Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trái tim những người từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia vẫn luôn hướng về vùng đất Đức Cơ-nơi tiễn các anh đi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả và cũng là nơi đón các anh trở về với đất mẹ. Và, ở miền biên viễn này còn có bao đồng đội đang yên giấc vĩnh hằng.

Cũng vì vậy, cuộc hội ngộ của những người lính tình nguyện trong buổi lễ cầu siêu các liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia vừa diễn ra tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ càng xúc động, khắc sâu nghĩa tình thiêng liêng của người lính.

“Như chưa hề có cuộc chia ly”

Trong bài văn tế các liệt sĩ, nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn-cựu lính tình nguyện Việt Nam đã nói hộ tình cảm của bao người lính trở về dành cho đồng đội ngã xuống: “Hỡi linh hồn của những người lính Việt Nam hy sinh tại chiến trường Campuchia, kể từ ngày chúng ta chia tay, không một ngày nào, tháng nào, năm nào, chúng tôi không nhớ đến các anh… Các anh không bao giờ chết, các anh luôn sống trong trái tim chúng tôi, sống ở những miền sâu xa và thiêng liêng nhất trong tâm hồn những người yêu dấu. Các anh là những con người đẹp nhất của gia đình, những chàng trai rạng ngời nhất của thế hệ, những niềm hy vọng lớn lao của đất nước. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, với sứ mệnh cao cả, các anh đã lấy ngực mình che đạn cho Tổ quốc. Và khi nước bạn gặp cơn vận hạn, các anh như những sứ giả anh hùng hy sinh thân mình để giúp dân tộc bạn hồi sinh. Ơn nghĩa này mãi khắc sâu vào đất.

Lễ cầu siêu cho các anh linh liệt sĩ quân tình nguyện chiến trường K và những người đã ngã xuống. Ảnh: Đức Thụy

Lễ cầu siêu cho các anh linh liệt sĩ quân tình nguyện chiến trường K và những người đã ngã xuống. Ảnh: Đức Thụy

Ngày hôm nay, anh em chúng tôi, những đồng đội một thời hội ngộ trên mảnh đất Đức Cơ, dưới bầu trời cao nguyên nắng lửa làm lễ tưởng niệm các anh. Hỡi các anh linh, vong hồn liệt sĩ, chúng tôi sẽ tiếp tục viết tiếp những giấc mơ dang dở của các anh. Chúng tôi sẽ tiếp tục sống những ngày các anh chưa kịp sống. Đất nước Việt Nam đã hòa bình, đất nước Campuchia đã hòa bình. Trên cửa khẩu này năm xưa chúng ta đi qua mịt mù khói lửa, bây giờ đã hòa bình. Nền hòa bình đã đổ bằng bao xương máu của các anh. Hy vọng con cháu chúng ta, con cháu dân tộc Việt Nam-Campuchia sẽ không bao giờ biết đến cuộc chiến tranh nào nữa. Hãy bình yên, hãy ngủ yên những linh hồn bất tử!”.

Thỉnh chuông mở đầu lễ cầu siêu. Ảnh: Hoàng Ngọc

Thỉnh chuông mở đầu lễ cầu siêu. Ảnh: Hoàng Ngọc

Về dự lễ cầu siêu, nhiều người lần đầu tiên gặp lại đồng đội sau hơn 40 năm. Thời gian khiến những mái tóc xanh nay đã điểm thêm bao sợi bạc, nhưng trong trái tim người lính vẫn “như chưa hề có cuộc chia ly”. Những cái ôm, những cái nắm tay thật chặt không thể nói hết cảm xúc và tình cảm của họ dành cho nhau. Có người lính đi giữa những hàng bia mộ, mời đồng đội đang yên giấc ly rượu suông và thầm thì “đồng hương còn nhớ tôi không?”.

Sáng 6-4, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ, Ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Sư đoàn Bộ binh 307 (Mặt trận 579, Quân khu 5) phối hợp với UBND huyện Đức Cơ tổ chức lễ cầu siêu các liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7/1/1979-7/1/2024); hướng tới chào mừng 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) và kỷ niệm 35 năm Ngày quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, rút quân về nước (26/9/1989-26/9/2024).

Một người lính trao tặng lại chiếc ba lô mang về từ chiến trường K. Ảnh: Hoàng Ngọc

Một người lính trao tặng lại chiếc ba lô mang về từ chiến trường K. Ảnh: Hoàng Ngọc

Sau những giây phút vỡ òa trong ngày gặp lại với những đồng đội nhiều chục năm không gặp, ông Trần Trung Xê (hiện sống tại Hội An, tỉnh Quảng Nam) đứng lặng lẽ dưới gốc hoa sứ trắng nói chuyện với những hàng bia mộ không có tên. Ông chia sẻ: “Tôi nhớ ngày đầu tiên đặt chân lên mảnh đất biên giới để sang Campuchia năm 1984, khi ngang qua nghĩa trang liệt sĩ này, cán bộ đại đội nói với chúng tôi: “Mong các đồng chí đi qua rồi đi về, đừng có vô đây!”. Chúng tôi hiểu rằng, nơi này có những đồng đội từ chiến trường K nằm lại. Đợt đó, chúng tôi đi 21 người, nhưng 6 người đã hy sinh. Trước khi được đưa về Nghĩa trang Hội An, các anh đã yên nghỉ ở đây. Sau 40 năm, tôi mới có dịp quay lại vùng đất biên giới này. Không riêng tôi mà tất cả đồng đội đều rất xúc động khi được tham gia lễ cầu siêu cho các liệt sĩ. Các anh ngã xuống đều có cha mẹ, quê hương, gốc gác, nhưng chiến tranh đã cướp mất điều thiêng liêng nhất là tên, tuổi của mình. Rất nhiều ngôi mộ của đồng đội tôi nằm đây vẫn chưa xác định được danh tính. Tôi cũng rất cảm ơn những đồng đội đã có ý tưởng tổ chức lễ cầu siêu để chúng tôi có dịp trở về thăm “đồng hương”-những người còn sống và cả người đang yên giấc nơi này. Đây là tình cảm rất thiêng liêng của người lính dành cho nhau”.

Quang cảnh lễ cầu siêu. Ảnh: Hoàng Ngọc

Quang cảnh lễ cầu siêu. Ảnh: Hoàng Ngọc

Dự lễ cầu siêu còn có rất đông thân nhân các gia đình liệt sĩ. Đó là vợ, con, anh, em… của các liệt sĩ. Những giọt nước mắt không thể kìm lại trong đôi mắt bà Nguyễn Thị Dung (hiện sống tại xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định)-vợ liệt sĩ Đoàn Tấn Mỹ khi chứng kiến nghĩa tình đồng đội dành cho gia đình bà. Bà xúc động bày tỏ: “Tôi như thấy chồng mình chưa hề đi xa, vẫn luôn ở bên cạnh mình trong màu áo xanh bộ đội”. Bà Dung có 1 con gái tên Đoàn Thị Ngọc Trinh với người chồng liệt sĩ. Từ khi chồng hy sinh (năm 1984), bà ở vậy nuôi con. Hiện con gái bà đang sống tại thị xã An Khê nên với bà, vùng đất Gia Lai nhiều ân tình, gắn bó.

Nghĩa tình đồng đội

Mặc cho những trở ngại về khoảng cách địa lý và sức khỏe, nhiều cựu chiến binh vẫn tề tựu về Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ thăm đồng đội. Trong số đó có ông Lê Thái Hà (trú tại phường Bình Định, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), thương binh 1/4. Lặng lẽ chống đôi nạng gỗ đi khắp các dãy mộ, phần lớn là chưa xác minh được tên tuổi, ông thắp từng nén tâm hương thành kính. Trò chuyện với P.V, ông Hà cho hay, ông là cựu lính tình nguyện thuộc Trung đoàn 142, Sư đoàn 315. Nhập ngũ năm 1980, chỉ 1 năm sau, ông bị thương nặng do vướng mìn KP2 của Pol Pot. Tháng 9-1983, ông phục viên trong tình trạng sức khỏe suy giảm đến 91% do mất 2 chân, liệt cánh tay trái, chưa kể mắt trái cũng bị hỏng do cát văng lên khi mìn nổ. Vậy mà, người thương binh ấy vẫn cho rằng mình may mắn và hạnh phúc khi được sống thay đồng đội, xây dựng được một gia đình êm ấm. Ông cho hay: “Do điều kiện kinh tế và sức khỏe hạn chế nên sau hơn 40 năm tôi mới có dịp trở lại Đức Cơ. Mình còn sống đến hôm nay, được về thắp nén hương cho đồng đội đã nằm xuống trước khi về cõi vĩnh hằng là điều rất hạnh phúc”.

Cựu chiến binh Lê Thái Hà chống nạng đến thăm từng ngôi mộ đồng đội. Ảnh: P.D

Cựu chiến binh Lê Thái Hà chống nạng đến thăm từng ngôi mộ đồng đội. Ảnh: P.D

Trong hành trang của các cựu chiến binh tham gia cuộc hội ngộ hiếm hoi này có một số kỷ vật quý giá, được nâng niu, gìn giữ suốt hàng chục năm qua. Cầm trên tay chiếc ba lô đã cũ sờn, rách lỗ chỗ, ông Nguyễn Đình Ngọc (trú tại phường Thạch Than, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng)-nguyên lính trinh sát Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 29, Sư đoàn 307-kể: Năm 1985, thấy ba lô của ông bị rách, đứt dây đeo, phải dùng dây thừng buộc lại, đồng đội ông là trinh sát Trung đoàn 95 đã tặng lại chiếc ba lô cũ khi được nhận quân trang mới. Từ lúc ra quân vào năm 1988 cho đến nay, ông vẫn cất giữ chiếc ba lô ấy cẩn thận như một kỷ vật vô giá của đời lính. Khi biết Ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Sư đoàn Bộ binh 307 mong muốn tập hợp kỷ vật chiến trường để xây dựng một khu trưng bày tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ, ông mang theo để gửi tặng Ban liên lạc.

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Ngọc và kỷ vật chiến trường vô giá. Ảnh: P.D

Cựu chiến binh Nguyễn Đình Ngọc và kỷ vật chiến trường vô giá. Ảnh: P.D

Vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị

Đáng quý là trong cuộc hội ngộ ấm nghĩa đồng đội này còn có sự góp mặt của một số cựu cán bộ Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia (nay là Mặt trận Đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia). Chính vì đề cao tình đồng chí trong một cuộc gặp gỡ hết sức thân tình nên Thống tướng Mat Chia La-Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia chỉ mặc bộ thường phục giản dị, đầu đội chiếc nón tai bèo của Sư đoàn 307. Trong tiếng nhạc trầm hùng của lễ cầu siêu, ông và các cựu lính tình nguyện Việt Nam tay bắt mặt mừng, hàn huyên đủ chuyện. Thống tướng Mat Chia La cho hay: Trong 10 năm quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, ông có 3 năm phối hợp với Sư đoàn 307 để đánh đổ chế độ diệt chủng. “Về tham dự lễ cầu siêu, tôi vô cùng xúc động trước sự hy sinh cao quý của quân tình nguyện Việt Nam, càng xúc động khi được gặp lại những đồng chí, đồng đội đã từng kề vai sát cánh. Cầu mong anh linh các liệt sĩ được siêu thoát, chúng ta ngày càng hiểu biết, gắn bó với nhau và thế hệ sau tiếp tục kế thừa, tiếp nối mối quan hệ truyền thống tốt đẹp này trong tương lai”-Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia nói.

Thống tướng Mat Chia La (bìa phải)-Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia hàn huyên cùng các cựu lính tình nguyện Việt Nam tại lễ cầu siêu. Ảnh: P.D

Thống tướng Mat Chia La (bìa phải)-Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia hàn huyên cùng các cựu lính tình nguyện Việt Nam tại lễ cầu siêu. Ảnh: P.D

Ông Phươn Phang-Đội trưởng môi trường đền Preah Vihear (Vương quốc Campuchia) cũng khiến nhiều người có mặt tại lễ cầu siêu xúc động khi đưa cả gia đình gồm con cháu, dâu rể với tổng cộng 11 người sang dự lễ, trong đó có đứa cháu ngoại mới 3 tuổi. Ông lý giải, điều này thể hiện sự hàm ơn của gia đình mình trước tình nghĩa sâu đậm với người lính quân tình nguyện Việt Nam. Ông Phươn Phang kể, trước kia, nhờ biết tiếng Việt nên ông tham gia lực lượng cách mạng Campuchia với vai trò phiên dịch cho Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 29, Sư đoàn 307) trong quá trình làm nhiệm vụ. Hiện tại, ông là người giữ gìn cảnh quan môi trường cho ngôi đền cổ Preah Vihear. Ông khẳng định, ngôi đền được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới cũng nhờ một phần công sức của quân tình nguyện Việt Nam sát cánh cùng Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia giải phóng, bảo vệ, gìn giữ. “Hôm nay, về lại đây tôi mong muốn được thắp nén hương, được gặp lại những anh em từng cùng chung chiến hào. 40 năm rồi chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau và cũng khó mà có một cuộc hội ngộ nào như thế này nữa”-ông Phươn Phang nói.

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...