Đò ơi!: Kích hoạt 'kho vàng' sông nước đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

'Trăm năm đành lỗi hẹn hò/ Cây đa bến cũ, con đò khác đưa'. Ngày xưa, bến cũ còn có con đò khác đưa, ngày nay bến cũ và cả con đò đã dần được những cây cầu hiện đại đưa vào quá vãng…

Với hệ thống 23 kênh rạch chằng chịt nên dù có đến 44 cây cầu, địa bàn Q.8 (TP.HCM) hiện vẫn còn 3 bến đò - phà qua kênh Đôi là Phú Định, Rạch Cát Sau và Hội Đồng. Đò ngang vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đi lại của người dân. Những chuyến đò cuối cùng của phố thị vẫn đang miệt mài nối bờ.

Bến tàu Bạch Đằng hiện là bến trung tâm cho các chuyến chở khách và du lịch
Bến tàu Bạch Đằng hiện là bến trung tâm cho các chuyến chở khách và du lịch

Vẫn cần những chuyến đò

Các bến đò thường chỉ 2 bến (từ bờ này qua bờ kia), riêng bến phà Phú Định do nằm ở ngã ba sông nên có đến 3 bến, nối P.16, Q.8 - P.7, Q.8 - chợ đầu mối Bình Điền. Đây là một trong những bến phà quan trọng nhất thành phố, hoạt động 24/7.

Anh Lê Thành Lâm, tiểu thương ở Q.8, cho biết hằng ngày anh đến chợ đầu mối Bình Điền mua hải sản về bán lại. Từ cơ sở ở Q.8 muốn đến chợ đầu mối bằng đường bộ, anh phải đi vòng qua cầu Chà Và mất khoảng 15 km mới tới nơi, 2 lượt đi về mất 30 km và khoảng một tiếng rưỡi chạy xe máy giữa nắng gắt, khói bụi và kẹt xe.

"Tôi và các anh shipper thường chở hàng hóa cồng kềnh mà chạy quãng đường đó thì rất mệt mỏi và cản trở giao thông. Trong khi đó, tình trạng "gần nhà xa ngõ" này hoàn toàn được giải quyết dễ dàng bằng chuyến đò Phú Định", anh Lâm nói.

Một người và xe máy qua đò có giá 3.000 đồng
Một người và xe máy qua đò có giá 3.000 đồng
Bến đò Hội Đồng nằm lọt thỏm cuối con hẻm nhỏ đường Phạm Thế Hiển (Q.8)
Bến đò Hội Đồng nằm lọt thỏm cuối con hẻm nhỏ đường Phạm Thế Hiển (Q.8)

Cách đó không xa, đò Hội Đồng đưa khách qua kênh Đôi, nối liền 2 bên là đường Phạm Thế Hiển và Lưu Hữu Phước. Bến đò nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ đường Phạm Thế Hiển, phải căng mắt mới nhìn thấy tấm biển "Bến đò Hội Đồng" nhỏ xíu.

"Nép xíu anh ơi, cho shipper vô nha. Qua phải chút chị ơi, cản xe của người ta bị kẹt rồi. Dạ 3.000 đồng nghen"… Giữa trưa nắng, ông Thái Văn Quang (57 tuổi) liên tục nhẹ nhàng nhắc khách để đảm bảo an toàn cho những chuyến đò ngang, miệng luôn túc trực nụ cười. Theo ông Quang, khoảng 15 năm trước, cả Q.8 còn đến 28 bến đò ngang. Thời điểm đó vẫn còn những chuyến đò chèo bằng tay người. Nhưng chỉ trong một thập niên, nhiều cây cầu đã bắc qua sông, các bến đò dần giải tỏa.

Bến đò Hội Đồng hoạt động mỗi ngày từ 5 - 22 giờ. Mỗi chuyến đò chỉ chưa tới 5 phút, trong khi nếu đi đường bộ từ đường Phạm Thế Hiển đến đường Lưu Hữu Phước, sẽ phải đi vòng qua cầu Nhị Thiên Đường khoảng 9 km. Với giao thông ùn tắc thường xuyên của Q.8, quãng đường này thật sự tốn thời gian.

Anh Nguyễn Phương Thanh (37 tuổi, nhà ở khu vực cầu Bà Tàng) cho biết: "Tôi chạy xe ôm công nghệ. Mỗi ngày đưa đón khách, tôi đều chọn đò Hội Đồng vì chỉ phải trả 4.000 đồng cho một xe máy và hai người trên xe, lợi hơn chạy đường vòng. Bây giờ trên đò nào cũng có đầy đủ phao nên đi cũng an tâm".

Hiện nay dự án bờ bắc kênh Đôi đang được triển khai và đã giải tỏa gần hết các hộ dân sống ven kênh rạch. Ông Quang bộc bạch: "Tôi không biết mình chạy đò được bao lâu nữa… nhưng cuộc sống phải đi về trước chứ làm sao thụt lùi lại được. Có thêm cầu, người dân đi lại dễ dàng và an toàn hơn".

Áo phao, phao cứu hộ luôn sẵn sàng trên các chuyến đò, phà ở Q.8
Áo phao, phao cứu hộ luôn sẵn sàng trên các chuyến đò, phà ở Q.8
Mua vé lên phà Phú Định
Mua vé lên phà Phú Định

Tiềm năng lớn cho du lịch văn hóa

Trả lời Thanh Niên, một nguyên lãnh đạo phụ trách đô thị cấp quận tại TP.HCM cho biết trong một số trường hợp, xóa bỏ các bến đò ngang chưa chắc là giải pháp tốt nhất. Xây một cây cầu sẽ tốn rất nhiều chi phí như giải phóng mặt bằng, xây dựng… Trong khi đó, giữ lại bến đò ngang và đảm bảo an toàn bằng quản lý sát sao của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn là giải pháp đáng lưu tâm.

"Tại TP.HCM, hình ảnh trên bến dưới thuyền và các con đò sơn màu truyền thống có thể sẽ góp phần làm du lịch TP gây ấn tượng với thế giới", vị lãnh đạo này nói.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến cho rằng hẳn nhiên theo quy luật, phương tiện giao thông hiện đại và tiện lợi hơn sẽ thay thế phương tiện giao thông thô sơ. Tuy nhiên với những bến đò, bến phà lâu năm nhưng phải ngừng hoạt động thì cần có một nghĩa cử nhân văn tỏ sự tri ân tiền nhân, tối thiểu là dựng bảng lưu niệm, ghi lại thời gian hoạt động của bến và người xây dựng. Với các bến gắn với những câu chuyện văn hóa, lịch sử thì cần lập bia hay nhà lưu niệm.

Vốn dĩ, nhiều bến đò nằm gần các di tích đình, chùa, miếu, chợ cổ, ta có thể kết hợp các địa điểm này để làm tour du lịch, văn hóa. Nếu khôi phục được những sinh hoạt sông nước xưa như ghe thuyền đưa đón đám cưới, họp chợ, hát hò, bán hàng bên sông cho du khách thưởng ngoạn thì rất lý thú.

Hành hương bằng đò qua miếu Phù Châu, còn gọi là miếu Nổi ở Q.Gò Vấp, TP.HCM
Hành hương bằng đò qua miếu Phù Châu, còn gọi là miếu Nổi ở Q.Gò Vấp, TP.HCM

Phim Người tình (L'Amant, đạo diễn Jean-Jacques Annaud, 1992) từng sử dụng bến đò ở bán đảo Thanh Đa - Bình Quới để quay cảnh Bắc Mỹ Thuận xưa. Vì thế, cần có cuộc khảo sát liên ngành cấp TP, kết hợp các ngành văn hóa, giao thông vận tải và quy hoạch kiến trúc cùng các khoa Kiến trúc, khoa Lịch sử và Khảo cổ của các trường đại học để có thể quy hoạch bài bản và khả thi; trong đó, phần văn hóa - lịch sử và du lịch là không thể thiếu.

"Ở Singapore và một số nước có Duck tour, du khách đi trên những chiếc xe lội nước Hippo bus có thể vừa đi trên cạn như xe buýt vừa chạy dưới nước như thuyền. Ở nước ta, các công ty du lịch nên tổ chức Duck tour và Hippo bus mà trong các điểm đến có những bến đò xưa sẽ rất hấp dẫn", ông Phúc Tiến đề xuất.

TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, cho biết ở Bangkok (Thái Lan), giao thông đường thủy rất phát triển vì đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân. Ở Paris (Pháp), du lịch trên sông Seine cũng rất hút khách vì phát huy được giá trị di sản văn hóa.

"Phát triển đường sông đầu tiên là phục vụ giao thông và cải tạo môi trường cho người dân TP.HCM, rồi mới đến mục tiêu phục vụ du lịch. Từ đó phát triển các điểm du lịch cộng đồng 2 bên sông rạch", TS Hậu phân tích.

1.000 km sông rạch chờ khai thác

TP.HCM có 110 tuyến sông rạch, tổng chiều dài hơn 1.000 km nhưng chỉ có khoảng 20 tuyến chở khách và du lịch. Hiện có khoảng 15 đơn vị khai thác các tour trên sông như: tuyến Bạch Đằng - Bình Quới, tuyến buýt đường sông số 1 (30 lượt/ngày, 14.000 khách/tháng), tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè… Ngoài ra còn có các tuyến xa hơn như: Bạch Đằng - Củ Chi (thăm địa đạo, khoảng 3.000 khách/tháng), Bạch Đằng - Cần Giờ (khoảng 1.000 khách/tháng)...

Theo Lam Yên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.