạnh.

Qua tổng hợp từ các địa phương ghi nhận thiệt hại do mưa lớn gây ra tại huyện Chư Sê, ước giá trị thiệt hại khoảng 112 triệu đồng. Cụ thể, 1,2 ha lúa chuẩn bị trỗ bông bị ngã đổ; sạt lở lề đường giao thông liên huyện từ xã Bar Măih (huyện Chư Sê) đi xã Đê Ar (huyện Mang Yang) dài khoảng 50m.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Chúc-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh) cho hay: Thời gian qua, tuy các cơn bão không ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Gia Lai nhưng trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Lượng mưa lớn nhất đo được tại các khu vực: Tây-Tây Bắc tỉnh (trạm đập Thủy điện Sê San 3 là 201 mm), Tây Nam tỉnh (trạm Ia Piơr 223 mm); khu vực phía Đông-Đông Bắc tỉnh (trạm xã Đăk Pling 77,6 mm); giữa tỉnh (trạm hồ chứa nước Ia Glai 136 mm); khu vực phía Đông Nam tỉnh (trạm Chư Răng 71,20 mm).

“Mới đây, Ban Chỉ đạo Diễn tập “ĐC-24” tỉnh Gia Lai đã tổ chức đợt diễn tập phòng-chống, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Phòng thủ dân sự) huyện Đức Cơ 2024, nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các cấp, ngành, các lực lượng cùng người dân trong công tác ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ". Ngoài ra, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, đề nghị các địa phương tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai trong các tháng cuối năm 2024”-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm