Tìm lại tên cho đồng đội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dưới cái nắng oi bức cuối mùa hạ, 3 người cựu chiến binh Sư đoàn 308 vẫn miệt mài đi từng hàng mộ chí tít tắp ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (NTLS Đường 9) để tìm kiếm thông tin về liệt sĩ. Thỉnh thoảng họ dừng lại ở một phần mộ nào đó và trò chuyện với nhau rất lâu.

Cả 3 cựu chiến binh ấy từng tham gia cả 3 chiến dịch khốc liệt - Mậu Thân 1968 ở Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào 1971 và Quảng Trị 1972. Sau giải phóng, chính họ trực tiếp tìm kiếm, cất bốc đồng đội của mình ở cả 3 chiến trường kể trên về chôn cất tại khu vực thuộc NTLS Đường 9 ngày nay.

Những quyển sổ ghi chép và ký ức người lính

3 cựu chiến binh ấy gồm các ông Vũ Viết Nhĩ (sinh năm 1944, trú Sóc Đăng, Đoan Hùng, Phú Thọ), Trần Ngọc Hiền (sinh năm 1954, trú Vũ Bản, Nam Định) và Đỗ Duy Chính (sinh năm 1956, trú Tiên Phượng, Chương Mỹ, Hà Nội). Qua câu chuyện, đây là chuyến thứ hai trong năm, họ đến NTLS Đường 9 để viếng đồng đội và làm một công việc khác cần thiết. “Tôi là trưởng ban liên lạc đoàn công tác tìm kiếm, quy tập liệt sĩ Sư đoàn 308 giai đoạn 1976-1978”, ông Nhĩ giới thiệu với người quản trang và đưa ra một tờ giấy.

Tôi để ý, tờ giấy có triện đỏ, do Trung tá Đặng Văn Thương, Chính ủy, Sư đoàn 308, Quân đoàn 12 ký, gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, với nội dung giới thiệu những người trong ban liên lạc kể trên cùng gia đình các thân nhân liệt sĩ đến viếng các NTLS trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đối chiếu và đề nghị sửa đổi thông tin liệt sĩ. Giấy giới thiệu được lập ngày 29/8/2024 và có giá trị đến ngày 15/9/2024.

Các cựu chiến binh Đỗ Duy Chính, Vũ Viết Nhĩ, Trần Ngọc Hiền trước phần mộ liệt sĩ Bùi Văn Bộ.

Các cựu chiến binh Đỗ Duy Chính, Vũ Viết Nhĩ, Trần Ngọc Hiền trước phần mộ liệt sĩ Bùi Văn Bộ.

Việc vào lại NTLS Đường 9 lần này, 3 cựu chiến binh ấy còn mang theo những quyển sổ ghi chép đặc biệt. Đó chính là danh sách hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 chiến đấu, hy sinh tại 3 chiến trường kể trên, sau đó vào các năm 1976, 1977 và 1978, được các đồng đội trở lại tìm kiếm, cất bốc, đưa vào nghĩa trang của đơn vị tại Đông Hà (Quảng Trị). Cựu chiến binh Vũ Viết Nhĩ cho biết, sở dĩ họ mang theo những quyển sổ này là do khi vào viếng đồng đội, bằng trí nhớ của mình, họ phát hiện có nhiều phần mộ sau khi được di dời từ nghĩa trang của đơn vị vào NTLS Đường 9 cách đó chỉ vài trăm mét đã bị nhầm lẫn thông tin.

Chẳng hạn, trong sổ ghi rõ, liệt sĩ Bùi Văn Bộ, quê quán Vĩnh Tiến, Kim Bôi, Hòa Bình; lính trinh sát Đại đội 20 Sư 308; hy sinh ngày 28/4/1972; mộ ngôi số 1415. Nhưng nay, thông tin bị nhầm lẫn, sai lệch từ tên Bộ sang Bố; quê quán từ Hòa Bình sang Ngũ Hung (Ngũ Hùng), Thanh Niệm (Thanh Miện), Hải Hưng. Cựu chiến binh Trần Ngọc Hiền cho hay, tháng 4/1976, khi cất bốc mộ của liệt sĩ Bộ đưa vào NTLS của đơn vị ở Đông Hà, cựu chiến binh Nguyễn Nam Trung (hiện trú bản Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) lúc đó là chiến sĩ cùng trực tiếp tham gia công việc này, kể lại với ông rằng, vào trưa 28/4/1972, chiến sĩ Bộ khi đang cùng đồng đội quần nhau với địch ở khu vực thôn Tây, sát Chùa Tám Mái, Đông Hà (nay thôn Tây Trì, phường 1, TP Đông Hà) thì bị thương nặng ở vùng bụng và hy sinh. Sau đó, chiến sĩ Bộ được ông Trung cùng đồng đội trực tiếp chôn cất ở khu vực này, nên khi tiến hành cất bốc, ông này nhớ rất rõ vị trí, đồng thời nhớ lúc chôn có ghi tên tuổi, đơn vị, ngày tháng năm hy sinh của đồng đội, cất giữ vào lọ penicillin chôn kèm và còn đục lỗ khắc danh tính liệt sĩ này ở nắp thùng lương khô bằng sắt tây, cùng chôn kèm ở đó.

“Ông Nguyễn Nam Trung còn kể với tôi, đúng 4 giờ kể từ sau khi đồng chí Bộ hy sinh thì Đông Hà được giải phóng. Tôi lúc đó đang tham gia chiến đấu ở khu vực Động Zôn thuộc cao điểm 52 Cam Lộ, Quảng Trị”, cựu chiến binh Trần Ngọc Hiền nhớ lại. Phần mộ của liệt sĩ Bùi Văn Bộ hiện tại ở hàng số 6, số 100, khu Hải Hưng.

Đoạn, cả 3 cựu chiến binh cùng đi đến một phần mộ khác, trên bia có khắc dòng chữ “Liệt sĩ Nguyễn Văn Duyệt” và nói: “Trường hợp này chỉ có họ tên và ngày tháng năm hy sinh, còn các thông tin quan trọng khác không có”. Để tìm kiếm thêm thông tin về liệt sĩ này, họ lật giở quyển sổ mang theo, trên đó có ghi chép rất đầy đủ: “Liệt sĩ Nguyễn Văn Duyệt, sinh năm 1945, quê quán Đan Thượng, Hạ Hòa, Phú Thọ; nhập ngũ tháng 2/1964; đơn vị Sư đoàn 308; hy sinh ngày 1/1/1974 tại chiến trường Đường 9 Nam Lào; số mộ 05-05-36”. Cựu chiến binh Vũ Viết Nhĩ chùng giọng chia sẻ, qua hơn một tuần tìm kiếm, tra cứu, đối chiếu thông tin, chúng tôi phát hiện hơn 80 trường hợp thông tin về liệt sĩ Sư đoàn 308 ở đây trong quá trình được di dời từ điểm cũ đến điểm mới thời điểm năm 1992 đã được ghi lại nhưng thiếu sót, nhầm lẫn, thậm chí bị mất hoàn toàn, rất đáng tiếc.

“Chẳng hạn như trường hợp liệt sĩ Phan Cộng Hòa, hay Quan Văn Đạo”, cựu chiến binh Vũ Viết Nhĩ đơn cử. Cụ thể, trong các quyển sổ với thông tin được viết tay đầy đủ và cẩn thận, hiện vẫn đang được lưu giữ, bảo quản bản gốc tại Ban Chính sách Phòng Chính trị Sư đoàn 308 thì liệt sĩ Phan Cộng Hòa sinh năm 1949, quê quán Chương Xá, Cẩm Khê, Vĩnh Phú; nhập ngũ ngày 20/2/1968, thuộc Trung đoàn Bộ binh 102, Sư đoàn 308; hy sinh ngày 1/7/1968 ở Làng Cát, xã Đakrông, huyện Đakrông, Quảng Trị.

Đáng chú ý, năm 1976, cựu chiến binh Trần Ngọc Hiền lúc đó là chiến sĩ trực tiếp tham gia việc cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ này đưa vào NTLS của đơn vị ở Đông Hà, với danh sách mộ số 72 nhưng nay không thấy tên của liệt sĩ ở NTLS Đường 9. Liệt sĩ Quan Văn Đạo sinh năm 1950, quê quán xóm Chiềng, Bắc Sơn, Phổ Yên, Bắc Thái; nhập ngũ tháng 2/1968; đơn vị Sư đoàn 308; hy sinh ngày 3/2/1971 tại cao điểm 500 thuộc Lào. Năm 1976, mộ của liệt sĩ Đạo được đồng đội sang Lào cất bốc, quy tập vào NTLS của đơn vị ở Đông Hà nhưng nay cũng không thấy tên của liệt sĩ.

Các cựu chiến binh Sư đoàn 308 dâng hương tưởng niệm đồng đội tại Bia tưởng niệm của đơn vị ở Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9.

Các cựu chiến binh Sư đoàn 308 dâng hương tưởng niệm đồng đội tại Bia tưởng niệm của đơn vị ở Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9.

Mong muốn sớm tìm lại thông tin cho liệt sĩ

Theo các cựu chiến binh Sư đoàn 308, trong quá trình tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ của đơn vị để quy vào NTLS ở Đông Hà giai đoạn 1976-1978, thông tin về liệt sĩ được ghi chép rất đầy đủ và cẩn thận tại những quyển sổ hiện vẫn đang được lưu giữ, bảo quản bản gốc tại Ban Chính sách Phòng Chính trị Sư đoàn 308. Cùng với đó, ngay sau mỗi mộ có thông tin được an táng tại đây đều được dựng bia đá khắc ghi đầy đủ những thông tin này. Tuy nhiên, sau này, trong quá trình di dời, bố trí, sắp xếp lại các mộ liệt sĩ này tại NTLS Đường 9, các lực lượng chức năng liên quan đã để xảy ra sự cố đáng tiếc làm mất mát một phần thông tin, ghi chép nhầm lẫn, thậm chí làm mất hoàn toàn thông tin của liệt sĩ.

Cụ thể, theo ghi chép được thống kê trong các quyển sổ kể trên, giai đoạn từ 1976-1978, có trên 3.000 mộ liệt sĩ của Sư đoàn 308 hy sinh tại 3 chiến dịch gồm Mậu Thân 1968 tại Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào 1971 và Quảng Trị 1972 được tìm thấy, cất bốc, quy tập về NTLS này. Trong đó, có 2.825 mộ có đầy đủ tên tuổi, quê quán, đơn vị, ngày tháng năm hy sinh và số mộ. Song, hiện tra cứu, tìm kiếm thông tin này ở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, chỉ có 1.984 mộ.

Với con số này đã bị giảm 841 phần mộ so với 2.825 phần mộ có thông tin đầy đủ kể trên. Ngoài ra, trong số 1.984 phần mộ hiện tại, có rất nhiều phần mộ bị ghi thiếu thông tin, nhầm lẫn và sai lệch so với thông tin gốc; hơn 50 phần mộ khác xảy ra tình trạng cùng một thông tin nhưng được ghi trên 2 ngôi mộ.

Các cựu chiến binh Sư đoàn 308 dẫn chúng tôi đến khu vực NTLS đầu tiên sau giải phóng của đơn vị tại Đông Hà. Đó là khu vực thuộc vùng ven NTLS Đường 9 ngày nay và sát với Quốc lộ 9. Cựu chiến binh Trần Ngọc Hiền cho biết, đây chính là cao điểm 30 nằm về phía Tây Nam Đông Hà. Trong cả 3 chiến dịch Mậu Thân 1968 ở Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào 1971, hay Quảng Trị 1972, nơi đây vừa là vùng đệm, vừa là hướng chính của một trong 3 chiến dịch kể trên.

Đặc biệt, khi chiến dịch Quảng Trị 1972 nổ ra, quân địch ra sức tập hợp lực lượng, vũ khí nhằm chốt chặn, xây dựng cao điểm này thành khu vực cánh gà bất khả xâm phạm án ngữ hướng Đường 9 tiến về Đông Hà, đồng thời yểm trợ đắc lực cho lực lượng bộ binh giao tranh với ta ở cửa ngõ phía Nam Đông Hà vào thị xã Quảng Trị. Quan sát thấy nơi đây hiện vẫn còn những dấu tích chiến tranh, như các lô cốt của địch được xây dựng bằng bê tông cốt thép rất kiên cố.

“Sau giải phóng, khu vực này có dày đặc bom mìn còn sót lại chưa nổ. Để có mặt bằng xây dựng NTLS, các cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 đã phải rất dày công, hết sức kiên trì và cẩn thận dò tìm, tháo gỡ, di chuyển từng quả bom, mìn đến các điểm xử lý, hủy nổ an toàn”, cựu chiến binh Trần Ngọc Hiền khoanh một vòng tay phía trước kể lại. Sau khi dọn sạch bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại, lực lượng của đơn vị tiến hành đào ủi, san lấp tạo thành mặt bằng, rồi thiết kế, xây dựng những hàng mộ khang trang, tít tắp ở đó.

Ngày NTLS này hoàn thành, đơn vị và bà con nhân dân quanh vùng hết sức vui mừng, tổ chức một bữa tiệc có đầy đủ những sản vật hương hỏa của quê hương để cúng, tưởng nhớ, tri ân công lao trời biển của các anh hùng liệt sĩ, cũng là để khánh thành, mừng ngôi nhà mới làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng cho các liệt sĩ vừa được xây dựng thành công.

Trở lại tình trạng các thông tin về liệt sĩ Sư đoàn 308 tại NTLS Đường 9 bị thiếu sót, nhầm lẫn và sai lệch, các cựu chiến binh trên khẳng định, qua đối chiếu với thông tin gốc ở những quyển sổ ghi chép, cộng với trí nhớ của họ về quá trình chiến đấu, tìm kiếm, cất bốc mộ của những liệt sĩ này là hoàn toàn chính xác. Đặc biệt, những quyển sổ ghi chép đó do chính họ trực tiếp thực hiện vào các năm kể trên.

Cụ thể, giai đoạn tìm kiếm, cất bốc, quy tập từ 1976-1977, do ông Trần Ngọc Hiền trực tiếp ghi chép. Còn lại, năm 1978, do ông Bùi Quốc Hiến (sinh năm 1957, trú Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội) trực tiếp thực hiện và ông Hiền lúc đó vẫn là người tổng hợp danh sách. Ngoài ra, ở cả 3 giai đoạn kể trên, ông Vũ Viết Nhĩ vừa tham gia trực tiếp cất bốc và quy tập, vừa chỉ đạo chung các công tác này tại đây. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của các cựu chiến binh này là sớm phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan nhằm tiếp tục đối chiếu, tìm kiếm để chỉnh sửa, bổ sung thông tin đầy đủ cho liệt sĩ, đồng thời kiểm tra, tìm kiếm, liên hệ gia đình các thân nhân để họ sớm được biết.

Cũng trong các chuyến đi vào Quảng Trị, 3 cựu chiến binh Vũ Viết Nhĩ, Trần Ngọc Hiền và Đỗ Duy Chính còn tìm kiếm, xác minh, tra cứu được thông tin về 64 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 chiến đấu, hy sinh trong trận chiến đấu kìm giữ chân địch từ hướng Thừa Thiên Huế tiến đánh tái chiếm thành cổ Quảng Trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, tại khu vực chân cầu Câu Nhi, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng. Sau trận đánh này chỉ có 4 chiến sĩ sống sót, trong đó hiện có cựu chiến binh Nguyễn Kim Văn, sinh sống tại số nhà 24 Nguyễn Tri Phương, phường 4, TP Đông Hà. Số điện thoại của ông Văn 090.3507.609. Từ ngày 21/6 đến nay, đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị đã tìm thấy và cất bốc được 18 hài cốt liệt sĩ kèm nhiều di vật của bộ đội tại khu vực chân cầu này.

Giữa không gian yên ắng của NTLS Đường 9, tôi như nghe rất rõ hơi thở và nhịp tim nóng hổi của các cựu chiến binh Sư đoàn 308. Chuyến trở lại thăm đồng đội lần này, họ mang theo nhiều tâm sự, ước muốn sớm tìm lại được các thông tin để đối chiếu, chỉnh sửa, bổ sung đầy đủ cho các liệt sĩ, cũng như ước muốn về xây dựng một đài tưởng niệm chung cho các liệt sĩ của đơn vị tại đây. Đặc biệt, lần này, cùng họ còn có những người trẻ hiện đang sinh sống, công tác tại Đông Hà, tình nguyện theo hỗ trợ trong những ngày xuôi ngược tìm kiếm, tra cứu các thông tin ấy. Nhìn những con người già, trẻ chậm rãi bước chân giữa những hàng mộ tít tắp ở nghĩa trang, lòng tôi bỗng cảm thấy ấm áp đến lạ. Một sự ấm áp về lòng biết ơn và sống phải biết ơn!

Trao đổi về sự việc, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cho hay, lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên toàn thể đơn vị rất vui mừng khi biết thông tin các cựu chiến binh Sư đoàn 308 lần này vào Quảng Trị còn mang theo nhiều thông tin quý báu. Đặc biệt, việc cung cấp thông tin, tìm kiếm, đối chiếu để chỉnh sửa, bổ sung thông tin còn thiếu, bị nhầm lẫn, sai lệch ở một số phần mộ liệt sĩ Sư đoàn 308 tại NTLS Đường 9 là rất đáng mừng và ghi nhận, tiếp thu thực hiện.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cũng mong muốn, đối với công tác này, rất mong các cơ quan chức năng liên quan, lãnh đạo các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, thành bạn cùng sớm phối hợp để công việc được tiến hành sớm và chính xác nhất.

Theo Thanh Bình (CANDO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.