Còn lại gì sau bão Yagi?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi cơn bão Yagi quét qua, nhà cửa, đường sá, cầu cống - những gì tưởng chừng kiên cố nhất cũng bị gió bão, mưa lũ cuốn phăng. Xót xa hơn, sự sống - thứ đáng quý nhất cũng bị đánh cắp trong phút chốc.

Sau cơn bão, còn lại những ngổn ngang đổ nát, những tan hoang mất mát, những ám ảnh, nỗi cô đơn cùng cực kéo dài cả cuộc đời. Nhưng, cũng sau cơn bão, may mắn vẫn có sự sống còn sót lại, còn cả tình người ấm áp san sẻ, yêu thương...

Sự sống còn sót lại

Cơn lũ dữ ập xuống thôn Làng Nủ vào sáng 10/9, cuốn theo rất nhiều người dân còn chưa kịp tỉnh giấc sau đêm ngủ. Và, nhiều người trong số đó mãi mãi không bao giờ được đón bình minh nữa. Những người may mắn sống sót nhưng cơ thể bầm giập, tinh thần bị sang chấn, tổn thương nặng nề. Ngay sau cơn lũ, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai để trao quà hỗ trợ của các nhà hảo tâm tới các nạn nhân thiên tai. Thời điểm đó, theo thông tin của bệnh viện đang có 20 bệnh nhân điều trị tại các khoa do bị thương sau bão lũ, trong đó có nhiều người ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh. Nỗi bàng hoàng, đau đớn vẫn vương trên những gương mặt thất thần.

Làng Nủ trở thành bình địa sau cơn lũ dữ ngày 10/9.

Làng Nủ trở thành bình địa sau cơn lũ dữ ngày 10/9.

Trên giường bệnh, anh Nguyễn Văn Thinh, 36 tuổi, đang được bác sĩ chăm sóc vết thương. Cả cơ thể giập nát do bị vùi lấp, va đập khi bị lũ cuốn, giờ băng bó kín. Anh nằm bất động, nhưng hai hàng nước mắt cứ chảy dài trong nỗi đau tận cùng: "Tôi làm gì còn nhà mà ở nữa. Tôi sống với ai nữa bây giờ?". Câu hỏi vô vọng ấy, ai nghe cũng xót xa. Anh Thinh đã mất bố mẹ, mất vợ, 2 con và cả 2 người em trai. Gia đình có 8 người, giờ còn lại mình anh, không nhà cửa, không giấy tờ tùy thân, không tiền bạc. Một con người đơn độc như thế, sẽ sống sao?

Mọi việc chăm sóc anh Thinh hằng ngày nhờ cả vào anh Hoàng Văn Đội là anh rể. Anh Đội kể rằng, sáng 10/9 nghe tin lũ quét, sạt lở nặng, từ bản bên anh liền chạy qua nhà bố mẹ vợ, nhưng thấy không còn một ai mà bủn rủn chân tay. Nhà bố mẹ vợ anh ở đầu bản, nước lũ xộc vào đầu tiên. Lúc đó tất cả mọi người đều ở trong nhà, khi nước ập xuống đã nhấn chìm tất cả. Mãi sau anh mới nghe tin người em vợ là Thinh còn sống sót, nhưng bị thương nặng. Anh Đội vội vã nhờ người khiêng em mình từ trong bản ra đến trung tâm thị trấn để cấp cứu.

"Nghĩ lại, tôi cũng không thể hiểu tại sao lúc đó chúng tôi có thể khiêng cậu Thinh đi bộ suốt quãng đường 25 cây số. Đường trơn tuột, mưa như trút nước, chân bấm chặt xuống đường mà bước. Sợ em tôi không qua khỏi nên tôi không dám dừng lại nghỉ một phút nào. Sau đó, vì em tôi bị đa chấn thương nên phải chuyển ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh", anh Đội nhớ lại.

Chị Nguyễn Thị Kim chấn thương nặng khi bị lũ quét kinh hoàng

Chị Nguyễn Thị Kim chấn thương nặng khi bị lũ quét kinh hoàng

Sau lũ quét, trên những ngọn núi, triền đồi ở các tỉnh Yên Bái, Lào Cai chi chít những điểm sạt lở, nhìn từ trên cao như những vết thương hở trên cơ thể màu xanh. Những vết cào của thiên nhiên và những vết cào trên gương mặt bệnh nhân chúng tôi gặp hôm ấy đầy đau đớn và xót xa. Trong một phòng điều trị ở Khoa Ngoại chấn thương, tiếng bé gái Hà Khánh Nhân (3 tuổi) đang khóc thét vì đau đớn và hoảng loạn sau cuộc vật lộn trong dòng nước xiết. Gương mặt bé sưng húp, đầu băng kín. Ở giường bên cạnh, mẹ của bé là chị Nguyễn Thị Kim (sinh năm 1997) cũng đang gồng mình chịu đau. Theo điều dưỡng Vũ Hồng Giang - Điều dưỡng Trưởng Khoa Ngoại chấn thương, bệnh nhận Kim bị gãy hở xương cánh tay, phải mổ cấp cứu để làm sạch vết thương ngâm trong bùn đất trong thời gian dài có nguy cơ nhiễm trùng rất cao.

Anh Hà Xuân Giang (sinh năm 1992) - bố của bé Nhân bàng hoàng kể lại giây phút đối mặt với lũ: "Khoảng 6 giờ sáng ngày 10/9, cả nhà tôi còn đang ngủ. Tôi bỗng nghe thấy tiếng ù ù từ xa vọng lại liền ra bờ suối xem thế nào. Chuyện có lũ đổ về suối không phải là chuyện lạ ở bản, tôi cũng đã quen. Nhưng, lần này tiếng ù ù mỗi lúc một to, chỉ phút chốc là thấy nước dồn về, tung bọt trắng xóa như sóng thần. Tôi không kịp về nhà nữa, cứ thế cắm đầu chạy khi dòng lũ dồn đuổi phía sau. Đang ở bờ bên kia, nhìn về phía nhà mình thấy tất cả sụp đổ, mất dấu ngôi nhà của chúng tôi. Nghĩ đến vợ con còn ngủ trong nhà, tôi nghĩ nhà tôi không còn ai nữa. Cảm giác tuyệt vọng đến cùng cực".

Anh Giang leo lên đồi, nhìn xuống, cả làng hơn 20 hộ bị san phẳng bởi bùn đất. Không còn cách nào khác, anh vừa đi tìm vợ con, vừa khiêng người bị thương ra đường lớn để đi cấp cứu. 2 tiếng sau, anh nghe tin vợ con còn sống và đã được đưa ra trạm xá. "Khi thấy vợ con, tôi thấy cuộc sống của tôi vẫn còn ánh sáng. Tôi may mắn nhất làng vì còn vợ con", anh Giang bật khóc. Chị Kim cũng nghẹn ngào: "Hai mẹ con còn đang ngủ thì nước ở đâu ộc vào, cuốn mẹ con tôi ra khỏi nhà. Tôi bị văng đi, lộn nhào trong nước, có lúc thoáng thấy con chấp chới mà không có cách nào nắm được tay con. Và rồi, con tôi mắc vào một gốc cây. Bằng sức mạnh nào đó, con bám chặt gốc cây, dù con chỉ là đứa trẻ 3 tuổi. Cách nhau một dòng lũ, tôi nghĩ là chồng tôi đã chết, còn chồng tôi nghĩ là mẹ con tôi không còn. Nhưng, điều kì diệu đã xảy ra".

Chúng tôi đến thăm em Hoàng Gia Bảo (7 tuổi) tại phòng hậu phẫu khi Bảo vừa trải qua đợt phẫu thuật phần mềm trên đầu. Hôm sau, em tiếp tục phải mổ chân. Chị Hoàng Thị Đàn là bác của Bảo nói trong nước mắt: "Bố của bé Bảo là Hoàng Văn Tuân (sinh năm 1987) là em trai của tôi, mẹ của Bảo là Hoàng Thị Quến (sinh năm 1990). Hai em tôi đã bị dòng lũ nhấn chìm. May mắn, anh trai của bé Bảo đi học không ở nhà nên thoát chết. Bảo cũng được người làng cứu kịp thời. Bố mẹ mất rồi, hai anh em từ nay thành mồ côi". Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Hoàng Văn Châu - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai cho biết, Khoa có 6 trường hợp liên quan đến thảm họa thiên tai đều trong tình trạng nặng và phải điều trị lâu dài. Có cháu bé phải đặt ống nội khí quản, thở máy, vỡ xương chậu, xương cột sống, tràn khí màng phổi. Tất cả các trường hợp bệnh nhân do thiên tai thảm họa đã và đang được các bác sĩ quan tâm đặc biệt và tập trung cứu chữa tốt nhất.

Kí ức kinh hãi đeo bám

Tối ngày 9/9, trong câu chuyện với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thu Hà - giáo viên Trường THPT Nguyễn Quang Bích - vẫn còn bàng hoàng. Giọng run run, cô Hà kể rằng đã 11 năm qua, ngày nào cô cũng qua cầu Phong Châu, Phú Thọ dạy học. Cô ở xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, còn trường cô dạy lại ở xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, cách nhau một cây cầu.

Cầu Phong Châu bất ngờ sập đổ ngày 9/9.

Cầu Phong Châu bất ngờ sập đổ ngày 9/9.

Đã 11 năm đi trên cây cầu ấy, quãng đường đã thành quen lắm. Mấy ngày bão, đi qua cầu cũng thấy lũ lên cao, nước cuồn cuộn, cô Hà chỉ nghĩ rằng vài hôm là nước rút. Sáng 9/9, như bao buổi sáng khác, cô qua cầu đến lớp. Khoảng 10 giờ cô nghe tin cây cầu 29 năm tuổi đổ sập mà không có bất cứ một dấu hiệu báo trước nào. Nhìn ảnh 2 nhịp cầu sụp xuống, chìm nghỉm, cảnh tưởng như trong phim, cô Hà rùng mình vì mình đã may mắn thoát lưỡi hái tử thần. Sáng hôm ấy là lần cuối cùng cô đi trên cầu Phong Châu.

"Xót xa vô cùng khi những người dân xấu số đã mất mạng trong tích tắc, thi thể còn nổi chìm trong dòng nước xiết. Rất may, lúc cầu sập không phải là giờ tới lớp hay tan học, nên không có đông học sinh đi trên cầu", cô Hà cho biết. Những ngày qua, đường đến trường với cô Hà và một số đồng nghiệp thực sự khó khăn. Các thầy cô phải đi vòng qua cầu Ngọc Tháp, lên thị xã Phú Thọ sau đó mới vòng về nhà. Trước, qua cầu Phong Châu, quãng đường chỉ khoảng 6 km, nhưng bây giờ cầu sập rồi, thành ra đường xa 40 km.

Một chiếc cầu phao thay thế sẽ được lắp đặt để phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân. Cũng như một thôn Làng Nủ mới đang được khẩn trương dựng lại cách làng cũ khoảng 2 cây số. Nhưng, những kí ức hãi hùng bởi sức tàn phá của thiên tai thì mãi đeo bám trong tâm trí nhiều người.

Anh Hà Xuân Giang cho chúng tôi biết, đã nửa tháng trôi qua từ giây phút kinh hoàng, với những người Làng Nủ còn sót lại vẫn là cảm giác mất mát, tan tác, thẫn thờ. Kí ức kinh hoàng sẽ còn dai dẳng đeo bám họ. Anh luôn nhớ về thôn Làng Nủ bình yên, xinh đẹp nay không còn dấu tích. Từ nay trở đi, Làng Nủ sẽ có một ngày buồn lặng, nghi ngút khói nhang cúng giỗ cho người dân tử nạn trong lũ dữ. Từ nay trở đi, rất nhiều gia đình khuyết thiếu, nhiều đứa trẻ mồ côi. Với các cô giáo ở Trường Mầm non số 1 Phúc Khánh, chiếc bát ăn cơm, chiếc khăn có tên từng em bé, bức tranh mới vẽ, món đồ đang chơi của các con mãi là kí ức nhói đau.

"Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy". Chỉ mong mỏi rằng, với sự đùm bọc, chở che, đắp bù sau những mất mát, những người còn lại sẽ có nghị lực vượt qua ranh giới để cuộc sống dần hồi sinh.

Theo Huyền Châm - Đinh Hiền (CANDO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.