Vào thủ phủ na xứ Lạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chính thu. Tôi ngược quốc lộ 1A từ thành phố Lạng Sơn trở lại vùng đất Chi Lăng lịch sử. Quê tôi vốn là mảnh đất hiểm trở với dãy núi Kai Kinh sừng sững nhưng lại là thỗ nhưỡng màu mỡ tạo nên những trái na đặc sản nức tiếng.

Chi Lăng là huyện nằm ở phía Nam của tỉnh Lạng sơn, cách trung tâm thành phố khoảng 36km. Địa phương này có 83% diện tích là núi đá vôi và rừng, có đồi, sông suối đan xen thích hợp để gieo trồng, sản xuất cây trái thơm ngon.

Khác biệt

Na được trồng dọc sườn núi và bên sông Thương thơ mộng với trên 2.600 ha. Đây là địa bàn có diện tích na lớn nhất, được coi là thủ phủ na xứ Lạng. Vụ na chính đã kết thúc cách đây gần 2 tháng. Trước đây, mọi người để cho đất nghỉ chờ đến hè sang năm sẽ lại được hái quả. Thế nhưng, bây giờ người dân quê tôi đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, làm nên những trái na trái mùa (hay còn gọi là na rải vụ).

Sản phẩm na rải vụ Chi Lăng Ảnh: DC
Sản phẩm na rải vụ Chi Lăng Ảnh: DC

Ông Lương Đình Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Chi Lăng chia sẻ: Từ tháng 10 đến tháng 12, na rải vụ bắt đầu được thu hoạch. Việc canh tác na rải vụ nhằm giảm gánh nặng tiêu thụ na chính vụ, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Na chính vụ chín tập trung trong vòng 1 tháng, tạo ra áp lực tiêu thụ rất lớn vì quả không để được lâu, khó vận chuyển đi xa nên UBND huyện Chi Lăng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn triển khai một số đề tài nghiên cứu canh tác rải vụ và đề tài sử dụng chế phẩm AVG để kéo dài thời gian chín của quả na. Sau 2 năm nghiên cứu cho kết quả tốt và đã chuyển giao kết quả này đến bà con thực hiện.

“Nhờ phát triển cây na mà nhiều hộ dân đã có thu nhập khá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng mỗi năm. Để khuyến khích người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, địa phương đang tiếp tục hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ”.

Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng

“Na rải vụ, được sản xuất theo quy trình kỹ thuật chuyên biệt nên không chỉ đảm bảo về chất lượng mà còn giữ được năng suất cây trồng. Trong nhiều năm trở lại đây, người dân vùng na đã sử dụng biện pháp thụ phấn hoa nhân tạo, việc làm này phần nào đã giúp na chín đúng thời điểm. Người trồng na đã có chỗ dựa vững chắc để mạnh dạn hơn trong việc nâng chất lượng và hiệu quả quả na Chi Lăng lên một tầm cao mới. Không những vậy, để quả na đặc sản Chi Lăng có thể được bày bán, tiêu thụ tại các siêu thị lớn ở trong nước, hoặc xuất khẩu thì na dai Chi Lăng phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn (VietGAP). Cũng nhờ sự hướng dẫn, giúp sức của nhà khoa học, hiệu quả kinh tế thu được từ việc trồng na rải vụ sẽ cao hơn 20-30% so với na chính vụ”, ông Lương Đình Chung giới thiệu.

Sôi động

Tia nắng vàng mùa thu như rót mật ngọt vào những quả na rải vụ khi người nông dân Chi Lăng lại bước vào mùa thu hoạch mới. Cây na được gieo trồng trên những đỉnh núi có độ cao trên 800m với thung lũng ngút ngàn. Nhiều gia đình những ngày này ở hẳn trên nương na để tiện thu hoạch và chăm sóc cây. Quả na rải vụ cũng như quả chính vụ có vỏ mềm, màu trắng hồng, thịt trắng, ít hạt, ăn ngọt thơm dịu, để được lâu, dễ bóc vỏ. Vì na chín tự nhiên, nên na đặc sản có hương vị và đặc điểm khác biệt so với những giống na ở vùng khác.

Na bay Ảnh: DC
Na bay Ảnh: DC

Không phải tự nhiên mà na Chi Lăng lại trở thành sản phẩm nổi tiếng. Bởi na được trồng trên những vách núi đá vôi cao chót vót, thổ nhưỡng hợp với cây. Khi trái chín, na được bà con hái vào sáng sớm khi vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu xanh vàng, mắt to, các kẽ trắng rộng. Quả na thu hái xong luôn được để ở những nơi râm mát. Để đến tay người tiêu dùng, người nông dân cẩn thận đóng gói, xếp cuống quả na quay xuống dưới, thao tác nhẹ nhàng tránh làm quả na bị thâm đen, mất phấn. Khi vận chuyển người trồng na, đóng thùng đúng cách, tránh va đập mạnh gây tổn thương cho quả.

Do na Chi Lăng được trồng chủ yếu trên vách núi đá cao, người dân địa phương đã chế tạo ra những chiếc ròng rọc (hay còn gọi là hệ thống tời) để thu hoạch na từ trên đỉnh núi xuống. Chiếc ròng rọc này chạy từ trên cao xuống chân núi và ngược lại. Cứ 2 sọt na được đu xuống thì 2 sọt rỗng được ròng rọc đưa lên.

Anh Hoàng Văn Huy, thanh niên trồng na ở thị trấn Chi Lăng chỉ cho xem những “tuyến cáp treo” chuyên chở na trên sườn núi. Anh vui vẻ cho biết, xưa kia khi vận chuyển phân đạm bón cây, thuốc trừ sâu ngược lên đỉnh núi tai mèo gian khổ và khi vào vụ thu hoạch, vận chuyển na xuống núi cũng rất vất vả, nguy hiểm. Đã có những trường hợp trượt chân ngã xuống vực sâu…Từ đó, người dân sáng tạo nên hệ thống ròng rọc. Dụng cụ là hai cái vành xe máy cũ được đóng cố định ở đỉnh núi và chân núi cộng với khoảng 600m dây thép chắc chắn song song nối kín vào hai vành xe máy là có thể vận chuyển hàng tấn na mỗi ngày… Theo anh Huy, bằng hệ thống cáp treo, người trồng na đã chủ động nâng cao giá trị sản xuất, rút ngắn khoảng cách, tiết kiệm thời gian và sức lực của con người. Từ đó, cây na cũng được người dân chăm sóc tốt hơn, sản lượng tăng liên tục.

Ấm no

Chúng tôi ghé vào thăm gia đình anh Triệu Văn Thành, thôn Làng Đồn, xã Chi Lăng khi gia đình đang tất bật chăm sóc vườn na đang ra quả rải vụ. Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật, năm nay gia đình anh có trên 2 ha na cung cấp cho thị trường, ước tính doanh thu từ 50 - 70 triệu đồng. Anh Thành chia sẻ, để trồng thành công na rải vụ vào thời tiết se lạnh, có sương giá nên người trồng na phải lựa chọn những diện tích vườn đồi chủ động được nguồn nước tưới.

Vận chuyển na xuống núi Ảnh: Hoàng Huy
Vận chuyển na xuống núi Ảnh: Hoàng Huy

“Quả na rải vụ có đặc điểm là mọc ra từ thân cây, được hấp thụ nhiều dưỡng chất nên có giá trị dinh dưỡng cao, thơm mùi đặc trưng nên dễ tiêu thụ và được giá cao. Năm nay, giá bán na cao hơn so với năm ngoái, trung bình từ 30.000 - 50.000 đồng/kg; loại quả to đẹp hơn thì 60.000 - 80.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ khá sôi động và ổn định. Nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình tôi cùng bao người dân Chi Lăng ấm no, sung túc hơn”, anh Triệu Văn Thành nói.

Hiện nay, na Chi Lăng lọt vào tốp 50 trái cây đặc sản Việt Nam, được vinh danh Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017, được Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam trao cúp vàng chứng nhận sản phẩm na Chi Lăng trong tốp 10 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2018.

Theo Nguyễn Duy Chiến (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.